-
GIÓ NÚI - Tập truyện của Nguyễn Trọng Hùng
(11/07/2013 07:07:36)
-
Tôi vừa nhận được một ấn phẩm rất đặc biệt do Anh Nguyễn Trọng Hùng, CCB E24 tại Tuyên Quang vừa gởi tặng qua đường bưu điện. Một ấn phẩm trang nhã với độ dày vừa phải - 16 truyên, 260 trang - do NXB Hội Nhà văn ấn hành, Quý III năm 2013. Thật đáng quý và vui mừng biết bao, những người CCB E24 không chỉ chắc tay súng mà còn là những tay viết rất tài hoa trong sáng tác nghệ thuật. Tôi dự định viết bài giới thiệu tập truyện này của anh, song trộm nghĩ: Chẳng cần "khen phò mã tốt áo". Bởi vậy, tôi đăng tải toàn bộ tập truyện này của anh lên website E24, thay cho lời Chúc Mừng một Đứa Con Tinh Thần nữa của anh vừa mới chào đời... (MB)
NGUYỄN TRỌNG HÙNG
Bút danh: nguyễn Trọng Hùng
Sinh năm 1949 tại xã Nam Văn, TP Nam Định, tỉnh Nam Định
Hiện ở 16 Trần Nhân Tông, tổ 4, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
- Bãi cuối sông - Tập truyện ngắn, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tuyên, 1989
- Miền phách tím, miệt tràm xanh - Tập bút ký, NXB Văn hóa dân tộc, 2012
- Vị đời - Tập phóng sự, NXB Thanh niên, 2012
Xin trích đăng truyện "Bến Ngài", một trong những truyện đặc sắc của Nguyễn Trọng Hùng, in ở cuối tập "GIÓ NÚI"
Bến Ngải
Hai năm liền, hễ nước sông xuống là bãi đất thuộc làng Hạ lại thấp thoáng một túp lều. Những ngày thu cuối cùng đi qua được đánh dấu bằng sự đổi thay của bãi đất: dăm khoảnh đã lên luống, lác đác những mầm cây xanh. Khi gió bấc thổi tràn dọc sông thì cả bãi đã um um, túp lều chìm nghỉm trong màu xanh của ngô, của rau đậu.
Năm tiếp đó, bãi đất bị bỏ không. Ông Tráng, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã, cứ đi qua con đường nhìn xuống bãi lại giật mình. Xã quyết định thu lại dải đất, giao cho hợp tác xã. Nhưng hợp tác xã thì trăm công nghìn việc, ai nghĩ đến bãi đất nhỏ cuối sông ấy? Ông Tráng vẫn giật mình đưa mắt về phía bãi, chân vẫn rảo bước. Thoa đâu? Mẹ con cô ta đi đâu?
Sau cái chết của mẹ chồng, không ai ngờ, Thoa sinh thằng Thừa. Thoa bị khai trừ khỏi Đảng, bị mất chân đội trưởng đội 3, rồi cả đến xã viên hợp tác xã cũng mất. Thực ra không ai khai trừ Thoa khỏi hợp tác xã, mà cô không chịu được điều tiếng, không chịu được cái nhục này phải tự tìm đến cái nhục khác. Cái bãi cuối sông thuộc làng Hạ là của cô. Ba mẹ con đóng cửa nhà ra bãi dựng lều, bới đất cát kiếm miếng ăn. Hợp tác xã lờ cho hai năm vì chồng ở chiến trường xa biệt tích đã lâu không tin tức.
Từ ngày Thoa có thằng Thừa, ít khi ông Tráng qua lối nhà cô. Ông có vẻ ngại, nhất là bước qua cái cổng rắc đầy hoa thiên lý. Mấy lần lỡ bước nhưng ông lại giật mình như hôm nay trước bãi đất không. Một làn gió như lùa nước đá vào cổ, vào bộ ngực lép kẹp làm ông so vai, rụt cổ lại y như con cò sắp chết rét giữa ruộng. Xưa nay ông vẫn tự hào về sức khoẻ của mình, một người vô bệnh tật. Song cái tuổi năm mươi đến quá nhanh làm ông ngỡ ngàng. Ông chẳng biết người ta đã chuyển việc gọi ông từ anh sang chú, sang bác đến sang ông từ lúc nào. Hình như từ khi được làm phó chủ nhiệm hợp tác xã, cái tiếng ông kèm trước nó thuận hơn, dễ hơn thì phải. Gọi “bác phó chủ nhiệm” khó hơn “ông”… Nhưng ông đâu đã già? Mới ngày nào công tác ở trạm kiểm lâm ông còn tráng kiện, tán róc không kém bất kỳ tay bẻm mép nào. Ông cho rằng con người, sinh ra hơn con vật ở chỗ nói được thì nói cho vui, sống buồn tẻ rồi cũng đến lúc chết. Có mắt thì nhìn, có tai thì nghe, và có miệng thì ăn, thì nói. Khi bị kỷ luật buộc thôi việc về xã, ông vẫn nhớ đời cái bãi đất nhỏ cuối làng Hạ đã cho ông được ăn cả một bè gỗ và cũng đã chịt miệng ông vì hết cơ để nói. Ông biết mình “chết” cho kẻ khác sống xênh xang hơn. Nhưng rồi đời cũng đãi ông khối thứ, chẳng việc gì phải buồn. Mọi cái có thể bị cuốn trôi qua bãi nhỏ cuối sông, chỉ riêng ông làm cọng rác lọt ở lại với làng Hạ…
Đôi khi ông Tráng ngồi một mình ngắm bộ sa-lông, cái tủ buyp-phê lát, cái đài Sap 6060 và tự chất vấn: Vì sao mình được tín nhiệm mấy khoá liền làm phó chủ nhiệm hợp tác xã? Lần nào ông cũng chỉ thấy có hai lẽ, một là ông giàu, hai là cánh có quyền thế trong xã, trong huyện đều đã cùng “làm ăn” với ông. Hai lẽ đó bổ sung cho nhau, nó củng cố, tăng thêm lực lượng và uy tín cho ông. Những lúc như thế, ông lại thưởng cho mình nụ cười cảm ơn cái bãi đất nhỏ cuối sông…
*
Chuyện ngô khoai và cái lều nhỏ ở bãi ven sông bị lãng quên vào sự tấp nập của bến tàu thuỷ. Bãi đất cũng không còn nguyên dạng cũ. Đã có tới hàng nghìn, hàng vạn lượt bàn chân qua lại, dẫm đạp, đợi chờ ở đấy. Người ta gọi nó là bến Ngải…
Sau giải phóng miền Nam không lâu, Thêm, chồng Thoa về thăm quê nhà bằng lối ấy, cái lối anh không thể ngờ vợ con mình nhờ nó mà sống được qua cơn bĩ cực. Hôm ấy, chính trong ngôi nhà xây có hiên tây sang trọng, ăm ắp các tiện nghi, hàng công nghiệp như cửa hiệu tư, như gian bày hàng mẫu, ông Tráng giật mình trước vẻ chững chạc của Thêm. Cũng phải thôi, ông nghĩ, anh ta là người chiến thắng, một anh hùng trong hàng triệu anh hùng của nhân dân…
- Chào bác! - Tiếng Thêm ấm áp.
Lâu lắm không thấy ai gọi ông là “bác”. Gọi thế nghe nó khách khí, khó chịu và già cỗi còn hơn cả gọi “ông”. Ông Tráng nghĩ thâm, mắt lơ lơ nhìn lên ngôi sao lấp lánh ánh mặt trời trên chiếc mũ cối của Thêm.
- Bác vẫn khoẻ nhỉ? – Thêm hỏi tiếp – Nhà ta đi đâu cả, bác?
Ông Tráng thoáng chút lúng túng, đứng lên định bắt tay Thêm. Song ông vẫn ngồi lau bàn. Cũng là tiện tay chứ bụi đã kịp bám vào cái mặt kính đâu. Nhưng Thêm chủ động đưa tay bắt tay ông. Ông miễn cưỡng và thèn thẹn đứng dậy đặt tay mình áp vào bàn tay cứng như thép của Thêm.
- Hà hà… Anh mới về. Trời đất! Cứ nghĩ… - Ông Tráng lúng túng thật sự. Cái tài tán róc, bốc giời của ông tự dưng biến đâu mất.
Thêm nói chuyện chân tình, vui vẻ. Anh kể về những ngày gian khổ, ác liệt ở chiến trường Tây Nam bộ, ở miền Nam của anh và đồng đội. Chỉ sơ thôi chứ cả chục năm trời đằng đằng, ai gói lại được trong một giờ, một buổi. Anh cũng thú thật, bao điều trông thấy ở miền Bắc, mới chỉ cảm nhận bước đầu đã thấy bộn bề, khó khăn. Nếp sống cũ vẫn hiện hữu, nếp sống mới chưa hình thành. Anh hỏi thăm các cụ thân sinh ông Tráng, nhắc nhớ đến những người đã khuất, đến cái chết của mẹ anh. Anh cảm ơn bà con làng xóm và xúc động về sự tận tâm, hiếu thảo của Thoa với mẹ anh. Không ai nhắc đến chuyện thằng bé Thừa.
- Hàng hoá miền Nam sẵn lắm phải không anh? – Ông Tráng lái sang chuyện khác – Honda nghe đâu tiền mình chỉ có vài nghìn đồng mua được một cái, phải không?
- Hàng sẵn, nhưng…
Thêm bỏ lửng câu. Anh không muốn nói đến hàng hoá, tiền nong. Anh đi bộ đội, đi đánh giặc cứu nước chứ đâu phải đi buôn. Anh về, đâu có gì ngoài cái ba-lô truyền thống, hai bộ quần áo và những thứ thiết yếu với người lính. Anh không có khung xe đạp, không có búp-bê… Đang lúc nói để dịp khác nói chuyện lâu hơn, giờ xin phép ông Tráng về thì hai chị em bé Thừa lôi nhau xềnh xệch ngoài ngõ, vừa cười đùa chúng vừa rối rít gọi:
- Bố ơi! Bố Thêm ơi…
- Bố Thêm ơi về ăn cơm… Bố…
Thêm đón bé Thừa bế vác lên tận vai, dũi mặt mũi vào người vào cổ thằng bé. Cái Thắm, chị bé Thừa bám vào áo bố, chạy theo nhỡ bước líu ríu. Hai chị em cười như nắc nẻ.
*
Làng Hạ có lúc vui đáo để trong sự ngạc nhiên đến lạ lùng của ông Tráng. Ông tròn mắt nhìn bố con Thêm, cố giấu vẻ lo âu âm ỉ dùi vào ruột ông bấy nay…
Chuyện về Thêm ồn lên một dạo ở làng Hạ rồi lắng xuống. Thêm không kiện ai, không hắt hủi người nào, kể cả thằng bé Thừa. Anh cũng không truy bức Thắm. Chính cái sự lạ đó làm mọi người nghi ngờ anh về một “kế hiểm” nào đấy. Nhưng “kế hiểm” không xảy ra, chỉ thấy Thêm về làng vội vã thăm nhà được vài ngày rồi lại vội vã ra bãi Ngải đón tàu ngược lên Tuyên Quang. Anh lên biên giới nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng bộ đội địa phương thuộc huyện Hoàng Su Phì.
Ở làng Hạ, người thương Thoa thì nhiều, nhưng thương bao nhiêu lại trách cô bấy nhiêu. Trừ cái việc cô có thêm thằng bé Thừa ra, thì đúng cô là cô Tấm thảo hiền của gia đình, làng xã. Thế mới biết, giữ được mình không dễ, nhất là với đàn bà. Hoa thì đẹp thì thơm nhưng mềm yếu. Người ta bảo “ăn vụng phải biết chùi mép” là nói đấng mày râu, chứ đàn bà con gái giấu đi đâu được cái bụng ngày một chềnh ềnh lên. Mà trong ấy là một sinh linh, chỉ khốn nỗi không phải của chồng mà thôi. Nhưng nó là con của người mang nặng đẻ đau. Quá tự nhiên khi ta đặt hạt xuống bãi nhỏ ven sông. Giận là cái “lỡ” ấy, chứ bãi sông nào chả đầy phù sa màu mỡ. Cát sỏi nó lắng ở giữa sông. Chỉ có bờ bãi mới là nơi góp nhặt phù sa và rác rưởi, và cũng chỉ có bến bãi mới làm nên mùa màng và chờ đợi. Thương là thế, thương như thương cây ngô cây khoai, cây rau cây cỏ.
Những người bạn bầu với Thoa đều biết cô lấy được Thêm không dễ. Thoa là cô gái giỏi giang nhưng cầu kỳ và hay chơi trội. Đến nhà Thêm lần nào, cô cũng đánh bộ quần lụa đen nhánh, lúc thì áo phin trắng nõn nà, lúc áo hoa cà hoa cải của độc của hiếm lúc bấy giờ. Cô tết tóc đuôi sam và sao cũng thoang thoảng hương bưởi, hương ngọc lan, hương nhài đâu đó. Thế cũng được nhưng còn nước hoa thì bà mẹ Thêm không chịu được. Bà ý tứ nói với Thoa: “Cháu à! Các cụ có câu người đẹp vì lụa, nhưng các cụ cũng dạy tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Bà bảo Thêm: “Mẹ không muốn con lấy phải người vợ xấu, nhưng phải đẹp cả người cả nết mới được con ạ. Mẹ là nông dân chân lấm tay bùn, làm gì có tiền có của để dâu con môi son má phấn mãi được”. Một bận, không chịu được, bà bảo Thoa:
- Cháu à, bác nhà quê răng đen, chân chỉ hạt bột, soi gương còn chẳng dám. Cháu đừng làm bác ngượng ngùng với thiên hạ…
Thoa nũng nụi:
- Bác… Con thương bác, thương anh Thêm mà. Con chỉ mặc như thế này sang bác chơi thôi, chứ đi làm đồng, con vẫn quần bạc áo vá mà.
Mấy ngày sau, cuối làng Hạ, nơi bãi sông đã dập dềnh trên sóng, hai người lặng lẽ đi bên nhau mãi mới nói được những câu rời rạc.
- Anh yêu em, em cũng phải thương anh vì anh còn có mẹ.
- Thì em cũng thương mẹ, em có làm gì xấu đâu.
- Không xấu nhưng đẹp đẽ, xinh tươi mà lạc lõng, không phù hợp hoàn cảnh thì cũng không được.
- Kệ!…
Hai người lấy nhau được gần một năm, lúc Thoa sắp sinh con thì Thêm đi bộ đội. Anh chỉ dặn mỗi một điều: “Đẻ con trai thì đặt tên là Thân, đẻ con gái thì đặt tên là Thắm”.
Những kỷ niệm tình yêu trong sáng như đánh thức điều gì đó khó nói trong tâm khảm Thêm. Có phải người ta thường mù quáng khi quá yêu? Anh không thể ruồng bỏ Thoa, không thể cách lòng với bé Thừa. Thằng bé khác nào đứa trẻ khóc ré lên rồi chết lặng giữa ấp trong một trận giao tranh hôm nào ở Cai Lậy. Đơn vị anh lọt vào ổ phục kích của địch. Từ trong nếp nhà dân, địch vãi đạn ra. Đã mấy lần Thêm hướng nòng súng B40 về phía khẩu đại liên địch đang kéo dây đỏ lừ văng vãi đạn về phía anh. Nhưng tiếng trẻ khóc, tiếng người mẹ la làm anh không sao siết cò nổi…
Nay đối mặt với bé Thừa, một lần nữa anh lại thua trận. Trừ lần về phép tay trắng, khi chuyển hẳn về tỉnh đội, anh mua cho bé Thắm chỉ mỗi con búp-bê, chứ bé Thừa thì đủ thứ, kể cả chiếc xe đạp con con bằng i-nôx. Thằng bé khoe với bạn nó làm anh nghèn nghẹn ở cổ.
- Bố tao mua cho tao cái xe Hông đa đây này!
Hai lần về quê, lần nào anh cũng tránh mặt Thoa, càng nhiều càng tốt. Rất ít khi anh ăn cơm ở nhà. Lần thứ ba, anh có thể ở thêm cả chục ngày nữa anh vẫn vội vã đi luôn.
Năm mất mùa, nhận thư con Thắm, có lúc anh gửi về cả năm chục cân gạo.
Năm vừa rồi, khi nghe tin con Thắm được gọi vào đại học, anh mới nghỉ phép về thăm và chịu ở lâu. Con nước cuối tháng Tám nuốt chửng bãi nhỏ bến Ngải, tàu về phải cập sát bờ đất. Lũ lớn, làng xóm rộn rã hẳn lên. Thoa đi chạy lụt suốt ngày. Vừa ở chỗ này, thoắt cái cô đã ở chỗ khác. Lại còn mấy đám mạ dự phòng gieo trên đỉnh lũ, nơi chân ruộng cao ước chừng nước không lên tới. Nhưng nước như cơn đại hồng thuỷ, lừ lừ lên như triều dâng. Thoa mấy lần định bụng mua cân cá quả về nấu canh với giá đỗ và rau ngổ cho Thêm ăn để gợi lại món ăn anh ưa thích nhưng không qua Đoan Hùng được. Chợ trên Kim Xuyên cũng chẳng rảnh ra để mà đi.
Thêm tranh thủ thêm mấy ngày nghỉ dặm lại cái bếp, bắc lại dàn hoa lý. Nhà trên lưng quả đồi, nước có ngập gần hết huyện này mới tới nhà anh. Cu Thừa quấn quýt bên anh, luôn mồm hỏi đủ chuyện. Năm tuổi đầu bây giờ trẻ con khôn hơn thời anh nhiều lắm.
- Bố, bác Quảng cũng là bộ đội, sao ngày nào bác ấy cũng ở nhà với thằng cu Tý? – Nó hỏi.
- Bác Quảng là bộ đội nhưng đóng quân gần nhà, ngay trên phố huyện mình – Anh nói.
- Sao bố không về đóng ở huyện?
- Vì bố còn khoẻ hơn bác Quảng - Anh cố giảng giải cho bé một cách kiên trì.
- Thế bao giờ bố nhiều tuổi bằng bác Quảng?
- Bao giờ con lớn…
- Con lớn con không đi bộ đội… - Thằng bé nói làm Thêm bất ngờ.
- Sao lại thế?
- Mẹ bảo, đi bộ đội như bố khổ lắm. Xa nhà, xa vợ con. Bà nội ốm đau không chăm sóc được này. Mà đi bộ đội là đánh giặc, có khi phải hy sinh, chết đấy…
- Mẹ bảo sao nữa?
- Mẹ bảo đi bộ đội nghèo, đi mãi chẳng mua được cho con thứ gì…
Lòng Thêm trào lên tình thương với Thoa, với các con. Nhưng anh vẫn mặc cảm, lúc nào cũng lăn tăn li ti về sự hiện diện của bé Thừa. Biết là nó không có tội và biết rằng cuộc sống đợi chờ của người phụ nữ là khó khăn vô vàn. Đêm dài phải thức mới biết được. Nhưng xả thân vì nước vì dân còn dễ dàng gấp trăm gấp vạn lần tình cảm của mình bị đánh cắp trước mắt mình, giữa thanh thiên bạch nhật.
Trưa hôm ấy Thoa không về nhà. Người ta nhắn anh, cô bị nước cuốn ở đoạn sông cuối làng. Anh vội vã gửi bé Thừa sang hàng xóm, tất tả chống mảng đi. Bềnh Hang mênh mông, nước lùa qua như một dòng sông lớn. Mảng của anh bị cuốn đi không thể cưỡng lại được, may mà nó đâm sầm vào bức tường rào, mảng bửa ra làm hai. Anh vùng vẫy trong nước, bơi lúng búng trong bộ quân phục dầy, mãi mới tới được chân dốc đèo Kháng. Không kịp nghỉ cho đỡ lạnh, anh chạy vội tới chỗ y tế thường trực cấp cứu người bị nạn. Thoa không còn ở đấy, cco đã được chuyển về bệnh viện khu vực Kim Xuyên.
Mãi chiều tối anh mới đi nhờ thuyền về được tới nhà. Không ngờ, Thoa đã trùm chăn nằm bất động giữa giường. Cái Thắm đang lo bữa tối. Cu Thừa đang mếu máo, rả rích như cơn mưa.
- Bố ơi, bố… Ờ… ờ…
Anh chạy lại ôm chặt cu Thừa vào lòng và đến bên giường vợ. Người Thoa lạnh ngắt. Cô bị cảm lạnh sau một ngày dầm mình trong lũ.
- Thoa! – Anh gọi.
Thoa ngơ ngác mở mắc nhìn anh. Nước mắt dâng đầy. Tự dưng cô muốn cảm ơn đợt lũ muộn này, cảm ơn cái ngày cô cố gắng làm mọi việc có thể để cố quên đi những gì đã qua, quên đi chính cuộc sống của mình. “Thoa!”. Cô ngơ ngác bởi tưởng mình nghe nhầm. Đấy là tiếng gọi đầu tiên sau mười tám năm kể từ ngày anh đi bộ đội. Anh biết gì về Thoa, anh nghĩ gì về Thoa mà anh không hỏi, không nói, không mắng mỏ, giận hờn? Thoa có tội, cái tội tày đình của người vợ chiến sĩ. Thoa không dám nghĩ đến công xá nào của người đã từng tần tảo sớm hôm nuôi mẹ chồng già nua, bệnh tật. Thoa đã hy sinh sở thích riêng, suốt một thời chỉ đánh chiếc áo nâu không dám nhuộm chín cho mình bớt đẹp, bớt giòn, để bớt đi lời dị nghị, thị phi. Nhưng nào có được. Thoa đã ngã, ngã đúng vào lúc được ban ơn, được cưu mang, đùm bọc. Một phút tặc lưỡi để trả ơn? Có lúc cô đã tự biện minh như thế, nhưng không phải. Ngã là ngã. Bến Ngải có lúc nổi, lúc chìm mà. Thoa cũng là con người chứ đâu phải sắt đá… Khi đã mang thai, cũng nghĩ đến chuyện phá đi, nhưng sợ ngày hoà bình anh không còn nữa. Đó là sai lầm của Thoa và cũng là lòng dũng cảm của thân gái dặm trường. Không thể lấy sai lầm để sửa sai lầm, không thể đeo thêm tội giết người, hơn thế là đứa con mình mang nặng… Tàn sát mình còn hơn tàn sát đứa con đang lớn trong mình.
- Thoa!...
Anh lại gọi. Giọng như nghẹn ngào. Bàn tay anh khe khẽ vuốt cho nước mắt Thoa tràn xuống má. Thế là anh chấp nhận sự “hy sinh” của mình rồi ư? Thoa thự hỏi mình, lòng xốn xang. Ánh sáng qua cửa ssỏ không đủ để Thoa nhìn rõ anh hay tại mắt Thoa hoa lên vì kiệt sức? Thoa cố lọc trong âm thanh của chính tên mình xem có thấy chút gì thương hại, ban ơn để từ chối. Thoa đã mất anh, chính Thoa đã đánh mất tình yêu của mình.
Thêm nhắc con nấu cháo hành, tía tô, đập trứng vào cho mẹ ăn rồi tự mình đi lấy lá tre, lá bưởi… về nấu nước xông cho vợ.
Thoa khoẻ dần cùng với sự lui quân của lũ lụt. Cô lại bận bã với cấy dặm vá víu ruộng đồng. Tuy nhớ đến bữa canh cá rau ngổ và giá đỗ nhưng cô chưa rảnh để làm đãi anh.
Làng Hạ làm bến mới cho tàu đổ khách, đón khách. Bãi Ngải được giao khoán hẳn cho Thoa. Lại thấp thoáng cái lều nhỏ mỗi lần cuối thu. Màu xanh, lại là màu xanh của rau đậu, ngô khoai tràn qua mùa đông giá. Trong lều nhỏ, cu Thừa thỉnh thoảng vẫn đọc như học thuộc lòng bài viết về Thêm trên chốt Mỏ Quạ ở Hoàng Su Phì trong cuốn “Hà Tuyên chiến thắng”. Nó không biết được, mẹ nó cũng đã thuộc lòng lá thư trong số tang vật của bố nó gửi về: “Trong cuộc sống, có bao người tốt hơn em, đẹp hơn em. Nhưng anh đã quyết định rồi, anh chọn lại em… Sau cuộc chiến đấu này, anh sẽ về với em, chúng mình sẽ tâm sự nhiều. Mong em chăm chút cho bé Thân, đừng gọi nó là Thừa nữa, nhé em! Hôm nào về, anh sẽ làm lại giấy khai sinh cho con. Đừng làm gì gây tủi cho nó...”.
Ông Tráng lững thững đi trên bờ đường đã đắp to như con đê nhìn xuống bãi. Trong màu xanh mỡ màng của bãi Ngải, một bóng người áo gụ nổi lên, bóng rợp dài trong chiều. Gió thổi tràn dọc sông mang cái lạnh lùa vào ngực ông. Chính lúc ấy, Thoa nhìn lên. Cô như chẳng thấy gì, lại cắm cúi xới xáo trên bãi đất. Thế là không bao giờ anh ấy biết được bộ mặt thật của ông ta, Thoa nghĩ. Thoa muốn hét lên: Chính ông là người ăn hạt ngô, củ khoai ở bãi sông này, cũng chính ông là kẻ muốn chiếm bãi Ngải, thu đất bãi Ngải, biến nó thành của riêng không được, để nó hoang tàn…
- Mẹ! - Tiếng bé Thừa ngay đằng sau Thoa - Mẹ cuốc vào cây ngô rồi!
1988
TrTrân trọng giới thiệu đến các đồng chí và các bạn toàn bộ "GIÓ NÚI", tập truyện mới nhất của anh Nguyễn Trọng Hùng, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, Quý III năm 2013 (Bấm vào dường link bên dưới)
- 1 - Viết bởi macduytien kênh 10 hai thương binh tâm sự(22/02/2016 02:02:38)
- ngày ấy ...năm 1973 hai anh em,tôi và anh NGUYỄN TRỌNG HÙNG nằm điều trị vết thương tại bệnh xá trung đoàn,tôi biết anh có nhiều tâm sự,về gia đình,mà anh chỉ nói với tôi,anh bảo anh rất tin em TIẾN ạ. không hiểu sao anh lại đặt niềm tin đó vào tôi,ở chỗ nào.chắc qua tâm sự. hay trong cách giao tiếp thẳng căng của tôi với anh chăng .. mà anh kể chuyện gia đình cho tôi,tôi hiểu anh và rất, rất,hiểu anh là đằng khác,trong chuyện anh viết có rất nhiều tâm can ,cảm xúc,lỗi lòng,cuộc đời của anh trong truyện.ai đã một lần xem truyện ngắn (BÃO TAN) tất cả ở đó toát lên cuộc sống thua thiệt đến lỗi cay nghiệt ,trớ trêu mà anh lính trận nào sau cuộc chiến đều dám hy sinh tất cả,rồi rút cuộc mình anh chịu hết,chuyện của anh là vậy,tâm trạng của anh lúc nào cũng như chuyện đã hằn sâu trong anh,...nhân ngày giỗ đầu của anh,xin thắp cho anh lén hương lòng chân thành nhất ....
- 2 - Viết bởi Phạm Xuân Thành Tin buồn(08/04/2015 15:04:29)
- Nguyễn Trọng Hùng đã đi cày ruộng nhà trời ( qua đời ) vào 5.3.2015 . Thương tiếc anh !