-
MỘT VÙNG KINH BẮC
(28/01/2019 22:01:39)
-
Năm nay là năm Kỷ Hợi. Tôi lại nhớ 24 tháng chạp là phiên chợ Hồ, (nó cách nhà tôi chừng 3km). Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi bộ sang chợ, mua về những tấm tranh Đông Hồ, tranh gà tranh lợn về treo vách tường mà vui suốt ba ngày tết... (MB)
MỘT VÙNG KINH BẮC
(Nguyễn Mạnh Bình)
_______
Tôi nhớ quê tôi xa lắm
Xanh mờ một dải đê cong
Sông Đuống đỏ hoe mắt gọi
Tình yêu thuở mới đầu đời…
(MB)
Những ngày giáp Tết nhớ quê, tôi lại vào tính năng của Google Earth. Đây là một chương trình địa
Làng tôi, nhìn từ độ cao 2.500m (qua Google Earth) |
cầu ảo. Nó vẽ bản đồ trái đất là một quả địa cầu ảo 3D, trên đó là những hình ảnh địa lý được lấy từ ảnh vệ tinh, các ảnh chụp trên không và từ hệ thống thông tin địa lý GIS...
Còn gì quý bằng cách xa quê cả ngàn cây số vẫn nhìn rõ được cả đường làng ngõ xóm, bờ đê ruộng lúa quê mình!
Làng tôi nhìn từ trên cao 2.500m, giống như một cánh diều mà tuổi thơ tôi thường thả nơi bờ đê Cổ Yếm . Lăn con chuột thêm nữa, tôi nhìn thấy khá rõ từng ngõ ngách trong làng. Tôi đã đánh dấu vị trí nhà tôi, nơi tôi sinh ra; Đó là tọa độ:
- 21o 05, 14"19 N
- 1060 06, 28"86 E
Trong ký ức tôi sống lại biết bao những kỷ niệm về quê hương, người thân, gia đình họ mạc...
Cánh đồng tuổi thơ của tôi với đồng ruộng bàn cờ, đẹp như tranh vẽ.. Bất chợt tôi nhớ lại một đoạn vần vè về địa danh đồng ruộng quê mình:
Đỗi Đanh đỗi Đó
Bờ Mọ Đống Thầy
Cửa Lầy Ao Gia
Đường Và Đống Tháp...
Và những cái tên từng cánh đồng, từng bờ vùng bờ thửa...với người đời chẳng có nghĩa gì nhưng với tôi sao mà nó thiêng liêng thế! Và nhất là nó lại đang hiện lên trước mắt tôi bằng một bản đồ 3D rõ đến không ngờ!
Đó là Đầm sen, nơi chúng tôi lén lén lội xuống bẻ hoa đào ngó
Đó là sân Đình, đêm tháng Mười vằng vặc ánh trăng và ngồn ngộn rơm rạ ấm no...
Đó là Đỗi Ve, Đồng Chỗ, Đồng Sang, nơi cha tôi từng đánh lờ rô kiếm những con rô mề, vảy thường xanh biếc ..
Gần Tết, nhất định phải đi chơi Chợ Tết. Quanh vùng tôi ở có nhiều chợ lắm. Chợ chằm, chợ Chì, chợ Và, chợ Hồ, chợ Dâu, chợ Nhớn…
“Chợ Chì là chợ Chì xa
Chồng mong con khóc, chém cha chợ chì…”
Năm nay là năm Kỷ Hợi. Tôi lại nhớ 24 tháng chạp là phiên chợ Hồ, (nó cách nhà tôi chừng 3km). Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi bộ sang chợ, mua về những tấm tranh Đông Hồ, tranh gà tranh lợn về treo vách tường mà vui suốt ba ngày tết...
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” |
Khi còn đi dạy học, mỗi lần giảng bài “Bên Kia Sông Đuống” của thi sĩ Hoàng Cầm, tôi thường không quên nói về nghệ thuật đặc sắc của tranh Đông Hồ: Màu sắc, đường nét, cấu trúc, chất liệu đã làm nên những bức tranh đậm chất dân gian. Triết lý âm dương trong bức tranh mẹ con đàn lợn thật độc đáo: Trên thân mình Lợn đều có hai xoáy Âm – Dương. Hai xoáy âm – dương này nằm phía trên ngang mình Lợn, vị trí (gần vai và mông) giúp hài hòa, cân bằng của đường nét và mang ý nghĩa của thuyết âm dương hòa hợp để có thể phát triển. Bố cục rõ ràng và giản dị. Ta thấy ở bức tranh là những chú lợn béo khỏe, vững chắc thể hiện ước muốn về một cuộc sống no đủ, sung túc. Ngoài ý nghĩa tình mẫu tử, tình cảm mẹ con, ở bức tranh còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn (quy luật sinh tồn của tín ngưỡng phồn thực) và sự hòa hợp âm dương để cùng phát triển.
Tôi lại tưởng tượng ngày 28 tết; ngày ấy tôi còn nhỏ xíu nhưng cứ nằng nặc đòi theo Mẹ đi chợ Chằm. Chợ Chằm xa lắm! Mẹ tôi thường phải thức dậy thật sớm, có nhẽ đi từ ba bốn giờ sáng, quảy gánh xuống bến đò Rộng qua sông Đuống đi chợ. Cuối Đông, gió bấc ù ù, Mẹ phải trùm áo tơi cho tôi rồi bỏ tôi ngồi vào một bên thúng, bên kia là đỗ xanh, là lạc...28 tết người quê tôi mới mổ lợn, gói bánh. Trong tiếng kẽo kẹt đều đều của đòn gánh nghiến trên vai mẹ., tôi nghe cả tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc vọng lên từ màn đêm đang hồng lên lúc bình minh...
...
Bắc Ninh hiện nay là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Bắc Ninh không chỉ là cái nôi sinh ra những làn điệu dân ca Quan Họ, của nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ; Nơi đây từng là trung tâm xứ Kinh Bắc, gắn liền với nền Văn minh sông Hồng. Thành Luy Lâu là trung tâm kinh tế - chính trị, tôn giáo cổ xưa nhất của Việt Nam, là tổ đình của Phật giáo Việt Nam, nơi đầu tiên có trường dạy chữ và văn hoá Hán ở Việt Nam. Cùng với huyền thoại truyền thuyết, quê tôi đậm đặc các di tích tiêu biểu như lăng mộ Kinh Dương Vương, các đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ, đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, đền thờ Lý Bát Đế…
Những thứ như sương khói mơ hồ ấy, đã hằn sâu trong tôi nỗi khắc khoải nhớ quê. Bốn mươi tám năm rồi, kể từ năm 71, tôi được nghỉ 7 ngày phép về quê ăn tết! Rồi những tết sau là hành quân vào Nam chiến đấu; rồi sau đó... tôi cứ xa mãi cái Tết Quê; chưa một lần về...
___
N.M.B