-
HÔM NAY, NGÀY GIỖI LIỆT SĨ TRẦN VĂN THIỀNG...
(14/12/2018 06:12:54)
-
Đã 8 năm rồi, tôi cùng gia đình LS Trần Văn Thiềng về viếng NTLS Cai Lậy, nơi có hơn 300 LS của Trung đoàn 24 Anh hùng hy sinh và nằm tại nơi này, nhưng chỉ 11 LS E24 là có mộ bia...
Hôm nay, tôi xin đăng tải bài viết của đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, là anh trai của LS Trần Văn Thiềng, về những tình cảm thiêng liêng của gia đình với những người đã hy sinh vì Độc lập Tự do của Tổ quốc, và Repost lại đoạn Clip mà chúng tôi quay tại NTLS Cai Lậy, 23 Tết Nhâm Thìn (2012)
LỄ GIỖ LS TRẦN VĂN THIỀNG, E24 |
Năm 1970, tôi nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện cấp tốc, chúng tôi vượt Trường Sơn (TS ) vào đánh giặc tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Năm sau, bố mẹ tôi lại tiễn em trai tôi là Trần Văn Thiềng ( sinh 1954) vào chiến trường.
Sau ngày toàn thắng
( 30/4/1975),tôi về thăm nhà. Đón tôi đầu ngõ. mẹ tôi hỏi: - Con về còn em con đâu ?
Tôi gục vào ngực mẹ. Nước mắt giàn giụa. Tôi về, còn em tôi không trở về . Giấy báo tử gửi ghi rằng: đồng chí Trần Văn Thiềng hy sinh ngày 14/12/1973 tại chiến trường B.
Để trả món nợ với mẹ, anh em chúng tôi đã tìm mọi cách có thể để tìm phần mộ người con thân yêu của gia đình. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Trong lúc đó, cha chúng tôi tuổi cao sức yếu, về với tổ tiên ( 12-11 AL 2002).
Mẹ như chuối chín cây. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ đều hỏi:
- Đã tìm thấy em con chưa ?
Để phần nào xoa dịu nỗi đau không có gì bù đắp nổi của mẹ, hết cách, chúng tôi đành tìm đến nhà ngoại cảm. Và, ngôi mộ chưa
có tên trong nghĩa trang liệt sỹ Buôn Ma Thuột đã được ghi tên liệt sỹ Trần Văn Thiềng. Biết tin ấy mẹ tôi mừng lắm. Thôi thì có chỗ đi về, thăm nom em con chu đáo nhé ? - mẹ dặn thế.
Mười mấy năm nay, coi như đó là phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Thiềng.
Hằng năm từ quê hương Nam Định và TP HCM, nơi chúng tôi đang sinh sống, dòng người gồm con cháu, dâu rể, đồng đội, bạn bè thân thiết của gia đình vào dịp tháng 7 và ngày giỗ liệt sỹ đều đến đây thắp hương.
Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Gần
đây ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 24- đơn vị của em trai tôi trước đây ghi thư báo tin: LS Trần Văn Thiềng hy sinh tại vùng ven thành phố Mỹ Tho cuối năm 1973.
Được tin ấy, chúng tôi khẩn trương xuống Mỹ Tho tìm gặp CCB Nguyễn Mạnh Bình- người thông tin cho gia đình. CCB Nguyễn Mạnh Bình, sau giải phóng làm thầy giáo dạy cấp 3 tại Mỹ Tho. Anh Bình cùng một số CCB của Trung đoàn 24 đưa chúng tôi đến một ấp nhỏ ven thành phố và chỉ cho chúng tôi nơi liệt sỹ Thiềng hy sinh. Các CCB Trung đoàn 24 nói thêm, sau khi hành quân từ Tây Nguyên xuống, Trần Văn Thiềng đã hy sinh tại đây vào lúc trời rạng sáng...
Tôi không cầm được
nước mắt, hỏi:
- Vậy hài cốt LS Thiềng đang ở đâu?
- Trong số 300 ngôi mộ chưa có tên tại
nghĩa trang liệt sỹ Cai Lậy ( Tiền Giang )- một CCB lớn tuổi cho biết.
Chúng tôi đến thẳng nghĩa trang liệt sỹ Cai Lậy. Trời nắng như đổ lửa. Hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Theo các CCB Trung đoàn 24 trong hàng trăm ngôi mộ liệt sỹ chưa có tên, có em trai tôi ớ đây ?!
Tôi bỗng nhớ đến ngôi mộ mang tên Trần Văn Thiềng trên nghĩa trang liệt sỹ Buôn Ma Thuột mà gần 15 năm nay đã trở nên gần gụi,
thân thuộc với gia đình ...
Em trai ơi. Vậy thì thực sự em đang nằm ở đâu ?
Mới đây, trở lại Trường Sơn, tôi đến thắp nhang viếng các liệt sỹ tại nghĩa trang Buôn Ma Thuột. Người quản trang bảo rằng, các ngôi mộ chưa có tên, trong đó có ngôi mộ mang tên em trai tôi đã được ngành chức năng lấy mẫu hài cốt để thử ADN theo dự án 150 của Chính phủ.
Cùng lúc, ở quê mẹ tôi nhận được công văn đề nghị gia đình cử người lên Hà Nội thử ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.
Tôi đứng như trời trồng trước ngôi mộ mang tên em trai mình. Tôi
khấn:
- Kính viếng hương hồn đồng đội. Sống anh dũng, thác linh thiêng kính mong các LS phù hộ độ trì cho chúng tôi tìm được phần mộ người thân. ..
Tôi khấn tiếp:
- Nếu thử ADN ngôi mộ này không phải mộ của ls Trần Văn Thiềng thì gia đình chúng tôi xin nhận LS nằm trong ngôi mộ này là người thân kết nghĩa của gia đình.
Em trai tôi là đại tá Trần Văn Toản cùng đi nói trong nước mắt:
- Chiến tranh là thế . Nếu đây không phải mộ LS Trần Văn Thiềng thì cũng chẳng sao. Chuyện nghĩa tình đồng đội mà.
Gia đình mình săn sóc ngôi mộ liệt sỹ này thì ở đâu đó sẽ có gia đình khác săn sóc,hương khói cho phần mộ bác Thiềng...
Trần Văn Toản vừa dứt lời, bát nhang trên mộ liệt sỹ bùng cháy.
Trời cao nguyên xanh ngắt. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi về cuối chân trời.
Nghĩa tình đồng đội- nghĩa tình Trường Sơn bao giờ mới trả hết ?!
Tp HCM tháng 11-2018
TRẦN THẾ TUYỂN