-
THƠ TÌNH TUỔI CỔ LAI HY...
(02/10/2018 10:10:01)
-
Đầu năm 2018, tôi nhận được hai tập thơ TUYẾT ( nhà xuất bản Văn học, 2008) và BÓNG HÌNH ( nhà xuất bản Văn học, 2012) của nhà thơ Vũ Phán, do tác giả gửi tặng qua email. ( Từ đây, viết tắt hai tập thơ là T và BH)
Anh ra nước ngoài sống đã nhiều năm, mà vẫn làm thơ, vẫn in thơ, tình thơ của anh thực thuỷ chung.
Anh và tôi biết nhau ở Tiền Giang, xa cách nhau hơn 30 năm mà anh vẫn hỏi thăm, dù không gặp mặt vẫn tặng sách, tình bạn với anh thực trân trọng. (Tri Nha)
THƠ TÌNH TUỔI " CỔ LAI HY"...
Đầu năm 2018, tôi nhận được hai tập thơ TUYẾT ( nhà xuất bản Văn học, 2008) và BÓNG HÌNH ( nhà xuất bản Văn học, 2012) của nhà thơ Vũ Phán, do tác giả gửi tặng qua email. ( Từ đây, viết tắt hai tập thơ là T và BH)
Anh ra nước ngoài sống đã nhiều năm, mà vẫn làm thơ, vẫn in thơ, tình thơ của anh thực thuỷ chung.
Nhà thơ Vũ Phán |
Anh và tôi biết nhau ở Tiền Giang, xa cách nhau hơn 30 năm mà anh vẫn hỏi thăm, dù không gặp mặt vẫn tặng sách, tình bạn với anh thực trân trọng.
Nhận món quà đầu năm, tôi đọc hai tập thơ với nhiều cảm xúc.
Tìm đến mạch thơ tình của Vũ Phán, tôi cảm nhận ra những vỉa quặng lạ
Tình yêu trong Cây Lim Vàng (T, tr 24) chừng mực, tiết chế, vì vậy đẹp, thanh nhã mà say
"...Tôi yêu em năm em chưa chồng
Từ xa nhìn em mỗi ngày trong chiếc áo vàng
như cánh bướm mùa xuân..."
mà không gò bó khuôn khổ
"...Thành phố nhỏ không có chỗ cho tôi cất giấu tình yêu"
Tôi chưa được đọc câu thơ nào lạ mà thú vị như vậy, vừa hoang đường, vừa hiện thực.
"...Mười năm sầu xa xứ
Biển gọi về
Em bảo " Cây Lim Vàng không còn nữa"
Ô, Cây Lim Vàng
Ta biết đứng đâu tỏ tình với em"
Cây Lim Vàng là biểu tượng tình yêu, là vật chứng tình yêu hay chính là tình yêu?
Vẫn chừng mực mà mênh mang...
Chuyện tình Tam Đảo ( T, tr 15) là câu chuyện cảm động
"Ai chạy xe mang người đàn bà trong mưa
Tam Đảo chon von thác nhạc.
Anh đấy ư!"
Tình yêu tuổi học trò
"...Cậu học trò ngày nào mê cô bạn học",
ai cũng có thể, là chuyện bình thường.
Nhưng nguyên vẹn một cảm xúc một tình yêu không thay đổi bất chấp thời gian, không gian lại là một đoá hoa đẹp trong đời.
"Bảy mươi xuân mới có một lần chở người yêu chơi núi
Bông Tuyết sau anh
Là Bông Tuyết một đời của anh năm mươi năm gặp lại"
Một việc mà cậu học trò năm xưa từng thiết tha mong ước, hôm nay, sau năm mươi năm mới được thực hiện, bỗng lớn lao quan trọng như đang lập một chiến công trong đời
"Một sáng Tam Đảo
...Đôi tình nhân vượt dốc
Giải cơn khát nửa thế kỷ trên đỉnh núi xa mờ."
Ngòi bút nhà thơ lấp lánh bao dung, chia sẻ và trân trọng.
Vũ Phán viết Anh chỉ có hai việc (BH, tr 27) khi bước vào tuổi 70.
Nhà thơ kiêu hãnh khẳng định
"Anh chỉ có hai việc.
Yêu Em và làm Thơ" .
Chắc không ai nỡ bắt bẻ câu chữ, vì đây là tình yêu lên tiếng. Muôn đời, tình yêu hào phóng, tận tuỵ. Tình yêu sẽ làm nên cổ tích cảm động giữa đời thường. Đừng nghĩ đây là hoang tưởng. Đây là niềm khát khao, là sự tận tuỵ
"...Vì Em anh sẽ ở lại trái đất này đến trăm năm mươi tuổi
Anh sẽ là người trai trẻ mãi
Đừng sợ bỏ Em một mình..."
Đây là tình yêu giàu có và tận hưởng
"...Ta còn đủ nắng đi chơi
Đủ mưa ướt áo
Đủ lá trên rừng cho ta ngồi đếm
Quả trên cành hái trao nhau"
Đó là tình yêu của người trai trẻ mãi
"...Đừng sợ bỏ Em một mình
...Đừng sợ anh xa Em"
Đây là tình yêu của người trai đoan chắc, thách thức và kiêu hãnh
"...Hai nhập một
Không gỡ được
Ai muốn bổ đôi trái đất
Cũng cầm lòng bất lực
Trước con người yêu Em và làm Thơ"
Vũ Phán viết Anh chỉ có hai việc khi bước vào tuổi "cổ lai hy" không đề tặng riêng ai. Anh đề " Tặng Người bạn đời". Tôi nghĩ rằng anh đã thay tất cả các Anh cũng đang bước vào tuổi 70 như anh (nhất là những chàng " dài lưng tốn vải") để nói với các Em, những Người bạn đời, rằng "anh chỉ có hai việc. Yêu Em và làm Thơ".
Tôi vẫn thầm ngâm nga "...ta còn đủ nắng đi chơi, đủ mưa ướt áo..." và cảm ơn nhà thơ Vũ Phán, rằng tác giả đã nói thay chúng tôi, những người trai đang ở trái đất này đã 70 năm, muốn nói với Người bạn đời của mình những lời nguyện ước, những lời cam kết sắt son và kiêu hãnh.
Tiếp tục lần theo mạch thơ tình, lại gặp những vỉa quặng quý khác, ẩn giấu những viên ngọc quý trong tầng sâu văn hoá, được soi chiếu bởi góc nhìn cảm nhận của Vũ Phán.
Vào tuổi " cổ lai hy", nhân tình thế thái được xem xét, suy ngẫm và nhận định rõ ràng, sâu sắc. Những câu chuyện, những truyền thuyết, những nhân vật được đánh giá bằng kinh nghiệm cuộc sống một đời người giác ngộ.
Về Cổ Loa ( T, tr 42), viết những việc liên quan mối tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ.
Tình yêu là một phần tất yếu trong cuộc sống. Bi kịch là những thế lực đã dùng tình yêu đó làm phương tiện cho âm mưu vô cùng thâm độc
"... Triệu Đà lấy hôn nhân làm kế trộm nỏ thần"
Từ bi kịch tình yêu trong truyền thuyết, một nhận định chưa bao giờ cũ nhưng được nhắc lại trong âm hưởng bi kịch, làm sâu sắc thêm tính cảnh giác về sự nham hiểm tinh vi của lòng dạ đen tối, dẫu nó được che giấu dưới mối quan hệ thiêng liêng chồng vợ thuỷ chung, thông gia gắn bó, anh em kết nghĩa, láng giềng tốt đẹp...dẫu được khắc ghi bằng những chữ vàng (!)
"- Thưa cha
Sao Triệu Đà lấy hôn nhân làm kế trộm nỏ thần?
⁃ Không có chi con người không thể ".
Hình tượng ngọc trai cũng được nhà thơ nêu một kiến giải khác, không kết thúc có hậu viên mãn như trong truyền thuyết mà bằng cái nhìn tỉnh táo đầy suy ngẫm trách nhiệm
"...- Ngọc bể Đông đắp bù tình yêu bị giết?
⁃ Để nỗi đau tan vào sóng biếc
Đừng hoá ngọc ngà trang sức thêm đau"
Truyền thuyết Cổ Loa được kể vào thời gian nào trong chuỗi lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, nhưng ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, những thế hệ người Việt có lẽ sẽ có nhiều đồng cảm với nhà thơ Vũ Phán.
Trương Chi là một thiên tình sử tuyệt vờ, là thử thách và thành công của những nghệ sĩ tài năng ở nhiều thế hệ. Nhà thơ Vũ Phán đã chiếu rọi vào khối ngọc Trương Chi bằng góc nhìn riêng của mình.
Trương Chi (T, tr 43) được khắc hoạ trong đối thoại
"-Thưa cha
Tiếng hát hay sao thuộc về
chàng Trương Chi xấu xí?
⁃ Sen nở trên bùn
Than đẻ kim cương
⁃ Nước mắt giai nhân rơi vỡ cốc?
⁃ Không nỗi đau nào nặng như nỗi đau cái đẹp"
...Ai cũng biết tích cũ " ...ngày xưa có chàng Trương Chi. Người thì thậm xấu hát thì thậm hay" nhưng bình về sự mâu thuẫn ấy, sự không hoàn hảo ấy thì lời bình của tác giả
"...Sen nở trên bùn
Than đẻ kim cương"
có lẽ nhận được nhiều tán đồng vì cùng với tính khoa học còn có chiều sâu triết lý.
Khi nói về nước mắt nàng Mỵ Nương rơi xuống làm vỡ chiếc cốc, mà trong đó hiện lên dáng hình chèo đò và văng vẳng tiếng hát của chàng Trương Chi
"...Không nỗi đau nào nặng bằng nỗi đau cái đẹp"
thì lời bình của nhà thơ không chỉ chia sẻ, trân trọng, thấu hiểu mà còn để lại dư âm về nghệ thuật, về cái đẹp, về người nghệ sĩ và mênh mang hơn nữa về tình yêu.
Hồ Xuân Hương là " bà chúa thơ nôm". Những vần thơ trữ tình, phồn thực đã dựng nên vóc dáng đặc biệt của bà trong lịch sử văn đàn dân Việt. Bà là tiếng nói nữ quyền kiêu hãnh và nhân tình...Nói và viết về bà đã tốn nhiều giấy mực và sẽ còn nhiều trang sách với nhiều ngôn ngữ nữa viết về bà.
Vũ Phán viết về nữ sĩ với sự ngưỡng mộ, chia sẻ mà tươi mới.
Hồ Xuân Hương ( T, tr 3), nhà thơ dùng đại từ " Chị " không làm giảm sự tôn trọng nữ sĩ mà làm bà gần hơn với người đọc hôm nay, vì những vấn đề bà nêu lên trong thơ gần 300 năm trước vẫn gần gũi với hôm nay và vẫn sẽ còn phải nói ở ngày mai.
" Chị là tiếng gọi đầu cành
Trăm năm không lời đáp
Mong đợi đã vàng
Khát vọng còn xanh"
Hồ Xuân Hương là nhân vật lớn, là đề tài đa dạng trong văn học. Về đời riêng, bà không may mắn trong hôn nhân. Nhà thơ Vũ Phán đã trân trọng với hình ảnh
" Khát vọng còn xanh"
đọng lại trong người đọc nhiều ngưỡng mộ.
" Anh chỉ có hai việc
Yêu Em và làm Thơ"
Tâm niệm vậy nên Vũ Phán " làm Thơ", lao động Thơ nghiêm túc, cẩn trọng.
Sau hai tập CẦU VỒNG (1986), TRANH BIỂN (1989) hai mươi năm sau ông mới in TUYẾT (2008) rồi bốn năm sau mới in BÓNG HÌNH (2012). Mỗi lần in 300 cuốn. Chỉ đủ nộp lưu chiểu, tặng bạn thân và lưu giữ kỷ niệm.
"Làm Thơ" của ông không chỉ là sáng tác.
"Làm Thơ" của ông có lẽ đọc, học, nghiền ngẫm, soi chiếu trong mênh mông kiến thức trong các nền văn hoá mà ông may mắn được tiếp xúc. Ông làm giàu kiến thức cho mình để sáng tác, để " làm Thơ".
Đọc TUYẾT và BÓNG HÌNH, những bài thơ kiệm lời, giàu ý, không trùng lặp đề tài, giọng điệu, mỗi bài là mỗi cách viết.
Thơ Vũ Phán không dễ đọc.
Tôi là người đọc bình thường.
Thơ tình là đề tài có thể chấp nhận nhiều người đọc.
Tôi may mắn và thú vị khi đọc thơ tình của Vũ Phán ở tuổi "cổ lai hy".
Nhìn trên lịch thấy kỷ niệm ngày người già quốc tế, tôi muốn được chia sẻ với các bạn đọc.
Các bạn mến yêu, những người chưa già, sắp già, đang già hoặc đã già...bạn có vui không khi được nói với " Người bạn đời" rằng
" Ta còn đủ nắng đi chơi
Đủ mưa ướt áo
Đủ lá trên rừng cho ta ngồi đếm
Quả trên cành hái trao nhau.."
...Và tôi cảm ơn nhà thơ Vũ Phán.
Singapore 1/10/2018
NGUYỄN TRI NHA
Góp ý(0)
Thêm góp ý
Tin liên quan