-
CHIẾN SĨ TĂNG GIA
(01/02/2018 09:02:36)
-
Đỗ Đồ Đệ hoặc Lão Chõe Bò... là bút danh của tác giả Đỗ Xuân Thu. Với giọng văn hề hà nhưng lại vô cùng sắc sảo khi nhìn nhận cuộc sống xung quanh, anh đã có những tác phẩm xuất sắc, giành nhiều giải thưởng lớn từ trung ương đến địa phương...
Năm nay, "nể tình" với website E24, anh đã gởi cho chúng tôi một truyện vui, gồm quá xá những thành ngữ, tục ngữ về... Chó. Chẳng là năm nay là năm Mậu Tuất mà! Rất cảm ơn tác giả Đỗ Xuân Thu. Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm đặc sắc này của anh...
Tác phẩm gửi đăng Báo Tết
CHIẾN SĨ TĂNG GIA
(Truyện vui thành ngữ, tục ngữ về Chó của Đỗ Đồ Đệ)
Năm vừa rồi, tôi nhập ngũ. Trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân, tôi tự hào lắm. Làng tôi thuộc diện “thâm sơn cùng cốc”. Đồng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Ruộng lúa “chó chạy hở đuôi”. Thế nhưng, người dân quê tôi ai cũng yêu quê tha thiết như “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Ai cũng khiêm tốn, cầu thị, không “chó chạy trước cầy” hay “chó nhà quê cứ đòi ăn nam mực” hoặc thấy “voi đú, chó đú, chuột chù cũng đú”. Trái lại, rất mực yêu thương nhau. Đặc biệt, tinh thần thi ca thì hơn hẳn bất cứ nơi nào khác. Từ người già đến trẻ con đều hay chữ. “Chó ông thánh cắn ra chữ” hẳn hoi đấy. Mang truyền thống quê hương, tôi đĩnh đạc bước vào quân ngũ.
Tác giả "Lão Chõe Bò" Đỗ Xuân Thu |
Huấn luyện ba tháng xong, ngỡ tưởng tôi sẽ được điều lên biên giới hoặc ra hải đảo để bảo vệ Tổ quốc, không ngờ cấp trên giữ tôi lại biên chế vào bộ phận tăng gia của đơn vị. Tôi thất vọng như “chó cụp tai”. Biết ăn nói thế nào với người yêu bây giờ? Lúc lên đường tôi đã thao thao theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”, “chó chạy trước cầy” rằng sẽ thế nọ, sẽ thế kia. Chưa chi đã như “chó đá vẫy đuôi”, “chó có váy lĩnh”. Bây giờ thì… “như chó phải dùi đục” rồi. Buồn. Tôi “lang lảng như chó cái trốn con”, “lơ láo như chó thấy thóc” chẳng muốn gặp ai nữa.
Biết tôi “tư tưởng” vậy, thủ trưởng đã gặp gỡ, trao đổi, động viên. Công việc tăng gia sản xuất này quan trọng lắm. Phải có trình độ, biết “mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”, “chó thiến già, gà thiến non”, không “ngon ơ óc chó” đâu. Phải có tâm huyết, đoàn kết thương yêu nhau. Không được “như chó với mèo”, “đá mèo quèo chó”, “chửi chó mắng mèo” vô cớ. Các cụ dạy “chó cùng nhà, gà cùng chuồng” mà. Chớ có “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, “chó chê mèo lắm lông” mà xích mích. Càng không được “quăng xương cho chó cắn nhau”, “huých chó vào bụi rậm” để cho “chó chạy đường quai, “chó cùng dứt giậu” rồi “chó cắn càn” làm mất đoàn kết nội bộ. Trong công việc phải toàn tâm toàn ý, đúng phận sự mà làm. “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh”, “chó nhà nào thì sủa nhà ấy” là thế. Phải biết nhìn xa, trông rộng, làm ăn lớn, không “lắt nhắt như chó đái”, “loanh quanh như chó nằm chổi”. Làm việc nào phải dứt khoát việc đó, không để “chó tha đi, mèo tha lại” hay “thui chó nửa mùa hết rơm”. Phải trung thực, không được “giả cầy” “treo đầu dê bán thịt chó”. Phải vượt khó, kể cả “nắng tháng ba chó già le lưỡi” cũng không được “nhấm nhẳn như chó cắn ma”, “lẩu bẩu lầu bầu như chó hóc xương”, rồi “chó chê nhà dột ra nằm bụi tre”. Nói năng phải cẩn trọng, chín chắn. “Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói” đừng như “chó dại có mùa, người dại quanh năm” mà chẳng ra gì. Mình tăng gia sản xuất ra nhiều sản phẩm là góp phần cho toàn đơn vị mạnh. Thực phẩm sạch, ngon, rẻ, bữa ăn của bộ đội được cải thiện, toàn quân sẽ khỏe. “Thực túc binh cường” các cụ đã dạy rồi, cậu biết chứ?
Nghe lời thủ trưởng, tôi tạm yên tâm phần nào. Được giao phụ trách trại lợn, có mười chú khuyển phụ tá nữa, tôi tự tin hơn. Lũ chó của tôi tuy không phải dạng “chó săn, chim mồi”, càng không phải “chó khô, mèo lạc”, “chó gio, mèo mù” hay “mèo đàng, chó điếm”, “chó hoang lại gặp mèo hoang” mà toàn là huyền đề cả. Chúng khôn ranh lắm. Cả ngày cứ quấn lấy chân tôi, hỗ trợ cho tôi quản lý, chăm sóc đàn lợn. Đúng là “dù ai buôn bán trăm nghề/ Không bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”. Thì “khuyển mã chi tình” mà lị.
Đàn lợn được tôi chăm sóc chu đáo lớn nhanh như thổi. Con nào con nấy béo núc na núc ních, da dẻ hồng hào. Đến giờ cho chúng ăn vui lắm. Lợn kêu, chó sủa râm ran cả doanh trại. Người tôi lâng lâng cứ như được thưởng thức “cầy tơ bảy món”, được RTC (rượu thịt chó), nhắm rượu với dồi chó. Thì “sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không”, các cụ chả bảo thế rồi còn gì? Thậm chí tôi còn tưởng tượng mình như “chó ngáp phải ruồi”, “nước lụt chó nhảy lên giường thờ”, “chó nhảy bàn độc” nữa cơ. Tôi yêu quý công việc và đơn vị tự lúc nào không hay. Bỗng dưng, tôi nhớ tới người yêu và ước giá lúc này em lên thăm tôi, thấy trại lợn của tôi thì vui biết mấy.
Đang vậy thì con chó nái trong đàn bị liệt chân sau. Nó lê lết theo tôi ra chuồng lợn. Hình như nó bị ai đó đánh gãy chân? Nhìn nó gầy sọp, tôi thương lắm. “Chó gầy hổ mặt người nuôi”. Mà tôi thì chăm nó như chăm người ốm vậy. Cứ nghĩ “chó liền da, gà liền xương” mà mãi nó không khỏi. Nấu cả cháo cho nó ăn. Nhiều hôm vội cho lợn ăn tôi để cả bát cháo nóng bốc hơi ngay miệng nó. “Chó húp cháo nóng”? Giời ạ, húp thế nào được cơ chứ! Tôi còn suýt bị nó đợp cho. Đúng là “mồm chó, vó ngựa”. Thì tôi có phải là bác sĩ thú y đâu? Chẳng qua “trâu không có bắt chó đi cày”, “không có chó bắt mèo ăn cứt”, “cơm chấm cơm”, “thịt chó chấm mắm chó” í mà. Không chữa cho nó thì “còn ra cái chó” gì nữa?
Tôi bần thần ngẩn ngơ nghĩ ngợi lung tung. “Chó lê trôn, gà gáy gở”. Thôi chết rồi! Có điềm gì đó rồi? “Y như rằng”, lợn sụt giá thê thảm. Cả nước giải cứu lợn. Đơn vị tôi đông thế cũng không dùng hết số lợn của trại. Bán không được. Ăn không hết. Nuôi thì tốn. Các cụ bảo đời có lúc “lên voi xuống chó”. Lúc này là lúc tôi “xuống chó” đây. Cạnh đơn vị, có bà nông dân xót của quá, chua ngoa chửi đổng. Bà ấy “chửi dai như chó nhai rẻ rách”, “chửi như chó ăn vã mắm”. Nào là sao lại “chó cắn áo rách” nhà bà. Nuôi mãi mới được lứa lợn đẹp thì lại mất giá thế này? Nào là tưởng “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Rõ ràng nhà bà mới có con chó lạc đến thế sao vẫn ra nông nỗi? Hay là “chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhử”? Đã tránh không “bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”, đâu chỉ “chó đen giữ mực”, đầu tư như thế mà giờ thì sạt nghiệp. Giời ơi là giời! Chửi đổng chán, bà ấy quay sang nói chồng là “đồ vô tích sự”, không biết “lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu” lại còn “coi vợ già như chó nằm nhà gác”. “Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà” chồng ơi là chồng! Ông không biết “chó nào ăn được cứt thuyền chài” à?”. Chỉ bao giờ “chó chê cứt nát người mới chê tiền” nha. Bảo “bán tống bán táng” đi thì không, lại cứ mơ “sống ăn miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm” cơ. Giờ mới “trắng mắt ra”. Tiếc của quá, bà ấy đâm quẫn. Đàn chó của tôi nghe bà ấy chửi cũng đồng thanh sủa ăng ẳng. Rõ khổ! Vẫn biết là “chó nào là chó sủa không” nhưng tôi vẫn tức lũ chó. Chúng chẳng hiểu gì hoàn cảnh cả. Đuổi thì chúng chạy tản ra rồi lại vẫn tiếp tục sủa. Đúng là “ngu như chó”, nói mà chúng cứ “trơ trơ như đầu chó đá”. Thủ trưởng tôi cũng ngao ngán cùng.
Thế rồi, được nhà nước hỗ trợ, các ngành các cấp vào cuộc cùng giải cứu lợn. “Chó cứ sủa, trăng cứ sáng, đoàn người cứ đi”. Cả nước đã vượt qua khó khăn ấy. Chẳng phải “bán đổ bán tháo” lợn nữa. Chẳng cần “lợn rọ, chó thui” nữa. Trước đây, có con lợn gọi bán thì khách “chê ỏng chê eo” (đúng là “chó chê cứt nát”). Giờ thì “còn lâu nha”. Đàn lợn của tôi cầm cự qua cơn khủng hoảng ấy bỗng nhiên lại có giá. Thịt lợn cung ứng thoải mái cho đơn vị. Số dư thừa bán ra ngoài doanh số khủng luôn. Tôi chẳng còn như “chó chui gậm chạn”, “chó già giữ xương” nữa. Không “đá thúng đụng nia”, “chỉ mèo, mắng chó” kể cả hôm con mèo đánh vỡ nồi cá (vì tôi không “chó treo, mèo đạy”)cũng vậy. Nếu như trước thì “con mèo xán vỡ nồi hoang/ Con chó chạy lại nó mang lấy đòn” rồi. Giờ thì không. Trái lại, tôi còn phì cười vì chuyện đó.
Hứng chí, tôi viết thư cho người yêu. Đại thể tôi tả về trại lợn của tôi vượt qua cơn khủng hoảng như thế nào, đàn chó làm vệ sĩ cho tôi ra sao. Thăng hoa, tôi còn dặn nàng sau này làm vợ, làm dâu phải thế nọ, thế kia. Đừng có “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”. Cũng đừng lên mặt “chó ghẻ có mỡ đằng đuôi” mà người ta ghét. Tôi còn kể chuyện con chó bị què tôi đã chăm nó còn hơn cả chăm mình. Thế mà cuối cùng nó vẫn chết. Tưởng “chó chết hết chuyện” nào ngờ “chuyện nọ xọ chuyện kia” mãi tới giờ mới ổn.
Cứ lan man câu chữ thế cho tới khi thủ trưởng đến vỗ vai tôi bảo đi xuất lợn cho trung đoàn chuẩn bị Tết tôi mới sực tỉnh. Ơ! Thế Tết Mậu Tuất đã đến thật rồi à? Tôi đứng dậy chạy vội ra sân. Đàn chó quấn lấy chân tôi sủa ăng ẳng. Cây đào trước mặt nở bung hoa tự lúc nào không biết. Thế là mùa Xuân đã về!
Đ.Đ.Đ
Góp ý(0)
Thêm góp ý
Tin liên quan