-
CHUYỆN KỀ TẾT BÁNH TÉT Ế...
(31/01/2018 13:01:44)
-
Tác giả Lê Anh Thiệm từng là một người lính đặc công trước khi là một nhà giáo đứng trên bục giảng. Những trang viết của anh sắc sảo và tinh tê. Trong BÁO XUÂN MẬU TUẤT 2018 của E24 lần này, anh gởi về tham gia một "Chuyện Tết" đặc sệt chất Lính và không khí Tết ở vùng giải phóng thuộc Nam Bộ xưa. Vui đáo để!
Trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí, các bạn tác phẩm này... (MB)
CHUYỆN KỂ TẾT BÁNH TÉT Ế
(Lê Anh)
Tác giả Lê Anh |
Năm hết tết đến, người dân Nam Bộ không thể thiếu món bánh tét để cúng tổ tiên ông bà. Bánh tét Nam Bộ được xem là đặc sản trong khoái khẩu ẩm thực. Bánh có nhiều loại, dáng vẻ to nhõ khác nhau nhưng nhân bánh thường có hai loại là nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn giống như bánh chưng gồm đậu và thịt heo. Còn nhân ngọt là chuối. Với người dân Nam Bộ ngày tết nhật, lễ lộc, giỗ quải không thể thiếu món bánh tét. Ngày nay, bánh tét trở thành hàng hóa có mặt ở mọi nơi như du lịch, nhà hàng, siêu thị, chợ búa... Ở đâu người ta cũng chuộng nên không bao giờ ế. Còn loại bánh tét ế là của cười lính đặc công chúng tôi.
Cuối năm 1974, ngày 28 tháng chạp, chúng tôi phải đi điều nghiên để chuẩn bị “hàng” cho năm mới. Tổ điều nghiên chúng tôi có bốn người: đồng chí đại đội trưởng và ba mũi trưởng chúng tôi. Chuyến đi êm đẹp, chui đồn chỉ một đêm là xong. Sáng ba mươi, chúng tôi có mặt ở đơn vị. Biết là lính tráng xa nhà vào những ngày này thì nhớ nhà cháy ruột, cháy gan nên đơn vị tổ chức vui đón giao thừa. Chính trị viên giao mỗi trung đội ít nhất có hai tiết mục. Những người khéo ăn nói thì được cử đi thông báo cho bà con gần đó biết để đến chung vui. Khâu chuẩn bị đơn gian nhưng nhanh gọn theo kiểu lính.
Đêm đón giao thừa diễn ra rất đơn giản, bình dị. Vài ngọn đèn dầu tù mù được chế từ chai lọ thắp lên trên khu đất của một nền nhà cũ. Vài đĩa kẹo bánh thèo lèo mua ngoài tiệm được bày ra. Không trà, không rượu, không lave nước ngọt. Thế mà cuộc giao lưu vẫn diễn ra rất xôm. Vui đến ngỡ ngàng là anh bạn tôi Trần Ước – quê anh ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngày thường, anh không phân biệt được “ nờ cao” (l) với “nờ thấp” (n). Anh cứ hay nhờ tôi chỉ cho anh cách phát âm phân biệt rạch ròi giữa hai chữ này. Anh em tôi bắt đầu bằng “thế nào” và “thuốc lào” nói cho đến khi anh phân biệt được thì mới chuyển sang từ khác. Thế nhưng hôm sau anh lại đâu vào đấy vẫn “thế lào” “thuốc nào”. Thế nhưng hôm nay anh đổ sáu câu vọng cổ bằng giọng Nam Bộ lại không hề “nẫn nộn” được dân chúng vỗ tay khen:”Anh út ca hay quá xá”. Cái bất ngờ nữa là trò ảo thuật. Dân Nam Bộ có câu:”Bao giờ cá sặt cắn câu/ Thì gái Nam Bộ làm dâu Bắc Kỳ”. Anh lính trong đơn vị hì hục làm chiếc cần câu. Cần câu này có hai sơi dây gân (cước). Một dây mắc mồi giơ ra cho dân chúng xem. Còn dây kia anh giấu theo cần câu mắc săn con cá sặt nắm trong tay. Anh đọc câu ca dao trên và nói:”nếu tôi câu được cá sặt thì bà con tính sao? Cô nào đẹp nhất nhớ gả cho lính Bắc Kỳ nhé! Thế là những tiếng thách đố vang lên. Anh bạn tôi quăng dây câu trên mặt đất vài ba lần, nhanh dần rồi bất ngờ giật vèo. Nhanh tay, anh thả dây câu có con cá sặt ra, dây kia lại nắm theo cần câu. Con cá lủng lẳng giãy đành đạch. Thế là tiếng cười reo, tiếng vỗ tay vang lên, khen người lính “chú tài quá héng”.
Thế đấy, đêm giao thừa chỉ có thế mà khiến chúng tôi nhớ đời. Hát hò một hồi, khi tiếng chuông đồng hồ trên radio đã điểm, nghe Bác Tôn chúc tết:”Năm mới thắng lợi mới” xong thì quân dân chia tay nhau. Đơn vị lại trở về lán của mình theo từng trung đội. Bóng đêm dày đặc bao phủ. Tôi biết trong bóng đêm ấy có bao trái tim đang thổn thức không ngủ vì:” Xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Đón năm mới ngày mùng một, mùng hai tổ điều nghiên chúng tôi lại lên đường kiểm tra thực địa lần cuối cùng. Lần này có thêm đại đội phó cùng đi. Chính đại đội phó đi với mũi của tôi. Chui qua sáu lớp hàng rào theo con đường cũ, mọi cấu trúc của đồn không gì thay đổi. Mọi yếu tố bí mật vẫn an toàn. Chúng tôi ra về và bắt tay vào gói bánh tét. Phải nói người lính đặc công gói bánh tét không thua gì các má, các chị Nam Bộ. Từng nuộc lạt đều tăm tắp, giấu mối lạt vào nhau, chiếc bánh cân đối hài hòa thật đẹp. Nhưng chất lượng bánh của chúng tôi thì các má, các chị không bao giờ có được. Bởi nó không phải là nếp, đậu, thịt ,chuối mà là thuốc nổ. Loại bánh 400g TNT đã thành khuôn. Còn hợp chất C4 dẻo như bột mì đã luyện. Tôi trực tiếp gói chiếc bánh 3kg bằng hợp chất C4. Tra kíp mười bên trong tôi còn giắt thêm hai kíp nữa để gây tiếng nổ dây chuyền cho chắc ăn. Tất cả bánh trái cho vào áo chiến thuật, chiều mùng bốn chúng tôi xuất quân.
Đến vị trí tập kết, chúng tôi hóa trang xong rồi hòa mình vào bóng đêm hành tiến. Vượt qua con kênh sáng, qua con lộ êm ru không một tiếng động. Rồi qua cánh đồng bẻ cong hình chữ v vượt qua con kênh Cá Lóc để tiếp cận đồn. Khi mới đưa chân xuống kênh thì bất ngờ gặp xuồng lính đi tuần. Chúng tôi nằm đúng tư thế, quan sát từng cử động của ba tên lính trên xuồng. Nó đi ngang qua mũi tôi mà chẳng hề thấy đối thủ của mình. Chờ cho chúng đi qua, chúng tôi mới nhẹ nhàng vượt kênh. Sang đến bờ bên kia, cả mũi dừng lại, tôi lên trước xem công sự dã chiến của lính có phục kích không. Khi đã an toàn, tôi ra hiệu cho cả mũi tiến lên. Đi cuối mũi là đại đội phó Biền nên tôi yên tâm. Lưỡi kéo ngoan ngoãn mở toang từng lớp rào dây thép gai. Chẳng bao lâu chúng tôi đã tiếp cận được mục tiêu. Tôi chon vị trí thuận tiện nhất cho Thi xạ thủ B40. Còn cả mũi ở đội hình hàng ngang chờ mũi chủ công nổ bộc phá lệnh là chúng tôi đồng loạt khai hỏa. Ổ bánh tét 3kg của tôi phải tặng đúng lô cốt đầu cầu. Thời gian trôi đi sao chậm quá! Bỗng dưng đại đội phó Biền bò đến bên tôi ghé sát miệng vào tai thì thào: tao ra ngoài đi i...a...ả cái. Tôi nhe răng cười vì tình huống oái oăm này.
Đột nhiên bên trái đồn có tiếng nổ - tiếng nổ nhỏ không phải tiếng thủ pháo – Thi nhổm dậy vác khẩu B40 lên. Tôi vội nhoài tới giữ tay cậu ta, ra hiệu không phải bộc phá lệnh. Nếu bộc phá lệnh 4kg nổ thì phải rung chuyển trời đất. Nghe tiếng nổ, lính trong đồn cũng bắn vu vơ. Sau những tràng liên thanh, cả đồn lại chìm trong bóng đêm tĩnh mịch. Chúng tôi lại chờ. Thời gian trôi đi chậm chạp, nặng nề. Đêm về sáng muỗi đốt dày đặc hơn, da thịt ngấm nước cũng lạnh hơn. Chỉ trông một tiếng nổ để chúng tôi lao lên giải quyết trận đánh một cách chóng vánh nhất. Nhưng rồi đêm khuya vẫn tĩnh mịch, thỉnh thoảng pháo sáng trong đồn lại vọt lên, đệm thêm những tràng tiểu liên Mĩ cầm canh. Đợt pháo sáng vừa tắt, tôi quay đầu về phía sau nhìn lên bầu trời thì thấy chòm sao tua rua đã ngang tầm mặt. Giật mình, tôi biết mùa này chòm sao xuất hiện ổ vị trí ấy nghĩa lả trời sắp sáng. Quá giờ nổ súng lâu rồi - giờ G là 0h30. Ngay lúc ấy, chuông nhà thờ vọng tới, nghĩa là 4 giờ sáng. Tôi xin ý kiến đại đội phó Biền quyết định rút. Khi vượt qua cánh đồng ra đến con lộ thì địch trong đồn phát hiên ra chúng tôi, những tràng liên thanh sát sàn sạt, xé khí trên đầu tống tiễn chúng tôi. Nhanh như chớp chúng tôi nhào xuống kênh sáng biến nhanh về nơi tập kết.
Ra đến nơi tập kết thì một cảnh tượng vô cùng thất vọng. Không còn một đồng đội nào chờ đợi mình cả. Xuồng, quần áo, vật dụng cần thiết đã rút hết. Chúng tôi phải băng qua vùng ấp nên áo chiến thuật phải cởi ra giấu đi. Mình trần trùng trục chỉ còn mỗi quần xà lỏn trên người. Mặt mũi, chân tay đen lẻmt vì lọ hóa trang. Không thể để “nhan sắc” kiểu này phơi ra trước mặt dân vùng ấp - nhiều người lần đầu thấy chiến sĩ giải phóng – nên đành vào nhà dân xin xà bông giặt ra “tẩy trang” sơ bộ. Khi mặt mũi có vẻ tươm tươm rồi, chúng tôi cắt bưng vượt vườn hoang về cứ. Bánh tét đem bán cho đồn không được đành ôm về, buồn đến thối ruột. Nhất là đòn bánh 3kg của tôi. Dân ấp thấy cứ há mồm hỏi:”cái gì ngộ vậy chú”? Tôi nhếch mép cười:”bánh tét”. Có người hình như đã biết vẫn cố tình hỏi:”Bánh tét sao ngộ lại gói bằng ni lông”?...
Chúng tôi băng qua không biết qua mấy cụm vườn, qua mấy con kênh, qua mấy rừng ô rô rồi? Về đến điểm chốt mà mấy tháng trước chúng tôi quần nhau với địch (nay thành vùng giải phóng) thì gặp tiểu đoàn 7 về thế chân. Thằng bạn bất ngờ thấy tôi nó to. Tôi ghé vào gặp nó bên bờ sông hỏi thăm bạn hữu ai còn ai mất. Biết người bạn ở đại đội hỏa lực nên tôi hỏi có Mai Xuân Cân không? Nó bảo: ông Cân đang ở trong nhà. Đấy là nhà dân. Nhà này tôi không lạ gì! Nhà này có cô Út Huệ góa chồng từ năm 18 tuổi. Chồng cô đi lính ngụy, đóng ở cái đồn gần đó bị quân ta đánh đồn mà chết. Út Huệ lại thích mấy anh giải phóng. Cô vui vẻ với mọi người, nói chuyện rất duyên. Hôm nay, tôi mà vác mặt vào đấy trong tình cảnh đầu không khăn, đít mỗi cái quần xà lỏn thì còn nước non mẹ gì nữa? Vì vậy bạn bè kéo ra bờ sông gặp tôi, chúc nhau năm mới không rượu, không trà, không cá thịt, không cơm canh gì hết. Chỉ ta với ta mà vẫn say ngay ngất. Kể lại chuyện này không biết lão Mai Xuân Cân còn nhớ không? Thế rồi chúng tôi chia tay.
Lần mò về đến cứ, chúng tôi mới biết mũi chủ công bị trái nổ bất ngờ (tiếng nổ mà Thi xạ thủ B40 tưởng bộc phá lệnh định bắn ấy) đã làm mấy người bị thương nên toàn mũi mất sức chiến đấu phải rút ra. Ra rồi họ nghĩ chúng tôi bị kẹt trong đồn chắc chết hết rồi! Không ngờ an toàn trở về là mừng rối.
Nhảy xuống kênh tắm rửa xong mới thấy mình mẩy thấm đòn. Toàn thân từ ngực trở xuống bị gai ô rô cứa nát hết. Da thịt tứa máu ngang dọc đủ kiểu. Bụng đói cồn cào. Bây giờ mới nhớ mình ăn cơm từ trưa mùng bốn giờ này đã chiều ngày mùng năm rồi. Phải chi cái bánh tét ăn được! Thôi để dành đấy. Lần sau đem bán nhất định không ế.
Tp HCM 10/1/2018.
Lê Anh
Góp ý(0)
Thêm góp ý