-
CHIẾN CÔNG ĐẦU XUÂN
(31/01/2018 07:01:13)
-
Phùng Phương Quý, quê Phú Thọ, là một trong những cây viết đạt nhiều thành tích trong sáng tác nghệ thuật. Vanchuongviet.org có viết: "Cái tên Phùng Phương Quý thoạt nghe, tưởng như một người xa lạ vừa lỡ nhịp lạc vào cõi văn. Thực ra, những truyện ngắn kí tên anh xuất hiện khá đều trên Văn nghệ già, Văn nghệ trẻ hay Tiền phong chủ nhật… Anh đi nhiều, trải đời nên viết khá sung sức. Phùng Phương Quý đã dâng tặng bạn yêu thơ mọi miền tập “Huế xa” và “Mưa trên lá cọ” với tấm lòng tri kỉ, bè bạn. Anh đã từng đặt chân tới địa hạt của kịch với tất cả niềm say mê được cầm bút...
Anh đã gởi đến E24 một tác phẩm của anh, viết về Trần Thị Sữa- Anh hùng LLVTND với chiến công xuất sắc trong Tết Mậu Thân 1968
Trân trọng giớ thiệu cùng các đồng chí và các bạn một bài ký đặc sắc của anh,,,
CHIẾN CÔNG ĐẦU XUÂN
Ký: Phùng Phương Quý
Tác giả Phùng Phương Quý |
Sài Gòn cuối tháng chạp năm Đinh Mùi tức đầu năm 1968. Vẫn là nhịp sống ồn ào, sôi động của một thành phố được vinh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trời cuối đông hơi se lạnh, phong kín những nụ mai mới nở. Những ai có linh tính nhạy cảm, thì lại thấy một Sài Gòn đang âm ỉ một dòng chảy nóng bỏng vận động không ngừng nghỉ.
Hôm nay chị Thu lại đi chợ mua đồ ăn cho chủ nhà. Phải đi thiệt lẹ để còn về trông em bé. Cách đây hai tuần, cô bạn giúp việc cùng chị đã bị bà chủ cho nghỉ việc, nên chị phải kiêm cả hai việc trông em bé và đi chợ. Chuyện cô bạn cùng cảnh bị đuổi việc, là do tội chị Thu “nhiều chuyện”. Bà chủ vốn là người Bắc, rất xinh đẹp, nhưng đứa con sinh ra bị tật không biết đi, chỉ ngồi cứng đơ một chỗ. Cô bạn giúp việc kể với chị rằng, do ông bà chủ yêu nhau quá, trót quan hệ trước nên có bầu mấy tháng mới đám cưới được. Do dùng vải buộc ép thai để giấu, nên em bé sinh ra bị ảnh hưởng dẫn đến tàn tật. Bà chủ nổi giận, đuổi ngay con bé hay ngồi lê mách lẻo. Vậy là việc nhà dồn lên đầu chịThu. Chị vốn gầy yếu, mảnh khảnh, nhưng phải ráng gồng mình lo việc nhà chủ. Tuy vậy, chị mừng vì đã thành công trong việc chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mà không muốn cô bạn cùng làm bị “vạ lây”, hay nói cách khác là muốn giữ bí mật việc của chị.
Ba năm trước, chị được giới thiệu đến giúp việc cho gia đình này. Hai vợ chồng chủ nhà rất khó tính trong việc chọn người ở mướn. Trước đó họ đã có một cô gái trẻ giúp việc chợ búa, nhưng thiếu một người chăm em bé. Nhìn tướng người chân quê, thật thà của chị Thu, lại được người giới thiệu khen hết lời. “Nó tội nghiệp lắm, lại thiệt thà ngoan ngoãn! Mẹ mới mất, ba bỏ theo vợ bé, nên từ Long An lên Sài Gòn kiếm tiền nuôi các em”. Bà chủ người Bắc chịu liền. Không ai ngờ chị là một chiến sĩ biệt động thuộc quân khu Sài Gòn- Gia Định, đang hoạt động bí mật. Còn chị sau này mới được cấp trên cho biết, chủ nhà của chị chính là Nguyễn Văn Bính một nhân viên của CIA ác ôn nhất Quận 5. Vốn là con gái thứ Sáu trong một gia đình cách mạng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, có cha và anh trai là liệt sĩ, lúc 15 tuổi chị đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1963, lúc vừa tròn 18 tuổi chị được cấp trên cử lên Sài Gòn hoạt động bí mật, lúc đầu làm công nhân trong một xưởng dệt của người Tàu, hai năm sau chị đi ở mướn cho nhà tên Bính, ẩn mình chờ nhiệm vụ mới.
AHLLVTND Trần Thị Sữa (phải) thăm quê Bác Hồ
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc tấn công nổi dậy năm Mậu Thân (1968), cấp trên quyết định tiêu diệt tên ác ôn Nguyễn Văn Bính, trừ mối nguy hiểm cho lực lượng ngầm của ta, mà tên Bính nắm được một số đầu mối. Nguyễn Văn Bính là một tên cáo già, biết cách đối phó với lực lượng biệt động. Sợ bị phục kích tiêu diệt, hắn thay đổi liên tục giờ giấc đi lại. Có đêm hắn ngủ nhà, có đêm ngủ ở chỗ làm việc. Có lúc hắn về nhà vào khoảng 19-20 giờ, lúc thì 4-5 giờ sáng, nên anh em biệt động rất khó đối diện. Vì đã “cắm” ở nhà tên Bính gần ba năm, nhiệm vụ lên kế hoạch tiêu diệt hắn được giao cho chị Thu. Tính toán kỹ, việc đầu tiên là chị cách ly cô bạn ở cùng nhà, để giữ bí mật và an toàn tính mạng cho bạn. Thời cơ đã đến, khi đêm 28 tháng chạp năm Đinh Mùi, tên Bính mở tiệc tại nhà mừng lên lon. Bạn bè chiến hữu của hắn tới dự khá đông, tên Bính vì được chúc rượu nhiều nên say quá, đêm đó ngủ ở nhà. Chị Thu đã tìm cách liên lạc với đơn vị, đề nghị tiêu diệt tên Bính ngay tại nhà hắn, nếu để lâu sẽ không còn cơ hội nữa. Rạng ngày 29 tháng Chạp, lúc đó vào khoảng ba giờ sáng, chị Thu ngủ dưới lầu với em bé, còn vợ chồng tên Bính ngủ trong phòng riêng trên lầu. Có tiếng gõ cửa, rồi một nhóm quân cảnh đòi xét nhà. Nhận được tín hiệu của quân ta, chị Thu rất hồi hộp, lo lắng. Chị vội chạy lên lầu kêu. “Thưa cậu! Có quân cảnh đòi mở cửa vô xét nhà!”. “Đ má! Tui này khùng hả? Không mở!”. Chị lật đật chạy xuống lầu, bên ngoài tiếng đập cửa dữ dội hơn, tiếng quát tháo ầm ĩ. Chị quay lên, báo lần nữa với chủ nhà là quân cảnh không chịu đi, còn đòi phá cửa vô nữa. Tên Bính bực bội ngồi dậy, với chiếc áo mặc lên người, rồi nói chị mở cửa cho “bọn chó quân cảnh” vô. Chị giả vờ quýnh quáng, chỉ lên lầu. “Dạ thưa mấy anh! Ông chủ tui ở trên đó!”. Ba tên quân cảnh nhanh chóng tiếp cận cửa phòng, giật cửa xông vô. Tên Bính vừa trợn trừng mắt chửi. “ Đ. má! Tụi bay có biết tao là ai không?” thì bị hai người áp sát, bẻ quặt tay kéo ra khỏi phòng. Một người giở tờ giấy lên đọc bản luận tội và án xử tử của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam thuộc quân khu Sài Gòn- Gia Định đối với tên ác ôn Nguyễn Văn Bính đã có nhiều nợ máu với cách mạng. Bản án được thi hành tại chỗ. Họ lôi bà chủ xuống lầu, trói áp lưng với chị Thu, rồi rút êm. Gần trưa hôm đó, bọn cảnh sát quận và quân cảnh mới kéo tới, giải thoát cho hai người phụ nữ. Chúng lấy lời khai, lập biên bản rồi hẹn sẽ điều tra làm rõ sau. Sợ bị lộ, ngay chiều đó chị Thu xin nghỉ việc với lý do ông chủ vừa mới chết. Chị trở về căn nhà trọ cũ với một nữ đồng đội cùng làm ở xưởng dệt, với ý định sẽ xin vô làm công nhân lại. Đêm hôm sau, đúng giao thừa Tết Mậu Thân, chị đã có mặt tại cửa ngõ phía Tây Sài Gòn, dẫn đường cho cánh quân giải phóng từ Long An tiến đánh Quận 6.
Sau sự kiện Mậu Thân, chị Thu trở lại với công việc của một thợ dệt. Cuối năm đó, sau quá trình điều tra, bọn địch phát hiện có một chiến sĩ nằm vùng của ta tên Sáu Sữa từ Long An vô Sài Gòn hoạt động. Chúng nghi ngờ chị và bắt giam đúng hai mươi ngày. Bọn cảnh sát Quận 6 tra tấn, đánh chị gãy mất hai chiếc răng cửa, bắt phải khai ra nhiệm vụ bí mật. Chị khăng khăng nói “Tui tên là Lê Thị Thu, như trong giấy khai sinh mang theo, chứ không phải Trần Thị Sữa!”. Cuối cùng bọn địch phải thả chị ra. Thấy chị có thể bị lộ, cấp trên điều chị về lại Thủ Thừa làm công tác vận động xây dựng tổ chức đảng, đoàn. Với tư cách huyện ủy viên, bí thư Ban cán sự huyện Thủ Thừa, trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, chị là một trong các đồng chí Ban chỉ huy chiến dịch của Trung đoàn 3 Sư đoàn 5, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Chị Trần Thị Sữa với đời thường |
Không khí ngày xuân đang đến gần, cây mai trước cổng nhà chị Trần Thị Sữa- Anh hùng LLVTND tại thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) đã nở vàng. Tuổi 72 nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Xong việc nương vườn, chị ngồi kể lại với khách về chiến công đầu tiên của mình trong Tết Mậu Thân năm ấy. Đã 50 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về một mùa xuân anh hùng vẫn còn khắc ghi trong lòng người nữ chiến sĩ biệt động. Cái tên Lê Thị Thu giờ chắc không còn mấy ai nhớ, vì đó là tên giả. Sau năm Mậu Thân đầy sự kiện lịch sử, chị đã trở lại với tên thật của mình là Trần Thị Sữa.
P.P.Q
Góp ý(0)
Thêm góp ý