-
TRUNG ĐOÀN 24 TIẾN CÔNG ĐÁNH CHIẾM TỔNG NHA CẢNH SÁT VIỆT NAM CỘNG HÒA...
(26/04/2017 12:04:55)
-
16 giờ ngày 15 tháng 4 năm 1975, có điện triệu tập Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 24 đến gặp Bộ tư lệnh tiền phương nhận nhiệm vụ ở xã Thạnh Phú Long thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Đồng chí Ba Thắng - Chính ủy Bộ tư lệnh tiền phương sau khi thông báo vắn tắt tình hình đang diễn ra rất khẩn trương, nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ: Quân khu 8 có vinh dự tổ chức cánh quân đánh từ Long An vào thẳng vùng ven Sài Gòn ở quận 8 để nhận nhiệm vụ tiếp theo.
Lực lượng gồm Trung đoàn 24, Trung đoàn 88, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Long An và Trung đoàn 271 đang đến sau. Nhiệm vụ chung là tiến công thần tốc mở đường theo trục đường 5B (lúc đó) đến rạch Cần Giuộc vào ngày "X" (ngày 27 tháng 4 năm 1975). Trung đoàn 24 đảm nhiệm chủ công đi đầu, tiếp sau là Trung đoàn 88 dự bị, sau cùng là các tiểu đoàn của tỉnh Long An...
Tiến công đánh chiếm tổng nha cảnh sát Việt Nam Cộng hòa
Trung đoàn 24 đang triển khai đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm của sư đoàn 7, cán bộ từ trung đoàn đến tiểu đoàn đang chuẩn bị trận địa tiến công được lệnh hành quân về nam Long An nhận nhiệm vụ mới.
Đêm 14 tháng 4, toàn trung đoàn vượt qua quốc lộ 4 về đứng chân ở huyện Chợ Gạo sát ranh giới Long An - nơi đây mới được giải phóng nửa tháng. Mỗi tiểu đoàn trung bình gần 300 quân, súng đạn trang bị đầy đủ.
16 giờ ngày 15 tháng 4 năm 1975, có điện triệu tập Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 24 đến gặp Bộ tư lệnh tiền phương nhận nhiệm vụ ở xã Thạnh Phú Long thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Đồng chí Ba Thắng - Chính ủy Bộ tư lệnh tiền phương sau khi thông báo vắn tắt tình hình đang diễn ra rất khẩn trương, nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ: Quân khu 8 có vinh dự tổ chức cánh quân đánh từ Long An vào thẳng vùng ven Sài Gòn ở quận 8 để nhận nhiệm vụ tiếp theo.
Lực lượng gồm Trung đoàn 24, Trung đoàn 88, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Long An và Trung đoàn 271 đang đến sau. Nhiệm vụ chung là tiến công thần tốc mở đường theo trục đường 5B (lúc đó) đến rạch Cần Giuộc vào ngày "X" (ngày 27 tháng 4 năm 1975). Trung đoàn 24 đảm nhiệm chủ công đi đầu, tiếp sau là Trung đoàn 88 dự bị, sau cùng là các tiểu đoàn của tỉnh Long An.
Tiến công trong hành tiến là chủ yếu: tiêu diệt, bức rút, bức hàng toàn bộ hệ thống đồn bốt trên trục tiến công kể cả các lực lượng giải tỏa, bảo đảm hành lang an toàn từ phía sau ra phía trước. Mục tiêu chủ yếu của Trung đoàn 24 trước mắt là tiêu diệt đánh chiếm chi khu Cần Giuộc. Trung đoàn 88 tiêu diệt chi khu Tân Trụ ở phía sau (đã nổ súng 2 ngày đêm chưa dứt điểm).
Tối 15 tháng 4, toàn trung đoàn sang đứng chân ở nam sông Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Long An, đây là vùng mới giải phóng được ít ngày. Đêm 16 tháng 4, trung đoàn vượt sông Vàm Cỏ Tây bằng tàu chở hàng của dân, mỗi tàu 40 - 50 đồng chí sang ém quân ở vùng địch kiểm soát và triển khai đánh ngay trận mở đầu diệt 3 đồn ở xã Tân Chánh.
3 giờ sáng ngày 17 tháng 4, Tiểu đoàn 4 được lệnh nổ súng, sau ba tiếng bộc phá nổ là hỏa lực các loại nổ dồn dập trong một phút - nhiều đám cháy và tiếng nổ của đạn, lựu đạn, sau tám phút tất cả im tiếng súng, Tiểu đoàn 4 đã báo cáo diệt xong ba đồn, ta bị thương nhẹ một đồng chí. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội, hai trung đội bảo an, diệt 20 tên, số còn lại chạy hết; thu 5 súng AR-15, M79.
Nhân dân đã sơ tán trước sáng 18 tháng 4, để lại lợn, gà, nhà cửa. Bộ đội đóng ở ngoài vườn sẵn sàng đánh địch vào giải tỏa. 8 giờ sáng ngày 18 tháng 4: 1 giang đoàn chạy từ Long An đến nhưng đều ở phía bờ nam sông bắn 12,7mm sang. Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 sẵn sàng nổ súng nhưng địch không dám đổ bộ. Đến 11 giờ, giang đoàn này lui ra hướng biển.
Thực hiện lệnh của Sở chỉ huy tiền phương quân khu đẩy mạnh tiến công địch để tiến đến chi khu Cần Đước, trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 5 diệt 1 phân chi khu, 2 đồn và bức rút 1 đồn.
Đánh xong, cả trung đoàn trong đêm lại di chuyển lên phía trước. Đêm 19 tháng 4, Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 diệt tiếp phân chi khu và bức rút thêm 4 đồn, địch hoảng sợ bỏ chạy.
Hơn 10 đồn phân chi khu đã tự đốt phá đồn rút chạy trước khi trời tối. Phân chi khu An Thuận (đồn cấp đại đội), ta chỉ dùng một trung đội tăng cường một ĐKZ75, một đại liên cũng dứt điểm trong 10 phút. Trung đoàn tập trung chuẩn bị đánh chi khu Cần Đước.
Lực lượng địch có một tiểu đoàn bảo an được tăng thêm số quân các nơi chạy về tạo thành một cứ điểm lớn, có nhiều chốt ở vòng ngoài. Quân thì đông nhưng tinh thần địch đang dao động mạnh nên cách đánh của trung đoàn phải giải quyết bằng hai giai đoạn: giai đoạn đánh bóc vỏ và giai đoạn tiến công dứt điểm.
Tiểu đoàn 5 vào chiếm lĩnh xây dựng trận địa vây ép không khó khăn lắm, vì địa hình kín đáo, địch không phát hiện được. 5 giờ sáng ngày 23 tháng 4, Tiểu đoàn 5 nổ súng đánh vào chi khu Cần Đước gây nhiều tổn thất cho địch. Đêm 22 tháng 4, Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 vào chiếm lĩnh trận địa, Tiểu đoàn 6 làm dự bị. Kết quả trong 20 phút nổ súng, Tiểu đoàn 4 đã đánh tan 6 chốt cấp trung đội làm chủ trận địa lúc 24 giờ ngày 22 tháng 4.
Địch chui hết vào công sự giao thông hào và một số hầm, kêu phi pháo và viện binh đến giải vây. Phi pháo địch đánh liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, máy bay có 12 phi vụ, mỗi phi vụ 2 đến 3 chiếc A37, F5. Tuy vậy, bom pháo địch đều đánh gần trận địa.
Tiểu đoàn 5 báo cáo bộ đội vẫn an toàn do địch và ta cách nhau vài chục mét. Trung đoàn quyết định đưa thêm Tiểu đoàn 6 vào đánh dứt điểm trong đêm 23 tháng 4 năm 1975. Lúc 17 giờ, Tiểu đoàn 5 báo cáo địch có dấu hiệu rút chạy, cho tiểu đoàn bám chặn để có thể đánh chiếm ngay mục tiêu không chờ Tiểu đoàn 6 vào thay thế.
Vào chập tối, Tiểu đoàn 5 nổ súng dồn dập đánh vào chi khu Cần Đước trong lúc địch đang rút chạy. Tiểu đoàn 6 vòng về phía tây bắc thì địch đã chạy thoát hết về hướng bắc.
18 giờ 30 phút ngày 23 tháng 4, ta làm chủ chiến trường, Bộ tư lệnh tiền phương đã cho các tiểu đoàn 1, 2 Long An vào tiếp quản thị trấn Cần Đước, giải quyết việc thu dọn chiến trường hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác phá kiềm.
Trung đoàn dừng lại, sẵn sàng đánh địch vào tái chiếm. Suốt ngày 24 tháng 4 không có địch giải tỏa, tái chiếm. Khi chi khu Cần Đước bị diệt, các đồn bốt trong khu vực bỏ chạy khá nhiều.
Ngày 25, 26 tháng 4 trung đoàn tiếp tục phát triển về hướng bắc không gặp sự kháng cự nào, quân lính ở các đồn bốt đã bỏ chạy từ huyện Cần Đước sang Cần Giuộc, chỉ còn một số đồn ở dọc lộ 5A và chi khu Cần Giuộc.
Tối ngày 27 tháng 4, toàn trung đoàn đã ở nam sông Cần Giuộc - đoàn cán bộ đi trước chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp theo, có đồng chí Huỳnh Văn Mến - Tư lệnh tiền phương quân khu cùng đi, được tổ tự vệ thành đưa vào vị trí giấu quân rất mạo hiểm ở bờ sông Cần Giuộc có dừa nước che kín.
Tổ tự vệ thành có 3 nữ, 2 nam trẻ, nhanh nhẹn cho biết: khu này có 1 liên đoàn biệt động quân phục kích ở đây mấy ngày đêm mới rút đi chiều nay (ngày 27 tháng 4), nhưng sông này có 1 giang đoàn thủy quân lục chiến từ Cần Giuộc sáng nào cũng đến chốt từ sớm đến 4 giờ chiều mới rút.
Hàng chục tàu đậu rải ra cứ 30 - 40 mét 1 tàu, chỉ cách chỗ này không xa, các chú không được ho, không được phát ra tiếng động, địch nghi ngờ là đạn bắn ra như mưa vào đây.
Đến 4 giờ 30 phút chiều, giang đoàn này bắt đầu rút về Cần Giuộc.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm bắt đầu nấu cơm. Đồng chí Tư Nhân (Huỳnh Văn Mến) triệu tập cán bộ tiểu đoàn và trung đoàn trưởng đến phổ biến nhiệm vụ. Đồng chí yêu cầu đêm nay phải hoàn thành trinh sát các mục tiêu ở cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y, từ đây đến đó còn trên dưới 10km. Chậm nhất 6 giờ sáng mai (ngày 29 tháng 4) phải có mặt ở đây, sẽ có xuồng đón về Sở chỉ huy để báo cáo sơ bộ quyết tâm đánh hai mục tiêu này.
Đoàn cán bộ được tăng cường hai tự vệ thành. Ăn cơm xong, tự vệ thành đã đưa lên khỏi mặt nước một xuồng giấu kỹ, chở đoàn cán bộ qua sông Cần Giuộc lên phía bắc qua lộ 5B. Đối chiếu với bản đồ, đoàn phải đi qua một cánh đồng lầy lội bùn, ngang đầu gối, nước mặn, hướng về Sài Gòn rực sáng ánh điện. Một đồng chí trinh sát đạp phải mìn bị thương vào bàn chân phải ở lại.
Trung đoàn trưởng vừa lội bùn cùng anh em vừa dự kiến phương án tác chiến: Tiểu đoàn 4 đánh cầu Chữ Y, Tiểu đoàn 5 đánh cầu Nhị Thiên Đường. Đến ngang cầu Nhị Thiên Đường, Trung đoàn trưởng cho cán bộ dừng lại xác định phương án đi trinh sát: Tiểu đoàn 4 do Tham mưu trưởng đi cùng vào điều tra cầu Chữ Y, còn Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 cùng Trung đoàn trưởng điều tra cầu Nhị Thiên Đường xem địch bố trí lực lượng ra sao? Tiến công như thế nào?...
Kết quả đã xác định được hai đồn quân cảnh cấp đại đội bảo vệ hai mục tiêu cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường, đồn cầu đúc lô cốt bê tông cốt thép 4 góc, hàng rào kẽm gai bao bọc quân lính đều ở trong nhà, xung quanh là đường phố, nhà dân dày đặc.
Ngoài ra có một số vọng gác từ bên ngoài. Tiểu đoàn 4 phải đi xa hơn Tiểu đoàn 5 đến 6km đồng lầy vẫn về kịp nơi quy định trước sáng. Xuồng đã có chuẩn bị sáng đưa cán bộ về Sở chỉ huy tiền phương để báo cáo theo đúng quy định.
Đồng chí nào cũng hốc hác vì quá vất vả sau 10 đêm liền không ngủ, đêm 28 tháng 4 là căng thẳng nhất. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh quân khu gồm: đồng chí Ba Thắng, Tư Thân và Năm Chiều (còn đồng chí Chín Hải đã về chỉ đạo Mỹ Tho). Tất cả đang chờ nghe báo cáo của Trung đoàn 24. Đồng chí Đàm Hữu Vấn - Chính ủy trung đoàn cũng đến dự.
Sau khi nghe Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 báo cáo tình hình, địa hình và sơ bộ quyết tâm đánh hai mục tiêu cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường bằng hai mũi, cách sử dụng lực lượng, các đồng chí chỉ huy quân khu trao đổi và đều nhất trí.
Đồng chí Ba Thắng đã khen ngợi trung đoàn hoàn thành bước 1 chiến dịch. Sau khi giao nhiệm vụ đánh chiếm cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, tổng nha cảnh sát (Trung đoàn 88 làm dự bị) đồng chí xác định: giờ "G" ngày 30 tháng 4 và đối với Trung đoàn 24 là 5 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đồng chí Tư Thân cũng nhấn mạnh, căn dặn thêm trung đoàn cách đánh, chốt giữ, mục tiêu là tiến thẳng vào chiếm tổng nha cảnh sát, sẵn sàng nhận lệnh tiếp theo.
Đảng ủy trung đoàn họp mở rộng quán triệt nhiệm vụ lịch sử trên giao và cụ thể hóa nhiệm vụ của trung đoàn và từng tiểu đoàn. Bộ đội được chuẩn bị mọi mặt rất chu đáo, đồng chí nào cũng dành một bộ quần áo đen lành nhất để mặc khi giờ "G" sắp bắt đầu.
Cán bộ, chiến sĩ đã bất chấp máy bay trinh sát bay lượn trên đầu cùng những máy bay phản lực quần lượn để yểm trợ cho trực thăng bốc người di tản khỏi thành phố suốt ngày và đêm 29 tháng 4 năm 1975, công khai làm mọi công tác chuẩn bị ở ven địa hình. Trên đường 5B xe cộ đủ loại vẫn tấp nập ra vào thành phố từ Cần Giuộc lên, từ thành phố ra.
Trước giờ bộ đội xuất kích, Bộ tư lệnh tiền phương triệu tập trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn nghe báo cáo công việc triển khai, có gì cần giải quyết ngay.
Vào 17 giờ ngày 29 tháng 4, bộ đội đã ngụy trang kín ba lô súng đạn lần lượt ra khỏi ven địa hình, hình thành hai cánh quân tiến về phía bắc nhằm hướng cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường. 3 giờ sáng, Tiểu đoàn 5 đã báo cáo chuẩn bị xong, Tiểu đoàn 4 do phải đi xa hơn nên 4 giờ 30 phút mới báo cáo chờ lệnh nổ súng.
Sở chỉ huy trung đoàn đi sau Tiểu đoàn 5. Tiểu đoàn 6 đi sau cùng trên trục đường 5B mặc cho xe cộ ngược xuôi chạy tấp nập. Đúng 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4, hai tiểu đoàn 4 và 5 bắt đầu nổ súng tiến công.
Tiểu đoàn 5 đã diệt được một chốt, phát triển vào đánh đồn ở cầu Nhị Thiên Đường, bị địch chống trả mạnh phải vòng tránh qua một số nhà chiếm tầng cao đánh xuống bằng mọi cách, đến 8 giờ chiếm được cầu Nhị Thiên Đường.
Tiểu đoàn 4 phải đánh chiếm từng mục tiêu từ ngoài vào trong, cũng phải vòng tránh chiếm tầng cao đánh xuống đến 8 giờ 30 phút mới chiếm được cầu Chữ Y. Địch ở các nhà tầng dùng đại liên bắn vào cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường. Tiểu đoàn 6 được lệnh đánh thẳng lên cầu Chữ Y theo đại lộ Phạm Thế Hiển để hợp đồng với Tiểu đoàn 4 chuẩn bị phát triển vào quận 1.
Địch chiếm các tầng cao hai bên đại lộ Phạm Thế Hiển bắn như đổ đạn xuống đường để ngăn chặn Tiểu đoàn 6, bộ đội vẫn dựa vào các nhà tiến lên cầu Chữ Y. Tiểu đoàn 5 cũng được lệnh để lại một đại đội chốt giữ cầu Nhị Thiên Đường còn lại cùng Tiểu đoàn 6 lên cầu Chữ Y.
Đến 9 giờ 30 phút thì cả Tiểu đoàn 4, 5 và 6 đều có mặt ở cầu Chữ Y, địch ở phía bên kia cầu và nhà tầng bắn ngăn chặn. B40, B41 cùng đại liên của ta đã diệt một số hỏa điểm, chiếm được hai bên cầu Chữ Y. Các đơn vị tiếp tục vận động qua cầu Chữ Y bất chấp hỏa lực ngăn chặn, đến 10 giờ 45 phút thì Tiểu đoàn 4 và 6 cùng Tiểu đoàn 5 đã đánh chiếm tổng nha cảnh sát và khu quân cảnh.
Đến 11 giờ, ta đã chốt chặn các cổng ra vào, kiểm soát toàn bộ tình hình. Khoảng 1.000 tên địch đã vứt bỏ sắc phục giơ tay xin hàng. Phóng viên nhiếp ảnh trong và ngoài nước kéo đến quay phim, chụp ảnh cảnh ta chiếm tổng nha cảnh sát, lúc này là 11 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.
* Nguồn trích dẫn: "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- 1 - Viết bởi Phạm ngọc Thúy Đánh chiếm Tổng Nha cảnh sát ngụy.(08/06/2018 01:06:46)
- Đêm 30 tháng tư 75 khi chuẩn bị đánh vào Tổng nha tôi (B41) cùng hành quân với người phụ (mang AK) và chính trị viên tiểu đoàn 4 (vác theo 1 quả DH10) vào ven Phạm thế Hiển gần cầu chữ Y ( Ông Chính trị viên Tiểu đoàn yêu cầu tôi chỉ được bắn xe tăng (vì chỉ còn ba quả đạn , một quả tôi đã bắn trong trận mở màn khi vượt sông Vàm cỏ sang đánh ở Cần đước ) và ông giải thích phải vác DH10 và đi theo tôi vì hành quân mang nặng lội sình sợ rơi rớt đạn không có để đánh xe tăng . Sáng 30 tháng tư khi Ông phát lệnh tấn công chúng tôi lao lên Phạm thế Hiển ( lúc này anh Lý cùng cánh chúng tôi bị trúng đại liên hy sinh ). Lên đến đường Phạm thế Hiển chúng tôi lạc nhau , chỉ còn tôi và người phụ ( AK ), vì không biết đường ,tôi bắt một chiếc xe Jeep lại hỏi đường đến cầu chữ Y và Tổng Nha thì được người lái xe Jeep ( sau này mới biết người lái xe là sĩ quan cấp úy Cảnh sát ngụy ) chở thẳng về cầu chữ Y. Đến cầu chữ Y không gặp ai chúng tôi chạy thẳng vào Tổng nha , (vào ngay cổng chụp tấm hình trên , phía bên phải cò một chiếc xe tăng án ngữ ).Chúng tôi gặp một sĩ quan cấp tá ngụy xưng là cán bộ nội tuyến đem rượu "Tây" và cà phê ra tiếp đãi. Lúc này là khoảng hơn 9 giờ sáng 30 tháng tư . Vì đói quá (cơm nắm rớt lúc nào không hay , không dám ăn đồ dân cho vì sợ độc ) chúng tôi nấu mì tôm ăn. Lúc này trong Tổng nha chỉ có hai chúng tôi và mấy người "nội tuyến " , các đống tài liệu mà chúng đốt mới bắt đầu cháy ( phía bên phải căn nhà có chữ phòng khách ) và cà phê trên bàn làm việc (căn nhà gần cổng bên phải tấm hình ) còn nóng. Tiếc là chúng tôi "ngu quá " nên không biết dập lửa cứu tài liệu. Mãi đến chiều hôm sau khi "nội chính " ( họ tự xưng vậy)từ Hà nội bay vào đi gom tài liệu và khóa các tủ lại chúng tôi mới biết tầm quan trọng của chúng.Tấm hình chụp trên có lẽ chụp lúc chúng tôi đã ăn , uống rượu xong và nằm lăn ra ngủ (ở căn nhà gần cổng phía bên phải ) vì thức đêm nhiều , buồn ngủ quá ( Vị "thiếu tá " kêu cứ ngủ đi Ông ấy canh cho, cứ yên tâm vì ông ấy quê ngoài Bắc được phai vào đây).Tôi không hề chứng kiến cảnh chụp trong tấm hình dù ở ngay cổng . Thời điểm E 24 chiếm Tổng nha lẽ ra phải tính từ lúc chúng tôi tiến vào tòa nhà (có chữ Bộ tư lệnh cảnh sát Quốc gia trong hình ) lúc hơn chín giờ sáng 30 tháng tư.