-
CHIẾN SĨ NUÔI GÀ
(01/01/2017 11:01:38)
-
Vốn “con nhà nòi”, tôi nhớ lại lời mẹ dạy, “gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống ấy” để làm giống, chọn “gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm” để làm thịt. Rồi thì “ếch tháng ba, gà tháng bảy”, “chó già, gà non”, “vịt già, gà tơ” để mà “tiền trao ra gà bắt lấy”, không “bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”, biết “chuồng gà hướng đông cái lông chả còn”. Thủ trưởng thấy tôi thế thích lắm. Anh vỗ vai tôi thủ thỉ: “Chúng tớ “chọn mặt gửi vàng” đúng chỗ rồi. Cứ thế mà phát huy nhé”. Tôi phấn khởi ra mặt. (Đỗ Xuân Thu)
Tác phẩm gửi báo Tết
CHIẾN SĨ NUÔI GÀ
Truyện vui thành ngữ, tục ngữ về gà của Đỗ Xuân Thu
Cứ nghĩ tôi là kẻ “vô tích sự” “trói gà không chặt”, sẽ suốt đời “gà què ăn quẩn cối xay”, ấy vậy mà
từ ngày nhập ngũ, vị thế tôi khác hẳn. Vốn “đầu gà má lợn” tôi không mê, “cơm gà cá gỏi” tôi không thích, không bao giờ “bới lông tìm vết”, “vu oan giá hoạ” cho ai. Tôi “ghét cay ghét đắng” lũ “chó săn, gà chọi”, bọn “cõng rắn cắn gà nhà”, kẻ “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, loại “mèo mả gà đồng”, làm thì dựa dẫm “đá gà đá vịt”. Tôi chưa bao giờ “gà mượn áo công” để phách lối, càng không phải diện gà mờ “cà kê dê ngỗng”, “nhìn gà hóa cuốc” để “ông nói gà, bà nói vịt”, sông theo kiểu “đầu gà, đít vịt” chẳng ra thể thống gì. Thế nên, tôi được đồng đội “kẻ mến, người yêu” vì cái tính “thật thà chất phác”, “trung thực thắng thắn” đó.
Huấn luyện ba tháng xong, tôi được điều về ban hậu cần sư đoàn. Đúng là “chuột sa chĩnh gạo”. Cái ngữ tôi tuy “da trắng như trứng gà bóc” thật đấy nhưng “chữ như gà bới”, họp hành thì “ngủ gà ngủ gật”, thế mà giờ được vào chỗ ấy chẳng bằng một nước lên voi rồi còn gì. Tôi hãnh diện lắm. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, tôi được điều tiếp về bộ phận tăng gia, trực tiếp chăn nuôi gà. Giời ạ! Tưởng đi bộ đội thế nào lại là cái anh chăn gà ư? Tôi thật sự chán nản. Thủ trưởng gặp gỡ động viên tôi. “Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo thực phẩm tươi sạch cho đơn vị. Tôi biết, nhà cậu có truyền thống chăn nuôi gà, cậu ở vị trí này sẽ phát huy tác dụng. Cố gắng lên nhé. Đừng phụ lòng tin tưởng của chúng tớ”. Tôi “ngun ngủn như gà cụt đuôi” chấp hành mệnh lệnh cấp trên chứ còn biết làm sao nữa?
Bắt tay vào việc, tôi bị công việc cuốn hút. Nhìn lũ gà “đông đàn dài lũ”, “gà con ấp mẹ” ngoài vườn, thấy “trứng gà trứng vịt” trắng lốp trong chuồng, nghe lũ “gà đẻ gà cục tác” râm ran, bọn gà trống “tức nhau tiếng gáy” ầm ĩ, chiều về ngắm đàn gà ăn đúng kiểu “lép bép như gà mổ tép”, “lộp bộp như gà mổ mo” tôi khoái lắm. Cái cảm giác bên trang trại gà nhà tôi ở quê ập đến. Máu nghề nghiệp nổi lên. Tôi không “ăn cơm gà gáy, cất binh nửa ngày”, “đủng đà đủng đỉnh”, “sớm chả vừa trưa chả vội”, chẳng còn “lờ đờ như gà ban hôm” nữa. Tôi bắt tay vào cùng mấy chiến sĩ trong tổ cải tạo, gây dựng, phát triển đàn gà.
Vốn “con nhà nòi”, tôi nhớ lại lời mẹ dạy, “gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống ấy” để làm giống, chọn “gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm” để làm thịt. Rồi thì “ếch tháng ba, gà tháng bảy”, “chó già, gà non”, “vịt già, gà tơ” để mà “tiền trao ra gà bắt lấy”, không “bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”, biết “chuồng gà hướng đông cái lông chả còn”. Thủ trưởng thấy tôi thế thích lắm. Anh vỗ vai tôi thủ thỉ: “Chúng tớ “chọn mặt gửi vàng” đúng chỗ rồi. Cứ thế mà phát huy nhé”. Tôi phấn khởi ra mặt.
Tôi tham mưu cho b trưởng việc nuôi dưỡng, chăm sóc đàn gà. Nhờ đó mà trại gà của đơn vị “đông đàn dài lũ” dần lên. Thế nhưng chưa kịp mừng thì dính ngay đợt dịch H5N1. Đã “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thấy “ráng mỡ gà ai có nhà phải chống” rồi, vậy mà dịch bệnh nó có chừa đâu cơ chứ. Đêm trước nghe con gà mái gáy tôi đã “sởn da gà” “mặt tái mét như gà cắt tiết” rồi . “Gà gáy gở” là điềm dữ! Mẹ tôi ở nhà thường nói vậy. “Y như rằng”, chương trình “Chuyển động 24 giờ” trưa hôm sau, vô tuyến thông báo dịch cúm gà. Hàng ngàn con trong trại chứ có phải ít đâu? Cả xóm quanh đơn vị tôi “nháo nhác như gà lạc mẹ”. Người ta “chân le chân vịt”, “te tái như gà mái nhảy ổ” bắt vội lũ gà mang ra chợ bán chạy. Chẳng còn “con gà béo bán bên Ngô, con gà khô bán láng giềng” nữa. Bây giờ ai mua cũng bán. “Bán tống bán táng” cốt gỡ lại chút vốn. Mấy đứa con họ cũng xăng xái giúp mẹ. Đúng là “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. Có gia đình vợ chồng cãi nhau, bà vợ xù lên quát chồng: “Sáo đói thì sáo ăn đa, phượng hoàng lúc đói cứt gà cũng ăn”, ông cứ mặc tôi. Bán nhanh gỡ lấy ít vốn. Bao giờ “gà chê thóc chẳng bới người mới chê tiền” nha”. Ông chồng đành “ngun ngủn như gà cụt đuôi” mặc cho vợ “muốn làm gì thì làm”. Có nhà vội thịt một con gà trống tơ sắm lễ cầu cúng. “Thủ lợn quay ra, đầu gà quay vô”, sì sụp khấn vái cầu cho “tai qua nạn khỏi”.
Giao ban sư đoàn về, thủ trưởng tôi phổ biến lệnh cấm vận chuyển, tiêu thụ gà cho chúng tôi. Anh thông báo tình hình dịch bệnh H5N1 và sự triển khai phòng trừ dập dịch của địa phương. Có vị cán bộ nọ lẩn tránh trách nhiệm, giả vờ đi chơi xa để vợ ở nhà “vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm”, tha hồ “tác oai tác quái” bán trộm, bán chạy chứ không tiêu hủy đàn gà. Uỷ ban phát hiện, kiểm tra, lập biên bản tịch thu toàn bộ số gà đó. Họ cảnh cáo gia đình cán bộ nhưng không gương mẫu rồi phạt tiếp. Đúng là “tội vịt chưa qua, tội gà đã tới”, “đã gà què lại còn bị chó đuổi” cứ như là “hóc xương gà, sa cành khế” vậy. “Một tiền gà ba tiền thóc”, xót lắm. Bà vợ nọ “lộn chiếc ví mề gà” ra khóc lóc kêu đòi ủy ban như “phù thuỷ đền gà”. Ông cán bộ nọ về an ủi vợ: “Thua keo này ta bày keo khác”. Bà vợ càng rền rĩ: “Mất hết rồi. Bày vẽ cái gì nữa? “Chuồng phân nhà không để gà người bới”. Ông làm cán bộ mà để họ xen vào việc nhà mình à? Ông chỉ biết “mang thóc nhà đãi gà rừng” thôi. Giời ơi là giời! Có khổ thân tôi không cơ chứ?”. Đúng là “của đau con xót” thật. Tôi nghe chuyện cũng nao lòng, bụng “rối như gà mắc tóc”. Cứ nghĩ rồi “chó liền da, gà liền xương”. Qua đận này lại “chó giữ nhà, gà gáy trống canh” như xưa thôi. Mong cho họ “chó cùng nhà gà cùng chuồng”, “khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” mà sớm bình yên trở lại. “Còn gà trống gà mái thì còn gà giò”. Nhất định là như thế.
Đối với trại gà đơn vị, lập tức toàn bộ số gà được phân loại. Rất may, tất cả đều chưa việc gì. Số gà đến tuổi thịt thì cân hết phân chia cho các đơn vị. Còn số gà con thì nhốt nuôi cách ly, phun thuốc tiệt trùng. Tất cả được giám sát, theo dõi chặt chẽ 24 giờ cả ngày lẫn đêm. Do làm tốt công tác phòng ngừa từ trước nên trại gà đơn vị tôi đã an toàn vượt qua dịch bệnh. Sau đó, chính trại gà của tôi đã cung cấp giống gà cho các hộ dân trong khu vực. Tôi được địa phương mời đi nói chuyện về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gà. Thủ trưởng tin tưởng tôi tuyệt đối giao tôi trọng trách trại trưởng trại gà. Anh em trong tổ càng yêu quý tôi hơn. Tôi tự hào về điều đó.
Xuân 2017 đã về, Tết Đinh Dậu cũng đang tới. Ơ kìa! Chú gà trống chúa chuồng đang đĩnh đạc đứng trên ngọn cây rơm vỗ cánh, vươn cổ, cất cao tiếng gáy chào Tết đón Xuân kìa! “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Thế là một loạt tiếng gà khác cùng cất lên đua nhau râm ran khiến cả đơn vị tôi cùng tưng bừng náo nức. Tiếng loa phóng thanh trên nóc nhà đại đội cũng vang lên câu hát “Em ơi! Mùa Xuân đến rồi đó! Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời…”. Người tôi lâng lâng bay lên cùng tiếng gà, tiếng nhạc, cùng mùa xuân yêu thương… Năm Đinh Dậu này, nhất định sẽ “gà đẻ trứng vàng” là cái chắc
Đ.X.T
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ
ĐT; 0912 940 316.
Góp ý(0)
Thêm góp ý