-
CHÚNG TA MÃI MÃI LÀ ANH EM MỘT NHÀ
(01/01/2017 01:01:24)
-
Chúng tôi là những người lính của 3 trung đoàn 24, 320, 207. Trung đoàn 24 ra đời rất sớm ngay trong những năm tháng đánh đuổi giặc Tây, đã được Bác Hồ tặng 6 chữ vàng: “Trung dũng, luôn luôn trung dũng”, và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thanh gươm vàng. Cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trung đoàn đã vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên lập nên nhiều chiến công ở khu vực này, biết bao cán bộ chiến sỹ của trung đoàn đã ngã xuống với các trận đánh oai hùng… (Vũ Trung Kiên)
Đ/c Vũ Trung Kiên (Bênb phải)
Lại một năm nữa qua đi, đối với trẻ em thì hồ hởi, phấn khởi khi có thêm một tuổi, còn với thế hệ chúng tôi thì cảm thấy cuộc đời cứ thêm gần …, chỉ còn lại rất ngắn…Rất ngắn … và rất ngắn… Hẳn có những ai không có tâm trạng này khi thế hệ ở đây đều đã gần đạt đỉnh “những người xưa nay hiếm”. Vậy mà chúng tôi khi gặp nhau ngoài đời, trên mạng ai cũng rất hồn nhiên, trẻ trung, lí lắc, chẳng khác nào một thuở cách đây hơn 40 năm còn cùng nhau tung hoành trên khắp các chiến trường… mà sâu nặng nhất vẫn là ở chiến trường miền Tây Nam Bộ.
Vâng! Thật vậy. Chúng tôi là những người lính của 3 trung đoàn 24, 320, 207. Trung đoàn 24 ra đời rất sớm ngay trong những năm tháng đánh đuổi giặc Tây, đã được Bác Hồ tặng 6 chữ vàng: “Trung dũng, luôn luôn trung dũng”, và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thanh gươm vàng. Cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trung đoàn đã vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên lập nên nhiều chiến công ở khu vực này, biết bao cán bộ chiến sỹ của trung đoàn đã ngã xuống với các trận đánh oai hùng… Trung đoàn 320 cũng na ná giống như trung đoàn 24, được thành lập khi quân đội ta còn rất non trẻ, vậy mà đã từng lập bao chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, rồi sau đó lại vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên,… Riêng trung đoàn 207 là một trung đoàn sanh sau đẻ muộn, nó chính là tiền thân của tiểu đoàn 2 trung đoàn 141, sư đoàn 7 miền Đông Nam Bộ, đã từng tác chiến chống lại cuộc càn Móc Câu hay còn được gọi là cuộc càn Đông Dương của Mỹ Ngụy và lập nên nhiều chiến công làm cho bọn chỉ huy đầu sỏ phải đau đầu, nhức óc… Nó được ra đời chính thức vào ngày mùng 2/7/1970, trải qua một thời gian giúp bạn tiêu diệt bọn phản động quân Ngụy Lon Non cho đến năm 1972 chính thức trở về chiến trường miền Nam. Những trận đánh oai hùng của trung đoàn trải dài không bút mực nào tả xiết, từ cù lao Long Khánh, Long Thuận đến , Cái Sách, Cầu Đại, Cầu Tiểu, Cầu Muống, Gò Da, Gò Bói rồi Cây Me, Cá Cái, Cá Xơ, Thông Bình, Cà Vàng và đau thương nhất là trận tại Đá Biên, ngày 3/10/1973, đã cướp đi gần 200 sinh mạng của cán bộ chiến sỹ đa số là sinh viên của 5 trường Đại học: Xây dựng Hà Nội, Mỏ địa chất, Tổng hợp, Sư phạm, Cơ điện. Trận đánh Đá Biên có thể nói là một thiệt hại rất lớn của ta, xuất phát từ khâu yếu tố bí mật là một bài học vô cùng đắt giá cho những người chỉ huy các cấp trong thời kỳ này. Giờ ngồi nghĩ lại vẫn thấy day dứt trong lòng…
Có một điều như là “một mối cơ duyên,” ngày 22/10/1974 cả 3 trung đoàn đều có mặt ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi được nhập vào nhau để lập thành sư đoàn 8 (sư đoàn chủ lực đầu tiên ở Trung Nam Bộ trực thuộc Quân khu 8). Đến đây chúng tôi không còn phải chiến đấu đơn độc. Mà đã thực sự trưởng thành dưới sự chỉ huy tài tình của các đồng chí lãnh đạo, tiền bối. Như anh Tư Thân sư đoàn trưởng, anh Mười Thi chính ủy sư đoàn. Chúng tôi đã làm cho bọn địch ở khu vực này thuộc 3 tỉnh Kiến Phong ( nay là Đồng Tháp), Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), Kiến Tường (nay là tỉnh Long An) phải thất điên bát đảo…
Chiến thắng đầu tiên ở chi khu Kinh Quận nằm trên kênh Dương Văn Dương với 29 trận lớn nhỏ chúng tôi đã loại khỏi vòng chiến đâu 682 tên địch, bắt sống 67 tù binh, bắn rơi 1 máy bay, thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh. Sau đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng địa bàn… Cả 3 trung đoàn cùng thi đua giết giặc lập côngTrên toàn bộ khu vực vùng 4 Kiến Tường, từ Kinh Ba Tháp Mười đến Kinh Bùi, Kinh Bích, cho đến Kinh Thạnh Phú thuộc huyện Cai Lậy, Định Tường (Mỹ Tho), chúng tôi đã đánh 211 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 1964 tên địch, bắn cháy 20 xe quân sự, 3 tàu chiến, thu rất nhiều đạn dược, vũ khí. Điều đáng chú ý nhất là vào đầu tháng 3/1975, cả 3 trung đoàn đều đã đứng chân trên địa bàn Mỹ Tho (Tiền Giang), với trận đánh công đồn của trung đoàn 24 vào chi khu ngã 6 thuộc huyện Cái Bè, diệt 1 tiểu đoàn bảo an địch, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, rồi trận phục kích của trung đoàn 320, diệt 1 tiểu đoàn địch đến cứu viện, từ lộ 30 vào cứu nguy cho ngã 6. Nhưng đặc biệt vẫn là trận phục kích vận động trên cánh đồng bằng lăng của trung đoàn 207 đã xóa sổ toàn bộ 1 tiểu đoàn của trung đoàn 10 sư đoàn 7 Việt Nam Cộng Hòa đến giải vây cho ngã 6. Đến đây bọn địch đã thật sự kinh hoàng bạt vía… không dám bén mảng đến khu vực này, ngã 6 được giữ vững. Đây là một trận đánh lừng danh của chúng tôi đã được ghi vào sử sách. Nó ví như trận đánh ở Ban Mê Thuật trên chiến trường Tây Nguyên mở màn cho chiến dịch đại thắng Mùa Xuân “vang vọng năm châu”…. Cho tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trung đoàn 24 đã dũng mãnh cùng cánh quân phía nam (binh đoàn 232) đánh chiếm tổng nha cảnh sát Ngụy, một trong 5 trọng điểm quan trọng nhất ở Sài Gòn thời kỳ đó. Trung đoàn 207 + 320 đã đánh tan sư đoàn 7 quân Ngụy tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho cùng với toàn quân, toàn dân làm nên “chấn động địa cầu”. Đưa non sông ta nối liền một dải.
Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc kết thúc nhưng chúng tôi vẫn không hề ngơi nghỉ cả 3 trung đoàn lại lên vùng biên giới Tây Nam để giữ gìn từng tấc đất thân yêu của tổ quốc, máu của đồng đội chúng tôi lại tiếp tục tuôn trào… cùng với toàn mặt trận tiêu diệt toàn bộ đội quân Khơ Me đỏ( Pôn Pốt) hung hãn và dã man nhất trong lịch sử loài người. Sau đó trung đoàn 24 lại hành quân ra Bắc đánh bọn bành trường xâm lược cùng với các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc mảnh đất thân yêu trong đó có thủ đô yêu dấu.
Hơn 40 năm qua đi, do yêu cầu các trung đoàn 24, 207 đã giải thể chỉ còn lại trung đoàn 320 hiện giờ đang đứng chân ở Trần Quốc Toản, thành phố cao lãnh. Sư đoàn 8 cũ của chúng tôi không còn nữa nhưng sư đoàn 8 mới lại ra đời đó chính là tiền thân của sư đoàn 339 rút quân từ Campuchia về nước. Tuy vậy chúng tôi vẫn luôn luôn gắn kết và tìm đến với nhau để ôn lại một thời đã cùng nhau gian khổ sống chiến đấu trên chiến trường. Và hằng năm cứ đến ngày giỗ của các liệt sỹ ở Đá Biên 3/10 là rất nhiều cựu chiên binh của trung đoàn 207, 24, 320 lại tề tựu về thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ. Chúng tôi đã coi nhau như người anh em một nhà, cùng một mẹ sinh ra… Nhân dịp đầu năm mới, xin kính chúc tất cả các cựu chiến binh, thân nhân cùng gia đình của 3 trung đoàn luôn mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc.!
VŨ TRUNG KIÊN – CCB TRUNG ĐOÀN 207
Góp ý(0)
Thêm góp ý
Tin liên quan