-
LÊNH ĐÊNH TRÊN SÔNG TIỀN
(22/06/2011 08:06:12)
-
Ơi Cái Bè! Nơi ấy, ngày 11-3-1975, đơn vị chúng tôi đã mở màn Chiến dịch Xuân 1975, bằng trận tiêu diệt căn cứ Ngã Sáu. Nhưng cũng chính nơi ấy, bao đồng đội tôi đã hy sinh, trong đó có Dương Hồng Thanh, người đã cùng tôi lênh đênh vượt sông Tiền 2 năm trước. Khi đó Thanh là Trung đội phó. Sau khi đánh chiếm được trận địa pháo, Thanh bị pháo chụp của địch bắn đến không còn nhận được dạng. Đồng đội biết được đó là Thanh bởi trong túi anh còn bức tranh nhỏ về miền xoài cát này… Bây giờ, Thanh và nhiều đồng đội tôi đã yên nghỉ vĩnh hằng trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè ngay bên quốc lộ 1 cho xoài cát Hoà Lộc và trăm nghìn hoa trái miền Tây Nam bộ ngon ngọt hơn...(Nguyễn Trọng Hùng)
Lênh đênh trên sông Tiền
Bút ký của Nguyễn Trọng Hùng
Tôi bồi hồi theo Tuyết Lan, hướng dẫn du lịch xuống thuyền mang tên Chương Dương tourism (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đi thăm bốn cù lao Long, Ly, Quy, Phụng trên sông Tiền, đoạn hạ lưu cầu Rạch Miễu không bao xa. Không bồi hồi sao được khi 38 năm trước, dưới khúc sông này chắc chỉ dăm ba cây số, tôi đã vượt sông trong “ngàn cân treo sợi tóc”. Ơi đồng đội, đồng chí ai còn ai mất!? Đêm ấy – ngày này, chiến tranh xưa – hoà bình hạnh phúc nay chuyện thật mà giống một giấc mơ!
*****
HDV Tuyết Lan (áo đỏ) và chị Bích Thuỷ, vợ Nguyễn Trọng Hùng.
Sông dào dạt đưa con thuyền du lịch hơn chục chỗ ngồi nhưng chỉ có hai vợ chồng tôi xuôi dòng đi thăm Cảng cá Mỹ Tho, cù lao Tân Long với làng nuôi cá lồng rồi lại ngược lên thăm cù lao Thới Sơn. Câu chuyện chắp nối giữa tôi và Tuyết Lan về chuyến vượt sông Tiền đầu tiên của tôi. Đó là vào một đêm sau ngày ký Hiệp định Pari (2-1973) ít hôm. Điều đặc biệt của chuyến đi ấy là chỉ có hai thương binh là tôi và Dương Hồng Thanh được du kích đưa từ Chợ Gạo (Tiền Giang), sang Bình Đại (Bến Tre) bằng xuồng ba lá. Chúng tôi được xác định rằng, địch chẳng sợ bằng cá sấu, vì vậy phải thật bình tĩnh. Địch ở các bốt bên bờ cù lao, hoặc bờ sông hay bắn, ném lựu đạn vu vơ xuống sông, ta tuyệt nhiên không được đánh trả vì như thế sẽ bị lộ, địch sẽ gọi thuyền chiến, máy bay trực thăng truy tới cùng. Đánh nhau với địch chưa chắc đã chết, nhưng bị rơi xuống sông, nếu không bơi vào bờ được, sẽ không kịp trôi ra biển bởi cá sấu ở đây rất nhiều. Nếu vào được bờ thì chớ vội lên, bởi "bãi chết" gài lựu đạn khắp nơi, phải đợi bắt liên lạc được với du kích mới lên được…
Dương Hồng Thanh là lính Tiểu đoàn 5 (đơn vị cũ của tôi, thuộc Trung đoàn 24), lại cùng quê với tôi. Thời chăn trâu, Thanh đã ngã gãy tay trái, nay chiến đấu lại bị thương gãy tay phải. Thế nên ngồi xuồng, Thanh không phải tát nước, không phải giữ AK. Tôi bị gãy cẳng chân trái nẹp tre thẳng đơ. Khẩu AK buộc quai đeo vào cái bồng quân tư trang đồng thời là phao bơi sông. Tôi và Thanh còn lấy sẵn sợi dây dù buộc bồng hai đứa vào với nhau để nếu có chuyện gì, xuống sông cùng sống, cùng chết.
Nước triều vừa đứng thì chúng tôi xuất phát. Gió chướng thổi ù ù, sóng lừng giữa sông như muốn nhấn chìm xuồng nhưng hai du kích choè lái cứ dập dềnh trồi lên đầu ngọn sóng. Nước táp vào mạn xuồng làm người ngợm chúng tôi ướt như chuột. “Lẹ tay lên” – Anh du kích chèo xuồng phía lái luôn mồm giục tôi tát nước. Tắp được vào một cù lao giữa sông (chắc là cù lao đầu huyện đảo Tân Phú Đông hiện nay), xuồng bơi chậm men sát bờ, anh lái xuồng lại nói: “Sắp tới bót nghen! Nó bắn, nó ném lựu đạn hay hò hét chi, mặc nó. Nó chỉ la đại, làm bậy vậy thôi chứ không thấy mình đâu”. Nhưng rồi cũng có sự. Trực thăng bay từ phía biển lên rọi đèn pha xuống sông, may mà nó chỉ lạch phạch ở xa. Hồi hộp không tưởng được. Mồ hôi trong người rịn ra, lạnh muốn run cả người. Xuồng trôi theo nước ròng, nép nép dưới bờ cây, có chỗ cành lá còn quyệt cả vào mặt. Triều xuống mỗi lúc một mạnh hơn cũng có nghĩa rằng sóng cũng lừng hơn, vượt sông cũng vất vả hơn. Du kích sông nước quả là tài tình! Nghĩ thế, tôi tự tin hơn, bớt lạnh, bớt cả lo. Từ Cửa Tiểu bên Tiền Giang, sau 5-6 tiếng vật lộn với sông nước, chúng tôi đã vượt sang Cửa Đại vào bờ bên huyện Bình Đại, Bến Tre, cách biển chắc chỉ chục cây số. Đón chúng tôi là các chiến sĩ quân y của Bệnh xá Tỉnh đội Gò Công. Thanh được dìu lên trước, còn tôi được cáng lên ngay sau đó. Anh du kích lái xuồng ghì chặt lấy tôi: “Điều trị mau lành thương nghe. Ông cừ lắm, tát nước mỏi nhừ tay rồi còn gì?”...
Những ngày ở Bình Đại, khi đã tập đi bằng nạng được, tôi được mấy nhân viên bệnh xá đêm đêm cho ra sông Ba Lai quăng chài. Tôi chèo xuồng cũng không đến nỗi nào, hơn thế lại là y tá trưởng của Bệnh xá Trung đoàn nên ông Mười Ngàn, y sĩ, Bệnh xá trưởng mê tôi lắm. Ông cứ gạ khỏi vết thương ở lại đấy với ông. Tôi và Hồng Thanh còn được giao chủ trì làm một tờ báo tường nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 83 của Bác Hồ. Thanh vẽ đẹp lắm. Chỉ một cây bút bi (vào đến trong ấy tôi mới biết cái bút bi) Thanh có thể vẽ nên dòng kênh có hồn với bờ dừa xao xác, mái chèo và bóng thôn nữ áo bà ba khoẻ khoắn đáng yêu. Mấy ông bên Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Bến Tre đã thấy được tài lẻ của hai thằng tôi ngỏ ý mời ở lại Bến Tre, nếu đồng ý, các ông sẽ liên lạc xin với đơn vị bọn tôi. Khổ nỗi hai thằng tôi còn máu chiến lắm, nhớ đồng đội mình lắm. Tôi và Thanh rất giống nhau khi ra đi đã thề, một là hy sinh, hai nếu may mắn còn sống đến ngày giải phóng, dứt khoát phải là đảng viên, phải có huân chương đỏ ngực chứ!
Những ngày điều trị ở đấy đằng đẵng. Chúng tôi ở giữa mênh mông rừng dừa, được bảo vệ bằng hàng rào lựu đạn và bãi mìn tự tạo. Chỉ cần dân tiếp gạo, muối và mì chính, còn rau cỏ, thịt cá, tôm cua ốc ếch chúng tôi tự bắt, tự làm lấy kể cả chưng cất dầu dừa. Những chiếc hầm tránh pháo tránh bom của chúng tôi làm từ thân dừa, vỏ dừa chất cao như núi. Quả dừa già mọc mầm tự rơi xuống đất ẩm, mọc lên thành cây là nguồn rau vô tận. Thương binh khoẻ chiều chiều đi tát đìa. Hầm của tôi trước cửa có cây cách vươn cành xuống đìa. Mấy anh em ngăn lại, cá tôm nhốt trong lồng, cua buộc dây dù vào cành cách thả xuống đìa để dành ăn dần. Nhậu nhẹt, đờn ca nhiều khi thâu đêm. Ông Mười Ngàn dạy tôi ca vọng cổ. Học miết mà tôi không cải tạo được cái “chất” chèo. Ông bảo, mầy ca cứ éo éo, the thé thế nào ấy. Thế mà lại được mấy cô du kích địa phương để ý. Có được gặp nhiều nhặn gì đâu, thi thoảng có mồi, tổ chức lai rai lại mời mấy anh mấy chú, có cả mấy cô vô. Nhưng cái đầu mấy anh Hai miền Bắc này, lúc nào cũng nghĩ về đơn vị thôi, ít ai dám để ý tới con gái. Nhát “chết”, sợ bị kỷ luật… Vì thế mà các cô thương và cảm phục hơn chăng? Nếu thương binh nào mất sức chiến đấu phải loại ngũ thì có cơ hội ở lại với cô Ba dũng sĩ, bởi vượt Đồng Tháp Mười lên Campuchia để ra Bắc đâu có dễ. Nhiều đoàn thương binh đã chẳng đi đến nơi về đến chốn là gì?
Rồi ngày về đơn vị cũng đã đến. Cuộc chia tay đầy nước mắt. Mấy anh em không thể về tiếp tục cuộc chiến đấu được nữa thì bàn giao lại địa phương. Từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ gặp lại những anh em đó. Tôi tập tễnh theo đoàn hành quân qua Giồng Trôm, Mỏ Cày... Một buổi nhập nhoạng, chúng tôi qua sông Tiền bằng ghe máy về lại Tiền Giang ở Cái Bè. Cuộc hành quân đầy tình nghĩa. Tôi nhớ, đi tới đâu cũng được các má và chị em đón tiếp thân tình. Khi biết chúng tôi là bộ đội miền Bắc, có má khóc rưng rức vì thương. Có nơi, các má bàn nhau rình xem chúng tôi có chữ “Sinh Bắc tử Nam” trên lưng không. Khi không thấy, các má tự trách và phạt mình bằng cách tự tay làm nhiều món ăn ngon, trong đó nhớ nhất là khổ qua nhồi thịt hấp, ốc sên sào cốt dừa cho chúng tôi nhậu. Tôi nhớ tới Mỏ Cày, chúng tôi được nghỉ hành quân một ngày. Tôi lẻn theo Út Thêm vào vườn hái trái. Mải chuyện về trễ chút đỉnh, má Sáu chẳng biết đùa hay thật, hỏi tôi: “Con nhỏ đó được không?”. Thấy tôi ngơ ngác, má tiếp: “Đó, nó đó! Út Thêm của má mà... Hồi hôm, má hỏi nó “trông mấy anh bộ đội miền Bắc thư sinh con có ưng ai không”, nó chỉ vô con đó. Mầy thứ mấy? Tên gì hả cưng?”. Tôi cười bẽn lẽn…
*****
Tôi ấn tượng nhất khi thăm cù lao Thới Sơn (dài 12 km, rộng 1 km), xã đảo thuộc thành phố Mỹ Tho. Tuyết Lan nói với tôi rằng, ở đây không chỉ quanh năm cây lành, trái ngọt, phù sa màu mỡ mà còn là một vùng quê có lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng. Nơi đây, vào mùa xuân năm 1785, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút lẫm liệt, phá tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cù lao Thới Sơn tiếp tục ghi dấu chiến công lẫy lừng của quân dân ta gắn với vành đai diệt Mỹ Bình Đức, một vành đai thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm nổi tiếng một thời. Ngay đầu cù lao Thới Sơn, trong một trận đánh mưu trí, dũng cảm, quân ta đã đánh đắm chiếc tàu cuốc Jamaika B lớn nhất Đông Nam Á được quân Mỹ huy động phục vụ thi công căn cứ Đồng Tâm. Những trang lịch sử hào hùng đã lật qua. Thới Sơn ngày nay mở ra một thời kỳ mới xây dựng đất nước ngày càng tiến nhanh trên con đường phồn vinh, thịnh vượng. Chúng tôi đã đi dọc dãy hàng quán dài dặc bên sông bán đồ mỹ nghệ, lưu niệm hầu hết làm từ dừa; đi sâu vào trong vườn đủ các loại cây trái; thăm nơi nuôi cả nghìn đõ ong, nơi làm kẹo dừa; đến nghỉ chân ở một nhà hàng, ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử. Tôi rưng rưng nhớ các má, các chị ở Chợ Gạo, Gò Công, cả ở Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày nữa. Ngày ấy, tôi mới chỉ loáng thoáng những địa danh xứ dừa Bến Tre qua những câu chuyện kể về nữ tướng Nguyễn Thị Định và phong trào Đồng Khởi. Nay có thêm những câu thơ của Lê Anh Xuân và cứ tới miệt vườn miền Tây này là lại nhớ câu thơ trong "Nước non ngàn dặm" của Tố Hữu: “Má già với trái dừa non/ Bởi thơm lòng má nên ngon lòng dừa”…
Cầm trên tay quả xoài to vàng tươi, tôi hỏi, Tuyết Lan nói: “Xoài cát Hoà Lộc đấy”. Ngày xưa, khi chiến đấu ở vùng này tôi đã nghe tiếng xoài cát Hoà Lộc, nay mới thấy. Tuyết Lan bảo, xoài cát Hoà Lộc là một trong những giống xoài nổi tiếng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những loại quả được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Nguồn gốc của xoài cát Hòa Lộc được trồng tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng đất phù sa ven sông nên giàu chất dinh dưỡng, rất thích hợp cho xoài cát Hòa Lộc sinh trưởng và phát triển.
Những năm gần đây xoài cát Hòa Lộc đem lại nguồn thu lớn cho bà con nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Quả xoài cát Hoà Lộc có trọng lượng trung bình 350 - 450g, hình thuôn dài, khi chín vỏ màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng tươi, chắc, mịn và ít xơ, ngọt và thơm. Riêng tại Tiền Giang, xoài cát Hoà Lộc được trồng nhiều ở huyện Cái Bè với khoảng hơn một ngàn ha, sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tấn, tập trung ở 13 xã: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Đông Hoà Hiệp.
Ơi Cái Bè! Nơi ấy, ngày 11-3-1975, đơn vị chúng tôi đã mở màn Chiến dịch Xuân 1975, bằng trận tiêu diệt căn cứ Ngã Sáu. Nhưng cũng chính nơi ấy, bao đồng đội tôi đã hy sinh, trong đó có Dương Hồng Thanh, người đã cùng tôi lênh đênh vượt sông Tiền 2 năm trước. Khi đó Thanh là Trung đội phó. Sau khi đánh chiếm được trận địa pháo, Thanh bị pháo chụp của địch bắn đến không còn nhận được dạng. Đồng đội biết được đó là Thanh bởi trong túi anh còn bức tranh nhỏ về miền xoài cát này… Bây giờ, Thanh và nhiều đồng đội tôi đã yên nghỉ vĩnh hằng trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè ngay bên quốc lộ 1 cho xoài cát Hoà Lộc và trăm nghìn hoa trái miền Tây Nam bộ ngon ngọt hơn. Tôi nói chuyện ấy với Tuyết Lan trên xuồng ba lá bơi dọc kênh rạch rợp bóng dừa nước. Rồi chúng tôi đến thăm cồn Phụng (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Miệt vườn nơi đây đã trở thành trang trại du lịch thơ mộng nhưng không kém phần hiện đại với những khu nuôi cá sấu, khu di tích đạo Dừa, nơi đờn ca tài tử, vui chơi, nhà hàng khách sạn… Tôi nhớ những đêm ở rừng tràm chịu pháo, những đêm vượt đồng Tháp Mười xuống miền Tây, những đêm vượt lộ 4 (QL1), vượt kênh Chợ Gạo… Máu lửa chiến tranh và tình người miền Tây phóng đãng và kiên cường, vượt ngàn vạn khó khăn gian khổ hy sinh nhưng vẫn thương người xa quê vào Nam chung tay đánh giặc. Quên sao được nghĩa tình như bông trang rực rỡ nở trên mộ bao liệt sĩ khắp miền quê sông nước này…
*****
Bà Tư và con gái - Bs Thanh Triết (cùng bên trái) và vợ chồng Nguyễn Trọng Hùng.
Sau chuyến đi “lịch sử” ấy, tôi trở lại thăm chị Tư, người đã nuôi giấu tôi lúc tôi bị thương ở Chợ Gạo đầu năm 1973, thăm gia đình các đồng đội cùng đơn vị nay ở lại thành phố Mỹ Tho… Khi về lại thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Triết, con gái chị Tư gửi theo một thùng xoài cát Hoà Lộc. Trời đất! Tôi kêu lên. Thanh Triết xưa theo má hai lần đến trích thuốc và thay băng cho tôi, khi đó cô bé mới hơn chục tuổi. Bây giờ Triết đã là bác sĩ, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Triết chắc nhiều tuổi hơn cô hướng dẫn du lịch Tuyết Lan nhưng có nét gì đó rất giống nhau. Hay đó là nét riêng của con gái miền Tây Nam bộ? Tôi bất giác nhớ tới Út Thêm ở Mỏ Cày năm nào…
NTH
- 1 - Viết bởi Hoàng Văn Bắc CẢM TƯỞNG(22/06/2011 15:06:06)
- Anh Nguyễn Trọng Hùng Viết bút kí này hay quá, gợi lại cho mình bao nhiêu kỉ niệm thời chinh chiền đã qua. Những vùng đất con sông, một thời chiến tranh máu lửa, ẩn chứa bao nhiêu gian khổ hiểm nguy, nay đã hồi sinh,thay da đổi thịt, kết hoa thơm trái ngọt cho đời. Đọc bài anh viết, vẫn thấy tâm hồn anh luôn VỜI VỢI với kĩ niệm một thời binh lửa, VỜI VỢI với đồng đội thân thương./.
- 2 - Viết bởi Hoàng Văn Bắc CẢM TƯỞNG VỀ BÀI VIẾT(22/06/2011 11:06:15)
- Bút kí của anh Nguyễn Trọng Hùng hay quá, không những gợi nhớ lại cái thời chiến tranh máu lửa đã qua mà còn chứa đựng tình đất,tình người của một vùng quê bom cày đạn sới nay đã hồi sinh. Tâm hồn anh vẫn vời vợi với non sông đất nước với đồng đội một thời sống chết có nhau.Chúc anh mạnh khỏe và có nhiều bài viết hay cho E24.com.vn