-
NGUYỄN TRỌNG HÙNG NHỮNG ĐIỀU ÍT AI BIẾT
(26/04/2016 19:04:34)
-
Loanh quanh trên mạng, bỗng tôi đọc được một thông tin từ Facebook của Trần Thủy (Vợ anh Nguyễn Trọng Hùng): Tiểu thuyết Lục bình Đỏ của nhà văn quá cố Nguyễn Trọng Hùng đã ra mắt bạn đọc. Thật cảm động! Tôi liền chia sẻ về trang nhà của mình và tình cờ tôi lại đọc được bài viết của anh Phạm Ngọc Cấp viết "Những điều ít ai biết" về Nguyễn Trọng Hùng... Bài này anh Cấp viết đã lâu, với dòng ghi chú: Bài đăng trên trang Trung đoàn 24 Anh hùng. Tiếc là đến giờ tôi mới được đọc. Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí, các bạn...(MB)
Tiểu thuyết Lục bình Đỏ của nhà văn quá cố Nguyễn Trọng Hùng đã ra mắt bạn đọc |
Tôi định mấy hôm nữa khi sức khỏe ổn định sau một chuyến đi đầy ấn tượng, lại quá nhiều cảm xúc cần có thời gian lắng lại để khi viết điều gì đó phải chắc chắn. Nhưng rồi đang ăn cơm tối thì nhận được thông báo của anh Trần Mạnh Phú báo là Mẹ Nguyễn Trọng Hùng vừa mất chiều nay 26 - 2 - 2016 tại TP Hồ Chí Minh. Thôi đành viết ra những gì nghe được từ người anh - Người bạn Lưu Bá My ccb trung đoàn 24 người cùng sống trong đội Dược thuộc Quân Y trung đoàn khi sự việc diễn ra và coi đây như nén nhang thắp cho mẹ Nguyễn Trọng Hùng báo với Mẹ về khí tiết và lòng dũng cảm của con mẹ trong chiến đấu, mong cho vong linh mẹ được siêu thoát.
Di ảnh Nguyễn Trọng Hùng Lưu Bá My
Đó là cuối năm 1972 - Đầu năm 1973 Trung đoàn được lệnh xuống đứng chân tại Gò Công nay thuộc Tiền Giang. Gò Công khi ấy là vùng trắng, không còn bất cứ tổ chức Cách Mạng nào tồn tại được, các cán bộ cơ sở đều bị địch bắt tù đầy hoặc bị giết, những người sống sót đều phải dạt sang các tỉnh lân cận, như Định Tường, Bến Tre, thậm chí phải dọt lên tận Campuchia. Khi trung đoàn 24 về lại Gò Công, số cán bộ này cũng về theo để móc nối lại những cơ sở trước đó, nhưng phần lớn cơ sở đã phải lưu tán đi khắp nơi ít ai còn trụ lại được, vì vậy mọi hoạt động của Trung đoàn phần lớn dựa vào dân. Lực lượng của TĐ đều đứng chân bên này sông Chợ Gạo chỉ đến đêm mới tổ chức vượt sông sang đất Gò Công để tuyên truyền vận động nhân dân và lấy gạo về để sống. Một trong những đêm như vậy đơn vị của Lưu Bá Huy và Nguyễn Trọng Hùng bị đụng tam ngộ cả hai ông bị thương đơn vị rút còn lại hai ông bị thương không còn cách nào khác đành phải bò vào nhà dân . Ở một vùng trắng như GC lúc ấy đây là quyết định hết sức nguy hiểm bởi có thể bị giao cho chính quyền Ngụy bất cứ lúc nào , khi vào tới nhà dân chủ nhà xem ra rất bình tĩnh tiếp đón hai anh và nói trọn lỏn một câu: Thôi hai anh cứ nghỉ tạm đây rồi sáng mai Qua dẫn qua xã chiêu hồi là xong hà. Nói xong, họ lau rửa vết thương cho cả hai rồi khuyên cả hai chợp mắt. Cả hai nhìn nhau. Mỵ chưa kịp nói gì thì Hùng chẳng biết nó học được ở đâu (nguyên văn lời Lưu Bá Huy), dõng dạc tuyên bố: Không! Người chiến sỹ giải phóng luôn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng chứ không có đầu hàng hay chiêu hồi. Nói xong ,cả hai định xách súng đi thì người vừa khuyên chúng tôi chiêu hồi nắm tay kéo lại rồi lập tức đưa hai đứa xuống hầm bí mật. Nnhững ngày sau đó chăm sóc cả hai thật chu đáo. Khi thân thiện rồi tôi mới hỏi thì chủ nhà nói ngay: Nếu lúc đó hai chú đồng ý sáng mai đi chiêu hồi thì tôi cho hai chú hai nhát búa rồi. Kết thúc câu chuyện, Lưu Bá Huy trầm tư vẻ mặt đượm buồn trút ra một tiếng thở dài rồi nói mà như là nói với chính mình: Tiếc thật, có học có khác! Ở một hoàn cảnh như vậy mà không hiểu sao thằng Hùng nó nghĩ ra được cách ứng xử vừa giữ được khí tiết vừa giữ được mạng sống cho cả hai. Nói rồi người lính già có búi tóc củ hành chòm râu ôm lấy cổ úp hai bàn tay lên mặt. Nhìn qua kẽ tay gầy guộc, những giọt nước mắt chảy xuống đọng lại trên vành áo len ngả màu...
Hà Nội , viết khi nghe tin mẹ
Nguyễn Trọng Hùng mất 26 - 2
PNC