-
NHỚ MÃI NGÀY 10 VÀ 11 THÁNG 3 NĂM 1975 _ Phần 02
(11/03/2016 12:03:20)
-
... 9 giờ 40 phút ngày 11/3, khi thấy xe tăng ta đã đến gần, cách Bộ tư lệnh chừng 100m và biết không chống đỡ nổi Luật bàn với Quang rút khỏi Bộ tư lệnh để bảo toàn lực lượng. Lúc đầu cả hai chạy về hướng tây, đi theo có khoảng gần 100 người. Khi chạy được chừng 300m, Luật lại bàn với Quang chia ra thành hai nhóm. Nhóm của Luật có khoảng 20 người, chạy về hướng tây, nhằm tới khu vườn cà phê của trung tướng Hoàng, vì khu này rậm rạp dễ ẩn nấp, đợi đêm đi tiếp. Nhóm của Quang chạy về hướng nam, phía cầu 14. Cả hai cùng thống nhất sẽ tìm về Phước An rồi về Nhà Trang. (ND
(Tiếp theo và hết)
Đang đánh nhau ở khu vận tải. Tôi được lệnh của đại đội đưa trung đội quay về giữ cửa mở. Trở lại khu cửa mở vừa đánh lúc trước, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khi bố trí cho anh em chốt giữ, tôi phát hiện hố cá nhân nào cũng còn lính ngụy. Chả là khi thấy xe tăng và bộ binh ta ào lên đông quá, chúng khiếp sợ, nằm im trong các hố cá nhân. Trung đội tôi bắt được hơn chục tên.
Trong lúc đang chỉ huy bộ đội, tôi gặp chính trị viên tiểu đoàn Tống Hồng Điệp từ phía sau chạy lên. Anh Điệp quê ở Gia Viễn – Ninh Bình. Lúc tôi ở Ban tuyên huấn, anh ở Ban tổ chức, hai anh em rất quý mến nhau. Xuống tiểu đoàn 4 anh làm chính trị viên tiểu đoàn, tôi là cán bộ trung đội. Gặp tôi trong lúc đang đánh nhau, anh nói giọng chân tình.
Đ/c Nguyễn Đình Thi, Thường trực BLL E24, Sư đoàn 10 |
- Em đi đâu phải mang “lính” đi theo. Không đi một mình như thế.
Nói rồi anh chạy vọt lên, bám theo đội hình phía trước. Tôi rất cảm động trước tình cảm chân thành anh giành cho tôi. Không ngờ đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau. Hai ngày sau, sáng 13/3/1975, trong lúc chỉ huy đánh trung đoàn 45 địch đến phản kích ở phía đông Ban Mê Thuột, anh trúng đạn pháo của địch, hy sinh. Thế là chỉ trong 3 ngày tiểu đoàn tôi đã mất đi hai người thủ trưởng, hai người anh yêu quý. Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh và chính trị viên tiểu đoàn Tống Hồng Điệp.
Năm 2004, khi vào Ban Mê Thuột dự liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, thuê xe ôm tôi tìm ra nghĩa trang thành phố. Đồng chí phụ trách nghĩa trang cho biết, riêng sư đoàn 10 có gần 1 nghìn liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Theo vần Đ tôi tìm thấy mộ anh, phần mộ đẹp, phía trên ghi rõ: Liệt sỹ - Tống Hồng Điệp – Thượng úy – Chính trị viên tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 24 – Sư đoàn 10. Hy sinh ngày 13 tháng 3 năm 1975. Đứng trước mộ anh, tôi không cầm được nước mắt vì thương nhớ anh. Không biết gia đình, vợ, con anh có biết anh đang nằm ở đây không?
Thương nhất là khi tìm đến mộ Thành – Phạm Đức Thành, Thành ở đội tuyên văn của Trung đoàn, có giọng hát cao, mượt và ấm. Tháng 10/1974, hai đứa cùng xuống đơn vị, tôi xuống C2, Thành xuống C3. Khi còn ở Ban tuyên huấn tôi và Thành rất hợp nhau và hay tâm sự. Thành quê ở nội thành Hải Phòng, lâu rồi nên tôi cũng không nhớ rõ số nhà, nhưng vẫn nhớ Thành ở phố Phạm Minh Đức – quận Lê Chân. Bố mất sớm, ở với mẹ, có một chị gái đã đi lấy chồng xa. Sau giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh, tình cờ Thành gặp cô bạn gái thời phổ thông, cô bạn nguời dong dỏng, trắng trẻo, khá xinh, nói rất ngọt, đi B cuối 1972, vào làm khí tuợng ở Kom Tum. Rồi yêu nhau. Sau này đơn vị ra đóng quân ở Võ Định, thỉnh thoảng về Tân Cảnh lấy gạo, thực phẩm hai nguời mới có dịp gặp nhau. Thành mất cùng anh Điệp sáng 13/3/1975 trong lúc cùng tiểu đoàn đánh trung đoàn 45 ngụy đến phản kích. Thành bị thuơng khá nặng do quả đạn pháo địch nổ quá gần. Trên đuờng đưa về bệnh xá phía sau thì Thành mất. Nghe anh em C3 kể lại, khi biết mình khó sống nổi, Thành gọi tên mẹ, tên người yêu nhiều lần. Năm 2005, trong lần xuống Hải Phòng, hỏi thăm tôi được biết mẹ Thành cũng mất từ lâu. Thật tội! Nhà giờ chẳng còn ai huơng khói cho Thành nữa!
Trở lại trận đánh của tiểu đoàn. Sau khi đại đội 2 cùng 2 xe tăng tấn công và khu vận tải, khu bộ tham mưu, thì lực lượng tấn công của đại đội 1 do đại đội truởng Hoàng Xuân Thứ và chính trị viên Dương Văn Bể cũng phát triển theo đường 429 đánh lên ( Chính trị viên Bể được bổ xung xuống C1 ngay trong đêm 10/3/1975, sau khi chính trị viên Nguyễn Viết Ninh bị thương). Tất cả các mục tiêu hai bên đường 429 đã nhanh chóng bị tiêu diệt.
9 giờ sau khi tiêu diệt quân địch ở khu vận tải và khu bộ tham mưu, đại đội 2 đánh phát triển ra trục đuờng 429.
Có một tình huống khá thú vị xảy ra là khi đánh vào khu bộ tham mưu. Khu này cũng toàn nhà thấp, nhưng nổi lên có một nhà cao 3 tầng, tưởng đây là sở chỉ huy sư đoàn 23, đại đội phó Nguyễn Đức Lập giao cho Phạm Minh Việt mang cờ lên cắm (Phạm Minh Việt – Quê ở Thượng Nông – Tam Nông – Phú Thọ). Việt đã cắm cờ ở đây, nhưng sau phát hiện nhầm, Việt chạy trở lại, rút cờ xuống.
9 giờ 30 phút, đại đội 2 đi đầu lúc này chỉ còn cách cổng Bộ tư lệnh sư đoàn 23 chừng sáu, bảy chục mét. Từ bên phải đường 429, đại đội truởng đại đội 2 - Lê Xuân Chuyển đã nhìn thấy dòng chữ lớn ghi trên cổng: Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23. Lê Xuân Chuyển liền hội ý với Đoàn Sinh Huởng – Đại đội trưởng đại đội 9 xe tăng (anh Đoàn Sinh Hưởng quê ở Nghệ An, sau giải phóng anh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) : Tập trung hỏa lực xe tăng, bắn mạnh vào khu vực cổng chính và bên trong Bộ tư lệnh sư đoàn 23.
Bộ tư lệnh sư đoàn 23 là mục tiêu quân sự quan trọng nhất của địch ở Buôn Mê Thuật. Ở đây lô cốt, hầm hào được bố trí dày đặc. Sau ngày 10/3, lực lượng thua trận vòng ngoài cũng rút chạy vào đây, nên quân số của chúng khá đông.Quân lính được bố phòng ở khắp các ngã đường và các ngôi nhà trong khu Bộ tư lệnh. Súng chống tăng M72 và pháo chống tăng không giật 106 ly được chúng bố trí cả trên xe M113 để ngăn chặn quân ta.
Từ sáng 10/3, sau khi Tiểu Khu Đắc Lắc bị Trung đòan 95b đánh mạnh. Nguyễn Trọng Luật – Đại tá tỉnh truởng Đắc Lắc đã chạy sang đây nhằm phối hợp với Vũ Thế Quang – Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuộc tìm cách đối phó.
Biết quân ta từ các huớng sẽ tấn công vào Bộ Tư Lệnh, nên ngay từ sáng 11/3, Luật đã bàn với Quang mỗi người trực tiếp chỉ huy một hướng. Luật chỉ huy ở khu vực cổng chính, ở đây có lực lượng xe thiết giáp M113 cùng chấn giữ. Quang chỉ huy ở hướng tây nam.
Trong hồi ký của mình Luật viết: “ Lúc 8h ngày 11/3, khi đứng chỉ huy cách cổng Bộ tư lệnh 300m nhìn thấy đầy chiến xa T54 của cộng sản đang tiến đến. Các chiến xa này còn ngạo nghễ coi thường đối phương, không cần ẩn nấp cũng không cần ngụy trang”
9 giờ 40 phút ngày 11/3, khi thấy xe tăng ta đã đến gần, cách Bộ tư lệnh chừng 100m và biết không chống đỡ nổi Luật bàn với Quang rút khỏi Bộ tư lệnh để bảo toàn lực lượng. Lúc đầu cả hai chạy về hướng tây, đi theo có khoảng gần 100 người. Khi chạy được chừng 300m, Luật lại bàn với Quang chia ra thành hai nhóm. Nhóm của Luật có khoảng 20 người, chạy về hướng tây, nhằm tới khu vườn cà phê của trung tướng Hoàng, vì khu này rậm rạp dễ ẩn nấp, đợi đêm đi tiếp. Nhóm của Quang chạy về hướng nam, phía cầu 14. Cả hai cùng thống nhất sẽ tìm về Phước An rồi về Nhà Trang.
Nhưng không may cho Luật, sau khi vượt qua khu vực suối Bà Hoàng để tiến về khu vườn cà phê của Trung tướng Hoàng thì Luật bị đài quan sát của ta phát hiện, báo cho sở chỉ huy. Trung đoàn phó Việt lệnh cho đại đội 3 (Lúc này đại đội 3 đang chốt giữ ở đầu kho Mai Hắc Đế). Cử ngay môt trung đội ra truy kích. Lực lượng này do chính trị viên Ngô Duy Chuyên phụ trách (anh Chuyên chính trị viên phó lên thay anh Nguyễn Văn Thuấn chính trị viên bị thương ngày 10/03). Chừng 30 phút sau lực lượng đại đội 3 đã đuổi kịp, bắt được Luật và toàn bộ quân lính đi cùng .Vũ Thế Quang thì đến sáng ngày hôm sau 12/3 cũng bị lực lượng trung đoàn 174 – Sư đoàn 316 bắt được.
10 giờ sau khi bắn cháy chiếc xe M113 chốt giữ ở cổng chính. Xe tăng 980 của Đại đội 9 – Lữ đoàn xe tăng 273 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã cùng bộ binh đại đội 2 – tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 24 vượt qua cổng chính, tiến vào bên trong Bộ tư lệnh, tiếp sau là các xe tăng 978, 815 và 703. Địch ở đây một phần đã bỏ chạy, số còn lại chống cự yếu ớt đã nhanh chóng bị tiêu diệt.
Lá cờ do Việt mang theo lúc trước cắm nhầm ở khu Bộ tham mưu, đã được Việt cắm ở ngay cổng chính Bộ tư lệnh sư đoàn 23 .
Xe tăng 703 được điều ra chốt chặn ở cổng chính. Đại đội 2 chốt giữ khu vực Bộ tư lệnh. Đại đội 1 vào sau được điều ra chốt giữ ở khu vực chợ, gần bến xe thị xã, thuộc phường Tân Lập. Sẵn sàng đánh quân phản kích từ ngoài vào.
Chừng 10h 45 phút cánh quân của trung đoàn 148 – sư đoàn 316 từ hướng bắc cùng tiến về Bộ tư lệnh sư đoàn 23. Khi đến đây, thấy lực lượng của trung đoàn 24 – Sư đoàn 10 đã chiếm giữ, nên trung đoàn 148 đã rút về khu vực ngã 6.
Tháng 4 năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. VTV1 có tổ chức buổi tọa đàm với các phóng viên quay phim chiến trường năm 1975. Phóng viên quay phim Phạm Ngọc Lan của xưởng phim Quân đội cũng xác nhận, ông cùng xe tăng và lực lượng bộ binh tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 24 là những người đầu tiên vào bộ tư lệnh sư đoàn 23 ngụy sáng 11/3/1975.
Sau này nói về nguyên nhân thất thủ Ban Mê Thuột hồi ký của đại tá tỉnh trưởng Đắc Lắc – Nguyễn Trong Luật có nói là do tư lệnh quân đoàn 2 – Thiếu tướng Phạm Văn Phú bị cộng sản lừa, không nghe lời ông đưa Trung đoàn 45 về Ban Mê Thuột sớm và liên đoàn 21 biệt động quân do Trung tá Dậu chỉ huy đã được trực thăng chuyển đến Buôn Hồ từ chiều ngày 9/3, nhưng đêm 10/3 lại chần chừ không tiến vào thị xã. Thưa ông Luật, đó chỉ là cách nói ngụy biện của ông mà thôi. Kể cả liên đoàn 21 biệt động quân và Trung đoàn 45 có vào được Ban Mê Thuột thì thất bại vẫn là điều không thể tránh khỏi. Vì tương quan lực lượng ở Ban Mê thuột lúc này ta đã áp đảo. Bao quanh Ban Mê Thuột ta có 3 sư đoàn bộ binh, đó là sư đoàn 10, sư đoàn 316 và sư đoàn 320, cùng hai trung đoàn bộ binh nữa là Trung đoàn 95B và trung đoàn 25, cùng 1 trung đoàn đặc công 198. Hỏa lực pháo binh, xe thiết giáp ở Ban Mê Thuột ta cũng hơn hẳn. Địch có ưu thế về không quân nhưng lại bị hỏa lực phòng không 37 ly và 57 ly của ta khống chế. Đặc biệt thế chiến dịch của ta lúc này đã cài rất chặt. Đường 14 từ P lây Cu về Buôn Mê Thuột đã bị ta chặn ở Bắc Cẩm Ga. Đường 21 từ Nhà Trang lên ta đã cắt đứt ở Khánh Dương. Phía Tây đường 14 ta đã chặn và chiếm quân lỵ Đức Lập. Các ngả giao thông đường bộ tiến đến Buôn Mê Thuột trước ngày 10/3 đều bị quân ta chặn. Đổ bộ bằng đường không thì sân bay L19 ở thị xã ta đã chiếm, Sân bay Phụng Dực (Hòa Bình) ở phía đông ta đã chiếm và khống chế toàn bộ sân bay.
Buôn Mê Thuột thất thủ là điều chắc chắn. Vì suy xét lại ở trận đánh này, địch hoàn toàn kém ta cả về mưu, về kế và về thế chứ hoàn toàn không phải như ông tỉnh trưởng Luật nhận định.
10 giờ 40 phút ngày 11/3/1975, Trung đội 2 của tôi từ khu vực khu vận tải được lệnh rút về khu Bộ tư lệnh sư đoàn 23 cùng đại đội. Phía trước cổng một chiếc xe M 113 bị xe tăng ta bắn cháy, mùi vẫn còn khét lẹt, một tên lính ngụy chết đen thui, nằm vắt vẻo nửa trên xe nửa duới đất. Trụ cổng bên phải dính 1 quả đạn tăng của ta vỡ hoác. Phía trên dòng chữ Bộ tư lệnh sư đoàn 23 là một con chim đại bàng to, hai chân cắp thanh kiếm để ngang – Biểu tượng cho sư đoàn 23. Qua cổng chính chừng 70m là khu hầm thông tin. Phía trên khu hầm này bị sập một mảng lớn. Ở đây cũng có vài xác lính ngụy chết, điện đài trong hầm vẫn thấy sáng lập lòe. Lùi vào trong là khu nhà Bộ tư lệnh, khu này toàn nhà thấp có một nhà hai tầng to cao phía bên phải từ cổng vào, cao nhất ở đây. Lúc đầu tôi tưởng đây là nhà của Bộ tư lệnh sư đoàn 23, nhưng không phải. Đây là nhà truyền thống của sư đoàn 23.Trong nhà trưng bày nhiều hiện vật, các loại cờ của sư đoàn 23, cả các hiện vật địch thu được của ta. Tại đây lúc trước anh Lê Xuân Chuyển – Đại đội trưởng của tôi đã thu lá cờ truyền thống của sư đoàn 23. Cờ có dòng chữ “Nam Bình – Bắc phạt – Cao Nguyên Trấn” và một số hiện vật khác. Khi còn làm trưởng ban tuyên huấn trung đoàn 24, các hiện vật này đều được Ban tuyên huấn giữ gìn rất cẩn thận. Sau này nghe nói lá cờ này đã được bàn giao cho Bảo tàng Quân Đội.
Cả ngày và tối 11/3/1975, đại đội tôi vẫn chốt giữ tại Bộ tư lệnh sư đoàn 23. Trung đội tôi được giao chốt giữ ngay khu vực cổng chính. Khu Bộ tư lệnh sư đoàn 23 do hứng nhiều đạn pháo của ta trong hai ngày 10 và 11 tháng 3 và nghe nói có cả bom địch ném nhầm vào đây sáng ngày 11/3, nên xác lính ngụy chết nằm la liệt. Từ chiều tôi cho anh em trong trung đội đưa xác lính ngụy chết đi chôn. Khổ nỗi trong khu vực này toàn đường nhựa, có rất ít chỗ đất chống. Tôi nhớ có hai tên lính ngụy chết nằm ngay phía trong cổng, anh em tiểu đội 5 đem chôn ở ngay bên trái cổng, phần đất giữa bức tường với dãy nhà cấp 4. Số còn lại phải đưa đi tít mãi vào bên trong mới có chỗ chôn.
Năm 2012, khi vào thăm Buôn Mê Thuột lần 2, tôi có trở lại thăm khu Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 cũ. Khu này đã khác hoàn toàn. Giờ là trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc, nhà cửa to, cao, khang trang, sạch đẹp. Di tích cũ hầu như không còn gì. Chỉ có cây cổ thụ to nằm chính phía trong cổng chừng dăm bảy chục mét thì vẫn còn đó. Tôi nghĩ khi xây dựng trụ sở ở đây Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắc Lắc chắc phải di chuyển khá nhiều hài cốt lính ngụy.
Đêm 11/3, khu Bộ tư lệnh sư đoàn 23 hoàn toàn yên ắng, thỉnh thoảng có nghe thấy tiếng pháo ình oàng từ phía xa vọng về, thị xã vắng lặng, tối đen.
12 giờ đêm, đi kiểm tra thấy anh em đều trực rất tốt. Tôi yên tâm chui vào căn nhà cấp bốn bên trái cổng, nơi tiểu đội 5 đang chốt giữ, nằm rồi ngủ thiếp đi mãi tới gần 5 giờ sáng hôm sau mới tỉnh dậy.
17 giờ ngày 12/3, đại đội tôi được lệnh bàn giao khu vực Bộ tư lệnh sư đoàn 23 cho tỉnh đội Đắc Lắc. Lên đường đánh lực lượng phản kích của sư đoàn 23.
Thế là tròn 2 ngày tôi và anh em đại đội 2 – Trung đoàn 24 đã có mặt tại đây: Bộ tư lệnh sư đoàn 23 ngụy.
Đó là những kỷ niệm đến giờ tôi vẫn không quên.
xem phàn 1 "TẠI ĐÂY"
____
NĐT
- 1 - Viết bởi Nguyễn Trung Du Thật xúc động và tự hào khi đọc bài viết của anh Nguyễn Đình Thi!(22/03/2016 04:03:16)
- Thật khó diễn tả được hết cảm xúc khi đọc những ghi chép rất chân thực và sinh động của anh Nguyễn Đình Thi! Mặc dù em đã được xem phim, đọc nhiều truyện, ký viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng đến hôm nay mới thật sự cảm nhận được sự ác liệt và hào hùng của trận đánh Buôn Mê Thuột nói riêng và cả chiến dịch Tây Nguyên nói chung.Thật xúc động và tự hào!Em cảm ơn anh Nguyễn Đình Thi và cảm ơn BBT E24 anh hùng rất nhiều ạ.
- 2 - Viết bởi Nguyễn Thị Thanh Mai Xin đính chính(15/03/2016 13:03:00)
- Tôi gõ vội theo cảm xúc nên chắc bị lỗi. Xin đọc lại là "câu chuyện giản dị, xúc động và ám ảnh! Đọc nó có thể hiểu được cái Tâm và Tầm của người viết.Tất cả vốn sống, sự trải nghiệm, lượng thông tin và trữ lượng tâm hồn...tất cả, với tôi đều rất tuyệt! Cảm ơn tác giả đã giúp thêm cho tôi những tư liệu quý để dạy cho các em học sinh hiểu thế nào là "Chiến tranh"- chỉ có hai chữ thôi mà ở đó có tất cả: sự sống và cái chết, vẻ đẹp và nỗi đau, cao thượng và thấp hèn...Tất cả!
- 3 - Viết bởi Nguyễn Thị Thanh Mai Bài viết thật sống động, hấp dẫn...(15/03/2016 10:03:31)
- ...bởi những chi tiết chân thực mà nếu không phải là người trong cuộc, thật khó có thể tưởng tượng và hình dung được. Không khí bão táp của thời đại, cái khốc liệt của chiến tranh, chất nhân văn lấp lánh trong vẻ đẹp tâm hồn người lính, tất cả đã hòa quyện trong những trang viết đẹp. Chúc mừng anh Nguyễn Đình Thi! Mong anh sẽ tiếp tục cho chúng tôi hiểu thêm về quá khứ lịch sử đau thương và anh dũng của dân tộc để không cái gì bị lãng quên, không một ai bị quên lãng. Tôi thích nhất những dòng viết về ánh nắng chiều, hoa cà phê, suối cá, nhất là chuyện hai em bé khóc gọi mẹ. Câu chuyện giả dụ mà thật xúc động, ám ảnh! Đọc nó có thể hiểu được cái Tâm và của người viết.
- 4 - Viết bởi Mạnh Bình Cảm nhận>..(11/03/2016 14:03:46)
- Thật Tuyệt! Trung đoàn 24A và 24B đều có cội nguồn là Trung đoàn 42 Anh hùng. Trong khi đêm 10 và 11/3, các anh đánh Ban Mê Thuột thì đêm 11/3, E24A đánh chi khu Ngã Sáu, hưởng ứng hiệp đống tác chiến toàn miền, và cũng đã lập nên chiến tháng lẫy lừng: CHIẾN THẮNG NGÃ SÁU BẰNG LĂNG. mở đầu cho tổng tấn công đợt 2 và sau đó, tiến thẳng về giải phóng Saigon...