-
TẾT NGHE KỂ VỀ CÂY KIỂNG QUÊ TÔI
(27/01/2016 10:01:24)
-
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, một người con của quê hương Cái Bè Tiền Giang, vừa gởi về cho mục Báo Xuân của E24 một bài viết thật lý thú. Ngoài những cảm xúc về Mùa Xuận, phong cảnh thien nhiên, anh còn có những ký ức sâu sắc về Chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng của quân và dân Sư 8 Anh hùng. Hiện anh là Phó Giám đốc Bảo Tàng Tiền Giang, người đã có nhiều tâm huyết trong việc xây dựng Nhà Lưu Niệm CHIẾN THÁNG NGÃ SÁU BẰNG LĂNG trên quê hương anh, nhân kỷ niệm 40 năm trận chiến vang dôi này...
Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và các bạn bài viết của anh...
Mạnh Bình và Mạnh Thắng trong thảo luận về việc xây Nhà Lưu niệm |
Mỹ Trung quê tôi là một mảnh đất trù phú, khí hậu quanh năm tươi mát, cây trái sum xuê. Vào những dịp xuân về, xung quanh vườn cây ăn trái, hầu như nhà nào cũng tranh thủ cắt tỉa cây kiểng hay lặt mai để đón tết. Tết đến đứng dưới những tàng mai vàng rực tranh nhau khoe sắc, bên những cây kiểng cổ nghe các cụ cao niên vẫn thường kể chuyện về truyền thống đấu tranh hào hùng trong những năm tháng chiến đấu vô cùng khốc liệt nhưng đầy hiển hách trong chống giặc ngoại xâm của quân dân Mỹ Trung. Một trong những trận chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang là chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng. Đây là một trận đánh khởi đầu chiến dịch mùa khô đợt hai năm 1975 giữa lực lượng chủ lực quân khu 8 kết hợp lực lượng địa phương và nhân dân Cái Bè. Chỉ trong vòng 4 ngày (11 – 14/3) với sự phối hợp chặt chẽ của 3 thứ quân, đặc biệt là bộ đội chủ lực, trong đó lực lượng tấn công yến khu Ngã Sáu là trung đoàn bộ binh 24 anh hùng, có sự phối hợp tác chiến diệt viện của trung đoàn bộ binh 320 và 207 sư đoàn bộ binh 8, đã san bằng toàn bộ yến khu Ngã Sáu. Chiến thắng này tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Rồi các cụ chuyển chủ đề qua thú chơi cây kiểng của người dân quê tôi. Tuy lời kể có phần mộc mạc, chất phác nhưng mang ý nghĩa đầy nhân văn.
Cây kiểng cổ truyền là tinh hoa văn hóa được Ông cha ta tài tình sáng tạo từ thuở xa xưa và được nhiều thế hệ tiếp nối kế thừa sáng tạo, gìn giữ, truyền lại cho đến hôm nay. Chủ yếu người chơi kiểng bỏ ra rất nhiều công lao để chăm chút, tỉa tót theo tích xưa để vừa làm đẹp nhưng thông qua các thế kiểng cũng để giáo dục đạo đức văn hóa truyền thống cho con cháu theo triết lý nho gia. Đó là “Tam cang ngũ thường- Tam tòng tứ đức”.
Bon Sai |
Thứ nhất về Kỹ thuật và nghệ thuật
Khi tạo thế một cây kiểng phải thể hiện được rõ Thiên- Địa- Nhân, chọn mặt tiền, cành thứ nhất từ gốc lên đậy rễ lớn, oằn xuống (âm), từ cành thứ tư trở lên hướng lên trên (dương), để nhấn mạnh chủ đề, hai thân trở lên thì ngọn ngã vào nhau (chỉ tạo cành từ 1/3 thân trở lên). Nếu cành thứ nhất xa gốc thì tạo cành thòng xuống (mỗi cây tối đa có một cành thòng và một cành xà cao bằng đối cực- đối từng đôi tán), tán kết hợp thành hình nón không quá che thân thì mới đúng và đẹp; Về nghệ thuật thì gốc to hơn thân, quanh gốc có rễ nổi cuồn cuộn tự nhiên. Thân phải uốn lượn, mềm và có duyên. Độ cao tùy gốc và thân cũng như cành phải thưa thoáng một cách hợp lý. Tán không bị chèn ép, lá khỏe. Cây càng già càng có sức sống mãnh liệt. Cuối cùng là khi trồng kiểng, đối với chậu hình chữ nhật hay ô-van thì chỉ nên trồng 1/3 diện tích chậu, riêng chậu tròn thì bắt buộc trồng ngay tâm chậu.
Thứ hai về đặc điểm văn hóa chung trong cây kiểng
Bộ rễ từ gốc trồi lên khỏi mặt đất ý nghĩa là nhớ về cội nguồn; cây tử mọc trên rễ lớn nhất, nếu tàng thứ nhất từ gốc lên che đậy rễ lớn nhất hoặc thay cây chủ (phụ mẫu) che rễ lớn nhất được cho là nhớ ơn ông bà, cha mẹ; nếu cây cắt tỉa theo hình vuông tròn là nói lên ước vọng chu toàn trọn vẹn; tàng ngọn cây tử thấp hơn cây chủ, ý nói con nhà có giáo dục; đoạn ngọn phụ, mẫu, tử trực gốc, có nghĩa là nhớ về cội nguồn (không mất gốc); hay thân cây tử giống cây mẫu (cây chủ) từ nghinh phong đến ngọn nói lên con cái phải giống cha mẹ…
Thứ ba về một vài kiểu dáng (thế) bao gồm :Thế trực, thế xiên, thế hoành, thế huyền, nhưng đa số vẫn là thế trực. Thế Trực quân tử có tán như thủy, nhu nhi bất nhược, cây dáng trực, cành ngay thẳng, gọn gàng, đường nét dứt khoát, biểu hiện con người có kỷ cương, nề nếp, tài năng, thẳng thắn; Phụ tử gồm một cây to, một cây nhỏ có chung gốc sát nhau, tán cây to bao trùm cây nhỏ như dang tay che chở cho con trong suốt cuộc đời; thế Tiều phu quải tử là mô tả hình ảnh ông tiều địu con trên lưng, ý nói về tình phụ tử; Huynh đệ gồm một cây cao, một cây thấp có chung gốc, mọc sát nhau, ngọn ngã vào nhau, cành lá đan quyện vào nhau, nói lên tình ruột thịt; hay thế Trạng nguyên thì cành có dáng cánh chuồn như mũ trạng nguyên, nói lên ước vọng đi thi được chấm đỗ đầu khoa thi…
Qua thú chơi tao nhã cây kiểng, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp còn giúp con người hiểu rõ hơn về triết lý sống cang thường, đạo lý giữa con người đối với con người, từ đó thiết lập bền vững trong mỗi gia đình và xã hội, đưa con người tu tâm dưỡng tính hướng tới cái đẹp chân, thiện, mỹ.
Nguyễn Mạnh Thắng