-
Phản đối tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam
(27/05/2011 20:05:15)
-
Vào lúc 5g58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phản đối tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam
*Việt Nam phản đối hành động của phía Trung Quốc
*Yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho Việt Nam
Ngày 27-5, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu đã thông báo việc sáng ngày 26-5, các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.
Ảnh tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam - Ảnh: TTXVN |
Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cung cấp các bằng chứng về việc tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, phá hoại thiết bị của PVN - Ảnh: TTXVN |
Thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Cả 4 lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 đã khảo sát 2 đợt tại đây, đợt 1 vào năm 2010 và đợt 2 bắt đầu từ ngày 17-3-2011. Quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy và tàu Bình Minh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, vào lúc 5g5 ngày 26-5, ra-đa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát và sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp 2 tàu nữa đi từ phía ngoài vào.
Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo. Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu, nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.
Vào lúc 5g58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết thêm: Ba tàu Hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02, sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02, thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu Hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9g sáng 26-5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu tại cuộc họp báo - Ảnh: TTXVN |
Tàu địa chấn Bình Minh 2 - Ảnh website Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí |
Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26-5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa. Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6g sáng 27-5, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động.
Phó Tổng Giám đốc PVN khẳng định: Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.
PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN, đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.
PVN khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.
Tàu địa chấn Bình Minh 02 được PVN đầu tư trang bị từ năm 2008 và đã tiến hành các đợt khảo sát trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành động của phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam Ngày 27-5-2011, trả lời câu hỏi của TTXVN về việc ngày 26-05-2011, tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5g58’ sáng ngày 26-5-2011, trong khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu Hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý. Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: Sáng 27-05-2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam. Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. |
TTXVN