-
CHUYỆN TÌNH THỜI QUÂN NGŨ
(12/01/2014 06:01:04)
-
E24 vừa nhận được một sáng tác mới của anh Bùi Ngọc Là, CCB E24 tại Hải Dương. Một bài thơ mộc mạc, giản dị như chính tác giả viết ra nó, đã ghi lại khá chân thực và cảm động chuyện tình của người lính. Ta thấy tháp thoáng đâu đó bóng dáng của tình yêu mà một thời tiếp thêm sức mạnh cho những người ra trận. Trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và các bạn!
CHUYỆN TÌNH THỜI QUÂN NGŨ
Tuổi trẻ chúng tôi không có nhiều lựa chọn
Tất cả lên đường giải phóng Miền
Tôi nhập ngũ mùa thu năm bảy mốt
Rời ghế nhà trường không một chút vấn vương.
Nhập ngũ rồi mới thấy nhiều điều lạ
Học đứng, học đi, học bước một hai
Ăn có kẻng, ngủ theo tiếng kẻng
Buổi tối nào cũng học hát đồng ca.
Cách một khoảng vườn nơi tôi đóng quân
Nhà cô bé học sinh trường Huyện*
Sáng đạp xe đi, trưa mới thấy về
Tôi thầm nghĩ sẽ thăm em vào một ngày nghỉ tập.
Nhân ngày được nghỉ, tôi sang thăm nhà
Em đi học về, xe đạp còn dựng cửa
Bếp rạ khô, em đang rán bột mì
Đang có chiến tranh, bột mì thay gạo.
Tôi chào em, giật mình em bỏ chạy
Bếp rạ khô, lửa lem lém ra ngoài
Không chần chừ, tôi vội vào dập lửa
Rồi tôi ngồi, rán tiếp bột cho em.
Chờ thật lâu, em đoán tôi đã về
Vội chạy vào, em sợ mì bị cháy
Thật ngỡ ngàng, thấy tôi còn ngồi đấy
Em khẽ chào: “- Anh bộ đội sang chơi ”.
Tôi mỉm cười, em không chạy nữa
Lấy ghế ngồi, em đỏ mặt lặng yên
Vừa rán bột mì, tôi vừa hỏi chuyện
Chuyện lớp, chuyện trường, chuyện học, chuyện thi.
Rồi bẵng đi, một tháng dài luyện tập
Tập bắn, tập bò, trung đội tập tấn công
Ngày trên thao trường, đêm hành quân mang nặng
Áo bạc màu, quần cũng đứt chỉ may.
Một buổi chiều, tôi vừa về đầu ngõ
Thấy mẹ em đứng đợi tự bao giờ
Mấy ngày nay, nó không đi học
Chẳng thiết ăn, chỉ nói nhớ anh.
Tôi vội chào, luôn mồm xin lỗi
Bác về đi, lát nữa cháu sang thăm
Buổi gặp hôm nào hoá ra to chuyện
Khổ cho tôi và khổ cả cho em.
Tôi sang nhà, em không thèm ra đón
Bác đỡ lời: “- anh bộ đội sang chơi”
Tôi nhìn em, chợt lòng đau thắt
Em đã yêu rồi, đôi mắt tương tư.
Bác ra vườn, để tôi ngồi với em
Bốn mắt nhìn nhau, ngập ngừng không nói
Tôi dịu dàng: “- Em không làm như vậy
Để mẹ buồn, anh cũng chẳng sang thăm”.
Em nhìn tôi, giọng nói ăn năn
Mai đi học, anh đã vui rồi chứ
Tôi mỉm cười: “- Cố gắng lên cô bé
Chiến tranh còn dài, hãy học cả cho anh”.
Tôi xin về, em theo ra đầu ngõ
Ríu rít, hồn nhiên đầy ắp tiếng cười
Trời hoàng hôn, ngập ngừng em nói nhỏ:
Em nhớ anh nhiều, anh có biết không?.
* * *
Chúng tôi hành quân ra ga Tiền Trung*
Cả Tiểu đoàn một màu xanh áo lính
Đoàn quân đi rì rào sóng lượn
Tạm biệt quê hương, chúng tôi đã lên đường.
Đoàn tầu dài đứng đợi ở sân ga
To lớn, hiền lành như thiên thần đang ngủ
Chúng tôi tới ga, cả ngàn người đứng đợi
Có mẹ, có cha, có cả bạn bè.
Lệnh tiểu đoàn, cho phép gặp người thân
Cả đoàn quân rùng rùng như đất lở
Cả sân ga ồn ào như vỡ chợ
Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gọi tìm nhau.
Chia tay người thân, tôi dáo dác nhìn
Không biết em có còn đến kịp
Em ở đâu trong ngàn người đưa tiễn
Em đến rồi, cặp sách vẫn quàng vai.
Em ôm lấy tôi nghẹn ngào, nức nở
Nước mắt chảy tràn, ướt đẫm cả bờ vai
Em nhớ anh, em nhớ anh nhiều lắm
Em đợi anh về, mình sẽ gặp nhau.
Tôi lên tàu, em đứng dưới sân ga
Tầu chuyển bánh, bóng em dần xa khuất
Tôi thẫn thờ, lòng đau như cắt
Biết bao giờ gặp lại em ơi.
* * *
Tôi mang tình em vào chiến trường xa
Đi dọc Trường Sơn, vượt qua Đồng Tháp
Qua Kiến Phong, chúng tôi về Cai Lậy*
Đồn bốt vây quanh, pháo địch bắn cả dàn.
Ngày nối ngày, nhiệm vụ của chúng tôi
Đánh bốt dành dân, chống càn dành đất
Da mặt xạm đen, chân tay gai cứa
Thường ở trần, áo mặc lúc hành quân.
Chiến trường đồng bằng giằng co quyết liệt
Đồng đội hy sinh không nhớ hết tên
Tôi nhớ em, cứ mỗi lần ra trận
Lại nhủ thầm “ Anh vĩnh biệt em ”
Trận đánh đi qua , ký ức trở về
Nỗi nhớ em lại cồn cào trong dạ
Đồng đội bên nhau động viên, khích lệ
Nỗi nhớ nhà ngày tháng cũng nguôi ngoai.
* * *
Đất nước hoà bình, tôi được về ngoài Bắc
Mua tặng em, một em bé búp bê
Tôi sẽ gọi tên em cho thoả lòng ao ước
Và ôm em không chịu rời tay.
Phong cảnh làng quê vẫn như lúc tôi đi
Nhà mái rạ vẫn như ngày trước
Bác ra đón tôi, tóc đã nhiều sợi bạc
Em nó mất rồi, năm một chín bẩy ba.
Mắt tôi nhoà đi, tôi vội vào nhà
Em không nói chỉ nhìn tôi âu yếm
Căn bệnh hiểm nghèo, em không qua khỏi
“Em đợi anh về”, sao không thấy em đâu?.
_____
* Trường Huyện: trường cấp III nay là Trung học phổ thông.
* Tiền Trung : thuộc huyện
* Cai Lậy : thuộc tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang.
Chí Linh, Hải Dương 10/2013
Bùi Ngọc Là K5E24
- 1 - Viết bởi Mạnh Bình Cảm nhận:(13/01/2014 15:01:59)
- Kính gởi anh Hoàng Cao Thắng, anh Hoàng Thái Tôn và tác giả (Anh Bùi Ngọc Là), Thú thực, tôi rất xúc động vì bài thơ của anh Bùi Ngọc Là Nó rất giống với... quá nhiều những chuyện tình thời chiến của lớp trẻ chúng mình, Tôi hy vọng: Chúng ta hãy cứ viết ra (công khai) những chuyện tình đẹp và thiêng liêng như thế! : Bài thơ đưa tôi về Mùa Đông năm 1971 xa lơ xa lắc. Tôi, và em, và trăng suông vằng vặc. Nụ hôn đầu đời run rẩy đam mê. Nhưng mà sợ lắm! Có thể nào ta để khổ cho em?! Cảm động, mà thương cho mình, thương cho "em". Trong sáng đến tận cùng là "Lính Cụ Hồ". Chúng tôi cam đoan là SỰ THẬT 100%. Ai có giông giống thì viết lên đây nha! kg cần chau chuốt đã tuyệt vời rùi... (MB). Nếu kg ai viết tiếp nữa thì tiếc wa!... (Thơ hay nhất là chứa trong đó những khối tình... đẹp nhất -của mình- !)
- 2 - Viết bởi Hoàng Thái Tôn Tình yêu của thời lính sao mà đẹp thế.(13/01/2014 09:01:20)
- Tôi được anh Bùi Ngọc Là chuyển bài thơ này đọc trước khi đăng lên trang web CCB Trung đoàn. Phải nói rằng, tình yêu của những người lính, nhất là những người lính trước khi ra trận thật là cảm động đẹp đẽ làm sao? Đã bao lần nhìn trộm, nhớ thầm và quyết tâm sang "thăm em" bằng được. Và cũng may là lần thăm ấy không làm cháy bếp, chỉ làm cháy mấy miếng bánh "bột mì" dán. Tôi nhớ, thời chúng tôi huấn luyện, trời mùa đông lạnh lắm. Cái lạnh cắt da, cắt thịt ở miền vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng đã làm nẩy nở tình yêu của những đôi trai gái khi cùng nhau ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng. Bếp lửa đun bằng rơm nên phải luôn tay đưa rơm vào bếp. Nhiều khi do "mải nhìn nhau" nên suýt lửa rơm làm cháy ống quần. "Lửa rơm", "đống rơm"... những kỷ niệm ngày nào thời huấn luyện chiến sỹ mới được anh Là gợi lại qua bài thơ mộc mạc của mình. Thời đó, tôi cũng có tình yêu như vậy. Cũng vào bếp sưởi ấm cùng gia đình chủ nhà (chúng tôi huấn luyện ở trong nhà dân)thì quen em và "nhớ em" từ đó. Nhưng sau chiến tranh, anh Là có điều kiện về thăm lại người "đã yêu trộm, nhớ thầm" và có lời ước hẹn trước lúc ra chiến trường "Em nhớ anh, em nhớ anh nhiều lắm. Em đợi anh về, mình sẽ gặp nhau" thì không gặp được. Còn tôi thì chưa... Đây là một bài thơ hay, tuy không được chau chuốt về ngôn từ nhưng nó lại mang tính chân thật, mộc mạc giống như tình yêu người lính thời đó. Mong chúng ta luôn trân trọng với những kỷ niệm đẹp này. Hoàng Thái Tôn- Đồng ngũ, đồng đội- Tiểu đội Cối 82 K5- E24.
- 3 - Viết bởi Hoàng Cao Thắng Chuyện tình sao giống mình thế nhỉ ?(12/01/2014 11:01:14)
- Tháng 11 năm 1964 mình nhập ngũ vào trung đoàn 42 thuộc lữ đoàn 350 đóng quân ở Ca Men thị xã Kiến An Hải Phòng , 3 tháng đi dã ngoại ở thôn Áng Sơn Xã Thái Sơn huấn luyện tân binh lăn, lê, bò ,toài mệt bở hơi tai nhưng vui đáo để, tối nào cũng học hát bài "Tiến bước dưới quân kỳ" tối thứ 7 sinh hoạt tiếu đội kiếm điểm cá nhân , bộ quân phục làm bằng loại vải dày nặng chịch ,ngày nào đi tập về là lấy xà phòng 72% dùng bàn chải cọ cho càng nhanh trắng càng tốt cho giống đàn anh đi trước . Vào một buổi chiều tôi đang làm lá ngụy trang bằng lá chuối khô, chiếc xẻng để bên mà không cánh mà bay , tối hôm đó tôi bị kiểm điểm rất nặng vì "Vũ khí ly thân" Tối hôm sau tôi ngồi viết bản kiểm điểm ,khoảng 21h bên ngoài cửa sổ có tiếng người con gái gọi nhỏ " Anh ra đây em bảo" tôi buông tay bút đi ra đầu nhà, trời sáng trăng vằng vặc ngó trước nhìn sau không thấy ai, tôi lại vào viết tiếp, 1 phút sau vẫn giọng người con gái ấy gọi, lần này tôi ra thì thấy một cô gái đứng đợi ở đầu nhà , trong giây phút ngập ngừng, e thẹn em nói " Cái xẻng của anh em dấu ở rãnh khoai lang kia kìa " tôi và em cùng ra thì chiếc xẻng vẫn nằm gọn trong luống khoai và được che phủ kín đáo. Từ hôm ấy chúng tôi quen nhau, nhà em ở cách nhà tôi trọ cũng bằng một ruộng khoai lang , nhà em có cối giã gạo nhưng em cứ mang sang nhà ông chủ của tôi giã nhờ và không quên "Anh giúp em với" Chúng tôi vừa giã gạo vừa nói chuyện rôm rả .Thời gian thấm thoát trôi đi,3 tháng huấn luyện đã xong, ngày mai chúng tôi phải trở về doanh trại, tối đó tôi trực gác từ 22h đến 23h, tôi sang chào gia đình và em để mai hành quân sớm, em bảo cho em mượn quyển sổ để viết lưu niệm , tôi ngồi đợi em viết, cả ngày luyện tập mệt mỏi tôi lăn ra chiếc gường 1,2m thiếp đi lúc nào không biết, gần sáng tôi choàng tỉnh dậy tay quơ phải làn tóc dài con gái, hóa ra khi em viết gần hết quyến sổ, thấy tôi ngủ say không muốn gọi dậy và em nằm cạnh tôi ngủ luôn .Tôi vội về tiểu đội định giao ca nhưng đã quá tới 4 ca rồi, tôi quyết định gác thay đồng đội đến sáng, ngồi một mình đọc đi đọc lại 2 lần những dòng lưu niệm em viết cho tôi...Lúc lên đường tôi cố tình đi sau hàng quân và "Trốn" vào nhà em để chào lần cuối, đến cửa nhà tôi nói to đánh động, nhưng không thấy ai trả lời, tôi đành quay ra, nhưng chưa kịp đi thì có tiếng em khóc, tôi bước vào nhà vén màn lên thì thấy em gục đầu khóc nức nở, em không nói gì cứ thế khóc hoài, tôi càng động viên em càng khóc to, giờ này chắc đồng đội tôi đã đi xa, trong lúc cuống quýt tôi không biết sử lý thế nào, con tim tôi sao động ,tôi đánh bạo ôm em vào lòng và hôn nhẹ lên bờ môi em mà nước mắt tuôn trào, hai hôm sau em ra doanh trại tìm gặp tôi, tình yêu đã đến với chúng tôi từ khi nào không rõ .Cuối năm 1965 trung đoàn 42 đổi thành trung đoàn 24 rồi hành quân vào Tây Nguyên đánh Mỹ...Thời gian không ngừng chảy tôi vẫn ấp ủ ngày chiến thắng trở về cưới em , năm 1972 tôi ra Bắc học trường sỹ quan lục quân 1 và được về phép 10 ngày, tôi viết thư cho em và bảo em xin phép bố mẹ lên thăm gia đình tôi, đêm hôm đó 2 chúng tôi không ngủ ngồi ở bếp đun cạn siêu nước này đến siêu khác, đống rơm sau lưng không còn cái nào để đun nữa mới thôi, sáng hôm sau em xin phép ra về, tôi dùng xe đạp tiễn em xuống tận ga Cẩm Giàng, trước lúc lên tầu em ghé vào tai tôi thì thầm " Chiến tranh không biết ngày nào kết thúc, đời người con gái có thì, ở nhà bố mẹ em đã trót nhận trầu cau của người khác rồi, anh ấy cùng làng và cũng đi bộ đội rồi, chờ em 6 tháng để em xin "Rãn" gia đình bên kia đã, rồi anh hãy xuống nhà em...1 năm trôi đi mà không giải quyết được, nhà tôi chỉ có tôi là trai duy nhất, mẹ tôi bắt tôi phải lấy vợ để có cháu bế bồng... 5 năm sau tôi nhận được tin : Anh người yêu cùng làng của em đã về phục viên và không cưới em làm vợ nữa, em đã lấy chồng khác và đã có con , người chồng của em cũng là bộ đội và là thương binh nặng quê Chí Linh .Năm 2000 tôi quyết định làm một chuyến du lịch bằng xe máy về thăm vợ chồng em ,khi cách nhà em chừng 1 km tôi ghé vào quán nước ven đường hỏi thăm đường và nắm tình hình, thì bà bán nước bảo rằng : Bà ấy chết cách đây 3 năm rồi"tôi sững người không biết thực hư thế nào và nhanh chóng lên xe nổ máy quên không trả tiền nước cho bà cụ, khi đã đến cổng nhà em, tôi rẽ vào quán nước dò la tin tức thì được người bán nước cho biết :" Bà ấy vẫn còn sống" Tôi trấn tĩnh dắt xe vào, một người phụ nữ trạc tuổi 55 đang ngồi giặt quần áo ở giếng , tôi cố nhìn nhưng không phải em, tôi cất lời chào và hỏi thăm tên chồng của em, bà ấy bảo :Ông ấy sang hàng xóm chơi, nói xong bà ta chạy đi gọi về, uống dở chén nước tôi trình bày trước , ông ấy bảo đúng nhà đây rồi, rồi ông giơ tay chỉ vào bàn thờ treo ở đầu hồi nhà : Bà ấy kia kìa:Tôi súc động , nghẹn ngào rưng rưng nước mắt,lặng lẽ đứng dậy lấy cái ghế đẩu rồi đứng lên thắp nén nhang thơm, tay chắp ngực thì thầm nói nhỏ với em... Cầu mong cho em được siêu thoát về miền tịnh độ cùng tổ tiên , cha mẹ khép lại một cuộc đời muôn lỗi đắng cay và tình duyên trắc trở . Tôi xin phép ra về lấy lý do còn đi thăm nhiều người nữa mà không còn nghị lực nào ăn nổi bữa cơm trưa với gia đình,trước lúc ra về chồng em và các con của em dặn tôi : Ngày mồng 10 tháng chạp hàng năm mời bác về thắp cho mẹ cháu nén hương........Hình ảnh người con gái 16 tuổi của thành phố hoa phượng đỏ ngày nào vẫn cháy bỏng trong tôi và xẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.