-
VỀ LẠI THÁP MƯỜI
(10/01/2014 15:01:20)
-
Vùng châu thổ Tháp Mười với biết bao lớp trầm tích lắng đọng "Từ thưở mang gươm đi mở cõi" của ông cha ta, đến xa hơn nữa là sự hưng vong của đế quốc Phù Nam cổ... Tháp Mười, vùng đất và con người nơi đây còn đặc biệt gắn bó với những nỗi nhớ không thể nguôi về một thời máu lửa trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ...Để chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức đoàn CCB E24 đầu năm nay sẽ về Mỹ Trung Cái Bè Tiền Giang thực hiện phim tài liệu: "KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG NGÃ SÁU-BẰNG LĂNG", ngày 09/01 năm 2014, chứng tôi trở về thăm lại nơi này... (Mạnh Bình)
7g30 phút, chúng tôi khởi hành từ Mỹ Tho đi Tháp Mười...
Về việc tổ chức chuyến đi này, chúng tôi đã có ý định từ trước đó khá lâu. Đoàn gốm 4 thành viên (đều là cựu giáo chức): Thầy Trương Nam Thắng, thầy Ngô Văn Tiên, Mạnh Bình và Hồ Tĩnh Tâm. Ông Trương Nam Thắng, nguyên Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo Tiền Giang, là người con của Đồng Tháp, đã nhiệt tình ủng hộ, điều xe và cùng đi với đoàn. Ông Ngô Văn Tiên là người sinh ra tại chợ Mỹ An xưa, bảy mươi năm xa xứ, ít có dịp về thăm lại nơi này, giờ khát khao trở lại. Anh Hồ Tĩnh Tâm, cựu chiến binh E207 cũng rất hào hứng khi tôi đưa ra kế hoạch này, đã chạy honda từ Vĩnh Long qua Tiền Giang để cùng đi với đoàn...
... Chuyến xe khởi hành trong những ngày cuối năm âm lịch, băng qua vùng Bà Bèo, Tân Phước Tiền Giang, qua Cai Lậy, Cái Bè... gợi lên trong lòng mỗi người bao cảm xúc!...
Trên đường đi, chặng dừng đầu tiên của chúng tôi là huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, nơi mà hơn 70 năm qua, thầy Ngô Văn Tiên đã cất tiếng khóc chào đời... Mỹ An, xưa còn là địa danh thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Chợ Mỹ An xưa theo hồi ức của Thầy Ngô Văn Tiên, nơi đây vốn là một chợ quê nho nhỏ với vài dãy phố tại Mỏm Voi, chợ họp cả đêm sáng xanh đèn khí đá... Nơi đây thầy đã chứng kiến những ngày hào hùng nhất của Nam Bộ Kháng Chiến (9/45), biết bao người "Nóp với giáo mang ngang vai mà lòng người giàu lòng vì nước..."
Thầy Ngô Văn Tiên trên nền chợ Mỹ An xưa...
Đứng trên nền chợ Mỹ An xưa, gặp gỡ những con người hôm nay sống tại đây. Họ chẳng thể nhận ra nhau vì đã hơn bảy chục năm "Thương hải biến vi tang điền", chiến tranh loạn lạc...Thầy Ngô Văn Tiên bồi hồi xúc động ôn lại những ký ức xưa cứ tươi rói trong ông... Tôi bỗng nhớ bài thơ "HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ" của Hạ Chi Trương:
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.
BẢN DỊCH:
"Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi tóc đà khác bao
Trè con thấy lạ ra chào
Hỏi rắng: Khách ở nơi nào đến đây?"
Chúng tôi theo Thầy về thăm căn nhà xưa và viếng phần mộ gia tộc. Thật chẳng thể nào quên mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình...
Thầy Ngô Văn Tiên viếng phần mộ gia tộc
Buổi trưa, chúng tôi được Phòng Giáo Dục huyện Tháp Mười tiếp đón rất trọng thị và thân tình. Anh Trần Văn Lập, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tháp Mười còn khá trẻ, rất vui khi ông Tư Hồng (tức Trương Nam Thắng) đã ôn lại những kỷ niệm của ông từ những năm 1960, khi tập kết trở về, đã gắn bó với Giáo dục Khu Tám, cùng biết bao ân tình với những con người làm Giáo Dục trong Kháng chiến tại bưng biền Đồng Tháp...
Anh Trần Văn Lập, Trưởng phòng GD Tháp Mười (bên phải) tiếp đoàn tại Văn phòng
Anh Hồ Tĩnh Tâm, CCB E207
Bữa cơm thân mật cùng cán bộ Phòng Giáo Dục Tháp Mười
Buổi chiều, chúng tôi lại được anh Trần Lâm, nguyên Trưởng phòng Giáo Dục Tháp Mười dẫn chúng tôi đi thăm khu di tích Gò Tháp, một vùng đậm đặc các di chỉ của nền văn minh Ốc Eo, cùng những dấu tích của vương quốc Phù Nam... Tên gọi vùng này là Tháp Mười, hoặc Đồng Tháp, cũng có thể bởi xưa kia có cái tháp 10 tầng được dựng lên tại nơi này...
Từ trái qua: Anh Trần Lâm, nguyên Trưởng phòng GD&DT Tháp Mười, ông Trương Nam Thắng, nguyên Giám Đốc Sở GD&DT Tiền Giang, thầy Ngô Văn Tiên, Nguyễn Mạnh Bình, Hồ Tĩnh Tâm
Trước đền thờ cụ Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) và Nguyễn Tấn Kiều (Đốc Binh Kiều)
Bên nền tháp cổ thuộc "Văn minh Ốc Eo."..
Phế tích Vương quốc Phù Nam
Anh Hồ Tĩnh Tâm đang tác nghiệp
Tháng 01/1960, Tháp Mười Tầng bị quân và dân Khu Tám đánh sập |
Năm 1957, Mỹ - Diệm xây dựng tháp Mười Tầng ở Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, làm đài quan sát trung tâm Đồng Tháp Mười (ảnh bên trái). Đây là Viễn vọng đài có thế quan sát toàn vùng rốn Đồng Tháp và nhìn thấu tới tận biên giới Campuchia.
Đến cuối năm 1959, Kiến Phong đã sử dụng lực lượng vũ trang kết hợp với chi bộ Đảng phát động quần chúng liên tục nổi dậy tấn công địch, diệt 7 đồn, giải phóng hoàn toàn 7 xã, phá banh 9 khu gom dân, diệt và bắt hàng trăm tên địch, thu 300 súng, đánh sập tháp mười tầng. Ở hầu hết các xã còn lại trong tỉnh, tề ấp, liên gia bị giải tán, tề xã bị bao vây trong đồn. Cuộc nổi dậy đã mở ra địa bàn căn cứ rộng lớn liên hoàn từ Mỹ An, Cao Lãnh lên đến biên giới Campuchia.
Cùng với Kiến Phong, ở Kiến Tường, lực lượng vũ trang và chi bộ Đảng phát động quần chúng tấn công địch liên tục, mạnh mẽ. Ngày 16 tháng 11 năm 1959, Tiểu đoàn 504 của tỉnh diệt 3 đồn: Ông Tờn, Đá Biên, Ma Ren. Quần chúng ở nhiều xã nổi dậy diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải tán bộ máy tề, chủ ấp, liên gia và các tổ chức đoàn ngũ hóa quần chúng của địch, giành quyền làm chủ trên diện rộng, nối liền các vùng.
Ông Trương Nam Thắng đang giới thiệu về phế tích Tháp Mười Tầng,
nay đã thành đống bê tông cốt thép nằm chỏng trơ bên nền tháp cũ...
Dưới chân mộ cụ Đốc Binh Kiều
Sau khi thăm khu di tích Gò Tháp, chúng tôi trở về quán Coffe "SÔNG TRĂNG", cơ ngơi của gia đình anh Trần Lâm cùng trò chuyện và thưởng thức Coffe bên bến sông thật thanh bình...
Vợ chồng anh Trần Lâm chủ quán Coffe Sông Trăng
và con gái anh Trần Lâm
Còn nhiều chuyện để tâm tình, nhưng chúng tôi đành tạm chia tay với Tháp Mười để về Ngã Sáu, Mỹ Trung, thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang để ghi hình kẻo nắng chiều sắp lặn...
Bản đồ huyện Tháp Mười, với nơi của sáu con kênh (Ngã Sáu) tiếp giáp với Tiền Giang
Một góc của "Ngã Sáu"
Và đây: Nhánh kênh 28 hiền hòa...
Từ Ngã Sáu nhìn qua Ấp Chơ...
Buổi chiều thật thanh bình khi chúng tôi tới tại nơi này...
Tượng đài Chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng sững vươn lên hiên ngang dưới trời chiều...
Và đây là bảng thuyết minh dưới chân tượng đài (không có tên E24, dơn vị chủ công đánh chiếm căn cứ này vào 11/3/1975...)
Mạnh Bình chụp tấm hình (chế độ tự động), kỷ niệm thêm một lần về Ngã Sáu...
Dưới đây, mời các bạn cảm nhận một trích đoạn mà Mạnh Bình dựng trước để tặng riêng thầy Ngô Văn Tiên (còn nhiều tư liệu khác mà MB và HTT đã lưu trữ để đưa vào phim tài liệu mà chúng tôi đang thực hiên)
Clip: Về lại Tháp Mười...
Bài và hình ảnh: Nguyễn Mạnh Bình
- 1 - Viết bởi Manh Bình CUNG CHIA SẺ(02/02/2015 19:02:01)
- Kính thưa anh Nguyễn Trọng Hùng và anh Mạc Duy Tiến. Là em cứ băn khoăn cái vụ "Đánh bùn sang ao" này thật! Là đơn vị chủ công, 32 Liet sĩ của Trung Đoàn 24 đã hy sinh trong trận này, cùng nhiều LS của E320, E207 (phối thuộc) để làm nên chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng đấy ạ! (Tất nhiên cũng có thể nói gộp là: QUÂN VÀ DÂN KHU 8. cho "hành cháng")
- 2 - Viết bởi Nguyễn Trọng Hùng Lịch sử không thể nửa vời!(11/01/2014 10:01:46)
- Nhìn tấm bia mới thấy, chưa phải lớp hậu sinh, đã "khả úy" vậy sao? Sao có thể vơ đũa cả nắm thế cơ chứ! Lịch sử chỉ có một, đó là Trung đoàn 24 (đơn vị chủ công)cùng sư đoàn 8 và quân dân Cái Bè (Mỹ Tho)... Còn sống đến ngày nay, dù là ai, hãy đừng kể công. Công lao to lớn thuộc về đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống cho chúng ta được hòa bình, hạnh phúc ngày nay. Đừng tưởng có tấm huân chương trên ngực đã là vĩ đại. Máu đấy! Tấm huân chương nào cũng có máu của chiến sĩ, đồng bào cả đấy! Hãy sửa lại tấm bia, cho khỏi hổ thẹn với lịch sử...
- 3 - Viết bởi macduytien ĐỪNG ĐỂ NHƯ XE TĂNG 390 VÀ XE TĂNG 484(10/01/2014 22:01:57)
- HỎI CÓ BAO NHIÊU CÁN BỘ, CHIẾN SỸ CỦA TRUNG ĐOÀN 24 ANH HÙNG ĐÃ ANH DŨNG HY SINH KHI ĐÁNH NGÃ SÁU. VẬY THẾ MÀ HỌ KHÔNG THẤY SẤU HỔ À. GHI BIA THÌ PHẢI SUY NGHĨ CHỨ. NHỮNG NGƯỜI TRỰC TIẾP ĐÁNH ĐỒN NGÃ SÁU CÒN SỐNG NHIỀU CƠ MÀ.LỊCH SỬ SẼ PHÁN XÉT LÀ NGUY ĐẤY, HỠI AI CHỈ ĐẠO KHẮC BIA Ạ.. TÔI KHUYÊN MỘT ĐIỀU LÀ PHẢI KHẮC BIA TRUNG ĐOÀN 24 LÀ ĐƠN VỊ ĐÁNH SAN BẰNG NGÃ SÁU LÊN TRÊN ,RỒI GHI THÊM ĐƠN VỊ NÀO TIẾP THEO CŨNG ĐƯỢC . SAO HỌ KHÔNG SỢ CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ CỦA TRUNG ĐOÀN 24 ĐÁNG ĐỒN NGÃ SÁU NHỈ.. ĐÚNG LÀ ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG THẬT...