-
MÙA SEN QUÊ BÁC
(27/06/2013 16:06:36)
Thật vui vì MB vừa nhận được Email cùa anh Nguyễn Trọng Hùng:
...Nhờ Mạnh Bình, tôi và Hoàng Văn Trung (CCB E24 anh hùng của chúng ta) đã tìm được nhau sau đúng 40 năm. Vừa rồi, tôi may mắn được vào thăm quê Bác, và phát hiện ra rằng, Hoàng Văn Trung và biết bao đồng đội khác của chúng mình trên quê Bác, ai cũng như một đoá sen nở giữa cuộc đời. Tôi gửi MB bút ký này, mong được chia sẻ với đồng đội cả nước.
tronghungbaotq@gmail.com_MÙA SEN QUÊ BÁC
Bút ký
Nguyễn Trọng Hùng
Lần này nữa, lần thứ ba tôi được về thăm quê Bác. Nắng tháng Năm miên man và rực rỡ. Từ quê hương Tân Trào lịch sử, chúng tôi lên đường như giấc mơ xưa trong thơ Tố Hữu: qua Phú Thọ, xuôi Trung Hà, xuống khu Ba, vào khu Bốn… Cánh văn nghệ sĩ chúng tôi, hầu hết đầu đã điểm sương, đời đã cận tuổi “xưa nay hiếm”, theo tiếng gọi Bác Hồ, đôi chân đã băng qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần kỳ và cuộc chiến đấu vì danh dự quốc gia thiêng liêng, có người đã thăm quê Bác nhiều lần, có người nay mới một lần, nhưng ai nấy đều rưng rưng.
Với tôi, về quê Bác lần này, nhất định phải về Nghi Yên, Nghi Lộc tìm Hoàng Văn Trung, một trong hàng trăm đồng đội cũ ở Nghệ An. Tôi với Trung 40 năm trước cùng một đơn vị (D5E24A), cùng bị thương nằm điều trị tại Bệnh xá Tỉnh đội Gò Công ở Bình Đại (Bến Tre). Ơi những bông sen tháng Năm quê Bác, những người lính của Bác Hồ đã để lại một phần máu sương trên chiến trường Đồng Tháp Mười bát ngát hương tràm, hương sen, ngàn ngạt bom rơi đạn nổ!...
Xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), đang mùa sen rực rỡ. Sen ngan ngát bờ tre, thơm hương tới tận từng mái tranh, ngõ xóm! Ngay đầu làng Chùa (còn gọi là Hoàng Trù), quê ngoại của Bác, hương sen dẫn lối chúng tôi vào thăm ngôi nhà tranh nhỏ nơi sinh ra ba chị em Bác: Bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm và Bác. Sự đơn sơ đến không tưởng làm nước mắt nhiều người ứa ra, lòng trào dâng niềm thương nhớ Bác. Bên làng SeVương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Bác, nhớ cây đa và những mùa sen… Đất nước có chiến tranh, rồi nghèo khó ly hương, chẳng mấy ai trong hàng triệu, hàng chục triệu người sống quá vài chục năm ở nơi có mồ mả tổ tông, nơi có núm ruột của mình. Bất giác tôi nhớ tới Tuyên Quang ta - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ có trụ sở làm việc gần 6 năm trời trong 9 năm trường kỳ kháng chiến. Ngoài quê hương Kim Liên, thành phố Huế và thủ đô Hà Nội, trên đất nước ta, chắc chỉ có Tuyên Quang là nơi Bác ở lâu hơn cả. Tôi nói với các bạn Nghệ An rằng, đó là một vinh dự to lớn, một niềm tự hào không giấu giếm của đảng bộ và nhân dân các dân tộc quê hương Cách mạng Tháng Tám 1945.
Đầu năm 1968, khi tiếng súng Tổng tấn công và nổi dậy của quân dân ta Tết Mậu Thân đang rền vang, trên đường hành quân vào Nam, đơn vị tôi đã được về thăm quê Bác. Đấy là lần đầu tiên tôi biết Nghệ An. Chúng tôi còn quá trẻ, lại hành quân vội vào buổi chiều tà, quả thật chưa kịp nhìn kỹ các hiện vật. Nhưng từ mái tranh nghèo ấy, từ bờ rào dâm bụt, hàng duối, vườn khoai lang, từ cây đa, cây mít, từ bờ tre và con đường đất nhỏ vừa lối trâu đi… đã truyền vào lòng chúng tôi ý chí sắt đá và niềm tin tất thắng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để đồng bào miền Nam ra thăm quê Bác và được đón Bác vào thăm.
Lần thứ hai tôi được về thăm quê Bác là mùa thu năm 1990. Khi ấy, cũng một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế tại Huế, nơi Bác Hồ sống và học ở đây hai lần. Đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5-11 tuổi). Thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16-19 tuổi). Thời gian sống ở Huế tuy không dài, chỉ khoảng 10 năm, nhưng lại là thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của Bác...
Và đây, lần thứ ba, tôi về quê Bác trong niềm háo hức vô cùng. Nhiều điều đã nhớ nằm lòng mà vẫn xốn sang, mới mẻ. Không hiểu sao tôi cứ day dứt mãi như chính mình là người có lỗi. Tất cả chúng tôi, những văn nghệ sĩ Tuyên Quang về thăm quê Bác năm 1990 không ai cầm được nước mắt. Cô hướng dẫn viên xinh đẹp, giọng xứ Nghệ nhẹ nhàng, truyền cảm, mắt cô gái long lanh kể lại chuyện Bác về thăm quê lần thứ hai (9-12-1961). Lần trước (1-6-1957), về quê, Bác về làng Sen trước. Vì thế, lần này, tất cả phóng viên đi theo chụp ảnh Bác đều về trước đón Bác ở làng Sen. Thời ấy, đất nước còn nghèo, hai miền Bắc Nam còn chia cắt, chiếc máy ảnh cơ, chụp phim đen trắng cổ lỗ lắm và thường không có đèn. Thông tin liên lạc lại càng lạc hậu. Nhưng hôm đó, Bác về làng Chùa trước, thăm lại tuổi ấu thơ của mình bên nhà ông bà ngoại. Thế là Bác chẳng có lấy bức ảnh nào chụp bên nhà ngoại. Chỉ nghe thế đã thấy nghẹn lòng. Tới khi các phóng viên quay lại làng Chùa, thì Bác lại đang đi bộ theo đường tắt về làng Sen. Và, một điều xa xót nữa chẳng ai nỡ nhắc lại, là hai lần Bác về quê, Bác chưa thể lên Động Tranh để viếng thân mẫu của mình là bà Hoàng Thị Loan. Mộ bà được đặt trên lưng chừng dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Giang, cùng huyện Nam Đàn, tại vị trí có độ cao chừng 100m so với mực nước biển. Khu mộ với trung tâm là ngôi mộ của bà Hoàng Thị Loan được xây dựng từ ngày 19 tháng 5 năm 1984 đến ngày 16 tháng 5 năm 1985. Ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ. Xung quanh ngôi mộ được ốp đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ đá tự nhiên của núi Đại Huệ, phía trên có dàn bê-tông hình khung cửi phủ đầy hoa giấy (được mang về trồng từ khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh, Đồng Tháp). Tại nền sân thượng hình bán nguyệt trước ngôi mộ, có dựng một tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Hai bên tả hữu là đường đi lên và đường đi xuống được làm thành nhiều bậc đá khác nhau giống như hai giải lụa đào xõa xuống từ khung cửi.
Bây giờ đây, người nối người về thăm quê Bác, hầu hết đều có điện thoại di động, có máy ảnh kỹ thuật số hiện đại, nhiều người có ô-tô riêng… Đấy là nhờ công ơn Đảng, ơn Bác, nhờ sự hy sinh xương máu của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào khắp hai miền Nam Bắc.
Thăm quê Bác xong, tôi gọi điện cho Hoàng Văn Trung. Trung nhờ Đinh Quốc Lợi (SN 1979), Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Yên (ngôi trường mà trước khi nghỉ hưu Trung là Hiệu trưởng) đánh xe riêng lên đón tôi về bãi biển quê mình để “ăn sóng nói gió”. Lợi nói: “Thầy Trung nhờ cháu lên đón chú về. Xe cháu cũ, chú thông cảm!”. “Ồ, không phải thế! Tôi mới là người cần được thông cảm. Làm anh nhà báo, có điều kiện hơn mà lại để bạn tìm ra mình trước. Nhưng thế cũng là sướng lắm rồi!”. Quả là sóng gió có thừa. Sóng ầm ào dào dạt, gió ngàn ngạt yêu thương. Trung hỏi: “Anh có thấy nhớ Cửa Tiểu, sông Tiền không? Có nhớ bà Tư An Khương, nhớ “Mai vàng thuở ấy” không?...” . “Ồ, nhớ, nhớ lắm chứ!”. Hôm qua, ở Nhà khách Nghệ An, Trung đã tìm đến gặp tôi. Tôi ôm Trung tròn đầy một vòng tay, còn Trung… chỉ có nửa. “Nửa vòng tay ấp vẫn tròn/ Chẳng lành chiếc lá vẫn còn gió quê” – Tôi lẩm nhẩm đọc thơ mình: “Bốn mươi năm tròn rồi, Trung nhỉ!”…
Chúng tôi đều bị thương trong những trận đánh ác liệt để giành giật với địch từng tấc đất trước và sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực (27-1-1973). Trung bị mất cánh tay trái, tôi chỉ bị gãy cẳng chân trái. Chúng tôi phải vượt Cửa Tiểu, sông Tiền sang đất Bình Đại (Bến Tre) điều trị. “Em không tin mô – Trung nói – Các hắn cứ mắng em vì đêm trước bắt được con ba ba nên đêm sau anh em bị thương, hy sinh nhiều. Tiểu đoàn phó Liệp, ông Liệp quê anh đó, cũng bị thương. Có biết bao trận đánh chẳng có “điềm” gì cả sao vẫn hy sinh? Mà thôi, rứa là anh em mình may rồi, hè! Anh có nhớ bài thơ anh ghi cho em không? Không hả? Năm 1989, em vớ được cuốn tạp chí Văn nghệ quân đội, trong đó có truyện ngắn “Bãi cuối sông” của anh. Em gọi điện hỏi toà soạn, người ta nói không rõ địa chỉ của anh ở đâu. Mấy năm sau (1994), em lại đọc được một truyện khác: “Mai vàng thuở ấy”, cũng ở Văn nghệ quân đội. Đúng là vùng đất ác liệt của anh em mình đây rồi”. Mấy ông bạn lính cùng quê với Trung cứ nhằm nhằm bỏ vào bát tôi đủ thứ hải sản tươi sống. Các anh nói: “Ăn đi. Thằng Trung ni số cao lắm đó. Cùng đi một đợt với nó mười bốn anh em cả thảy. Rứa mà còn mỗi nó về. Nó khoe ông, kể về ông nhiều cũng là vì rứa đó. Ăn đi, ăn bù cả cho đồng đội nữa đi mà!”. Tôi giãy nảy lên, nói làm bù thì được, chứ ăn bù kỳ quá ta!
Tháng 5-1973, khi tôi đã hành quân lại được bằng đôi chân của mình, đơn vị sang đón tôi về. Trung và một số thương binh nặng phải ở lại an dưỡng, đợi tàu “Không số” chuyển đạn vào sẽ đón ra Bắc. Nhưng tàu không có, mấy thương binh như Trung lại phải vượt Đồng Tháp Mười lên Campuchia, rồi ra Bắc. Thật may, Trung còn tay phải. Đôi lúc bi quan, nhưng cứ nghĩ đến đồng đội đã hy sinh, Trung lại được tiếp thêm sức mạnh. Trước khi đi bộ đội (1970), Trung đang học dở lớp 9. Từ trại điều dưỡng về nhà, Trung xin vào học ngay lớp 10 bổ túc. Có lẽ mọi người thương, đồng đội thương, ông trời cũng thương nên học nó vào lắm! “Mà không biết thì hỏi chứ bận chi. Bác Hồ dạy rồi, mình dù có tàn tật một tí, nhưng cái đầu còn nguyên, mần chi chẳng đặng. Nói thì bảo “cậy người quê Bác”, nhưng năm nào em cũng đưa học sinh về thăm làng Chùa, làng Sen, thầm hứa sẽ học và làm theo Bác suốt đời, dạy dỗ lớp con cháu nên người. Học Bác vượt qua gian khổ, khó khăn, rèn đức tính độc lập, tự chủ, tự lực tự cường. Vườn nhà cụ Phó bảng Nguyên Sinh Sắc, nhân viên bảo tàng xin Bác cho trồng hoa, Bác đồng ý, nhưng là hoa… khoai lang. Đói cơm, em nghĩ ngay đến anh, bị thương nặng như vậy mà nhịn đói cả tuần, chân gãy thế vẫn lết đi mấy cây số trong đêm sương gió lạnh. Sau này khi đã dạy học rồi, đọc được truyện của anh, em nghĩ, chắc anh cũng đã không chỉ một lần vượt qua chính bản thân mình”.
Tôi thì cứ nhắm mắt lại là thấy Trung, thấy cái tay cụt của hắn. Mà nào có riêng Trung, còn Nguyễn Đức Huyên (Hà Nam) cụt tay phải; còn Dương Hồng Thanh (Nam Định) cả hai tay đều bị gãy... Thanh đã hy sinh ngày 11-3-1975 trong trận đánh căn cứ Ngã Sáu ở Cái Bè; còn Huyên, tôi tìm mãi mà không thấy và chắc hắn cũng khắc khoải tìm tôi, tìm Trung cùng bao người khác. Tôi biết, mấy vết thương ở chân của tôi nhằm nhò gì so với các hắn cơ chứ! Được sống đã là hạnh phúc rồi, phải biết sống sao cho không hổ thẹn với đồng đội.
Khi thăm nhà nội Bác, nhìn gác bếp, tôi khóc. Một khách tham quan còn trẻ nhìn tôi, hỏi: “Cái gì làm ông khóc vậy?”. Cậu bé này chắc hẳn là thư sinh con nhà giàu. Cậu có thể còn chưa từng được xem phim “Chị Dậu”, chưa từng nhìn lũ trẻ con thời tôi lấy cái sàng ra, đặt xuống đất, sắp đĩa rau muống luộc, bát cà muối và ít mắm tép chưng dọn cơm rồi ơi ới gọi em về ăn. Gọi là cơm nhưng màu vỏ khoai lang đỏ bầm. Bà và mẹ phải làm quần quật suốt ngày, quần quật quanh năm ngày tháng. Chỉ người chết mới được cúng bát cơm không độn gì. Nhìn vào cái giần, cái sàng là nhớ như thế, là nhớ đến vườn khoai lang nhà nội Bác.
Trung đã có những năm tháng đói khổ và học tập căng thẳng ở Trường Đại học Sư phạm Vinh. Đỗ được vào Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng không dám đi vì… nghèo. Dù sao, củ khoai bẻ đôi ở xứ Nghệ vẫn còn lại nhiều hơn khi ra Hà Nội. Ra trường, Trung lấy vợ cũng là một cựu chiến binh. Cùng lính tráng với nhau thì đồng cảm hơn, dễ hiểu nhau hơn. “Nay thì ổn cả rồi, khỏi phải lo chi, hè! – Trung chẳng chịu ăn, cứ ngồi gắp thức ăn cho tôi, cười, rồi kể chuyện, lúc là chuyện về hắn, lúc là chuyện về đồng đội của chúng tôi, cũng có khi hắn nghệt ra như “phải lòng” ai đấy. Hắn bảo, “em phục anh lắm đó!” – Ba đứa con, hai đã trưởng thành, vô mần việc nhà nước rồi, còn đứa út năm học tới vô lớp mười hai. Anh làm thơ nói “Vợ nghèo, áo nâu tươi rói/ No đói vẫn giữ được nụ cười” là nói em đấy! Mần răng mà anh biết được gia cảnh của em, hè?”.
Tôi làm sao mà biết được hoàn cảnh của Trung khi chưa liên lạc lại được với nhau. Hỏi thế thôi chứ hắn biết thừa, ấy là tôi viết về mình, về một đồng đội nào đấy, trong trường hợp này là một người ở Gò Công. Hắn học hết lớp 7 thì chia tay đất Kinh Bắc đi bộ đội. Giải phóng miền Nam, ở lại lấy vợ ngay tại nơi chiến trường xưa, nghe đâu là hậu duệ của Thái hậu Từ Dũ. Ấy vậy mà nghèo, nhưng có nghèo mới thương bộ đội, nghèo mới thoải mái… sinh nở! Hắn đẻ thông luôn bảy đứa con. Năm ngoái, khi đứa thứ 7 vào đại học, hắn lên mạng cho đồng đội khắp trong Nam ngoài Bắc chúc mừng. Thế là tôi có bài thơ “Lính thôi mà”. “Lính thôi mà tằn tiệm hoá sinh sôi/ góp cây nên rừng góp công nên của/ có cây cau già có chum nước mát/ bầu trời tròn chồng vợ có gương soi – Trung đọc thơ rồi hét toáng lên át cả sóng, cả gió – Anh nói trúng bụng anh em mình: “Càng là lính càng phải biết kiệm cần/ mỗi việc làm đều lợi nhà ích nước/ đêm mơ vẫn thấy Quân kỳ phía trước/ ngời sáng đời ta “Bộ đội Cụ Hồ”!”. Em quyết định tặng cho anh cái giấy khen của đồng đội Trung đoàn 24A anh hùng. Cái ngày ở Bình Đại, anh em mình đã làm nên tờ báo tường, mà biết đâu, chừ nó còn nằm ở bảo tàng Bến Tre thì sao? Tờ báo của anh em mình tên chi hè? À, “Nắng Tháng Năm”, ai đặt tên hè? Anh hả? Ừ, mần được thế là đáng tự hào lắm, phải không các đồng đội”…
- Giỏi chứ sao không! – Đinh Quốc Lợi hào hướng nâng cốc bia lên hướng về phía tôi - Cháu kính trọng và nguyện sẽ noi gương các bác, các chú Bộ đội Cụ Hồ. Còn bây giờ, mời các bác, các chú, mời thầy Trung. Dô! Cạn cốc vì cuộc hội ngộ bốn mươi năm của hai thương binh “tàn nhưng không phế!”. Dô!…
Mùa sen năm nay sao vui thế! Cảm ơn Trung và đồng đội, những bông sen nở suốt cả bốn mùa…
Nghệ An 5-2013 - Tuyên Quang 6-2013
Ảnh đính kèm (nguyentronghung photo):
Hoàng Văn Trung và Nguyễn Trọng Hùng gặp lại nhau sau đúng 40 năm.
Nhà bên ngoại Bác Hồ ở làng Chùa (Hoàng Trù).
Ao sen ở làng Sen.
Hoàng Văn Trung và Hiệu phó Trường THCS Nghi Yên Đinh Quốc Lợi.
- 1 - Viết bởi Mạnh Bình THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA_2010(27/06/2013 22:06:52)
Nhân dịp này, tôi gởi tặng anh Trung loạt hình ảnh anh về THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Năm 2010). Những hình ảnh này đã lưu trữ trong HÌNH ẢNH TƯ LIỆU VỀ TRUNG ĐÀN 24, Photo: Mạnh Bình
NTLS huyện Chợ Gạo, Tiền Giang