-
Lên miền đá Đồng Văn_Phần I
(25/06/2013 12:06:12)
-
Đọc xong bài bút ký "Hiên ngang cột cờ Lũng Cú" của anh Nguyễn Trọng Hùng, anh em CCB E24 chúng tôi ở Phía Nam cứ xuýt xoa: Thật tuyệt vời. Ước gì một lần mình đến được tận nơi địa đầu Cực Bắc của Tổ Quốc ấy, để cảm nhận về non sông Đất Nước mình...
Ngoài bài bút ký mới nhất này, anh Nguyễn Trọng Hùng còn có hàng loạt bài viết có giá trị, viết về vùng đất này, in trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương, từ cái thời 1979, cùng Trung đoàn 24 ngược ra Bắc bảo vệ Biên giới Phía Bắc. Những trang vết của anh như phản chiếu được phần nào tình yêu máu thịt của người CCB E24 đối với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Xin trân trọng giới thiệu tiếp tới các đồng chí và các bạn bài bút ký này... (MB)
LÊN MIỀN ĐÁ ĐỒNG VĂN
Bút ký - Nguyễn Trọng Hùng
(Phần I)
Tôi rạo rực ngược đường lên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Lê Văn Luyến, vừa là bạn lính vừa là đồng hương (quê Ý Yên) nói với tôi, anh đã lên Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ những năm trước, sau 1980 anh biết, chúng ta đã chiến đấu, hi sinh như thế nào để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bây giờ lên đấy không phải đi bộ nữa. Cột cờ Lũng Cú đã xây lại hoành tráng, uy nghiêm, sừng sững nơi đỉnh đầu Tổ quốc… Ừ, thế mà đã ba mươi năm rồi!
Thăm lại “Cực Bắc chiến hào”!
Cháu rể tôi là Dương Hiếu dặn, bác cứ lên trước đi, cháu thi xong sẽ lên ngay. Dương Hiếu hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn (Đồng Văn). Từ quê hương Bắc Giang, tốt nghiệp đại học nông nghiệp xong, Hiếu phi xe máy lên thẳng Đồng Văn thăm một người bà con và ở lại luôn nhận công tác ở Trại giống rau Phó Bảng. Có trình độ lại nhanh nhẹn, chịu khó, sau đó Hiếu được điều về Văn phòng UBND huyện Đồng Văn làm cán bộ tổng hợp. Chắc là trong qui hoạch phát triển nên “cu cậu” được luân chuyển về xã. Chuyện thi cử Hiếu vừa nói là học quản lí nhà nước. Ừ, bây giờ cán bộ xã vùng cao khác xưa nhiều lắm, đâu như thời chúng tôi ở đấy, chỉ dựa vào những ông giáo cắm bản và mấy anh lính biên phòng.
Một cháu rể nữa tên Sơn, mượn xe của anh trai làm ở ngành ngân hàng Hà Giang, hỉ hả nói: “Bác cứ đổ xăng vào, thích đi đâu bác cháu mình cùng đi, bao lâu cũng được”. Sơn là thợ sửa xe ôtô, nguyên lính biên phòng Hà Giang, đã rất nhiều lần đưa ta, đưa tây du lịch lên cao nguyên đá nên chả còn gì lo lắng nữa.
Bất ngờ nhất với tôi là sau khi xuất phát được vài cây số từ chợ Yên Biên đã được thưởng ngoạn cảnh “non nước hùng quan” ngay trên đường Quang Trung của thành phố Hà Giang. Phố núi khiêm nhường vẫn khiêm nhường như sơn nữ, sau một đêm mưa tầm tã, bất ngờ trút bỏ xiêm y. Đẹp mê hồn! Hàng chục, hàng chục thác nước bên đường nối nhau ào ạt trắng bên sườn núi. “Gào… ga… ào!”. Vân Hiền, cháu nội tôi và Yến Nhi, con gái Hiếu – reo lên khi sau mỗi khúc cua, một hàng thác đội ngũ chỉnh tề lại rộn rã tiễn đoàn “cựu chiến sĩ vùng cao” về thăm lại chiến trường xưa. Vợ tôi thích thú lắm! Năm 1976, khi vừa mới ra trường, bà ấy đã được điều động lên huyện Yên Minh trong đội quân “Y sĩ 156” và được về xã Na Khê. Có lẽ quá nhớ Na Khê nên thác giữa thành phố làm bà ấy xao xuyến, ngất ngây không nói được gì sau 33 năm mới quay trở lại…
Qua dốc Bắc Sum – dốc “chín khoanh” gập như nếp ruột chưa hết ngỡ ngàng thì vỡ oà trước mặt một đại lộ mở vào đô thị nhỏ Quyết Tiến. Vẫn cái tên cũ xưa, nhưng cảnh sắc mới lạ hoàn toàn. Rồi lại dốc, dào dạt dốc tới “Cổng trời” Quản Bạ. Mải ngắm núi ngắm mây, bất chợt xe đỗ lại ở điểm dừng lưng núi. Một ngôi nhà đẹp, ấm áp với bao nhiêu đặc sản Hà Giang. Thì ra đây là điểm đầu tiên đón đợi du khách, nơi giới thiệu với khách về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi được hướng dẫn lên một lầu cao nhìn xuống thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Một bên sầm uất phố phường, một bên, trên đường lên Yên Minh, khiêm nhường nép vào trùng điệp núi non xanh là đôi gò bồng đào “Núi Cô Tiên”.
Cô nhân viên duy nhất của ngành du lịch ở điểm dừng chân này vừa pha chè mời khách vừa giới thiệu: Danh thắng Núi Cô Tiên hay còn gọi là Núi Đôi hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất. Chu vi của hai ngọn núi gần 1.000m², hai ngọn núi tròn đều với diện tích xấp xỉ 3,6 ha. Tên Núi Cô Tiên - Núi Đôi gắn với địa danh thung lũng Tam Sơn (ba ngọn núi). Từ xa xưa, khi có tên làng, tên xã, núi đã có tên như thế.
Núi Cô Tiên được gắn với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây. Núi Cô Tiên được ví như bộ ngực căng tròn người con gái đã lưu truyền mãi trong nhân gian, là một biểu tượng đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn, là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Núi Cô Tiên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia.
- 1 - Viết bởi MB NÚI ĐÔI Ở QUẢN BẠ(27/06/2013 10:06:12)
- Anh Mạc Duy Tiến cũng muốn trèo núi nhưng còn sợ mệt, không biết có trèo nổi không? Vậy nên tôi post thêm mấy hình này, đảm bảo anh Tiến mới nhìn thấy thôi đã muốn (chèo) ngay ấy mà...
NÚI VÀNG
NÚI BẠC
NÚI TÍM
NÚI XANH
- 2 - Viết bởi mac duy tiến chia sẻ ảnh nghệ thuật đẹp của anh trọng hùng(27/06/2013 10:06:40)
- ĐỂ CÓ NHỮNG BỨC ẢNH ĐẸP NÀY ANH PHẢI CHÈO LÊN CAO MỚI CHỤP ĐƯỢC,CÁI TUỔI NÀY MÀ ANH CÒN (CHÈO) KHỎE VẬY THẬT BÁI PHỤC ANH RỒI, TỤI TÔI TRÔNG QUA MÀ CHÓNG HOA CẢ MẮT,KHÔNG BIẾT CÓ MỆT BẰNG BƠI XUỒNG CHẠY GIẶC Ở KÊNH 10 KHÔNG ANH,CHÈO NÚI THÌ KHÔNG LO CÓ GIẶC ĐUỔI ĐẰNG SAU LÊN THỦNG THẲNG CÓ MỆT CŨNG CỐ ĐƯỢC ,NẾU MÀ CÓ GIẶC ĐUỔI SAU NHƯ CHÈO XUỒNG CÒN MỆT HƠN NHƯNG VIỆC ĐÓ TÔI LÀM ĐƯỢC MONG CÓ NGÀY ĐƯỢC TRÈO LÊN LŨNG CÚ CÙNG ANH KHÔNG BIẾT CÒN TRÈO ĐƯỢC KHÔNG ĐÂY, BỞI TRÔNG ẢNH ĐẸP QUÁ,MUỐN LẮM,HÃY CHỜ ĐẤY CÓ NGÀY MÌNH PHẢI LÊN THĂM ANH TRNGJ HÙNG CÒN ĐƯỢC TẬN HƯỞNG CẢNH ĐẸP CỦA CAO NGUYÊN ĐỒNG VĂN CHÚ....CHÀO ANH CHÚC ANH VÀ GIA ĐÌNH LUÔN BÌNH AN KHỎE MANH HẠNH PHÚC NHÁ....
- 3 - Viết bởi MB PHỤ LỤC ẢNH(25/06/2013 15:06:07)
-
PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN _ Photo: Nguyễn Trọng Hùng
SÔNG NHO QUẾ NHÌN TỪ MÃ PHÍ LÈNG _Photo: Nguyễn Trọng Hùng
HAI BÊN LÀ VÁCH ĐÁ DỰNG ĐỨNG_ Photo: Nguyễn Trọng Hùng...