-
CHIA SẺ
(27/03/2013 17:03:59)
-
Gởi cháu Thu Hiền, Cao thị Thúy...
Những dòng tâm sự của các cháu thật cảm động đã nói thay cho biết bao người đã và sẽ đến với Đá Biên. Chúng ta kg thể nào quên! Tôi cũng là một CCB sát cánh cùng thời với các anh E207 khi xuống Đồng Tháp Mười. Cũng có người hỏi : Bao điều ông kg viết mà sao chú mục vào Đá Biên nhiều thế? Thôi thì tôi xin mượn câu nói của bạn Hiền Lương: "THƯƠNG NHAU MÀ VỀ". Chúng tôi vẫn sẽ luôn bên cạnh anh linh của cá anh... Tôi xin phép được đăng lại bài viết này trên website của E24 (http://E24.com.vn) để mọi người cùng suy ngẫm. Chúc gia đình LS Vũ Xuân Nga vạn sự an lành. Chúc các bạn CCB E207của tôi nhiều sức khỏe và may mắn... (Mạnh Bình- E24) Hình đại diện là bà Nguyễn Thị Mới (photo: Ho Tinh Tam), người cứu sống anh Trần Oanh trong trận E207 bị "đổ chụp" tại Đá Biên...
Cảm nhận về Đá Biên
Vũ Thu Hiền (cháu LS Vũ Xuân Nga)
Từ phải qua: Cháu Vũ Thu Hiền (cháu LS Nga), Trọng Tình CCB 207, Anh Tư Tờ,
Em gái LS Nga và cuối cùng là cháu một cháu gái nữa của LS Nga
Kính viếng hương hồn các chú LS.
Chúng tôi đến Đá Biên vào 1 buổi sáng đầu tháng 2 âm lịch. Bây giờ thời tiết vẫn đang mùa xuân nhưng ở đây trời đã bắt đầu nắng gắt. Hai bên bờ kênh 79 lúa bắt đầu vàng rực. Cánh đồng lúa mênh mông trải dài. Vùng đất này có phần xương máu của các chú hay sao, mà lúa tốt đến kỳ lạ. Bông lúa to trĩu nặng, có những đám lúa nằm rạp xuống vì thân cây không đỡ nổi bông lú trĩu nặng. Xa xa mới thấy 1 đám tràm không thể gọi là rừng được vì tràm thấp bé, mọc lúp xúp theo từng dãy còn thua cả rặng phi lao ở ngoài miền Trung và Bắc. Tôi chợt nhớ một câu thơ: " Bóng tràm kia không che nổi các anh".
Khu Tưởng Niệm các Liệt Sỹ E 207 - QK8 - tại ấp Đá Biên hiện lên rực rỡ giữa cánh đồng, mái ngói đỏ tươi cong vút - lối kiến trúc đình làng của những miền quê Việt Nam. Ngôi đền cao lớn lừng lững đến không ngờ. Thế mới biết sức người, sức của đã đóng góp vào đây thật to lớn.
Vì đã dặn trước anh Tư Tờ nên bước vào đền đã thấy 1 mâm cơm toàn cá là cá trải sẵn để cúng. Vội đưa cho chị Tư Tờ luộc mấy khổ thịt, tôi và cô của mình lấy bình để dâng hoa. Cô tôi bảo: phải cắm thật nhiều hoa ly Đà Lạt để tối hoa nở thơm ngát các chú chắc thích lắm. Còn hoa cúc trắng để rải xuống dòng kênh trước đền tượng trưng cho cuộc đời trong trắng của các chú.
11giờ 30 mọi thứ chuẩn bị đã xong. Chú Hai Tình, cựu chiến binh E207 đi cùng, đồng đội của các chú gõ một hồi chuông. Tiếng chuông ngân xa, vang vọng đánh thức cả một vùng mênh mông sông nước. Cả cánh đồng lúa như bừng tỉnh. Rặng tràm xa xa cũng như đang lay động. Cả con cá dưới nước, con chim bay trên trời cũng như ngừng lại lắng nghe. Tôi chợt thấy lạnh xương sống. Các chú đang tập hợp về đây rồi. Chú của tôi cũng đã về đây. Tiếng khóc lâu nay được nén trong lồng ngực òa lên tức tưởi, tôi và cô khóc như chưa bao giờ được khóc vì không ngừng lại được. Những gương mặt thánh thiện trên bàn thờ chợt nhòa, chợt hiện. Nhìn những gương mặt như CHú Tế, chú Sơn, chú Phát, chú Hùng... chưa giết nổi một con gà huống chi phải cầm súng giết giặc. Với tuổi ấy các cháu học sinh bây giờ bố mẹ còn phải lo cho từng bữa ăn giấc ngủ, còn phải chở đi học hàng ngày, còn phải nhắc từng việc nhỏ nhặt.
Đây rồi gương mặt cương nghị người Chính trị viên trưởng đại đội hỏa lực Vũ Xuân Nga bị thương bàn tay ở trận chiến trước nhưng vẫn không chịu ra Bắc dưỡng thương để rồi trận này phải nằm lại ở Đá Biên xương tan thịt nát. Đây rồi Đại đội phó Bùi Xuân Thiếp bị giặc móc lên máy bay vẫn hô vang: " Bác Hồ muôn năm!" "Đả đảo Mỹ, Ngụy" tự rút lựu đạn hy sinh rồi bị chúng ném xuống như ném một bao tải. Đây rồi liệt sỹ Thành, chú bị thương nặng, đồng đội cùng với chú đã chứng kiến cảnh bọn chúng bắt được chú rồi mổ bụng, lôi gan ra. Ôi đau xót quá! Cuối năm 1973 Mỹ đã rút quân hết rồi, chỉ còn ngụy. Người mình với người mình mà sao ác với nhau quá! Ôi chiến tranh, nỗi đau cắt ruột cắt gan, nỗi đau ngấm vào hạt đất, vào từng lá cây ngọn cỏ, "có đất nước nào như nước mình không?". Một trận đánh chết mấy trăm người, gần 40 năm sau mới tìm được đúng nơi các chú mất, giấy tờ gửi về cho cha mẹ chỉ ghi là "hy sinh ở mặt trận phía Nam".
Thế là kết thúc một hành trình tìm kiếm, ông bà tôi ước một lần được vào mặt trận phía Nam rồi cũng đã đi về nơi chín suối, cha tôi ước một lần được vào Vàm Cỏ Tây rồi chưa kịp đi cũng về với ông bà. Tôi lần mò theo lá thư của đồng đội chú tôi gửi về cho cha: đơn vị pháo binh ở E5, F8 hy sinh ở rừng Tràm gần sông Vàm cỏ Tây hơn 200 người. Hỏi khắp nơi không ai biết? Hy vọng rồi thất vọng. Có những lúc tôi đã phải buông tay định khép lại thôi không đi tìm nữa nhưng nghĩ đến những trăn trở của cha tôi, người đàn ông nhân hậu thương con đến cắt da cắt thịt. Có lần ông dẫn chúng tôi đi xem ca nhạc ở nhà hát Trưng Vương, thấy mấy đứa trẻ ăn xin ông đã vét hết đồng xu cuối cùng trong túi cho bọn trẻ, chúng tôi tiếc tiền cứ chạy lại giữ tay ông kêu "Bố ơi sao cho nhiều vậy? Ông thường dặn chúng tôi: "Các con cứ giúp đỡ người khác, đừng đòi hỏi họ phải trả ơn mình, sẽ có người khác lại giúp đỡ mình" . Rồi tôi lại nghĩ đến cô tôi, người đàn bà chồng mất khi mới 38 tuổi, ở vậy nuôi 3 đứa con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Từ là nhà giáo với đồng lương ít ỏi, bà phải bỏ nghề lam lũ làm đủ nghề chân chính để nuôi 3 đứa ăn học đến nơi đến chốn. Cứ mỗi năm dành ra được vài triệu bạc, khi bọn trẻ nghỉ hè bà lại xách ba lô lặn lội vào miền Tây Nam bộ để mong tìm một tia hy vọng. Cuối cùng cô tôi nghe nói có nhà ngoại cảm nào nổi tiếng cũng tìm cho bằng được, để rồi bốc về một nắm đất đen ở kiênh 61 Long An làm lễ truy điệu ở nghĩa trang, tháng nào cũng lên đó hương khói rất thành tâm. Rồi tôi lại nghĩ đến chú tôi, người nhập ngũ 5 sau tôi mới ra đời. Người vì anh trai đang đi học, sợ gia đình qui vào thành phần địa chủ không yêu nước, xung phong đi bộ đội mới 16 tuổi khi đang học dở cấp 3. Giữa cái sống và cái chết ông vẫn viết thư về cho cha mẹ đừng lo cho con, chỉ lo cho mọi người ở nhà vất vả, ở đây ai cũng yêu thương con và con cũng yêu thương mọi người như trong một nhà. Tôi được sinh ra giữa những con người như vậy sao cầm lòng cho được.
40 năm các chú đã có 1 nơi để thờ, có 1 chỗ để đi về tụ họp, có người nhắc đến tên các Chú. Đền Đá Biên được xây trên mồ hôi và nước mắt của những tấm lòng nhân hậu.
Cảm ơn những gia đình thân nhân đi trước đã mở đường. Cảm ơn những nhà báo tâm huyết đã viết những bài làm lay động những trái tim nhân hậu. Cảm ơn những nhà hảo tâm, Ngân hàng Vietinbank - ngày 27/07 năm ngoái khi tôi ra thành cổ thắp Quảng Trị, Ngân Hàng Vietinbank cũng đã đóng góp nhiều cho các anh hùng liệt sỹ ở đây, Cảm ơn Vietsovpetro và nhiều nhà hảo tâm khác nữa....Cảm ơn kiến trức sư Lê Hải nhà thiết kế đã thiết kế lên ngôi đền vừa khang trang vừa gần gũi. Anh đã mang đến tiếng chuông chùa giữa Đồng Tháp Mười mênh mông để đúng 5 giờ chiều mỗi ngày anh Tư Tờ lên đánh chuông. Từng hồi chuông vừa day dứt nỗi nhớ quê hương, xót xa nhưng không bi lụy, oán trách. Cảm ơn những cựu chiến binh nhân nghĩa, ở tuổi này với đồng lương của họ có thể sống an nhàn, con cái họ có thể phụng dưỡng đầy đủ. Nhưng vì những đồng đội đã hy sinh, họ đã không quản ngày đêm vất vả đi gõ cửa các nhà hảo tâm để xây nên những nơi còn thiếu cho ngôi đền thờ bạn của mình. Được cơ quan, đoàn thể và cá nhân ủng hộ nhưng "một người lo bằng kho người làm". Để có 1 lễ cầu siêu thành công, phải tốn bao nhiêu công sức. Nhà tôi ở gần 1 ngôi chùa, thỉnh thoảng tôi lên đó thắp hương có 1 sư thầy rất đức độ. Có lần tôi nói với thầy: " Thầy ơi, sao chùa mình không thường xuyên tổ chức cầu siêu để cho các khách thập phương về dâng hương ?". Thầy nói: " Làm 1 lễ cầu siêu tiền của tốn kém lắm, chưa vội nói đến, nhưng công sức phải bỏ ra hàng tháng trời cô ạ, nhiều thủ tục lắm". Nhưng chỉ trong 4 ngày những người đồng đội và các Sư thầy chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM đã cùng nhau tổ chức 1 lễ cầu siêu chu đáo cho các chú, để các chú được siêu thoát, tìm đường về quê mẹ báo tin cho gia đình biết được nơi ngã xuống của mình.
Tiếng chuông ngân xa, vang vọng đánh thức cả một vùng mênh mông sông nước. Cả cánh đồng lúa như bừng tỉnh. Rặng tràm xa xa cũng như đang lay động. Cả con cá dưới nước, con chim bay trên trời cũng như ngừng lại lắng nghe. Tôi chợt thấy lạnh xương sống. Các chú đang tập hợp về đây rồi. Chú của tôi cũng đã về đây. Tiếng khóc lâu nay được nén trong lồng ngực òa lên tức tưởi, tôi và cô khóc như chưa bao giờ được khóc vì không ngừng lại được. Những gương mặt thánh thiện trên bàn thờ chợt nhòa, chợt hiện. Nhìn những gương mặt như CHú Tế, chú Sơn, chú Phát, chú Hùng... |
Những dòng cảm xúc của cháu Vũ Thu Hiền... |
Tôi chỉ biết viết mấy dòng này để cám ơn những tấm lòng. Trong cuộc sống này thật giả lẫn lộn. Lòng tốt đôi khi cũng bị nghi ngờ. Cám ơn cuộc đời vẫn còn có những lòng tốt - để khi ta nhìn vào đó mà soi lại xem đã làm được những gì và những gì chưa làm được? Công sức đó - linh hồn các liệt sỹ đều ghi nhận, thân nhân gia đình liệt sỹ nhớ ơn.
Tôi đã gặp một chú Ba Thi hiền lành, một chú Hai Thông phóng khoáng, một chú Trọng Tình cứ từ từ thủng tha, thủng thẳng.. Tiếc là chuyến đi này vội quá chưa gặp được chú Trung Kiên dễ xúc động, chú Bá Sỹ vui tính, chú Phạm Hậu thật thà, chân chất..... Ở họ toát lên một vẻ hiền lành, nhân hậu...
Chào các chú cụu chiến binh.
Tạm biệt Đá Biên.
- 1 - Viết bởi Vũ Trung Kiên CCB E207 Cảm xúc ... cảm xúc...(28/03/2013 10:03:31)
- Đọc những dòng cảm xúc của cháu Vũ Thu Hiền " Tiếng chuông ngân xa ,vang vọng đánh thức cả một vùng mênh mông sông nước,cả cánh đồng lúa chín như bừng tỉnh, rặng tràm xa xa cũng như đang lay động..." Làm tôi... nước mắt lại chảy dài theo những dòng tâm sự của cháu...Chắc chắn sẽ có rất nhiều người cũng giống như tôi ... Cảm ơn cháu Vũ Thu HIền đã "đánh thức" hàng triệu con tim của tất cả những nguồi dân nước việt . Đất nước Việt Nam ta nhất định sẽ vươn cao ,vươn xa hơn nữa ...Bởi có biết bao máu xương của các anh hùng LS đã ngã xuống và vun đắp cho đất nước này .
- 2 - Viết bởi BÙI XUÂN BÍNH - CCB D269-QK8-Tây Nam Bộ Chia sẻ cùng cháu Vũ Thu Hiền(27/03/2013 21:03:29)
- Gửi cháu Vũ Thu Hiền! Chú cũng là một CCB D269-QK8 cùng sát cánh với anh em E207-QK8 ,E24 trên chiến trường Nam Bộ.Xin cám ơn cháu với những dòng tâm sự chí nghĩa chí tình. Để có cuộc sống hôm nay, chúng ta không bao giờ quên được những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Nam Bộ thân yêu!