-
CHIẾN THẮNG NGÃ SÁU _ BẰNG LĂNG QUA HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG CỦA VŨ TRUNG KIÊN
(06/03/2013 09:03:05)
-
Trên website của Trung đoàn 207 có đăng "HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG" của anh Vũ Trung Kiên, trong đó Bài 23 có nói đến khá rõ về trận Ngã Sáu Bằng Lăng mà E207 đã phối hợp cùng E24, E 320, lập nên chiến công vang dội ngày 11/03/1975... Xin trân trọng giới thiệu với các đ/c và các bạn trích đoạn nội dung hồi ký này. (Những hình ảnh trong bài viết được trích dẫn từ thư viện hình ảnh do MB cung cấp trên website E24)
Các CCB E24 và E207_QK8 trước Đài chiến thắng Ngã sáu - Bằng lăng
Ngày 6/3/1975, tôi và anh Năm Thắng được mời dự họp quân chính do Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn triệu tập.
Bộ chỉ huy chiến dịch và quân khu quyết định sử dụng trung đoàn 24 đánh đồn Ngã Sáu, một đồn quan trọng án ngữ tuyến hành lang giao liên vận chuyển vũ khí và chuyển quân của ta (đồn này trước đây do Mỹ đảm nhiệm và sau này chuyển giao cho quân Ngụy Sài Gòn).
Khu đồn này, nằm ở chỗ giao nhau của 3 con kênh: kênh Nguyễn văn Tiếp, kênh Bằng Lăng và kênh Tổng Đốc Lộc, theo kênh tổng Đốc Lộc về hướng Bắc gặp quốc lộ 1 (QL 4 cũ) về hướng Nam, gặp thị trấn Mỹ an, phía bên kía ngã sáu là đồn giặc do một đại đội bảo an trấn giữ , và 1 đại đội pháo 105 ly gồm bốn khẩu, ngoài ra còn 1 đại đội dân vệ, đồn này cách căn cứ Đồng tâm Mỹ tho chỉ 50 km theo đường chim bay, Đồng tâm là căn cứ của sư đoàn 7 bô binh quân đội VNCH. Đối diện với đồn Ngã sáu là chợ Ngã sáu và khu hành chính của xã Hậu Mỹ.
Bộ tư lệnh sư đoàn 8 quyết định sử dụng trung đoàn 207 và trung đoàn 320 đánh chặn viện (vì biết chắc chắn sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn sẽ không chịu để mất Ngã Sáu), trung đoàn 88 làm nhiệm vụ dự bị.
Đây là một trận đánh có tính chất quyết định với toàn chiến dịch tổng tấn công của ta. Theo tài liệu Lịch sữ quân đội, thì trận này được ví như cuộc mở màn chiến dịch giải phóng miền Nam ở đồng bằng, sau trận tấn công Buôn ma thuột ngày 10/3/1975. vì sau trận này, địch không dám điều quân lên ứng cứu cho Tây nguyên .
17h ngày 10/3/1975, chúng tôi được lệnh cùng sở chỉ huy trung đoàn hành quân. Có xuồng của trinh sát và giao liên dẫn đường, chúng tôi len lỏi qua nhiều kênh rạch và dừng chân cách đồn Ngã Sáu khoảng 4km.
Cách sở chỉ huy trung đoàn khoảng 2km là một cánh đồng, có tên gọi Bằng Lăng. Vì đang giữa mùa khô nên rất thuận tiện làm bãi đáp cho lũ trực thăng và nơi này được dự kiến địch sẽ dùng trực thăng đổ bộ để cứu viện Ngã Sáu, khu vực này chỉ cách Ngã Sáu khoảng 2km.
24h, 10/3/1975 các đơn vị đã vào hết vị trí tập kết và bí mật đào công sự.
Sở chỉ huy trung đoàn đóng quân có cây cối rậm rạp ven kênh và xen lẫn nhiều nhà dân (Nhà cất tạm bợ của nhân dân vùng giáp ranh giữa ta và địch), nhà thấp nhỏ lợp bằng lá dừa nước khung nhà toàn bằng gỗ tràm, nhưng nhà nào cũng có hầm trú ẩn để tránh bom pháo hoặc đạn nhọn). Gọi là sở chỉ huy tiền phương nhưng tất cả hành trang đều mang theo hết, nên mỗi cán bộ chiến sỹ ngoài súng đạn và những vật dụng cần thiết còn có cả bồng, ba lô “của cải bất ly thân mà”.
2h sáng ngày 11/3/1975, chúng tôi đã hoàn thành chiếc hầm dã chiến cho tổ đài 2w, có giao thông hào thông sang hầm của trung đòan trưởng Năm Thời và chính ủy Ba Trứ. Cụm đài 15w được bố trí xa hơn, độ 50m. Kíp làm việc của các đồng chí báo vụ đã mở máy thu phát sóng. Trung đội hữu tuyến đã kéo xong đường dây từ sở chỉ huy trung đoàn đến tận các ban chỉ huy tiểu đoàn (trong tác chiến nếu ở cự ly gần thì liên lạc bằng hữu tuyến thì an toàn và bí mật nhất).
Cả 3 tiểu đoàn bộ binh 1, 2, 3 đã vào hết vị trí theo quy định.
Riêng đại đội 25 đặc công E207 được giao nhiệm vụ tấn công khu vực hành chính của xã này, bao gồm chợ, nhà làm việc của chính quyền cũ. Đại đội đặc công đã đánh chiếm và chốt giữ đến sáng hôm sau, thì được lệnh rút ra cách chợ khoảng 1 km.
Ban chỉ huy tiểu đoàn 3 báo về sở chỉ huy: bộ đội đã bí mật đào hầm “độn thổ” (hầm có nắp, trên được phủ bằng cỏ cây, rơm rạ).
Trận địa 12ly8, DKZ, cối 82 và cả cối 120 ly của sư đoàn tăng cường cũng đã bố trí xong trận địa.
2h30 ngày 11/3/1975 căn cứ Ngã Sáu nhì nhằng chớp lửa và những âm thanh ì ầm rền vang: “trung đoàn 24 đã vào trận” (có sự phối hợp của tiểu đoàn 1 và C25 thuộc trung đoàn 207).
4h, một công điện từ sư đoàn chuyển xuống qua đài 15w. Tại sở chỉ huy trung đoàn trên nét mặt ai cũng mừng vui: “đồn Ngã Sáu đã hoàn toàn rơi vào tay quân giải phóng” .Tiểu đoàn 1 được lệnh rút ra nhập vào đội hình phục kích của trung đoàn.
8h sáng ngày 11/3/1975, địch cho nhiều phi vụ máy bay phản lực ném bom quanh khu vực Ngã Sáu bởi chúng biết rất rõ là bộ đội ta đang làm nhiệm vụ chốt chặn để bảo vệ thành quả cách mạng mà biết bao xương máu của đồng đội trung đoàn 24 đổ xuống mới giành được từ tay kẻ thù
.
Khoảng 10h sáng ngày 11/3/1975, lại một công điện từ bộ tư lệnh sư đoàn. “Hai tiểu đoàn địch hành quân trên bộ từ quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1 ) đến cứu nguy hòng chiếm lại đồn Ngã Sáu đã lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 320 cách đồn Ngã Sáu khoảng 9 km, bộ đội ta đã nổ súng”.
Khoảng 12h ngày 11/3/1975, lại có công điện thông báo của sư đoàn,”trung đoàn 320 đã đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn địch và đẩy lùi chúng về hướng quốc lộ 4. Trên nét mặt của trung đoàn trưởng Năm Thời và chính ủy Ba Trứ hiện lên một nỗi niềm vui,buồn đan xen. Tất cả chúng tôi cũng đều có tâm trạng giống như 2 anh…
Hai trung đoàn bạn đã lập chiến công vang dội vậy mà cánh tụi tôi giờ này vẫn “ngồi chơi xơi nước”. Nhìn anh năm thời mặc bộ quần áo Polyphang màu xanh rêu cứ đi đi lại lại trong căn hầm lộ thiên và không ngừng giơ tay xem đồng hồ…chúng tôi hiểu được anh đang sốt ruột muốn được xung trận cùng các đơn vị bạn lập công…
Đã 13 giờ, anh Ba Trứ tặc lưỡi: “hay là phương án sư đoàn giao cho trung đoàn 207 bị lộ rồi”...Một nỗi lo âu trên khuôn mặt của các vị chỉ huy… Tôi thầm nghĩ: “Làm gì mà mấy bố cứ cuống lên…Đánh giặc mà cứ như đi chia phần…”.
Đúng 13h30, từ ngoài trận địa báo về, chiếc OV10 đảo nhiều vòng trên cánh đồng …
14h kém 15, trên 20 máy bay trực thăng ào ào lao đến rồi sà ngay xuống giữa cánh đồng và không đầy 30 phút, khoảng 60 lượt chiếc trực thăng chuyên chở đã đổ 2 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn thành nhiều cụm trên cánh đồng, nơi mà cán bộ chiến sĩ 207 suốt đêm và ngày nay phải ẩn mình trong lòng đất ăn lương khô và gạo sấy chờ chúng.
Từ ngoài trận địa báo về “ máy bay địch đã ngừng đổ quân và lũ bộ binh đã chia thành nhiều mũi đang hành tiến về hướng đồn Ngã Sáu.”
Nơi án ngữ trước mặt quân địch là trận địa tiểu đoàn 3, một bên sườn là tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 1 nằm thê đội dự bị.
Khoảng 14h30, trận địa phía D3 đã nổ súng. Đại đội 12ly8 được tăng cường cho hướng này đã hạ nòng rà sát mặt ruộng “cùng cùng” nhả đạn và chỉ lát sau, lũ máy bay phản lực F4 đã chúi đầu ném bom. Trực thăng vũ trang cũng ào ào lao đến phóng đạn rocket, trận địa D3 bị bom và rocket của máy bay địch cày xới tan hoang. Cây cối đổ ngổn ngang, nhiều nhà tạm của dân cũng bị trúng bom địch bốc cháy ngút trời.
Khoảng 15h, lũ bộ binh địch đã tiến sát trước mặt trận địa tiểu đoàn 3. Đạn M79 của địch nổ ngay sát mép công sự của bộ đội ta.
Từ ngoài trận địa tiểu đoàn 3 báo về, bộ đội ta đã có thương vong nhưng không đáng kể.
Lệnh từ sở chỉ huy trung đoàn: “Phải bằng mọi giá giữ vững trận địa”. . Trung đoàn trưởng Năm Thời và chính ủy Ba Trứ trực tiếp cầm tổ hợp máy hữu tuyến, nhận những báo cáo khẩn cấp của các tiểu đoàn từ ngoài trận địa.
Địch tổ chức nhiều mũi đột kích vào trận địa phòng ngự D3, bọn chúng ỷ có bom của máy bay phản lực, rocket của trực thăng vũ trang dọn đường, chúng lao vào trận địa D3 như một lũ thiêu thân, tốp này lùi ra, tốp khác lại lao tới.
Đúng 16 giờ, lệnh từ sở chỉ huy trung đoàn cho 2 tiểu đoàn 1+2 xuất kích, bám sát địch, hai gọng kềm của ta tạo thành hình thái bao vây dồn quân địch vào giữa. Cối 120ly của sư đoàn cũng đã phối hợp dồn dập. Cối 82 của trung đoàn và các tiểu đoàn, cối 61 của các đại đội bộ binh cũng đồng loạt nhả đạn vào đội hình địch. Cánh đồng trống, rộng 2-3 km2 mịt mù khói đạn của pháo binh ta… Sau khoảng 30 phút, bọn địch chịu quằn quại dưới làn đạn pháo đủ các cỡ. Lúc này, cả 3 tiểu đoàn 1 +2+ 3 của E207 được lệnh thoát khỏi công sự đánh vận động, Địch lớp chết, lớp bị thương, số sống sót quay đầu tháo chạy. bộ đội ta truy kích tiêu diệt địch, khi chiến thắng trở về, các chiến sỹ ta cười vui vẻ và nói: “Hôm nay đuổi bon chúng chạy như vịt” .
17h30, tin chiến thắng từ ngoài trận địa báo về, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, xác địch chết bỏ lại nằm ngổn ngang trên khắp cánh đồng. Số sống sót đã lùi ra xa và cụm lại để chờ máy bay trực thăng đến cứu viện đem về hậu cứ.
Vậy là mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh, nằm trong chiến dịch xuân 1975 tại khu vực Ngã Sáu, trung đoàn 207 đã đánh thiệt hại nặng và gần như xóa sổ 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 10, sư đoàn 7 quân Sài Gòn, thu rất nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Cả trung đoàn bừng lên một khí thế đánh giặc lập công cùng với các đơn vị bạn trên khắp các chiến trường chuẩn bị cho nhũng trận đánh tiếp theo… bước vào cuộc chiến đấu gay go và khốc liệt cuối cùng…
Một điều ngẫu nhiên, là trung đoàn 10 – sư đoàn 7 quân đội VNCH chính là trung đoàn đã tập kích trung đoàn 207 của chúng ta trong trận ngày 03/10/1973 tại rừng tràm Đá Biên – xã Thạnh Phước - Thạnh hóa - Long an. Sau trận Ngã sáu – Bằng Lăng, mối hận của E207 tại trận đánh Đá Biên cũng đã nguôi ngoai phần nào…
CHÚNG TA KHÔNG THỂ NÀO QUÊN, NHƯNG CHÚNG TA CÓ THỂ THA THỨ CHO KẺ BẠI TRẬN…
(còn nữa…)
Bản đồ quân sự của quân đội Mỹ khu vực huyện Cái bè -Tiền giang (tỉnh Định tường cũ)
Ghi chú: Dưới đây là một đoạn trong blog của một sỹ quan chỉ huy của trung đoàn 10 – sư đoàn 7 QL VNCH còn sống sót sau trận Ngã sáu – Bằng lăng, có những đoạn như sau:
NGÀY 20.12.10
Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 10/SĐ 7 BB ,(mà tôi là 1 SQ) đả lọt ổ phục kích tai hại giữa ban ngày trên đường tiếp cứu cho đồn Ngã 6 . Từ hơn 36 năm qua, tôi đả cố gắng tìm tòi thông tin về trận đánh này nhưng vô ích.
TIỂU ĐOÀN 2, TRUNG ĐOÀN 10 SĐ 7 BB QLVNCH , MÀ TÔI PHỤC VỤ , ĐẢ GẦN NHƯ BỊ XÓA SỔ VÀO KHOẢNG GIỬA THÁNG 3/1975 KHI ĐI TIẾP CỨU CHO ĐỒN KINH NGẢ SÁU (ĐỒN NÀY DO 1 ĐĐ ĐPQ TRÚ ĐÓNG VỚI 4 KHẨU 105 LY , CÓ TÊN LÀ ĐỒN KINH NGẢ 6 VÌ LÀ NƠI MÀ 3 CON KINH GIAO NHAU) BỊ CS CHIẾM TRƯỚC ĐÓ 1-2 NGÀY . XUẤT PHÁT TỪ KINH BẰNG LĂNG , CON KINH CHẠY TỪ QL 4 ĐẾN QUẬN HẬU MỶ , TĐ DI CHUYỂN VỀ HƯỚNG TÂY ĐỂ ĐẾN ĐỒN KINH NGẢ 6 . (SAU NÀY , TÔI ĐƯỢC BIẾT MỘT SỐ TĐ KHÁC CỦA SĐ 7 CỦNG THAM GIA CUỘC TIẾP CỨU NÀY BẰNG ĐƯỜNG BỘ HAY TRỰC THĂNG VẬN THEO CÁC HƯỚNG KHÁC NHAU ) . CÓ LẺ DO ÔNG TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG CHỦ QUAN KHINH ĐỊCH , CỦNG NHƯ TIN TỨC VỀ ĐỊCH KHÔNG ĐẦY ĐỦ , TĐ ĐẢ TIẾN VỀ ĐỒN NGẢ SÁU BẰNG 3 CÁNH QUÂN VÀO BAN NGÀY TRÊN 1 ĐỊA THẾ TRỐNG TRẢI , VỚI RUỘNG LÚA ĐẢ GẶT XONG , NƯỚC LẤP SẤP VỚI MỘT VÀI MƯƠNG NƯỚC NGANG DỌC . DI CHUYỂN MỘT LÚC , TĐ BỊ PHÁO BẰNG CỐI 102 VÀ 81 LY VÀ SAU ĐÓ ĐỊCH ĐẢ DÙNG ĐẠI LIÊN 12.8 LY . KHI THẤY ĐỊCH DÙNG SÚNG NÀY , TÔI BIẾT ĐỊCH CHUẨN BỊ XUNG PHONG . LÀ 1 SQ BAN 5 , TUY KO CHỈ HUY 1 ĐƠN VỊ NÀO , TÔI KO NẰM MẸP XUỐNG ĐẤT ĐỂ TRÁNH ĐẠN MÀ NGỒI QUAN SÁT . NHỜ VẬY TÔI MỚI THẤY ĐỊCH QUÂN XUẤT HIỆN DẦY ĐẶC PHÍA TRƯỚC VÀ HÔNG PHẢI CỦA TĐ . CHÚNG XUẤT HIỆN HÀNG HÀNG LỚP LỚP . DO ĐỊA THẾ TRỐNG TRẢI , TĐ CHỈ CÓ THỂ TẠT VỀ PHÍA TRÁI ĐỂ TÌM CHỔ CHỐNG CỰ.
- Hình ảnh CÁC CCB e24 VÀ e207 trước Đài kỷ niệm trận Ngã sáu Bằng lăng, tại Ngã sáu - huyện Cái bè - Tiền giang
- Hình 12
- Các CCB trước đài chiến thắng trận Ngã sáu-Bằng Lăng tại Ngã sáu - H.Cái bè , T.Tiền giang
- 1 - Viết bởi Nguyễn Xuân Trường Kỹ niệm ngày chú hi sinh(11/03/2015 15:03:51)
- Có lẽ những ngày tháng 3 này, trên mảnh đất Cái Bè - Tiền Giang đang nhộn nhịp tưng bừng đón mừng 40 năm Chiến thắng Ngã sáu! Vâng, có ai lại không vui mừng, tự hào với những kỷ niệm hào hùng của một thời đi cứu nước, của một mốc son lịch sử góp một phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng đất nước, để rồi sau 40 mươi năm hôm nay đứng trước lễ đài mà lòng tự hào rơi nước mắt, những ký ức thời lửa đạn lại trào dâng mãnh liệt, những gương mặt đồng đội lại hiện về tất cả: hi sinh có - còn sống có ..... Và rồi trong tâm tư lại đau đáu đi tìm những đồng đội còn chưa thấy mộ. Đó có lẽ là cảm giác của các bác các chú e24 hôm nay! Chúc các bác các chú CCB , cũng như các bác các chú đã ngã xuống của e24 Vui ngày kỷ niêm và tim được nhiều phần mộ đồng đội ! Cháu của các bác các chú !
- 2 - Viết bởi Nguyễn Xuân Trường mừng kỷ niệm 40 năm(10/03/2015 15:03:14)
- Hôm nay mười một tháng ba Ngày buồn nhớ chú nhà ta năm nào. Xung phong, súng đạn ào ào Đánh đồn Ngã Sáu Ngụy nhào xin thua. Để rồi bốn mươi năm qua Mộ bia lặng lẽ cỏ hoa âm thầm. Bôn mươi năm dẫu chỉ một lần Mộ bia tên chú, người thân đón về.
- 3 - Viết bởi Tanghoangthien (17/05/2014 23:05:07)
- Tư liệu hay quá, nhưng rất tiếc không có 1 chiếc OV-10 nào bay trinh sát cả, lý do Mỹ rút quân năm 1973 đã đem đi hết rồi . Chào thân ái
- 4 - Viết bởi Phùng Thị Kim Dung (29/03/2014 12:03:44)
- " Có một bài ca không bao giờ quên là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên". Lời bài hát nói lên tâm trạng của bao người: Dẫu vẫn biết anh về lòng đất mẹ. Đất mẹ chở che nhưng sao vẫn ngậm ngùi. Đó là nỗi niềm của các gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy người thân sau bao nhiêu năm xa cách. Một mong mỏi, một ước mơ thật giản dị nhưng lại quá xa. Biết bao giờ trên dải đất hình chữ s này mới không còn cảnh: " Mẹ già mỏi mắt nhìn theo,...Bốn mùa tóc bạc nỗi thương con".
- 5 - Viết bởi Nguyễn Xuân Trường Tìm mộ LS(16/02/2014 14:02:21)
- 39 năm, tuy không phải thật dài, cũng không phải đã thật xa. Nhưng cũng không phải chỉ vừa mới hôm qua và đặc biệt cũng không đủ để cho chúng ta quên đi những gì của 39 năm về trước. 39 năm trước, một mốc son đánh dấu sự hi sinh của biết bao những con người, để rồi 39 năm sau và còn dài hơn nữa mọi con người Việt Nam luôn nhớ đến. Điều này càng sâu đậm hơn đối với những gia đình chưa tìm thấy phần mộ của người thân mà có lẽ 39 năm qua và những năm tiếp theo họ vẫn còn lặn lội tìm kiếm. Kính thưa các bác các chú CCB E24 ! Hôm nay đây khi mùa xuân lại đến, lòng cháu lại đau đáu một nỗi niềm thương tiếc, một cảm giác như là mình có lỗi khi đã 39 năm rồi vẫn chưa tìm thấy phần mộ của chú Thuấn cháu. Các bác các chú ơi chỉ còn ít hôm nữa thôi là đã đến ngày 11 tháng 3 rồi, cái ngày mà chú Thuấn của cháu đã ngã xuống tại ngã sáu Bằng Lăng năm ấy. Hôm nay đây, trước tiên cháu xin gửi đến các bác các chú CCB E24 lời chú Chiến thắng và sau là mong muốn được sự giúp đỡ cho cháu trong việc tìm phần mộ chú Thuấn của cháu. Cháu rất mong được các bác các chú giúp đỡ để một ngày không xa cháu được mãn nguyện khi nhin thấy bia mộ của chú của cháu. Cháu xin cảm ơn nhiều !
- 6 - Viết bởi Nguyễn Xuân Trường tìm mộ liệt sĩ(12/03/2013 14:03:08)
- Tháng 3 in đậm kí ức của các chú các bác CCB E24 và cũng là nỗi nhớ niềm đau, niềm tự hào của không ít những gia đình, người thân có con em cha chú đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung và trong Chiến thắng Ngã sáu Bằng Lăng 11/3/1975.Là một trong những người thân của những LS đã hi sinh trong Chiến thắng Ngã sáu năm ấy cháu xin nghiêng mình trước các LS trong đó có chú Nguyễn Văn Thuấn của cháu, những người đã làm nên chiến thắng ấy, chiến thắng góp phần cho ngày độc lập đất nược Hằng năm, cứ vào ngày này trong lòng cháu lại có cảm giác tiếc thương, mong có được môt ngày nhìn thấy phần mộ của chú Thuấn cháu. Song, đến nay niềm mong ước đó vẫn chưa được toại nguyện. Nhân dịp vui mừng Chiến thắng Ngã sáu và cũng nhân dịp nỗi buồn nhớ tiếc, hôm nay cháu lại gửi đi những nỗi niềm mong ước bấy nay của cháu và của những người thân trong gia đình đến các bác các chú CCB E24 tim giúp phần mộ của Chú Thuấn cháu để hằng năm đến ngày này cháu và gia đình vui và tự hào nhiều hơn buồn thương tiếc. Cháu xin cảm ơn và chúc các bác các chú 'Mạnh khỏe - luôn luôn mạnh khỏe".