-
LỄ HỘI XỨ GÒ THÁP
(18/02/2013 10:02:52)
-
Tên gọi Đồng Tháp Mười: Theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, viết trên trang web của Hội Khoa học Lịch Sử Đồng Tháp (“www.hkhls.dongthap.gov.vn”) thì "Đồng Tháp Mười không phải là địa danh hành chánh, mà là địa danh chỉ vùng, chỗ một khu vực rộng lớn không có ranh giới rõ ràng, ở đồng bằng sông Cửu Long, do nhân dân tự phát đặt ra vào đầu thế kỷ XIX. Nó được hình thành không dựa trên cơ sở những phát hiện của sử học và khảo cổ học về Chân Lạp và Phù Nam cổ; song, để tìm hiểu nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa của địa danh nầy, không thể không vận dụng đến thành tựu của hai ngành học nói trên về các tộc người đã cư trú trên vùng đất Đồng Tháp Mười trước đây và cả phương ngữ học Nam bộ cũng như nhiều ngành học khác có liên quan...
TTO - Ngày 26-12, tại khu di tích Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Sở VH-TT&DL Đồng Tháp tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp là di tích quốc gia đặc biệt.
Rất đông người dân đi dự lễ hội - Ảnh: Thanh Tú |
Khu di tích Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ 19 do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện. Về sau nhiều nhà khảo cổ học phát hiện hơn 1.000 hiện vật như vàng, đá quý, tượng gỗ, tượng thần Visnu, Siva bằng đá… dấu tích di vật, hiện vật cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Ngoài giá trị về khảo cổ học, khu di tích Gò Tháp còn chứa đựng giá trị lịch sử cách mạng. Nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân thiên hộ Võ Duy Dương, đốc binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp (1864-1886).
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1945-1954), Gò Tháp là căn cứ địa của Xứ ủy Nam kỳ, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, Khu ủy khu 8. Các nhà hoạt động cách mạng cao cấp như đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Bình, Nguyễn Thị Thập... từng sống và làm việc tại đây.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiểu đoàn 502 anh hùng đã đánh sập Viễn vọng đài cao 42m do chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng để quan sát khống chế các hoạt động của quân giải phóng vào tháng 12-1959.
Từ hàng chục năm qua, cứ vào ngày 14 đến 16-11 âm lịch, thời điểm trùng với ngày giỗ Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều, khu di tích Gò Tháp đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng (không phân biệt tôn giáo) của hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh, hình thành lễ hội Gò Tháp một cách tự nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt của vùng Đồng Tháp Mười.
Ông Nguyễn Hữu Lý, giám đốc Ban quản lý khu di tích Gò Tháp, cho biết từ ngày 12 đến 14-11 âm lịch ước có khoảng 200.000 người đến tham dự lễ hội.
THANH TÚ
(Theo touitre online)
Video clip LỄ HỘI XỨ GÒ THÁP, Mạnh Bình thực hiện Tháng 12 năm 2012
Về Xứ Gò Tháp là về với một vùng đất đậm đặc chất Văn hóa Phương Nam, và càng hiểu hơn vì sao mỗi tấc đất, ngọn cây nơi đây, tưởng như hoang sơ, lại thấm đẫm bao kỳ tích oai hùng của người dân nước Việt. (MB)
Góp ý(0)
Thêm góp ý
Tin liên quan