-
GẶP LẠI TUỔI ĐÔI MƯƠI (Ghi chép của Nguyễn Trọng Hùng)
(08/04/2011 17:04:21)
-
Vừa qua, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hùng, CCB E.24 (Tuyên Quang) về Mỹ Tho thăm đồng đội, và đặc biệt là tới thăm dì Tư Phát, người cơ sở Cách Mạng đã từng nuôi dấu, chữa trị vết thương cho anh khi anh bị thương năm 1973 ở vùng trắng Chợ Gạo... Đây là lần thứ hai anh về thăm dì. Những tình cảm sâu nặng ấy đã được anh ghi chép lại (Từ lần đi thứ nhất). Xin trân trong giới thiệu bài viết của anh, cùng vài hình ảnh và đoạn phim mà MB đã ghi lại trong chuyến thăm lần thứ hai... (Mạnh Bình)
Vừa qua, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hùng, CCB E.24 (Tuyên Quang) về Mỹ Tho thăm đồng đội, và đặc biệt là tới thăm dì Tư Phát, người cơ sở Cách Mạng đã từng nuôi dấu, chữa trị vết thương cho anh khi anh bị thương năm 1973 ở vùng trắng Chợ Gạo... Đây là lần thứ hai anh về thăm dì. Những tình cảm sâu nặng ấy đã được anh ghi chép lại (Từ lần đi thứ nhất). Xin trân trong giới thiệu bài viết của anh, cùng vài hình ảnh và đoạn phim mà MB đã ghi lại trong chuyến thăm lần thứ hai... (Mạnh Bình)
DÌ TƯ PHÁT VÀ ANH NGUYỄN TRỌNG HÙNG
Gặp lại tuổi đôi mươi
Ghi chép của Nguyễn Trọng Hùng
Tôi bồi hồi trở lại An Khương sau 34 năm xa cách. Khác với các lần trước, lần này là cả gia đình tôi từ Tuyên Quang và gia đình người em trai tôi ở TP. Hồ Chí Minh cùng về. Xe tôi cắt qua thành phố Mỹ Tho, qua thị trấn Chợ Gạo đúng một cây cầu là đến ngay con ấp máu thịt của tôi. Anh lái xe tên Phong có bà ngoại ở xã kế bên An Thạnh Thuỷ nên cứ vun vút cho xe vọt theo đường chính đi về phía Gò Công. Tôi chột dạ kêu toáng lên: “Xe qua ấp An Khương rồi, ghé để chú thăm đường đã”. Mấy anh thợ trong một cơ sở đóng đồ mộc thấy tôi hỏi giọng Bắc thì sởi lởi nói: “Ừa, quay lại cây cầu đó, quẹo vô trái. Có biển đề rõ ràng “Ấp An Khương” hà. Ủa, mà chú hỏi ai ở đó?”. Tôi trả lời: “Tôi thăm bà Tư Phát”, mấy anh em cùng nói: “Phải rồi, nhà bà Tư ở trỏng”...
Xe rẽ vào đường ấp được chừng vài trăm mét thì gặp barie. Xe nhỏ hơn thì qua được chứ xe con 7 chỗ qua không nổi. Barie có khoá đàng hoàng. Tôi hỏi một người dân, họ bảo phải quay ra phố, gặp ông bảo vệ mới mở được khoá. Đường ấp rải nhựa đẹp, nhưng nhỏ. Không chắn lại, xe tải chạy vô tùm lum, chẳng mấy nỗi mà hư đường... Tôi đi bộ qua barie. Thấy một người đàn ông đi xe máy vào phía trong ấp, tôi hỏi xin đi nhờ vào nhà bà Tư. Anh vui vẻ mời lên xe và hỏi: “Bộ chú là bộ đội giải phóng ngày trước ở đây, phải hông?”. Tôi nói “phải”. Lòng nôn nao. Trời tháng 6 nắng như đổ lửa. Rừng dừa lung linh. Màu xanh như vô tận ấy năm xưa đã từng chở che, đùm bọc tôi...
- Đây rồi, nhà bà Tư trong đó! Chú lái xe máy chỉ ngôi nhà xây thấp thoáng sau vườn bưởi Năm Doi. Xa nữa là bát ngát dừa...
Tôi tập tễnh cái chân thương tật vừa chạy vừa la toáng lên:
- Bà Tư ơi!... Chị Tư ơi!...
Một người phụ nữ ngơ ngác từ trong nhà ra hỏi:
- Chú hỏi bà Tư nào ạ?
- Đây có phải nhà bà Tư Phát không? Tôi hỏi lại.
- Dạ!
- Thế cháu là...
- Dạ, là con dâu của bà Tư. Chồng cháu là anh Dũng, hiện là Phó Văn phòng Huyện uỷ Chợ Gạo. Chú là...
Tôi giục cháu gọi điện cho chồng. Cháu gọi và đưa máy cho tôi.
- Dũng à! Chú Hùng bội đội miền Bắc đây...
- Chú Nguyễn Trọng Hùng phải không? Má cháu nhắc đến chú hoài... Mà chú có nhớ cháu không? Cháu cũng một lần theo má sang nhà ông Tám trích thuốc cho chú đấy...
Bà Tư không có nhà. Bà bị bệnh lên ở với người con trai là Bảy Hùng, bác sĩ, ở quận Gò Vấp... Tôi bảo Dũng về mở barie đưa gia đình tôi vào thắp hương viếng ông bà nội và bố Dũng. Bà nội Dũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thật tiếc, tôi muốn sang thắp hương cúi lạy ba má nuôi tôi, một gia đình có 2 liệt sĩ – ông bà Tám nhưng người con còn lại của ông bà không có nhà...
***
An Khương là một ấp thuộc xã An Thạnh Thuỷ - Đơn vị Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 1972, đội phẫu tiền phương thuộc Trung đoàn 24 - Quân khu 8 (nay là Quân khu 9) của chúng tôi đóng quân cùng du kích địa phương trong một khu vườn hoang đầy bom đạn ở An Khương. Cả khu vực ấp cũ dài hàng cây số, rộng ít cũng cả trăm mét từ rìa ấp giáp cánh đồng đến con kênh chạy thẳng ra thị trấn Chợ Gạo, chỉ còn màu xanh cây trâm bầu, cỏ, dừa nước và cây chó đẻ. Bao nhiêu dừa đều cụt ngọn, hoặc phất phơ mấy tàu lá khô như tóc cháy. Bữa đó, này 9-1-1973 (tức ngày 6 tháng Chạp năm Nhâm Tí), chúng tôi cùng đi vào ấp lấy gạo. Trung đoàn tôi và các lực lượng quân sự địa phương vừa trải qua những ngày tháng ác liệt hồi tháng 10-1972, mở vùng giải phóng sang Gò Công, đánh địch ở cả khu cửa biển Tân Thành chuẩn bị cho kí kết Hiệp định Pari. Tối tối, địch căng ra mọi ngả đường, thậm chí chúng cài mìn clâymo, phục kích ngay trên đồng ruộng. Chúng tôi dò dẫm đi theo ba cán bộ, du kích, trong đó có anh Tư Phát, Huyện uỷ viên, Bí thư Chi bộ xã An Thạnh Thuỷ. Trăng gần lặn hẳn thì chúng tôi tới một ngã tư, tôi không rõ lắm đó là ấp gì. Anh Vận y tá phòng mổ gọi nhỏ tôi ra khỏi ngã tư đến bên một cây me. Anh mắng tôi sao lại túm tụm vào nơi trống trải thế rồi dúi cho tôi một gói đậu phộng. Giây lát sau, anh Tư gọi chúng tôi lại để phân công đi theo nhóm tản về các gia đình cơ sở để lấy gạo. Tôi vừa nhận lệnh xong, chưa kịp bóc gói đậu phộng để nhấm nháp thì nghe tiếng “sẹt” trên lá dừa. Rồi lựu đạn, mìn clâymo và các loại đạn bắn thẳng dồn dập như sét đánh, như mưa tuôn từ dãy nhà trước mặt bắn ra. Tôi chẳng biết mình đã phản xạ như thế để nằm gọn ở góc ruộng sát bờ đường. Tôi xoay người kê súng lên bờ đường định nã vào khu nhà thì chợt nghe tiếng trẻ con khóc ré lên. Tiếng cối và M79 lúc bắn dồn dập, lúc lại cầm canh. Rồi bất ngờ, bọn địch gào lên: “Xung phong” và đổ đạn về phía chúng tôi. Chợt tôi thấy chân trái không tự chủ được nữa. Mỗi cử động nhỏ cũng thấy xương cẳng chân cọ vào nhau lạo xạo. Tôi nằm ngửa ra ruộng, dùng hai tay kéo, dùng chân phải đẩy nhích dần vào một vườn mía cách đó chừng dăm chục mét. Qua một rạch nhỏ, vất vả lắm tôi mới leo lên được bờ, trườn vào nằm giữa hai rạch mía. Trời yên tĩnh lại. Pháo sáng chập chờn ngay trên đầu. Tôi nhìn ra phía ngã tư, tịnh không một bóng người. Thế là tôi lạc đơn vị.
Chừng như đã khuya lắm rồi, tôi lết ra bờ rạch bẻ cành keo, dùng dây gùi và bông băng mang theo băng nẹp lại cẳng chân rồi lết đại sâu vào trong khu vườn tối um. Đến bên một bờ dây thép gai, dù đã làm mọi cách, nhưng tôi không thể qua nổi. Tôi bất lực ngồi thừ ra. Nhưng không thể ngồi yên ở đây đợi địch đến bắt được. Tôi lấy máu còn ướt nước ruộng và sương đêm trên quần áo bôi đại lên cọc bờ rào, gi chân nét bét đám cỏ nơi tôi ngồi rồi khéo léo nhấc cao người lết quay trở lại sao cho cỏ vẫn ngả về phía bờ rào. May mắn tôi tìm được bụi ô rô, quyết định giấu mình vào nơi gai góc đó. Vào sâu trong đó đến mươi, mười lăm mét, tôi vớ được một bụi chuối, lấy đó làm vật vừa che khuất vừa đỡ đạn khi có sự biến xảy ra...
Hôm sau, chừng tám chín giờ, khoảng một tiểu đội địch lần theo vết máu trên cỏ tìm vào vườn. Chúng sục sạo, cãi lộn nhau. Đứa bảo, tên Việt Cộng này chỉ quanh đây thôi, nó bị thương nặng lắm, không đi xa được đâu. Đứa cãi, Việt Cộng nó chả đón nhau đi rồi. Ngó xem, bờ rào và bãi cỏ chả đầy máu đó sao! Có đứa nghiêng ngó vào phía bụi ô rô. Tôi nín thở rê nòng súng theo. Chỉ cần nó hô lên hai tiếng “Việt Cộng” là tôi nổ súng, và một trận chiến không cân sức sẽ diễn ra. Tôi chắc chắn sẽ hi sinh chứ không thể để địch bắt sống. Bên người tôi, luôn có một quả lựu đạn giật nổ tức thì... Khoảng mươi mười lăm phút sau thì địch rút hết ra ngoài. Liên tục ba hôm sau, ngày nào tôi cũng thấy có một phụ nữ mặc bộ bà ba, khăn rằn bum kín mặt vào vườn cắt lá chuối. Tôi cố náu mình cho thật kín. Ngày thứ tư, tôi lết sâu vào trong khu vườn mênh mông cây trái. Tôi nằm gối đầu lên một chùm dừa Xiêm mà không có cách gì bổ ra ăn. Mãi hôm thứ năm tôi mới tìm được quả mãng cầu chín rụng dưới đất. Thật may, quả đã tiếp sức cho tôi. Tôi vừa ăn xong quả mãng cầu thì giật mình bởi một giọng ồm ồm: “Ông là lính Cộng hoà hay là Việt Cộng?”. Tôi chấn tĩnh, tay đặt vào cò súng: “Tôi là bộ đội giải phóng. Tôi đề nghị ông phải giữ bí mật”... Người đàn ông đó nói: “Sao ông không ra đầu thú?...”. Người tôi sôi lên: “Ông nói nữa tôi sẽ bắn!”. Người đàn ông vội vàng: “Tôi xin ông, xin ông. Tôi chỉ thử thôi mà. Ông cứ ở yên đây, tôi sẽ về lấy cơm cho ông ăn”. Ông ta về mà không quên để lại ánh mắt lấm lét. Chính ánh mắt đó buộc tôi lại “hành quân” theo hướng càng xa nhà ông ta ra càng tốt. Tôi không còn biết ngại khi qua những con rạch. Không ai trông thấy tôi “làm xiếc” lê ngang qua những cây cầu bằng thân cây dừa. Lại một đêm nữa trong vườn đầy muỗi. Đêm ấy tôi nghĩ rất nhiều. Nếu mình tiếp tục giấu mình thì sẽ chết đói. Nhưng lộ mặt ra, ngộ nhỡ lại gặp kẻ xấu thì sao? Chỉ điểm để địch bắt được một Việt Cộng như tôi đâu phải ít tiền! Có lúc tôi đã hoang mang, nhưng vì sao chứ, nếu phải chết, hãy chết trong chiến đấu! Tôi quyết định thoát ra khỏi ấp.
***
Tôi vừa mừng vừa lo khi thấy một ngôi nhà sát ngay mé ruộng. Tôi lết vào, vục đầu xuống những chum nước mưa, tu ừng ực. Trong nhà có tiếng đài Sài Gòn lẫn với tiếng bát đũa va nhau lách cách. Tôi lại bên cửa, đợi. Một phụ nữ còn khá trẻ cầm đèn dầu ngọn lửa to đi ra đặt xuống cái bàn tròn kê ngay trước cửa ra vào. Tôi gọi nhỏ, nhưng rõ: “Chị ơi! Tôi là bộ đội giải phóng nè!” Chắc là giọng miền Bắc của tôi làm chị ngơ ngác. “Ủa, chú bộ đội miền Bắc hả? Phải chú bị mất tích cả tuần nay không? Sao giờ chú mới tới?”... Rồi chị cuống cuồng mở cửa, lấy nước pha muối cho tôi uống, dặn tôi uống từ từ, rồi rãi bày về việc hôm nay không phần cơm tôi nữa vì ngỡ tôi hi sinh rồi. Chị khóc: “Các chú đi lấy gạo mà có lấy được đâu. Thế là một chú chết, bà con giành giật mãi chúng mới để cho mình chôn cất chứ không lôi ra Chợ Gạo bêu xác. Mọi người bị thương ráo trọi, kể cả chú Tư Phát, chú Năm Bê”. Chị nói, ở đây, các gia đình cơ sở đều nấu cơm để phần hằng đêm đợi tôi. Chị lấy ra một tộ cơm còn nóng cùng cả niêu cá bống dừa kho. Chị nói: “Thương chú thì lấy đầy tộ cơm, chứ chú đừng ăn no quá. Mà chú cũng ăn từ từ thôi”. Rồi chị kể, nơi chúng tôi đóng đội phẫu là nơi chồng chị hi sinh nằm lại. Anh ấy cũng là y sĩ. Chị bảo, ngày nào lính đồn cũng đến nhà ghẹo chị và chặt mía sài xả láng. Nhà chị không có hầm bí mật nên không thể giấu tôi ở đây được. Tôi ăn hết cái ngọn bát cơm thì thấy bụng đầy ứ. Chị nhìn tôi ái ngại: “Được rồi, đừng cố”. Chị lấy thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau cho tôi uống và mang theo cùng với một chiếc bao bố để chui vào phòng muỗi. Chị nói đầy thương cảm: “Trên người chú chẳng còn chỗ nào không có máu, nơi máu vết thương, nơi nốt muỗi đốt”. Chị buộc phải tạm biệt tôi sau khi đã dặn dò một địa chỉ cơ sở cách mạng là một ông già có hầm bí mật...
Nhưng bò tắt qua cánh đồng, vô tình tôi lại tìm vào nhà ông Tám ngay bên bờ kênh mà từ đó tôi có thể theo nước ròng về lại được nơi đóng quân.
***
Tôi lết đến, gõ nhẹ vào tấm cửa tôn sáng loá:
- Nhà có ai ở nhà không?... Tôi là bộ đội giải phóng đây mà...
Người tôi ướt sũng sương đêm lạnh tháng Chạp. Tôi thèm một hơi thuốc lá. Tôi gọi cửa lần nữa thì bà má ra. Bà hỏi sao tôi chưa về. Tôi bảo mình bị thương mấy hôm trước, nay mới bò về đến đây. Bà tỉnh hẳn ngủ nói rằng, bộ đội và du kích đêm nào cũng ra tìm tôi, hôm nay cũng tìm và vừa ăn cơm ở đây rồi về. Bà bảo tôi ăn thêm cơm, nhưng thực tình tôi chỉ nôn nao nhớ đồng đội. Tôi xin, bà lấy cho ít thuốc rê. Tôi hỏi ông già, bà bảo đi đóng đáy sáng mai mới về. Hút thuốc xong, tôi chào má và xin phép về đơn vị. Nhưng khi cánh cửa đóng lại, tôi lết ngay ra phía bờ kênh, vất vả nhất là qua hai cái cầu, may mà thân cây dừa khá to nên tôi chẳng bị rơi xuống rạch lần nào...
Sáng sau, khi mặt trời khá cao mới thấy ông già vác lưới về... Dường như nghe lại lời bà vợ kể về tôi, ông già bứt rứt ra vào băn khoăn, khó chịu lắm. Lát sau, ông mặc bộ đồ trắng toát, mang ô đi tìm ông già Bảy, bố đẻ anh Tư Phát. Hai ông giả đi chăn vịt để tìm tôi cả trưa không về. Chiều đến, khi cô Năm, con gái ông đi tưới rau gần chỗ tôi nấp, tôi mới lộ mặt. Ông già Tám lật đật ra mắng tôi như mắng con đẻ của mình vậy: “Sao mày nấp ở đây mà không nói cho người ta một tiếng?”. Tôi xúc động đến phát khóc lên được. Ông đòi cõng tôi vào nhưng tôi không cho. Vào nhà, ông bà nấu nước tắm cho tôi rồi lấy bộ quần áo sơmi - kỉ vật của con ông đã hi sinh năm 1968 ở Mỹ Tho cho tôi mặc rồi mời chị Tư Phát sang tiêm cho tôi. Đi theo chị là cô bé Tư Triết, con gái chị. Tôi ở đây 4 ngày, ngày nào chị Tư cũng sang thay băng, tiêm thuốc cho tôi. Biết tôi là y tá trưởng của Bệnh xá trung đoàn nhưng chị vẫn không để cho tôi tự tiêm péniciline vì sợ sốc thuốc... Một trong những lần đó, có Ba Dũng đi cùng vì hắn quá năn nỉ xem mặt chú bộ đội miền Bắc. Rồi chị Tư, ông Tám cũng liên lạc được với đơn vị tôi cho bộ đội vận tải ra đưa tôi về đội phẫu. Tôi bần thần khi biết, người duy nhất hi sinh đêm đó chính là anh Vận, người vừa đưa cho tôi gói đậu phộng nhỏ... Ít ngày sau, tôi cùng một số thương binh nặng khác được hộ tống vượt sông Tiền sang Bình Đại (Bến Tre) điều trị trong Bệnh xá của Tỉnh đội Gò Công...
***
Nhằm hôm chủ nhật (13-6-2010), cả nhà tôi theo chỉ dẫn từ tin nhắn của Bảy Dũng (bác sĩ, con trai chị Tư), đi taxi từ Bình Chánh lên 87 Trương Đăng Quế, Q. Gò Vấp gặp chị Tư. Chị cảm động ôm chầm lấy tôi: “Em ơi, vậy là 35 năm rồi đấy vì năm 1976, chú tìm về nhưng chị bận công tác xã đâu có gặp được”. Lúc sau, con trai cả của chị là Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Tiền Giang cũng từ Mỹ Tho lên hội ngộ. Tuấn và Hùng đều nói, dù chưa biết mặt tôi nhưng tôi là một phần cuộc sống tinh thần của sự nỗ lực vượt qua gian khó của mình. Còn tôi, câu chuyện về nhưng con người, những tấm lòng ở An Khương là bài học lớn về niềm tin vào nhân dân, vào sự toàn thắng của cách mạng.
Chị Tư năm nay đã 76 tuổi. Chị bảo, chưa già nhưng hai lần bị địch bắt tra tấn dã man để lại nhiều bệnh lắm. Anh Tư hi sinh trước giải phóng hoàn toàn miền Nam 10 ngày, không những để lại gánh nặng gia đình cho chị, mà còn cả quê hương. Mấy nghìn cây dừa là cứu cánh giúp chị nuôi dạy 7 người con (mất 2 nay còn 5) tất cả đều trưởng thành, ai cũng được học hành đến nơi đến chốn. Đó lại là một bài học nữa, không phải chỉ có chị mà cả những người con của chị đã dạy cho tôi và gia đình: Đừng bỏ phí tuổi hai mươi!
Tháng 7-2010
NTH