-
Đồng đội tôi NGÀY ẤY VÀ HÔM NAY
(26/10/2011 20:10:54)
-
Những ngày tháng ấy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống đến ngày hòa bình. Bởi chiến trường quá ác liệt, giữa cái sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Chưa nói rằng nếu còn sống, việc ra Bắc cũng gặp khó khăn vì đường về Bắc quá xa. Ngay cả tôi bị thương nhiều lần, được đưa về tuyến sau đầu năm 1974, nhưng do đường giao liên bị tắc nên không đi được, phải nằm lại Cai Lậy Bắc gần một năm. Mà chiến trường thì đâu cũng như đâu; cũng bom đạn, cũng chạy càn, cũng bị pháo kích và cũng có người mất mát, hy sinh…( HOÀNG THÁI TÔN)
Đồng đội ngày ấy và hôm nay
Hoàng Thái Tôn
Từ ngày tham gia Hội CCB E24 Anh hùng, ngày nào tôi cũng vào trang web E24.com.vn từ 2 đến 3 lần. Bài nào tôi cũng đọc kỹ. Ngay cả danh sách 968 Liệt sỹ của Trung đoàn hy sinh từ 1972 đến 1978, tôi đọc tới, đọc lui để nhớ lại tên những đồng đội cũ của mình đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc vào thời kỳ ác liệt nhất…
Là những người lính một thời, nhưng tôi thấy nhiều bài các anh viết rất hay, rất tâm huyết về đồng đội, về Hội CCB E24 của mình. Hôm nay, tôi xin viết về người đồng đội đang còn sống để chia sẻ rằng, đồng đội, là một trong những tình cảm cao cả nhất, tốt đẹp nhất trong cuộc đời người lính và đối với tôi không bao giờ quên được.
Tôi với Bùi Ngọc Là cùng lứa; nhưng hai người lại ở hai hoàn cảnh nhập ngũ khác nhau. Tôi quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, là sinh viên vừa học xong năm thứ 2 Trường Thủy sản (lúc đó Trường đóng tại Hải Dương), còn anh Là quê ở Kim Thành, Hải Dương, đang là giáo viên trường Công nhân kỹ thuật Chí Linh- Hải Dương. Chúng tôi cùng nhập ngũ tháng 8/1971. Là ở Đại đội 1, còn tôi ở Đại đội 2, cùng Tiểu đoàn 644, E2 Quân khu Tả Ngạn. Trong thời gian huấn luyện và hành quân đi chiến đấu, chúng tôi không hề quen biết nhau.
Cuối tháng 6/1972, đơn vị chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn (E24). Cả Tiểu đoàn chia ra, người về K4, người về K5, người về K6, người về Trung đoàn bộ. Tôi cùng Là được bổ sung về Trung đội hỏa lực của K5 và về cùng Tiểu đội Cối 82 do anh Nguyễn Hồng Hào làm Trung đội trưởng và anh Lê Đình Lý làm Tiểu đội trưởng. Những ngày đầu mới gặp Là, với thân hình cao dỏng và nước da trắng như một thư sinh, tôi có cảm tình với anh ngay. Điều làm tôi nhớ hơn là anh hay cười, khoe cái răng khểnh, rất có duyên...
Ngày ấy, Trung đoàn đóng quân ở biên giới Cămpuchia - Việt Nam, vừa tiếp nhận lính mới, vừa tranh thủ huấn luyện, chỉnh quân sau Chiến dịch “Nguyễn Huệ” 1972. Về Tiểu đội, tôi được phân công pháo thủ số 1 (vác nòng cối), Là được phân công pháo thủ số 3 (mang bàn đế cối). Qua một tuần huấn luyện, từ chưa biết gì về cối 82, chúng tôi đã thành thạo các thao tác tháo, lắp cối, bắt mục tiêu và bắn.
Sau thời gian huấn luyện, chỉnh quân, Tiểu đoàn được lệnh hành quân xuống Mỹ Tho. Chúng tôi hành quân vượt Đồng Tháp Mười vào đúng mùa nước. Những đôi dép cao su giúp chúng tôi trong những tháng ngày vượt Trường Sơn đều bị bật tung quai; những bộ quần áo Tô Châu Trung Quốc bị ướt sũng cả ngày không dám phơi, sợ bị địch phát hiện. Đêm hành quân, ngày dừng nghỉ ở những rừng tràm ngập nước. Máy bay trực thăng của địch liên tục quần thảo trên đầu nhằm phát hiện dấu vết hành quân của đơn vị. Tôi còn nhớ, sau đêm hành quân đầu tiên, đơn vị vừa ém quân vào rừng tràm ở Đồng Tháp Mười, chưa kịp đào công sự thì máy bay trực thăng của địch tới. Sau một hồi bay lượn, quạt trên đầu, chúng không phát hiện được gì. Trước khi bay đi, chúng bắn hàng loạt rốc két và 12 ly 7 xuống đội hình đơn vị. Rất may là không có thương vong. Những đêm trời mưa, tối đen như mực, đơn vị tranh thủ hành quân, vai mang vác nặng, hai chân run bần bật khi bước qua cầu khỉ. Có hôm, trời mưa to, đường trơn, vai vác nòng cối, chỉ còn một tay vịn vào cây, đang lúc lên cầu, tôi bị trượt chân, mất thăng bằng, nhưng có Là đi phía sau đã đỡ nòng cối nên tôi đứng vững được, không bị rơi xuống cầu. Có hôm, Là lên cơn sốt nhưng vai vẫn cõng “đế cối”, lội nước hành quân cùng đồng đội…
Sống với nhau ở chiến trường, tuy cùng một Tiểu đội, nhưng chưa bao giờ chúng tôi tâm sự với nhau về gia đình, về người thân. Bởi ban đêm hành quân và đánh bót, ban ngày tranh thủ ngủ, có hôm phải di chuyển liên tục do địch càn.
Những ngày mới xuống Mỹ Tho, đơn vị không có gạo ăn, phải nấu cháo và kiếm rau dương xỉ dọc hai bờ kênh về ăn thêm cho đỡ đói. Những ngày đó, chúng tôi thương nhau vô cùng, nhường nhau từng miếng cơm, manh áo. Thời kỳ bám trụ ở Gò Công, ngày kéo dài lê thê. Bởi ban ngày là của địch. Chúng tôi phân công nhau trèo lên cây me để quan sát địch, xem địch có gài mìn, phục kích không. Đêm đến, nếu không có địch phục kích, đơn vị tranh thủ vào các ấp chiến lược để tuyên truyền, vận động bà con và tiếp nhận lương thực, thực phẩm. Mỗi kg gạo, mỗi bó rau, một ít cải đã muối chua…mang về thắm đượm mồ hôi, nước mắt và máu của đồng đội. Bởi rất nhiều đêm, khi ra đến cánh đồng là bị địch phục kích, bị trúng mìn clâymo của địch.
Những ngày tháng ấy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống đến ngày hòa bình. Bởi chiến trường quá ác liệt, giữa cái sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Chưa nói rằng nếu còn sống, việc ra Bắc cũng gặp khó khăn vì đường về Bắc quá xa. Ngay cả tôi bị thương nhiều lần, được đưa về tuyến sau đầu năm 1974, nhưng do đường giao liên bị tắc nên không đi được, phải nằm lại Cai Lậy Bắc gần một năm. Mà chiến trường thì đâu cũng như đâu; cũng bom đạn, cũng chạy càn, cũng bị pháo kích và cũng có người mất mát, hy sinh…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, điều may mắn là chúng tôi đang còn sống. Tôi trở lại trường tiếp tục học tập và sau này về công tác tại Nha Trang, còn Là lại về trường cũ tiếp tục nghề thầy giáo. Tuy nhiên do điều kiện, mỗi người một việc nên chúng tôi chưa liên lạc với nhau. Mãi tới đầu năm 2011, chúng tôi mới có thông tin về nhau qua đồng đội cũ và trên trang web của CCB Trung đoàn.
Vào một ngày đầu tháng Bảy năm 2011, tôi nhận được điện của Là sẽ vào Nha Trang thăm tôi. Vừa mừng, vừa lo. Đã lâu lắm rồi, 38 năm còn gì nữa, chúng tôi chưa gặp được nhau, chỉ mang máng nhớ khuôn mặt của nhau. Trước đó mấy ngày, tôi đã gặp Cấp (thời tôi ở, Cấp là Tiểu đội phó Tiểu đội cối 82). Tôi ra Ga Nha Trang đón Cấp, không nhớ mặt nhau, đi tới, đi lui, tìm khắp đoàn tàu mà không thấy Cấp. Nhờ cái điện thoại, hai đứa đứng kề nói điện thoại mới nhận ra nhau…
Lần này với Là, anh không đi tàu mà đi xe từ Chí Linh- Hải Dương. Xe khách Bắc Nam không vào thành phố Nha Trang, chạy đường ngoài cách thành phố gần 15 km. Tôi điện thoại dặn anh đến Ngã Ba Thành (Diên Khánh) thì xuống xe và tôi sẽ đón ở đó. Tuy nhiên, chuyến xe anh tới Nha Trang lại vào ban đêm. Tôi và thằng con trai lên Ngã Ba Thành lúc 21 giờ (9 giờ tối). Đường phố tối, chỉ có những ánh đèn đường màu vàng, mờ ảo và ánh sáng từ các gia đình, các quán nước hắt ra. Bố con tôi chọn chỗ sáng nhất để đứng và đón xe. Khoảng 22 giờ (10 giờ tối), xe mới tới; tuy đã dặn kỹ, nhưng cách Ngã Ba hơn 100m, tài xế đã dừng xe, bảo các anh xuống. Tôi hồi hộp xem có nhận ra người bạn, người đồng đội cũ của mình không, người mà đã cùng tôi vượt qua những tháng ngày gian khổ và ác liệt nhất.
Anh Bùi Ngọc Là (ảnh trái) tại gia đình tôi ở Nha Trang
Tuy xa nhau đã 38 năm, nhưng dưới ánh đèn đường, tôi đã nhận ra anh. Thật vô cùng xúc động. Vẫn dáng cao gầy như ngày nào ở chiến trường, tuy có mập hơn chút ít. Nhưng làm sao quên được cái lưng còng của anh mỗi khi mang “đế cối” sau lưng, lội bưng, băng đồng, vượt qua bom đạn của kẻ thù. Chúng tôi ôm nhau và tôi thấy cay cay ở hai khóe mắt…
Thế là chúng tôi đã gặp lại nhau sau 38 năm. Thật cảm động. Tình đồng đội là thế. Dù đường xá xa xôi, xe cọ khó khăn, nhưng anh vẫn đi từ Chí Linh – Hải Dương vào thành phố biển Nha Trang- Khánh Hòa để thăm tôi và gia đình. Điều này cứ ngỡ trong mơ, làm cho tôi và gia đình vô cùng cảm phục và quý mến…Vợ và các con tôi nói với nhau rằng, đồng đội của Bố sao mà quý nhau thế.
Sau chuyến thăm ấy, chúng tôi thường xuyên thông tin với nhau về đồng đội, về gia đình. Anh cũng đã kể lại cho đồng đội cũ của chúng tôi ở ngoài Bắc về chuyến thăm này. Tôi cũng hứa với các anh rằng, khi có điều kiện, tôi sẽ ra Bắc thăm các anh, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời khói lửa, thời mà tuổi thanh xuân của chúng ta không bao giờ nghĩ về mình, chỉ biết cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc./.
Nha Trang, tháng 10 năm 2011
Đồng đội cũ của Trung đội hỏa lực K5- E24 tại nhà anh Đệ (Bắc Giang). Ảnh do anh Là gửi cho tôi - Thứ tự từ trái sang: Là, Phượng, Đệ (cối 82), Han (Đại liên)
- 1 - Viết bởi Hoàng Thái Tôn Gửi anh Nguyễn Trọng Hùng(27/10/2011 16:10:28)
- Gửi anh Nguyễn Trọng Hùng Em đã đọc bài của anh rất nhiều. Những bài viết của anh rất hay và cảm động. Rất tiếc là anh em mình chưa có dịp gặp nhau. Qua bài viết vừa rồi, em được biết Bố anh trước ở Nha Trang và mất ở đây. Em công tác ở Nha Trang từ năm 1979 đến nay. Rất mong được gặp anh khi anh vào Nha Trang thăm mộ Cụ. Địa chỉ của em: Hoàng Thái Tôn Khu tập thể số 10 Võ Thị Sáu, Nha Trang. Điện thoại: 0914.166.225
- 2 - Viết bởi Nguyễn Trọng Hùng (27/10/2011 09:10:32)
- Ấm áp và cảm động biết bao tình đồng đội của chúng ta! Hoàng Thái Tôn làm tôi rưng rưng nhớ lại những đêm vượt Đồng Tháp Mười! Đinh Sĩ Tốn (CTV C Quân y) bị cối đinh từ trực thăng địch bắn găm vào bả vai ở rừng tràm. May mà nó bị cây tràm trên nóc hầm cản lại chứ không... Anh Khuyến (Y sĩ) phải lấy kìm quân giới nhổ nó mới ra khỏi được cái xương bả vai cứng quá gỗ lim... Tôi nhận ra Bùi Ngọc Là "thư sinh" rồi! Càng già càng... đẹp! Dân K 5 mình ai cũng đẹp giai, đúng không? Tôi rất mong có dịp trở lại Nha Trang, nơi yên nghỉ của bố tôi... Mong được gặp Hoàng Thái Tôn để nhớ về những ngày đã qua, ôn lại tuổi trẻ như nước của chúng mình chảy mãi mà dòng vẫn đầy...