Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm từng là người lính thuộc trung đoàn 207, luôn sát cánh bên trung đoàn 24 trong những năm kháng chiến gian nan ở các tỉnh Miền Tây Nam Bộ; đặc biệt là trận phối thuộc cấp sư đoàn trong "Chiến thắng Ngã Sáu_bằng Lăng" ở Cái Bè, Tiền Giang ngày 11/3/1975... Tôi có giới thiệu với anh một bài thơ đầy chất lính của anh Nguyễn Quân, CCB.E.24. Anh đã giới thiệu và có viết lời bình bài thơ này trên trang của anh (http://hotinhtam.vnweblogs.com). Xin trân trọng giới thiệu với Đồng đội E.24 anh hùng và các bạn lời bình của nhà văn Hồ Tĩnh Tâm về bài thơ này!...(Mạnh Bình).

 

Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm

 

ĐỒNG ĐỘI TÔI
(Nguyễn Quân- E24)

 

Đồng đội tôi nửa đời dãi nắng dầm mưa
Nửa đời đạn bom máu lửa
Buông súng hạ sao về lại lũy tre làng
Đồng đội tôi hàng dọc hàng ngang
Nằm lại chiến trường không về nữa
Đồng đội tôi chạy ăn từng bữa
Vợ già, nhà dột, con thơ
Bao nhiêu năm chiến đấu dưới cờ
Lúc trở về hai bàn tay trắng...

 
Đồng đội tôi
Ít ngọt ít bùi lắm cay nhiều đắng
Vết thương đau khi trái nắng trở trời
Giữa quê nhà mà sao quá chơi vơi
Không vốn không nghề loay hoay mấy sào ruộng khoán
Hạt thóc chia ba còn lại một phần
Khách đến nhà luống cuống đôi chân
Có mấy con gà vừa bị H5N1
Hiếu hỉ tiệc tùng... cáo từ lẩn trốn
(Móc đâu ra dăm ba chục tiền mừng?)
Mấy đứa con nước mắt rưng rưng
Níu áo mẹ xin tiền đóng học
Vợ nhìn chồng_Chồng nhìn lên huân chương kháng chiến
Nét vàng son mà bạc phếch đời thường...

Ôi thương lắm đồng đội ơi!
Ôi thương quá đồng đội tôi!..
Lũy tre làng thân quen mà lạ lẫm...

 

Tác Giả: Nguyễn Quân


Lời bình của Dzu (Hồ Tĩnh Tâm):

Bài thơ "Đồng đội tôi" của Nguyễn Quân là Mạnh Bình gởi cho tôi, cùng với lời nhắn: Thơ hay lắm, ông đọc đi rồi cho biết ý kiến! Tất nhiên là tôi đọc. Không phải một lần, mà là đọc nhiều lần. Tôi đọc theo kiểu lính đọc thơ của lính, để cảm cho đến tận cùng chiều sâu những nỗi đau, mà người lính tâm sự cùng với các bạn đồng đội của mình. Đây là lần đầu tiên tôi đọc chậm. Đọc bằng mắt. Đọc bằng tâm hồn. Đọc bằng trái tim. Đọc bằng tất cả những gì mà tôi có thể cảm được, từng dòng, từng chữ, từng khổ thơ, không hề chuyên nghiệp, nhưng lại ngấn lệ lưng tròng.

Đồng đội tôi nửa đời dãi nắng dầm mưa
Nửa đời đạn bom máu lửa
Buông súng hạ sao về lại lũy tre làng
Đồng đội tôi hàng dọc hàng ngang
Nằm lại chiến trường không về nữa

Bài thơ được bắt đầu bằng những lời tâm sự, hay là đúng hơn, được rút ra từ tim gan mình mà viết. Đó là lời của đồng đội nói cùng đồng đồng đội, lời của những người lính từng một thời chinh chiến "đạn bom", "máu lửa", nói cùng với nhau. Một đời người như hết thảy những đời người, nhưng đây là một đời của những người lính trên chiến trường xưa. Họ được gì và mất gì sau cuộc chiến? Cái được là vô cùng của tổ quốc, thống nhất, hòa bình, độc lập, là của hết thảy con người được tận hưởng, từ sự xả thân dâng hiến máu xương, tim óc của họ. Còn người lính, nửa cuộc đời của họ, được vùi trong mưa bom bão đạn, nửa cuộc đời còn lại, lại tiếp tục bị quăng quật trong mưa dầm nắng dãi.

Nỗi đau sau chiến tranh là thế. Những chàng trai áo vải, ra đi từ lũy tre làng, từng được coi là thần chiến thắng, sau những ngày đất nước hát khúc khải hoàn huy hoàng tráng lệ, họ nhanh chóng phải đối mặt với cuộc đời bát cơm manh áo. Nguyễn Quân dùng chữ là, "buông súng", "hạ sao", "về lại lũy tre làng". Họ là lính, họ có phải là người anh hùng huyền thoại làng Phù Đổng, là Thánh Gióng đâu mà về trời; họ chỉ là những người từng đầu trần chân đất, đuổi xe tăng ngoài đồng và bắn hạ trực thăng, họ là trai làng, họ phải về lại với đồng làng, bởi huân chương không phải là bằng cấp, để có thể đặt họ lên ghế này ghế nọ, bởi lòng dũng cảm, không hề là sự khôn ngoan của kẻ luồn cúi. Cổ tích trước sau vẫn là cổ tích. Còn cuộc đời thì trần trụi những gì rất thật, như đất, như nước, làm ra tất cả, nhưng chung cuộc, vẫn là đất là nước, chứ không thể là vàng là ngọc, cho dù đất nước thiêng liêng đến ngần nào.

Đồng đội tôi hàng dọc hàng ngang
Nằm lại chiến trường không về nữa

Sự thật mà Nguyễn Quân viết ra thành thơ, là sự thật hiển nhiên của lịch sử chiến trận. Cuộc chiến kéo dài suốt hai mốt năm trời, với số lượng bom đạn nhiều chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh trước đó của nhân loại, sự tồn tại  của chúng ta là điều kì diệu, còn những mất mát núi xương biển máu là điều tất nhiên. Thơ là tình người cháy lên thành câu chữ, nhưng thơ cũng cần bám vào sự thật để nói lên sự thật, có như vậy, thơ mới đến được với con người.

Đồng đội tôi hàng dọc hàng ngang
Nằm lại chiến trường không về nữa
Đồng đội tôi chạy ăn từng bữa
Vợ già, nhà dột, con thơ
Bao nhiêu năm chiến đấu dưới cờ
Lúc trở về hai bàn tay trắng...

Trong sáu câu thơ ấy, Nguyễn Quân dành hẳn bốn câu cho những người còn sống, và khi đọc âm vang lên, ta như bị điệp ngữ "đồng đội tôi", cắt cứa, vò nhàu cả con tim. Thần chiến thắng trở về trong hào quang sáng rực, mà phải long đong chạy ăn từng bữa. Vậy mà thời họ ưỡn ngực ra làm lá chắn thành đồng cho tổ quốc, chúng ta đã từng ca ngợi, "hoan hô anh anh giải phóng quân, kính chào anh con người đẹp nhất, lịch sử hôn anh chàng trai chân đất, sống hiên ngang bất khuất trên đời, như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi". Chàng Thạch Sanh của cổ tích trở thành phò mã, còn chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi thì... "vợ già", "nhà dột", "con thơ". Sự thật vốn trần trụi. Trần trụi đến lạnh lùng.

Đồng đội tôi
Ít ngọt ít bùi lắm cay nhiều đắng
Vết thương đau khi trái nắng trở trời
Giữa quê nhà mà sao quá chơi vơi
Không vốn không nghề loay hoay mấy sào ruộng khoán
Hạt thóc chia ba còn lại một phần
Khách đến nhà luống cuống đôi chân

Tôi không muốn nói sâu thêm vào những vất vả đời thường của người lính sau chiến tranh, bởi nó là nỗi đau quá lớn.

Đất nước muốn vươn lên những tầm cao của thời đại, đất nước cần phải  vặn mình qua cơn sinh nở, cần phải xây dựng bằng được một nền kinh tế tri thức, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ công ngiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nền kinh tế đòi hỏi phải có trình độ tri thức rất cao ấy, những anh hùng áo vải sống sót trở về, thương tật và tuổi tác, và trình độ học vấn, tất nhiên không thể đảm đương được những trọng trách lớn, trong thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi phải chấp nhận sự cạnh tranh quyết liệt về trí tuệ quản lý và trí tuệ lãnh đạo, nhưng không thể vì điều đó, mà chúng ta cam tâm nhìn cảnh những anh hùng chiến trận của tổ quốc, phải vừa vật lộn với thương tật chiến trường, vừa vật lộn với cuộc đời bằng mấy sào ruộng khoán- và phải chịu sự túng quẩn như thơ Nguyễn Quân đã viết. Bản thân tôi đánh giá cao những dòng thơ này, vì nó là thơ viết cho đời, và lại là thơ viết cho cuộc đời những người đồng đội còn lâm cảnh đói nghèo. Tuy nhiên tôi hiểu, không phải tất cả đồng đội chúng ta đều khốn cùng đến mức ấy. Thơ là thơ, là sự cảm nhận, là sự sẻ chia, là sự phản ánh, là sự phản lại chính nó để làm ra nó. Thiên tài của sư tử văn học Nga, L.Tonxtoi, khi bình luận về trận Oateclo, đã gói vào một chữ "cứt" rất tuyệt. Sự thật là, có những sự thật cần phải sổ toẹt nó bằng ngôn ngữ thô tục- cho dù ngôn ngữ chẳng hề thô tục gì cả.

Hãy nhìn lại lịch sử chiến tranh của nước nhà?
Vinh quang và cay đắng. Máu và nước mắt. Nỗi đau oan ức Lệ Chi Viên còn đấy. Máu con đỗ quyên vẫn còn lâm li trên trang giấy. Con cuốc cuốc vẫn khóc mòn đêm. Hình như Chúa Jesus có nói rằng, "không có sự công bằng, không có bất cứ một sự công bằng nào cả". Lời Chúa là vậy. Nhưng chúng ta là lính, chúng ta cần đòi lại sự công bằng cho người lính. "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh", đó là mục tiêu của chúng ta.

Một bài thơ hay, không hẳn là ở câu chữ, mà còn ở tình người. "Đồng đội tôi"của Nguyễn Quân là một bài  thơ thấm đẫm tình người. Xin cám ơn anh! Và xin cám ơn bài thơ của anh!

HTT