-
Cuối năm với chuyến du hành đến La Mã
(16/01/2020 17:01:37)
-
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa là một trong những cây viết chủ lực của Vietnamnet! Ông đã gởi bài cho Trang Xuân của website E24,com.vn, nhưng đã gởi vô Emial manhbinhkb@yahoo.com.vn theo như mọi năm (thay vì gởi vô emial E24.bbt@gmail.com). Rất may, qua đàm thoại, tôi được biết ông đã gởi bài mà chưa thấy xuất hiện trên chuyên trang Xuân Canh Tý 2020 của E24...
Vậy thì, đây là bài "đinh", khóa lại Mục lục TRANG XUÂN CANH TÝ. Rất cảm ơn nhà báo Trần Chánh Nghĩa và Trân trọng giới thiệu bài viết khá đặc biệt này đến các đồng chí, các bạn! (MB)
H1: Đường La Mã dẫn vào nhà thờ
La Mã là địa danh được phiên âm từ chữ Roma (tiếng Ý), Rome (tiếng Pháp ,tiếng Anh) khi được nói đến thủ đô nước Ý (Italia). Thế nhưng, tại Việt Nam ở một vùng quê heo hút của tỉnh Bến Tre lại có đường La Mã, cầu La Mã, sông La Mã và nhà thờ La Mã ...
Từ thị trấn Giồng Trôm (H. Giồng Trôm, Bến Tre) đi thêm 6km hướng về ngã ba Sơn Đốc rẽ tay phải chừng vài trăm mét chúng ta sẽ nhìn thấy công chào "xã Hưng Nhượng kính chào quí khách" và một tấm biển chỉ dẫn "Nhà thờ La Mã 3000m".
Cứ thế mà đi. Con đường bê tông dài và rộng đi ngang qua làng quê trù mật này được gọi là đường La Mã. Những vườn cây ăn trái đang trĩu quả, những vạt hoa ngày tết đang nở rộ chờ được đưa dến tay người sử đụng. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều người trên đường với nụ cười và ánh mắt thân thiện.
Ngôi nhà thờ hiện ra trước mắt. Dừng lại. Trước cổng có dòng chữ "Đền Đức mẹ hằng cứu giúp La Mã", chúng tôi bước vào. Bên trong, sân khá rộng và vắng vẻ. Thánh đường uy nghi ngay phía trước. Không khí ngày tết đang được những người có trách nhiệm chăm chút cẩn thận.
H2: Cổng vào nhà thờ
Thánh lễ đã xong, thánh đường vắng lặng. Trong khuôn viên nhà thờ nhiều du khách tìm đến... Một người hỏi tôi, anh có biết đường đến nơi mẹ lộ nguyên hình không ? Tôi cũng như anh thôi. Mà câu chuyện như thế nào vậy anh ? Tôi hỏi lại.
Anh kể, tôi đọc tài liệu được biết nhà thờ này được xây dựng vào năm 1948 mang tên nhà thờ Bầu Dơi sau đó đổi tên thành nhà thờ La Mã. Trước đó, năm 1930, một vị cha sở ở xứ đạo Cái Bông có sai một thầy đến Bàu Dơi giảng đạo và cất một ngôi nhà thờ nhỏ ở gần khu chợ để làm nơi thờ phượng. Dịp này, cha Lu-ca Sách có tặng nhà thờ một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Chiến tranh lan rộng, dân chúng tản cư. Đầu năm 1950, ông trùm họ Nguyễn Văn Hạt lẻn vào nhà thờ Sơn Đốc đem bức ảnh Đức Mẹ về nhà mình. Sau đưa cho con trai mình là Nguyễn Văn Thành cất giữ.
H3: Nhà thờ La Mã
Quân Pháp đến bố ráp vùng Bầu Dơi. Nhiều nhà dân bị tàn phá nặng nè. Một giáo dân cố mang theo bức ảnh Đức Mẹ chạy loạn nhưng không rõ vì sao dọc đường bức ảnh bị rơi xuống sông.
Ba tháng sau, một phụ nữ trong lúc đi mò cua bắt ốc đã vô tình vớt được bức ảnh. Khung ảnh còn nguyên nhưng hình ảnh không còn. Một lớp bùn đen đã phù lấp. Ông Thành hay tin đến xin lại đem bức ảnh về nhà dùng mọi cách để rửa nhưng không thể. Ảnh bị mờ ngã màu vàng nên ông đành treo ảnh trên mái hiên nhà để che mưa nắng. Trong một lần giúp con chuyển nhà, ông Hạt vô tình nhìn thấy nên đã đem bức ảnh về nhà đặt trên tủ thờ.
H4: Cầu La Mã
Pháp tiếp tục bố ráp. Một chiếc tàu Pháp chạy dọc theo con rạch bắn phá lung tung. Nhiều nhà dân trong đó có nhà ông Hạt bị đạn bắn tan tành. Chỉ còn tủ thờ và tấm vách lá phía sau trong nhà ông Hạc là còn nguyên vẹn. Im tiếng súng, mọi người trở lại xem bất ngờ phát hiện bức ảnh vốn đã bị phai nhạt hết hình, nay lại nổi lên rõ ràng. Chỉ còn mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng vẫn lu mờ. Tin này lan truyền ra được các giáo dân tôn sùng như phép lạ.
H5: Bức ảnh hiện được trưng bày bên trong thánh đường nhà thờ La Mã
Bức ành được đưa về nhà thờ La Mã. Trong một lần cung nghinh bức ảnh từ họ đạo La Mã đến họ đạo Cái Sơn, các giáo dân có dịp chứng kiến thêm một lần nữa bức ảnh biến đổi.Mũ Triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng hiện ra thật rõ ràng. Những nhăn nhúm ố vàng và có nhiều lỗ thủng đã biến mất. Phép lạ thứ hai của bức ảnh. Bức ảnh được trả về lại cho nhà thờ La Mã và hiện nay được đặt bên trai thánh đường.
H6: Nơi tưởng niệm Mẹ lộ hình
Chúng tôi đã cùng nhau tìm đến đoạn sông nơi bức ảnh được vớt lên gần cầu La Mã. Nơi đây từng có một đài kỷ niệm nhưng đã bị chôn vùi. Hiện chỉ còn một đài kỷ niệm sát bờ sông, nơi nhà ông Hạt khi xưa.
Đi trên đường La Mã, vào viếng nhà thờ La Mã rồi qua cầu La Mã đến bờ sông La Mã xem như chúng ta đã đến được La Mã rồi. Một chuyến "xuất ngoại" với câu chuyện tâm linh cũng là điều thú vị trước khi đón chào năm mới.
Trần Chánh Nghĩa