-
KON TUM THƯƠNG NHỚ
(28/01/2019 15:01:24)
-
Đồng chí Nguyễn Đình Thi, CCB E24, là Quản trị website BẠN CHIẾN ĐẤU B3 TÂY NGUYÊN, hiện đang sống tại Hanoi. Là một người lính đã từng gắn bó máu thịt với chiến trường Tây Nguyên, anh luôn có những tình cảm sâu nặng với vùng đất Tây Nguyên bất khuất. Anh đã nhiều lần trở lại Tây Nguyên cùng các đồng chí, đồng đội thăm lại mảnh đất Anh hùng này và ghi lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Anh vừa gởi bài viết về tham gia trang Báo Xuân Kỷ Hợi 2018 của website E24.com.vn. Cám ơn anh Nguyễn Đình Thi và xin trân trọng giới thiệu bài viết này tới các đồng chí, các bạn... (Admin: Nguyễn Mạnh Bình)
KON TUM THƯƠNG NHỚ
(Nguyễn Đình Thi - E24)
Hẹn hò trở lại Tây Nguyên nhưng rồi cứ lấn bấn công việc mãi tới hôm nay tôi , Phong - Cục phó Cục thuế Yên Bái , bác sỹ Cao Độc Lập - Phó Giám đốc Bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc và anh Lê Đức Phóng - Vụ trưởng Bộ Tài chính mới dứt việc ra đi được . Cũng như bao người lính chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên , việc trở lại thăm Tây Nguyên là một điều chắc ai cũng từng mong ước . Với tôi cũng vậy . Không hiểu sao tôi đã đi nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S và một số nơi trên thế giới , nhưng lần đi Tây Nguyên này tôi có một cảm xúc thật khác lạ . Nó giống cảm xúc của một người con xa quê lâu lắm rồi , mong được trở về quê . Nhớ năm ấy , đầu năm 1972 , chúng tôi đến Tây Nguyên , ai trong số mấy anh em chúng tôi cũng còn trai trẻ , thế mà hôm nay trở lại , nhìn ai tóc cũng pha sương cả rồi . Đời người kể cũng nhanh thật , ngoảnh đi , ngoảnh lại loáng một cái mà đã gần bốn chục năm .
9 giờ , máy bay chở chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột . Tôi nhận ra Tây Nguyên đầu tiên là khi máy bay đỗ xuống sân bay . Trời trong xanh cao vút . Gió lồng lộng thổi . Không khí mát mẻ , thật dễ chịu . Khác hẳn với thời tiết sáng nay chúng tôi ở Hà Nội , vừa lạnh , vừa mưa lép nhép do gió mùa đông Bắc tràn về . Có lẽ ở đất nước mình chả có nơi nào có cái nắng , cái gió lại dễ chịu như ở đây - Buôn Ma Thuột .
Anh Ngô Duy Chuyên - bạn tôi , đón chúng tôi ở ngay cửa nhà ga sân bay . Tôi không ngờ sân bay Buôn Ma Thuột giờ vừa đẹp , vừa rộng đến thế . Ngày trước sân bay này chủ yếu phục vụ cho quân sự , chỉ lèo tèo có mấy dãy nhà thế mà giờ đã trở thành nhà ga Quốc tế . Do đời sống người dân ở đây giờ khá giả nên việc đi lại bằng máy bay , kể cả với bà con dân tộc cũng hết sức bình thường . Sân bay luôn nhộn nhịp khách đi lại .
Rời sân bay , anh Chuyên cho xe đưa chúng tôi dạo quanh thành phố . Tôi không còn nhận ra cái thị xã Buôn Ma Thuột 37 năm trước mình đã chiến đấu ở đây . Rất nhiều nhà cao tầng , khách sạn , nhà hàng mọc lên . Khu sân bay trực thăng thị xã , trước kia là vùng đất trống , rộng mênh mông giờ thành cả một dãy phố lớn , nhà cửa san sát . Gần trưa xe đưa chúng tôi về thăm khu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của quân Ngụy Sài Gòn trước đây , nơi tôi và anh em trong Tiểu đoàn 4 đã chiến đấu trong 2 ngày 10 và 11/3/1975 . Thú thật nếu anh Chuyên không giới thiệu thì tôi hoàn toàn không nhận ra khu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , vì nơi này khác trước quá , không còn một dấu tích gì để lại . Nơi đây giờ là Cơ quan Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc , nhà cửa rất khang trang , đẹp đẽ . Theo đường Mai Hắc Đế chúng tôi đi về khu cửa mở năm xưa . Đường Mai Hắc Đế chính là đường 429 trước đây , giờ đường được mở rộng . Nhà cửa 2 bên đường giờ mọc lên kín mít , không còn những bãi đất trống như năm xưa . Đi trên con đường mà tôi cùng đồng đội tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 năm nào lòng tôi ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ , bao nhiêu khuôn mặt đồng đội tôi hy sinh dọc theo con đường dài trên 1 km này lại lượt hiện lên , anh Trương Quang Oánh - Tiểu đoàn trưởng , anh Dương - đại đội trưởng , anh Tám - Chính trị viên , anh Trịnh Sơn Then - nhạc sỹ , em Hứa Kim Động , em Bùi Đức Chín ... Cũng trên con đường này có một câu chuyện đến giờ tôi vẫn còn day dứt . Sáng 11/3/75 , trong lúc trận chiến giữa ta và địch ở đây đang diễn ra ác liệt , bỗng tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc . Nhìn ra đường 429 , tôi thấy 2 cháu bé gái , một cháu chừng 3 tuổi , một cháu chừng 5 tuổi , vừa chạy , vừa khóc gọi mẹ . Đứa em còn nhỏ quá chạy không nổi , ngã liên tục . Tôi đoán có lẽ lúc chạy tránh đạn mẹ con các cháu lạc nhau . Cũng có thể mẹ các cháu đã chết . Tiếng khóc gọi mẹ của trẻ nhỏ giữa bom đạn nghe thê lương làm sao . Chưa bao giờ trong đời tôi lại chứng kiến cảnh đau lòng đến vậy . Tôi quyết định phải cứu các cháu . Rồi nói nhanh với Tân Khải Thanh - chiến sỹ đi cùng tôi lúc đó :
- Anh bắn yểm trợ , em chạy nhanh ra bế 2 cháu vào đây !
Nói rồi tôi bắn một loạt AK sang phía bên kia đường , Thanh nhào ra , 2 tay ôm 2 cháu chạy vào . Con lớn bị một viên đạn AR15 xuyên lòng bàn tay , con nhỏ cũng bị một viên đạn xuyên qua bắp thịt cánh tay . Băng bó vết thương cho 2 cháu xong , Thanh lấy kẹo cao su ở gùi ra cho mỗi đứa một chiếc . Vừa cho ăn , vừa dỗ . Con chị ăn biết nhả bã , con em nuốt cả . Các cháu ở với chúng tôi 2 ngày tại Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy . Tối 12/3 , khi chúng tôi đi đánh quân phản kích , tôi đã bàn giao 2 cháu cho đơn vị bạn . Đã 37 năm qua tôi không biết tin tức gì về 2 cháu . Không biết 2 cháu sau này thế nào ? Các cháu có tìm gặp lại được cha mẹ cháu không ?
Ở Sư đoàn 320 một buổi tối . Sáng hôm sau chúng tôi chia tay các anh trong Bộ Chỉ huy Sư đoàn 320 , về Sư 10 - đơn vị cũ của chúng tôi đang đóng quân ở Kon Tum . Đây là lần đầu tiên tôi được đi ô tô trên con đường này . Cảm xúc thật rạo rực . Thời chiến tranh mỗi lần vượt đường 14 về phía sau lấy gạo , đạn chúng tôi đều phải đi đêm , trinh sát phải rải ni lông ngang qua đường để bộ đội vượt qua , chúng tôi thì ngó trên , ngó dưới rồi chạy thật nhanh qua đường sợ địch phát hiện . Đi ô tô trên đường 14 mà ngắm nhìn Tây Nguyên thì thật tuyệt vời . Có lẽ chỉ có đi ô tô trên cao nguyên mới thấy hết được vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên , bầu trời ở đây hình như nó cao hơn ở mọi nơi trên đất nước mình . Trời trong xanh , cao vút . Cao nguyên mênh mông , xanh thẫm , xa tít tắp nhìn không chán mắt . Có đi trên đường 14 của những năm chiến tranh và giờ đi trên con đường này trong khung cảnh đất nước hoà bình mới thấy giá trị cũng như ý nghĩa của những ngày đang sống sâu sắc biết chừng nào . Đối với những người lính Tây Nguyên không ai là không nhớ con đường này . Thời chiến tranh suốt từ km 28 đến km 13 từ Gia Lai sang Kon Tum , 2 bên con đường này địch phát quang tới vài trăm m , bom , pháo địch dội vào các trận địa chốt của ta ở đây nhìn chỉ thấy một màu đất đỏ lòm . Đây là con đường máu lửa nhất ở Tây Nguyên những năm chiến tranh . Đường 14 giờ thật đẹp , đường được mở rộng hơn nhiều số với trước . Nhà cửa 2 bên đường mọc lên san sát . Nhiều ngôi nhà với kiến trúc vừa dân tộc , vừa hiện đại trông rất bắt mắt . Đi trên con đường 14 năm nào lòng tôi bồi hồi bao nhiêu cảm xúc . Đây núi Chư Thoi , Chư Tút địa danh mới nghe tôi đã thấy nao lòng . Ngày mới vào chiến trường , Trung đoàn 24 của tôi đã chiến đấu đánh cắt giao thông ở đây . Những ngày đánh cắt giao thông năm 1972 thật gian khổ , ác liệt . Bao nhiêu bạn bè tôi vừa chân ướt , chân ráo vào tới chiến trường đã nằm lại ở nơi này . Đã hơn 40 năm rồi mà vẫn chưa tìm thấy xác .
11 giờ trưa , Đoàn về tới Sư 10 đang đóng quân tại thành phố Kon Tum . Chưa kịp cơm nước , chúng tôi đến nhà bia tưởng niệm của Sư đoàn thắp hương . Nhìn những cái tên bạn bè thân thuộc Trịnh Sơn Then , Phạm Đức Thành , Tống Hồng Điệp , Trương Quang Oánh , Nguyễn Văn Nhanh , Nguyễn Đức Kiên ...khắc trên bia đá tôi không sao kìm nổi nước mắt . Các anh khoát ba lô cùng tôi từ Đông Triều - Quảng Ninh vào đây . Bao năm tháng khó khăn , gian khổ luôn có nhau . Ngày toàn thắng tôi trở về các anh thì nằm lại . Nghĩ buồn thương quá . Tại nhà bia tưởng niệm này đã khắc tên tròn 1 vạn cán bộ , chiến sỹ của Sư đoàn hy sinh từ ngày thành lập . Thế là có một Sư đoàn 10 nữa nằm dưới lòng đất . Thế là có 1 vạn bà mẹ , người vợ lính Sư 10 mất con , mất chồng . Thật xót xa ! Chiến tranh là vậy . Dù là bên thắng hay bên thua , nghĩ cho cùng cũng đều thua cả .
13 giờ , cơm nước xong , chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình từ Kon Tum về Đắc Tô . Chúng tôi dừng xe ở đài tưởng niệm 601A để thắp hương cho đồng đội . 601A , 601B là đỉnh điểm đối đầu giữa ta và địch suốt từ tháng 4/1972 đến tận ngày giải phóng . Đứng trên đồi 601A tôi nhìn thấy cả Ngọc Bay , Ngô Trang , 751 , 674 , Đồi Tròn , Trung Nghĩa , Võ Định , Cống 3 lỗ , Bãi Ủi , Kông Trang Cò Lả .... Nơi đây giờ ngút ngàn màu xanh của càfe , chè , thật đẹp . Những năm chiến tranh đứng ở đây nhìn chỉ thấy một màu đất đỏ lòm do bom đạn địch cày xới . Mảnh đất này ngày ấy khốc liệt chẳng khác nào Quảng Trị . Bom chồng lên bom , pháo chồng lên pháo . Nhìn vào nơi nào ở đây tôi cũng thấy máu xương đồng đội .
Dời 601A , xe chúng tôi tiếp tục chạy về Tân Cảnh . Tôi để ý quan sát làng Diên Bình , đây là một ngôi làng nằm cạnh đường 14 , nhưng để ý mãi vẫn không thấy đâu , chỉ thấy mênh mông nước . Hỏi ra mới biết làng Diên Bình xưa , giờ đã chìm trong nước do việc xây dựng thủy điện . Nghe làng Diên Bình giờ chìm trong nước , không còn nữa tôi thấy lòng buồn buồn . Thật tiếc ! Thời chiến tranh , Diên Bình - làng giải phóng duy nhất của tỉnh Kon Tum là người Kinh . Đây là một ngôi làng rất đẹp , bằng phẳng , trải dài theo sông Đak Bla . Làng , có rất nhiều cây ăn trái . Những năm chiến tranh lính chúng tôi thường gọi Diên Bình là Thủ đô . Mỗi lần có việc đi ra phía sau , được ghé qua làng Diên Bình là một điều mơ ước với lính . Bởi đến Diên Bình là được nhìn thấy phụ nữ , đấy là khát khao với những người lính ở Tây Nguyên lúc bấy giờ . Đặc biệt là được nghe chất giọng nhè nhẹ mà rất ngọt ngào của các cô gái ở đây . Không biết có đúng không , riêng tôi thì thấy chả có tiếng con gái ở đâu lại ngọt ngào , dễ thương như tiếng con gái miền Nam !
15 giờ , xe chúng tôi tới thị trấn Tân Cảnh . Dừng xe ở ngã ba thị trấn , tôi lang thang đi bộ ngắm nhìn thị trấn . Tôi nhớ . Cuối năm 1972 khi chúng tôi đến đây , thị trấn này thật hoang tàn . Không một bóng người dân , nhà cửa không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn . Nay thị trấn thật đẹp , phố xá nhộn nhịp , rất nhiều cửa hàng , cửa hiệu .
Dời Tân Cảnh , xe chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Play Cần . Mặc dù xe chạy rất nhanh nhưng tôi vẫn nhận ra căn cứ 42 , sân bay Phượng Hoàng , Ngọc Rinh Rua , Ngọc Bờ Biêng , Ngọc Tụ , Chư Mon Ray , Ngọc Ko Tang , Ngọc Hồi ... Đi đến đâu trên mảnh đất Kon Tum này tôi cũng thấy bồi hồi xúc động , đi đến đâu tôi cũng thấy tuổi xuân mình hiện về , đồng đội tôi hiện lên . Tôi ao ước có nhiều sức khỏe để được nhiều lần trở lại Kon Tum , mảnh đất nặng tình , nặng nghĩa , cả đời tôi không bao giờ quên
__
N.Đ.T