-
LÃO HEO GIÀ VÀ CÂY XOÀI MÚT
(18/01/2019 16:01:09)
-
Nhân dịp xuân Kỷ Hợi, trang Báo Xuân 2019 của E24 xin trân trông giới thiệu một truyện ngắn rất... lính của nhà văn Phùng Phương Quý. Cảm ơn nhà văn đã nhiệt tình tham gia gởi bài cho chuyên mục về Mùa Xuân trên website E24 của chúng tôi...
LÃO HEO GIÀ VÀ CÂY XOÀI MÚT.
(Truyện ngắn: Phùng Phương Quý)
Nhà văn Phùng Phương Quý |
Ông xã tui lùa bò vô chuồng xong, ngồi châm điếu thuốc lào, rít tanh tách, phả khói mù mịt. Má ơi! Không hiểu sao tui lại chịu được cái mùi khói thuốc khét nồng say đó. Hồi mới yêu nhau, tui cấm ổng hút thuốc lào, còn tuyên bố muốn lấy vợ miền Đông thì nên xa chiếc điếu cày ra. Đàn ông con trai gì, hút thuốc lào cái miệng hôi như hang nhím. Đôi lúc muốn hun ổng miếng mà …mắc ói! Rồi ổng bỏ thuốc lào để cưới được tui. Nhưng sau này dắt nhau về Phú Thọ, mùa đông lạnh quá, thấy ông xã ngồi dòm bạn bè hút thuốc lào, nước miếng nhểu nhểu, tui tội nghiệp cho hút lại, rồi cũng quen mùi khói thuốc lào lúc nào không hay.
-Tết này sáu mươi đó nha ông! Bớt thuốc lào đi!
Ổng hứng lên, chơi thêm mồi thuốc nữa, vừa nhả khói vừa ho:
-Tết này … hụ… hụ! Vô với ngoại!
-Hả? Bộ mới trúng số? Tiền đâu mua vé, quà cáp?
-Tôi sẽ lo! Không phải việc của em!
Vậy đó, cái giọng gia trưởng . Khi nào cũng coi vợ như kẻ dưới quyền, không bình đẳng. Ừa, ông tự lo nha! Đừng có hỏi mẹ thằng Trung ơi, còn tiền không? Kinh tế gia đình một tay tui quản lý, từ hơn bốn triệu lương hưu của ổng tới các khoản bán chuối, bưởi, heo, gà. Năm nay, tại con Huệ mới vô đại học, phải lo một cục cả tiền học lẫn tiền nhà trọ xém xém ba chục triệu. Tiền đâu nữa mà ổng đòi đưa cả nhà vô Tây Ninh ăn Tết? Ông xã đúng là người cõi trên mà, đâu có biết chuyện cơm áo, gạo tiền trong nhà tui phải lo ra sao. Ghét thiệt chớ! Nói thầm trong bụng kẻo mắc tội, chứ mấy năm nay tui hay khó chịu vì tính khí của chồng, không hiểu sao lấy ông chồng già hơn mình đúng một con giáp. Chồng tui tuổi Kỷ Hợi, tròn sáu mươi, ngày xưa được ra làng khao lão rồi. Còn tui cũng tuổi con heo nhưng là Tân Hợi, bốn mươi tám, đang độ hồi xuân. Hồi năm “chín mốt”, khi tui đồng ý đám cưới với ổng, ông thầy coi tuổi nói vợ chồng tui xung khác lắm. Ổng mệnh Mộc, tui mệnh Kim, coi chừng lấy tui ổng chết trước. Nhưng hồi đó tụi tui mê nhau, bỏ qua, lại thêm ổng tuyên bố:
-Tôi già hơn, chết trước đúng rồi! Chẳng xem cũng biết!
Vợ chồng tui chắc do duyên nợ. Chứ hồi ổng còn là bộ đội ở nhờ trong nhà, tui mới bảy tuổi. Những năm đó, tiếng đạn pháo xé nát giấc ngủ tuổi thơ dọc biên giới Tây Nam. “Pôn Pốt” là con quỷ dữ, mỗi khi người ta đem ra hù dọa là đám con nít tui đang khóc cũng im re, mặt mũi xanh lét. Từ khi có mấy chú bộ đội tới, nỗi sợ hãi của tui hết luôn.
-Pôn Pốt là một lão già xấu xí, không đáng sợ ! Để bữa nào chú bắt nó về đây chobé coi!
Chú bộ đội người dỏng cao, da trắng thư sinh tên gọi là Tiến, nói với tui vậy. Tui thơ ngây:
-Rồi chú cho con thằng Pôn Pốt nhen? Con mắc nó vô xe bò chở đá cho ba.
-Ừ! Cho nó kéo xe bò!
Có mấy chú bộ đội miền Bắc ở trong nhà thiệt vui. Họ dạy tui rất nhiều bài hát thiếu nhi. Chú Tiến còn dạy tui bài hát người lớn. “Ngày đầu tôi lên đường nhập ngũ/ Cô em tiễn chân ra đầu làng/ Lòng vui vui sao lại nhớ/ Ấy nhớ cô mình nhớ cả người thân”. Tui ca bài đó tối ngày, mấy cô quân y cười ngất, chọc:
-Bộ Út muốn yêu bộ đội hả?
-Dạ! Mai mốt con cưới chồng bộ đội!
-Há há há! Rồi chọn ai chưa?
-Dạ rồi! Chú Tiến nè!
Chú Tiến rít một hơi thuốc lào, bẹo má tui, tưng tửng:
-Ừ! Lớn nhanh lên chú chờ!
Cuộc chiến tranh biên giới thật tàn khốc. Các cô chú bộ đội hy sinh nhiều lắm. Ba tui thường giúp đơn vị bộ đội khâm liệm, chôn cất liệt sỹ. Tui mừng vì chú Tiến …không chết. Sau năm một chín bảy chín, giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng, chú Tiến cùng đơn vị chuyển qua biên giới, công tác trên nước bạn. Tui nhớ chú, mỗi tuần viết một lá thư. Thư chú gởi về, có dặn bé Út ráng học giỏi, mai mốt lớn chú đưa ra Đền Hùng chơi. Năm tui học lớp mười, chú Tiến có ghé thăm nhà trước khi chuyển ra Bắc. Chú mang về một cây xoài nhỏ, xin ba trồng ở góc vườn.
-Giống xoài này, bên ấy họ gọi là xoài mút bác Hai ạ! Trái nó nhỏ nhưng ngọt và thơm lắm, phải vừa ăn vừa mút mới ngon.
Thấy tui đã phổng phao thành thiếu nữ, chú tròn mắt, ngạc nhiên:
-Ối trời! Lớn thế này rồi hả Út!
-Có người hứa đưa Út ra đền Hùng đó nha!
Chú cười hì hì:
-Nhớ rồi! Nhớ rồi! Ráng chăm tưới cho cây xoài giúp chú, khi nào nó có trái thì chú đón ra Bắc.
Tui đòi ngoéo tay. Ừ ngoéo thì ngoéo! Chú Tiến hôn nhẹ lên trán tui, nụ hôn có vương mùi thuốc lào. Lúc đó tui thấy lòng bất chợt chao đảo, như say mùi thuốc ấy.
Mùa xuân rậm rịch từ áng mây trắng đội nón trên núi Bà, bảng lảng bay về trước nhà, đậu rung rinh trên mấy cây mai chúm chím nụ vàng. Tui cảm thấy trong cơ thể thiếu nữ một chuyển động kỳ lạ, y như một nụ hoa đang muốn bung ra khoe sắc cùng xuân. Cây xoài mút dù vướng víu giữa góc vuông của hai hàng rào thép B40, vẫn nhoi lên khỏi sự níu kéo của mấy bụi ớt hiểm. Năm nay, cây xoài mút ra trái rồi đó. Chú Tiến thuốc lào thì mất tăm. Tui có ý chờ thiệt. Cái người tự dưng thả xuống một lời hẹn vu vơ, làm tuổi thơ tui xao động.
Tui muốn vô học trường Cao đẳng sư phạm tỉnh, nhưng thi trượt. Có đứa bạn rủ về thị xã học nghề may, tui xin ba má tiền làm học phí. Học được ít bữa mới thấy mình không hợp nghề này, tui nản. Nghề gì mà tối ngày ngồi một chỗ, nghe tiếng máy kêu nhức đầu, thêm hai bắp đùi mỏi nhừ vì phải đạp liên tục. Thôi về trồng mì trồng mía với má còn hơn. Cuối tuần tui về nhà, tính kêu than má cho bỏ nghề. Con đường vô nhà tui lầm đất, những rãy mì hai bên phủ một lớp bụi đỏ. Bữa nay có một chiếc xe khách mười lăm chỗ đậu ngay sân, trong nhà nói cười râm ran, mà toàn tiếng Bắc. Tự dưng con tim tui đập rộn, có lúc muốn nghẹt thở. Tui bước vô sân, tai bỗng nghe tiếng rít điếu cày tanh tách. “Chú Tiến!”. Trong lòng tui reo lên như vậy.
Ba tui bày mâm nhậu ngay dưới cây xoài trái non lúc lỉu. Những dáng đàn ông ngồi nghiêm ngắn hoặc gù gù, hoặc ngả lưng chống tay quanh mâm. Ba tui nhậu sắp tới bến, mặt đỏ tím lịm. Ổng đang khoát tay nói với một chú lớn tuổi:
-Thằng Hậu giữ kho tao nhớ mà! Nó hiền khô, nhát gái lắm. Bữa chiều đó vừa ăn cơm, trên Xa Mát pháo giặc nổ rầm trời. Thằng Hậu cũng xách súng lên xe, ba giờ sáng xe chở thương binh, tử sĩ về, tao thấy có nó nằm trong võng, miệng như mỉm cười.
Chú lớn tuổi có lẽ là người nhà liệt sĩ, hỏi xem mộ chú Hậu ở đâu. Ba tui nói chắc:
-Quy tập hết ngoài nghĩa trang liệt sĩ rồi! Nhậu xong, tao đưa ra tới nơi.
Chú Tiến là người nhận ra tui đầu tiên, liền nhỏm dậy chạy tới đón chiếc xách lỉnh kỉnh áo quần, sách vở. Chú xuýt xoa:
-Trời nắng vầy mà lội bộ từ ngoại thị trấn về hả? Sao không đi xe ôm?
-Dạ…! Tại hết tiền rồi!
Tui nói xạo vậy, chứ về tới thị trấn là kêu một thằng đệ chở về, nhưng không cho nó vô nhà.
Bữa sau, tui theo ba đưa cả đoàn tìm mộ ra nghĩa trang liệt sĩ. Ông quản trang nhiệt tình giở hết mấy cuốn sổ danh sách liệt sĩ mà không tìm thấy tên Cù Văn Hậu. Tui cũng xăn tay áo nhào vô đánh vật với những dòng chữ hoen mờ. Dò riết những trang có vần H mà không thấy tên chú đâu. Ba tui sốt ruột, đổ quạu:
-Con khỉ! Theo tao lên nghĩa trang! Chỗ liệt sĩ đơn vị QĐ10 nằm, tao rành mà.
Tìm kiếm một hồi, mọi người phát hiện một ngôi mộ có tên Chu Văn Đậu, mà mọi thông tin đơn vị, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hi sinh đều khớp với liệt sĩ Cù Văn Hậu. Ba tui cam đoan đây là mộ chú Hậu:
-Mấy đứa làm bia mộ, viết lộn tên thôi.
Việc tìm và chuyển mộ chú Hậu xong, chuyến xe ra Bắc thêm một người, đó là tui. Chú Tiến xin phép cho tui ra thăm miền Bắc, ba má ngần ngừ một hồi rồi cũng đồng ý. Sau chuyến thăm thú miền Bắc, chủ yếu về cho biết nhà chú Tiến, hai đứa tui yêu nhau. Tui chuyển gọi chú Tiến qua anh Tiến nhẹ hều. Khúc này không kể lại, mắc cỡ. Đại để là cũng tỏ tình, nắm tay nắm chân, hôn hít, nhưng anh Tiến lớn tuổi rồi, không có lãng mạn, dữ dội như đám trẻ. Bữa dắt tui vô Nam lại, ảnh thưa chuyện với ba má xong, liền ra góc vườn, đứng lặng hồi lâu bên cây xoài mút đùm đề trái. “Cám ơn xoài nhá! Nhờ mày mà tao có được em Út!”.
Tui về làm dâu nhà anh Tiến, cũng thoải mái vì bố mẹ chồng đều qua đời, hai cô em gái đã lấy chồng, ở riêng. Anh Tiến công tác ở phòng Nông nghiệp huyện. Ảnh xin cho tui vô Cao đẳng sư phạm, rồi về dạy tiểu học ngay gần nhà. Mấy năm đầu còn chạy ra, chạy vô thăm bên ngoại, tới hồi tui sinh một lèo hai đứa con cho ảnh, nên lâu lâu mới về Nam. Anh Tiến xin ba tui giữ cây xoài mút, đừng đốn bỏ. Ba cười móm mém:
-Cứ để nó đó, tốn nhiêu đất vườn đâu!
Lần này chỉ có vợ chồng tui với con Huệ vô ăn Tết. Thằng Trung mới ra trường trung cấp cảnh sát, phải trực tết ở đơn vị. Tiền vé, tiền quà, “lão heo già” giữ lời hứa lo chu tất. Hình như lão được trợ cấp một khoản tiền gì đó bên Hội cựu chiến binh. Tới nơi, vừa chào ba má vợ xong là ổng nhào ra vườn, thăm cây xoài mút liền.
-Em ơi! Mang cho anh xô nước!
Tui xách nước ra tới nơi, thấy ổng ngồi nhổ cỏ xung quanh gốc xoài. Một chùm trái nhỏ vàng ươm quẹt nhẹ trên đầu tóc, ổng nâng niu, vuốt ve.
-Cố sống thành cây cổ thụ như cây bên nhà nhá!
Ông xã tui nhận việc gói bánh tét cho bà ngoại. Vụ này ổng làm quen từ hồi ở lính, nên Tết nào tui cũng nhàn tênh. Ngày hai mươi chín tháng chạp. Những bó chuối được lau rửa sạch sẽ. Thau gạo nếp trắng thơm, đậu xanh đã xay, thịt ba rọi ướp tiêu hành. Ổng rít một hơi thuốc lào, rồi thong thả ngồi xuống. Chiếc bánh đầu tiên đã xong, gọn gàng, nhỏ xinh, không bự chà bá như bánh chưng ngoài quê chồng. Là nói vậy, chớ ngoài Bắc người ta có lá dong, dễ gói bánh lớn, chứ ghép mấy mảnh lá chuối như trong nầy, gói bánh tét là vừa. Tui đang nấu cơm, thấy ông xã nhào vô, hấp tấp.
-Cho anh một triệu đồng!
-Chi vậy?
-Anh lên cửa khẩu có việc gấp! Bánh tét ông ngoại gói rồi!
Ổng xách chiếc honda cũ của chị Hai, chạy một hơi, lúc đó tui mới giật mình lo lắng. Lão “heo già” liệu có hò hẹn với cô nào không? Hoặc có bạn bè kêu nhậu thì cũng nói với vợ một tiếng. Tui lo quá, gọi điện hỏi chừng nào về.
-Xong việc tôi về liền!
-Nói vậy bằng đánh đố! Đừng lộn xộn tết mất vui nha!
Thấy ổng cười hì hì. “Chồng em từ hồi nào em biết mà”. Ừa! Chồng tui không bao giờ cờ bạc, trai gái, chắc ổng có việc chi đó. Nhưng đêm đó chồng tui không về. Gọi điện thì “thuê bao hiện không liên lạc được”. Cả nhà lo lắng, nhưng tui không dám kêu than sợ ông bà ngoại lo thêm. Tới trưa ngày ba mươi, chồng tui vẫn biệt vô âm tín, ai cũng hỏi làm tui thêm quýnh. Trời đất ơi! Giờ này ổng nằm ở đâu? Còn sống hay đã bị sao rồi. Đang không chạy ra biên giới làm chi? Liệu có bị ám sát, bắt cóc đòi tiền chuộc không đây? Tui khóc lu loa như con nít, nhờ ông ngoại lên công an xã khai báo, ổng tỉnh rụi:
-Mệt quá mầy! Có gì mà báo với chồn! Từ từ tới giao thừa thằng Tiến cũng về!
Cả ấp rộn rịp đón giao thừa. Ông bà ngoại lui cui chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên. Tôi và con Huệ ngồi như tượng đá trước hiên, ngóng ra cổng. Ông xã ơi anh ở đâu? Em lo quá! Anh đừng bỏ mẹ con em mà đi. Giờ đây em không ghét tính gia trưởng của anh nữa. Em thấy nhớ mùi khói thuốc lào hôi khét của anh. Anh hãy về đi!
Tới gần nửa đêm thì ngoài ngõ có tiếng xe honda. Cả hai mẹ con tui đều lao ra. Phải lão “heo già” về không? Chiếc xe dừng trước sân, tắt máy, cúp đèn tối mù, nhưng tui nhận ra mùi thuốc lào quen thuộc.
-Lão già mắc dịch!
Không hiểu tại sao tui la lên như vậy, nhưng lại ôm chầm lấy chồng khóc nức nở. Lão già xoa lên vai tui.
-Anh xin lỗi! Công việc gấp quá, sang đất bạn điện thoại di động không dùng được!
Tui đấm lia lịa vô lưng ổng:
-Nhưng mà ông đi đâu từ sáng qua tới giờ? Nói!
Chồng tui bước vội vô nhà, chào ông bà ngoại, qươ chiếc điếu thuốc lào, hút liền hai điếu.
-Ba à! Con nhận được tin nhắn của cô Sô Liên bên Soài Riêng. Gia đình cô ấy phát hiện hai ngôi mộ bộ đội Việt Nam trong khi phát rừng làm rẫy. Con liền chạy qua xem thế nào. Có lẽ là mộ hai chiến sĩ thông tin D 4.
Ba tui cũng mừng.
-Vậy để tao báo cho đội K71 biết! Giờ lo ăn Tết đã!
Lão “heo già” kêu đói. Trong lúc tui đang dọn cơm cho ăn, thì lão khều tui lại, vòng tay xiết chặt hông vợ:
-Hai mẹ con ăn Tết xong, ra Bắc trước cho con Huệ kịp đi học. Tôi ở lại đưa hài cốt hai thằng bạn về nước!
-Chứ không phải hò hẹn với cô Sô Liên nào đó hả?
Chồng tui cười ngất.
-Sô Liên là cô gái từng băng bó cứu chữa cho anh, khi anh vấp mìn dưới gốc cây xoài mút đó. Chuyện ấy kể cho em nghe rồi mà. Sau này về nước, cô ấy cho anh cây xoài con mang về trồng làm kỷ niệm. Có vậy thôi.
Xuân Kỷ Hợi 2019
P.P.Q