-
45 NĂM, RẠCH ĐÁ BIÊN NGÀY ẤY...
(03/10/2018 03:10:10)
-
Hôm nay, kỷ niệm 45 năm ngày diễn ra trận đánh quyết liệt trong rừng tràm Đá Biên (Thạnh Hóa, Long An), với hơn 200 cán bộ và chiến sĩ của E207 (mà phần lớn là sinh viên các trường Đại học Xây Dựng, Kiến Trúc... Hanoi, đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh! Chúng tôi xin trích đoạn hồi ký của đồng chí đại tá Vũ Trung Kiên, nguyên cán bộ E207 viết về trận chiến bi hùng này, để chúng ta mãi nhớ: Cái giá phải trả cho ngày 30/4, cho cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay...
Cuối tháng 9 năm 1973, cả trung đoàn chuẩn bị bước vào chiến dịch mớii
Ngày 28/9/1973, tôi và anh Năm Thắng được mời về ban chỉ huy trung đoàn dự hội nghị quân chính. Đc Lê Chư (chính ủy) phổ biến nghị quyết Đảng ủy quân khu sau đó đc Bảy Thàng (Trung đoàn trưởng) triển khai và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị:
“Toàn bộ Trung đoàn được lệnh hành quân xuống vùng 6 Kiến Tường”, xuyên qua Đồng Tháp Mười luồn sâu sâu xuống Định Tường,Gò Công ( Để làm nhiệm vụ mở mảng, mở vùng, củng cố địa bàn đứng chân, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực của ta làm bàn đạp thực hiện những chiến dịch lớn, chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước).
Vậy là nhiệm vụ lần này của trung đoàn 207 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược quân sự của ta. Tất cả cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn đều cảm nhận rõ không khí khẩn trương sôi sục khí thế giải phóng đang lan rộng trên toàn thể chiến trường. Chúng tôi hào hứng chuẩn bị cho cuộc hành quân trở về Đất Mẹ, lòng thầm mơ về ngày toàn thắng…và Quê nhà dường như đang gần lại…
Ngày 29/9 tại cuộc họp chi bộ và hội đồng quân nhân, đại đội 20 thông tin được chia làm 2 bộ phận:
Bộ phận 1 do anh Năm Thắng và đc Cát chỉ huy có 1 đài 7w , ½ quân số máy 2 oát, hữu tuyến, truyền đạt.
Bộ phận 2 do tôi và đc Nói phụ trách, có đài 15 w, và quân số còn lại
18h ngày 30/9/1973, bộ phận 1 do anh Năm Thắng chỉ huy theo sở chỉ huy trung đoàn do anh Lê Chư chính ủy, anh Bảy Thàng trung đoàn trưởng cùng ½ quân số của 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần và các đại đội trực thuộc, C21, C19, C16, C17,C18,C25 cùng 2 tiểu đoàn bộ binh được lệnh hành quân. Bộ phận còn lại do anh Tư Dẫu phó chính ủy và anh Tư Công( lúc này anh Tư Công mới được điếu về làm trung đoàn phó ) chỉ huy dự kiến hành quân tiếp theo sau đó 3 ngày (trong đó có bộ phận thông tin do tôi chỉ huy).
Khi chia tay với tôi anh Năm Thắng còn cố căn dặn: nhớ cho đài 15w trực 24/24 để liên lạc với máy 7w của anh .
Máy 7w (Ấp Bắc) là loại máy vô tuyến điện báo có tầm liên lạc cự ly hàng ngàn km nhưng nguồn điện sài toàn bằng pin. Một lần nạp phải 3 lố pin đấu nối trực tiếp nếu mở máy 24/24 thì chỉ một ngày 1 đêm coi như nguồn điện đã sạch. Do vậy mỗi lần đi chiến dịch phải có 4-5 đc cõng pin cho “nó”.
4h sáng ngày 1/10/1973, các báo vụ của đài 7w đánh tín hiệu báo về đã cách chúng tôi khoảng 30km. Chúng tôi hiểu rằng “cánh quân” của anh Lê Chư và anh bảy Thàng đang dừng chân tại một vị trí nào đó để chuẩn bị đêm sau tiếp tục hành quân. Cả ngày hôm đó yên ả trôi qua.
18h ngày 1/10, đài 15w lại nhận được tín hiệu của đài 7w: Bộ đội tiếp tục hành quân (nguyên tắc của thông tin vô tuyến điện báo, các bức điện đều phải qua cơ yếu giải mã). Báo vụ chỉ có thể thông tin thông thường qua một số ký hiệu giản đơn.
5h sáng ngày 2/10/1973, đài 15 w tiếp tục nhận được tín hiệu của đài 7 w. Chúng tôi được biết “cánh quân” thứ nhất đã cách vị trí xuất phát khoảng 60km, (gần vị trí Ba Thu).
19h ngày 2/10/1973, đài 7w lại phát tín hiệu tiếp tục hành quân và chúng tôi hiểu rằng đoàn quân thứ nhất đã chuẩn bị vượt biên giới hành tiến xuống chiến trường miền Nam Việt Nam.
Tại nhà ban chỉ huy đại đội Thông tin ( C20 ) ở hậu cứ, tôi và đc Nói cùng với quân số ở lại, trong lòng đều cảm thấy rạo rực, nôn nao, vì trung đoàn 207 sắp trở về Đất Mẹ và chúng tôi cũng sắp sửa được tiếp bước. Khó ai có thể diễn tả đầy đủ và hết nhẽ những cảm xúc trong chúng tôi ngày ấy, khi chiến đấu triền miên trên đất bạn CPC, chỉ một tiếng Việt nhẹ nhàng thân thương, bất kể ở địa phương nào, cũng đủ gợi nhớ quê hương khôn xiết, huống chi lần này được lệnh “về hẳn”…
Đc Nói cho liên lạc thông báo xuống các bộ phận còn lại chuẩn bị sẵn sàng hành quân tiếp theo bộ phận phía trước. Nếu đúng như hợp đồng thì chỉ đêm sau là chúng tôi lại được tiếp tục cùng theo chân bộ phận phía trước đi làm nhiệm vụ. Được về chiến trường chính, “quê mẹ”, ai cũng bừng bừng khí thế phấn khởi… Đêm hôm đó, 2/10/1973, tôi và đc Nói thức sáng đêm bên anh em đài 15w. Các đc báo vụ cứ 2 giờ lại phải thay ca vào vị trí mang cáp tai và bàn tay không rời manip. Những tín hiệu: “tích tích tè tè” được liên tục nhận đến rồi lại chuyển đi. Để đủ nguồn điện cho máy 15w hoạt động thì một đc có sức khỏe phải ngồi quay cái máy Garuno nặng mấy chục kg liên tục không được ngưng tay. Do vậy dù có sức khỏe đến đâu cũng chỉ chịu đựng khoảng 1h là phải nhường lại cho người khác. Vậy nên biên chế cho đài 15w cả chục người mà chẳng “thấm tháp” gì..Công việc là vậy mà nhiều người có chịu hiểu cho đâu. Anh em chúng tôi nhiều lúc chỉ còn biết than thở với nhau.Thật đúng là “thối tai, chai đít, công ít, tội nhiều”, nhiệm vụ cứ âm thầm lặng lẽ, chiến công chẳng ai biết tới, nhưng khi có sơ suất thì “tội” nó “phơi bày” ra ngay.
Cùng một lúc phải liên lạc vượt cấp với quân khu, bộ chỉ huy chiến dịch, và bây giờ với sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn, nên anh em chúng tôi mệt rã rời, nhưng không ai bảo ai, tất cả đều ngong ngóng về phía đội hình hành quân thứ nhất của Trung đoàn.
Bỗng nhiên đài 7w của anh Năm Thắng mất liên lạc. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau 3/10/1973, đài 7w không có tín hiệu và mất liên lạc hoàn toàn. Ruột gan tôi rối bời và linh cảm chiến trường cho tôi biết đồng đội đang gặp hiểm nguy. Tôi lặng lẽ nhìn sang bên cạnh, anh Tư Dẫu và anh Tư Công cũng không kém gì tôi, trên gương mặt các anh hằn rõ sự căng thẳng và một nỗi lo lắng của những người chỉ huy cho đồng đội đang ở phía trước…Anh em chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau, trong lòng cồn cào như xát muối.
Tiếp ngày 4/10 rồi ngày 5/10/1973 đài 7w vẫn cứ “lặng thinh”. Máy PRC10 đem theo dự phòng cũng không phát sóng (bộ phận 2 chúng tôi vẫn chưa có lệnh hành quân).
6h sáng ngày 7/10/1973, thật bất ngờ và tôi thật sự không thể tin vào mắt mình: Anh Năm Thắng và đc Cát cùng đoàn quân đi trước lại quay trở về tới đơn vị. Nhìn anh em quần áo tả tơi, mặt mày hốc hác tôi hình dung ra được những gì đã xảy ra…
Phải 2 ngày sau, 9/10/1973, chờ cho anh Năm Thắng đã lấy lại sức và khỏe hẳn, chúng tôi mới được anh Năm kể lại câu chuyện xảy ra mấy ngày trước. Bởi nơi xảy ra chiến sự là vùng đất Kiến Tường cũ và là Long An ngày nay, nơi chôn nhau, cắt rốn của anh năm Thắng nên những chi tiết, sự kiện và diễn biến trận đánh anh nhớ chính xác hầu như là tuyệt đối. Qua câu chuyện của anh Năm Thắng, từng thời khắc lần lượt hiện ra:
Đúng 7 giờ tối ngày 2/10/1973, toàn bộ cánh quân thứ nhất của Trung đoàn được lệnh hành quân. Xuất phát từ khu Mỏ Vẹt biên giới Việt nam- Caămpuchia . Các trinh sát của quân khu đã rải quân bám địch từ trước và chốt ở các vị trí cần thiết để phối hợp với trinh sát Tỉnh Kiến Tường làm nhiệm vụ dẫn đường. Đi đầu là tiểu đoàn 1, rồi tới các đơn vị còn lại, sở chỉ huy Trung đoàn hành quân sau cùng. Đội hình thành một hàng dọc và khoảng 8h tối thì tới biên giới. Con kênh biên giới ngăn cách 2 vùng đất tuy nhỏ nhưng rất sâu vì lúc này đang là cao điểm mùa nước. Bộ đội ta được gần chục chiếc xuồng, mỗi xuồng có sức chở khoảng 10 người do lực lượng giao liên giúp đỡ vượt kênh. Sau đó tất cả hành quân bộ vượt cánh đồng nhắm thẳng hướng vùng 6 Kiến Tường.Bộ đôi ta được trang bị 1 cơ số đạn và một ruột tượng gạo để đủ ăn trong 7 ngày.
Như một con trăn khổng lồ, lặng lẽ trườn trên cánh đồng nước ngập mênh mông. Thường thường thì nước chỉ ngập ngang đầu gối. Gặp phải đoạn trũng thì ngập tới bụng. Cánh đồng lúc này toàn là lúa “trời” (loại lúa mọc tự nhiên ) nên đã ngoi khỏi mặt nước khoảng 20 – 30 phân (loại lúa này nước tới đâu thì nó ngoi theo tới đó).
Tiểu đoàn 1 đi đầu chủ yếu là lính tân binh của trường đại học xây dựng Hà Nội mới bổ sung. Bộ đội chưa quen hành quân vùng đồng nước nên tỏ ra uể oải và mau thấm mệt. Càng về khuya bộ đội ta thêm đuối sức, tốc độ hành quân càng chậm. Cứ khoảng 1h lại phải dừng tạm nghỉ vì đôi chân của các chiến sỹ ta đã mỏi tê (muốn rã rời). Nghỉ có nghĩa là tạm dừng cho chân đỡ mỏi. Hai chân vẫn đứng dưới nước có khi ngập sâu trong bùn đất. Ba lô, súng đạn, gạo vẫn đè nặng trên vai. Nhiều đc chiến sỹ ta không chịu đựng nổi nên trở báng súng chống xuống đất lấy mũi súng kê tạm ba lô để cho đôi vai khỏi bị tê buốt.
Tội nghiệp nhất là những bộ phận hỏa lực, phải cõng những quả đạn, những nòng pháo, những thân súng nặng nề nhưng đâu có dám quẳng xuống nước và đất bùn. Cánh anh Năm Thắng cũng chẳng thua kém gì. Cứ 2 người một máy vô tuyến nặng mấy chục kg kèm theo một khẩu súng. Nặng nề nhất vẫn là bộ phận 7w. Với lượng pin đem theo để có đủ nguồn điện phục vụ chiến dịch, nếu lỡ để ướt thì kể như đi “toi”, mạch máu của trung đoàn coi như bị đứt.
Sau 8 – 9h đồng hồ hành quân liên tục, bộ đội ta hầu như kiệt sức, nhiều đc đã đổ bớt gạo nhưng súng đạn vẫn phải bảo quản tuyệt đối (thà nhịn đói chứ không thể để mất phương tiện chiến đấu).
MB và VTK trên rạch Đá Biên về miếu Bắt Bỏ |
Nơi đây thực sự là một địa hình bất lợi cho ta, bởi vì cánh đồng rộng mênh mông và hết sức trống trải.Cánh đồng này được mệnh danh là cánh đồng “chó ngáp” bởi nó rất rộng, bà con địa phương ví nó rộng đến nỗi chó chạy mêt nhoài nên phải “ngáp ngáp”. Bộ đội hành quân cực kỳ vất vả, đi liên tục không được nghỉ để kịp vượt cánh đồng trước khi trời sáng. Cả cánh đồng ngập toàn nước lâu lâu gặp được một ụ mối hay gò đất bằng cái chiếu trồi lên khỏi mặt nước nhưng chẳng ai dám “bén mảng” tới ( kiến lửa, kiến mối, có khi có cả rắn, rết vì xung quanh nước đã ngập hết nên chỗ này là nhà trú ẩn của chúng). Nhiều đc mệt quá,.liều mạng “sà” vào đã bị kiến đeo
Đội hình đóng quân của Trung đoàn thành 3 cụm liên hoàn.
Trung đoàn bộ (sở chỉ huy tiền phương) và ba cơ quan: tham mưu, chính trị, hậu cần (cũng rất gọn nhẹ) cùng các đơn vị trực thuộc C16, C17, C18, C21, C25).Thành 1 cụm.
Tiểu đoàn 1 cách sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn khoảng hơn 1 km về hướng đông;
Tiểu đoàn 3nằm sát nách sở chỉ huy tiền phương về hướng tây.
Khu vực này lúc đó có tên gọi là ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường (và bây giờ là ấp Đá Biên xã Thạnh Phước huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An). Đây là một địa danh nằm trong vùng Đồng Tháp Mười có đường chim bay về phía biên giới CPC khoảng hơn chục km và cách thị xã Mộc Hóa (căn cứ Tiền phương của sư đoàn 9 quân Ngụy Sài Gòn ) khoảng 20 km. Cách sông Vàm Cỏ Tây khoảng 7km. Một vùng đất lúc đó thật hoang vu lâu lâu mới bắt gặp một vài nhà dân, làm lán trại rất tạm bợ để trông coi những đám tràm và sống bằng nghề giăng câu, đặt lợp, đến mùa thì đi mót lúa trời (một loại lúa mùa tự mọc từ những gốc rạ của các vụ năm trước).
Bởi quá mệt mỏi, gần như đã kiệt sức qua một đêm hành quân, lội nước: “Bụng đói, gối mỏi, chân chồn…”, nên khi được lệnh dừng chân bộ đội ta tưởng chừng như vớ được “vị cứu tinh” vội vàng sà ngay vào những đám tràm, vắt ba lô, súng đạn lên cành cây, giăng võng để ngã lưng.
Dưới lưng võng của bộ đội ta chỉ cách vài tấc toàn nước là nước nên các chiến sĩ nuôi quân “khỏe re” vì chẳng thể nào nấu nướng gì được, và bộ đội ta phải nhai lương khô, gạo rang, hoặc ăn gạo sấy (một loại gạo trong bịch nilon nếu đổ nước sôi vào thì 5 phút thành cơm nóng, còn nước lạnh thì phải 30 phút thành cơm nguội ăn lạt thếch). Mà ở giữa vùng sóng nước như thế này thì cũng chả đào đâu ra được nước sôi.
Dù vậy, các chiến sỹ ta cũng chẳng thèm quan tâm đến “cái bụng” lúc này đã trống rỗng vì đã qua hơn chục tiếng đồng hồ chưa có cái gì bổ sung cho nó. Vừa đặt lưng lên võng là các chiến sỹ ta đã “thiếp” đi ngay. Cả một khu rừng Tràm non mênh mông yên ả đến lạ kỳ.
Những chiếc võng được giăng ngay trên hai thân Tràm yếu ớt nhè nhẹ đung đưa. Những khuôn mặt còn búng ra sữa nhưng đã hốc hác, nhợt nhạt chìm vào trong giấc ngủ ngon lành, gợi nhớ lại lúc còn nhỏ cũng được nằm trên những chiếc võng đan bằng sợi gai, lỗ to bằng bàn tay, được mẹ ru qua những trưa hè. Đây chính là những sinh viên của trường Đại học Xây dựng Hà Nội còn đang ngồi trên ghế nhà trường, xếp bút nghiên theo tiếng gọi non sông vượt Trường Sơn vào chiến trường Miền Nam chiến đấu để giải phóng đồng bào.
Trong buổi sáng sớm yên ả dưới những vạt Tràm thưa thớt ấy, chẳng ai có thể ngờ được lại là buổi sáng cuối cùng của những chàng trai trẻ của trung đoàn. Chẳng ai có thể ngờ được rằng đội hình hành quân đã bị lộ.
Đúng 8h sáng ngày 3/10/1973, chiếc OV10 từ hướng Kiến Tường đến quần đảo nhiều vòng trên không rồi tiếp đến chiếc L19. Cả một vệt cỏ + lúa bề ngang rộng vài mét bị giẫm nát thành một vệt từ biên giới băng qua cánh đồng xuyên vào những “đám tràm” thì làm sao che nổi con mắt của máy bay trinh sát của địch có phương tiện “trông nhìn” tối tân vào bậc nhất thế giới.
Vậy là 9h 30 phút hơn chục máy bay trực thăng vũ trang HU1A (loại cá lẹp) lồng lộn lao tới cứ nhè những “đám tràm” phóng rocket, đại liên và lựu đạn. Những cột nước trắng xóa bung lên, những thân tràm bị mảnh rocket gọt cắt nằm đổ ngổn ngang, nhiều chiên sỹ cũng bị trúng đạn địch “ ngã xuống như những thân Tràm”. Cả một vùng hàng trăm hecta Tràm non ầm ầm đạn địch. Bộ đội ta được lệnh thu cuốn võng và sẵn sàng chiến đấu nhưng nhiều đồng chí đã hy sinh nằm im lìm trong chiếc võng.
9h 45’ sở chỉ huy trung đoàn gửi điện “khẩn cấp” xuống các đơn vị: “tuyệt đối giữ bí mật, chưa được nổ súng. Có khả năng địch chỉ mới bắn phá để thăm dò lực lượng ta”.
10h, điện “khẩn cấp” từ tiểu đoàn 1 báo về:
“Địch đã gia tăng cường độ bắn phá. Bộ đội ta đã có nhiều thương vong và chắc chắn ta đã bị lộ”.
10h15’ lệnh từ sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn hạ lệnh cho tiểu đoàn 1 nổ súng chống trả và cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt bắt đầu.
Cả 3 đại đội bộ binh 1,2,3 đã tỏa ra dàn thành thế trận dùng súng bộ binh bắn trả lũ máy bay địch. Bọn trực thăng bay rất thấp với những cánh quạt khổng lồ làm rạp những thân tràm yếu ớt tạo ra những khe hở trống hoác, những tên giặc thò đầu ra khỏi máy bay có thể nhìn rất rõ bộ đội ta đang ẩn náu dưới những gốc tràm và đạn đại liên, lựu đạn từ máy bay trực thăng cứ thế phóng xuống: rất chính xác…
Ngược lại các chiến sỹ ta cũng nhìn rất rõ những chiếc trực thăng đen “thùi lũi” và những khuôn mặt của những tên lính trên máy bay nhô đầu qua cửa đằng đằng sát khí. Không có công sự, bộ đội ta phải ngâm mình dưới nước và dùng những thân cây tràm, ba lô làm bệ tỳ phóng đạn lên trời, nhiều tên lính nhào đầu từ máy bay rớt xuống giống như “sung rụng”, lũ trực thăng hoảng hồn vội nhấc mình nâng độ cao và điên cuồng phóng đạn tứ tung.
12h bọn địch đã huy động thêm nhiều trực thăng vũ trang thay nhau bắn phá trận địa tiểu đoàn 1. Lúc này, chi đoàn xe bọc thép M113 lội nước cũng đã xuất hiện Trên lộ kiến bình Để đón lỏng lực lượng vượt lộ của ta.. Hỏa lực chống tăng vác vai B40 + B41 của ta được lệnh sẵn sàng “nghênh chiến”.
Đúng 3h chiều ngày 3/10/1973, bọn lính sư đoàn 9, được mấy chục chiếc trực thăng chuyên chở bất ngờ đổ quân cách trận địa tiểu đoàn 1 về hướng đông chỉ khoảng 800m. Chúng chia quân thành nhiều mũi, đột kích vào hướng tiểu đoàn 1.
Trên trời là máy bay trực thăng liên tục bắn phá, dưới đồng nước ngập mênh mông là lũ bộ binh “bám đít” xe bọc thép triển khai hàng ngang trên lộ kiến bình – mộc hóa. Địch có ưu thế hơn hẳn ta về quân số và hỏa lực, rocket, lựu đạn của máy bay trực thăng vũ trang và những khẩu trọng liên 12 ly 7,đại liên M60, M79 trên những “con cua” sắt liên hoàn thay nhau xối vào nơi phòng ngự của ta. Trận địa tiểu đoàn 1 trải rộng gần 1km mịt mù lửa đạn.
3h30’, bọn địch đã vào sát trận địa tiểu đoàn 1 chỉ còn cách độ 300m. Hỏa lực B41 của ta được lệnh khai hỏa.
Vì phải đứng chân dưới nước “tác xạ” nên rất khó khăn và nguy hiểm cho các xạ thủ B41. Nhưng những quả đạn “chống tăng” vẫn xé không khí từ những “đám Tràm” lao ra nổ tung ngay giữa đội hình bộ binh địch , nhiều tốp lính bộ binh địch gục ngã… Và ngay sau đó hỏa lực 12 ly 7, đại liên M60, M79 , đạn rocket từ bọn trực thăng lại ầm ầm bắn phá trận địa tiểu đoàn 1. Rất nhiều chiến sỹ ta trúng đạn hy sinh.
4h30, một công điện “khẩn cấp” từ sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn xuống tiểu đoàn 1: “Bằng mọi giá phải giữ vững trận địa…”. Hỏa lực của trung đoàn không thể chi viện được: cối 82, DKZ75, 12 ly 8 của trung đoàn và tiểu đoàn 1 vẫn “không có đất làm ăn”(vì địa hình trên cánh đồng nước không thể đặt các loại hỏa lực) và nhiều nơi cũng đang bị máy bay địch bắn phá: sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn, trận địa tiểu đoàn 3 cũng bị máy bay địch “thăm hỏi”.
5h kém 15, một công điện từ ban chỉ huy tiểu đoàn 1 báo về, bộ đội ta vẫn giữ vững trận địa nhưng đã có rất nhiều thương vong. Lũ xe bọc thép M113 bị hỏa lực B41 và B40 của ta chống trả nên cũng không dám liều lĩnh xông vào mà chỉ ở tít ngoài xa vãi đạn. Bọn bộ binh địch cũng chẳng dám “xáp vô” vì chúng biết rất rõ những tay súng AK rất “điêu luyện” của các chiến sỹ E207.
Khoảng 5h lại 1 công điện từ tiểu đoàn 1 báo về: “Quân địch đã giảm cường độ bắn phá. Tuy nhiên bộ đội ta sức lực hầu như đã kiệt quệ…”
Các chiến sỹ phần lớn là các sinh viên ĐHXD từ khóa 13 - khóa 16 của trường Đại học Xây dựng Hà Nội mới được bổ sung cho tiểu đoàn 1 cách đó mấy ngày, do không có kinh nghiệm chiến trường nên đã hy sinh gần hết, số còn sống sót thì thân hình “xơ xác” qua một đêm , một ngày bụng đói lại phải ngâm mình dưới nước. Nhiều đồng chí người run bần bật, da dẻ tím tái, mặt mũi nhợt nhạt nhưng đôi tay vẫn nắm chắc khẩu súng đang cùng đồng đội nhả đạn vào lũ quân thù khát máu.
5h30, trời đã xẩm tối. Thời gian đã dần dần có lợi cho ta và lũ xe bọc thép cùng bộ binh địch đã lui quân.
Tổng kết một ngày chiến đấu không cân sức và không khoan nhượng, trận địa tiểu đoàn 1 vẫn được giữ vững. Trận địa tiểu đoàn 3 và trung đoàn bộ bị máy bay oanh tạc, bộ đội đã có nhiều thương vong. Đổi lại ta bắn rơi 1 máy bay trực thăng (bọn địch đã phải điều máy bay trực thăng vận tải quân sự loại 2 chong chóng đến cẩu đi), tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn bị thương hàng trăm tên khác (chính mắt nhiều người dân nhìn thấy lũ trực thăng đáp xuống lấy xác đồng bọn, đến tận bây giờ họ vẫn thường kể lại)…
Ngay đêm đó sở chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho bộ đội ta phá vòng vây quân địch trở về hậu cứ.
Trận chiến “tao ngộ” bi hùng tại rạch Đá Biên ngày 3/10/1973 là một tổn thất rất lớn của Trung đoàn, ( gần ngang với trận đánh tại cù lao Long Khánh, Long Thuận) và chỉ cách nhau đúng một năm (tháng 10/1972 – tháng 10/1973). Gần 300 cán bộ chiến sỹ của trung đoàn đã mãi mãi nằm xuống nơi này. Các anh đều còn rất trẻ ở lứa tuổi 20.
( Bây giờ, nhìn lại những tấm hình ít ỏi của các Anh còn để lại, càng thấy các Anh đẹp vô ngần – Xin xem trên web 207.com - Những khuôn mặt rất đẹp, rất hiền, rất thông minh, rất khí phách của liệt sỹ Nguyễn Văn Tế, Nguyễn mạnh Sơn… khiến nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã phải ngậm ngùi “thốt” lên: Các anh “Chẳng khác gì những diễn viên điện ảnh”…Nhiều người “ chưa hề biết yêu, chưa hề biết nắm tay một người con gái” vậy mà “trên gương mặt các anh đã ẩn chứa một nỗi buồn khi tổ quốc bị lâm nguy”, như cháu Hiền Lương đã nhận xét…)
Gần 300 con người của “một thế hệ tài hoa ra trận”. Một tài sản quý báu của dân tộc đã vĩnh viễn hiến dâng cho tổ quốc để cho đất nước được mãi mãi trường sinh và mọi người có được một cuộc sống thanh bình…
Ngay ngày hôm sau, đồng chí Lê Chư chính ủy đã mời đồng chí Phạm Hậu lúc đó là chính trị viên Đại đội Trinh sát ( C21)giao nhiệm vụ: “Bằng mọi giá phải quay lại trận địa tìm kiếm và mai táng liệt sỹ” (đồng chí Hậu hiện nay đã nghỉ hưu với quân hàm đại tá và đang sinh sống tại Cần Thơ, ủy viên của Ban liên lạc Bạn chiến đấu và hội CCB trung đoàn 207).
38 năm, sau ngày các Anh hi sinh, trong ngày họp mặt Bạn chiến đấu và CCB E207 lần thứ 15 (30/4/2011) tại Trường đại học Kiến trúc tp Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được chứng kiến và nghe đồng chí Phạm Hậu nghẹn ngào trong 2 hàng nước mắt kể lại câu chuyện bi thương của những ngày các anh quay về tìm đồng đội:
“Sau khi nhận được chỉ thị của đc chính ủy, đại đội trinh sát cử 5 đồng chí kết hợp với 2 đồng chí của Tỉnh kiến Tường (trong đó có anh Hai Bê ) thuộc đơn vị 917( đặc công tỉnh ) Hiện nay anh Hai Bê đang sinh sống tại xã Thạnh Hưng huyện Mộc Hóa và 2 đồng chí của huyện, tất cả là 9 người do đc Hậu chỉ huy, đi trên 4 chiếc xuồng ba lá (cứ 2 người một xuồng) và được hậu cần trung đoàn cung cấp mấy chục chiếc mùng, dầu nước xanh, xà bông CuBa để làm nhiệm vụ “đặc biệt” mà chính ủy giao.
. Do địch gài quân lại phục kích vì chúng biết thế nào ta cũng đến làm công tác tử sỹ, nên phải 10 ngày sau, khi địch rút hết, bộ phận đi làm tử sỹ mới tiếp cận được khu vực anh em hy sinh .
Lúc này Đồng Tháp Mười đã vào đỉnh lũ, nước ngập mênh mông. Khi bộ phận trinh sát tiếp cận được thì thân xác anh em đang trong thời kỳ phân hủy, mùi hôi thối không thể tưởng tượng nổi loang khắp một vùng … Anh em trinh sát rải ra và cứ 2 người 1 tổ dùng mùng tuyn ( mùng lưới ) vớt anh em lên rồi gói lại buộc vào gốc cây , đánh dấu trên sơ đồ giao lại cho địa phương đợi mùa khô năm sau khi nước rút sẽ đến chôn cất . . Đặc biệt trong bụng của các liệt sỹ có rất nhiều cá đủ các loại , đang thi nhau ăn rỉa những phần nội tạng tan rữa.Mỗi thi thể khi vớt lên có khoảng 7-8kg cá các loại , đặc biệt là cá Chốt (một loại cá nhỏ bằng ngón tay ) ở vùng này nhiều vô số kể.
Vì không được trang bị phương tiện chuyên môn để làm công tác tử sỹ nên các chiến sỹ trinh sát luôn bị , ói mửa, nhức đầu và xây xẩm mặt mày , có lúc tưởng chừng như không thể nào chịu nổi do những mùi phân hủy của thân xác liệt sỹ đã trải qua 10 ngày dầm mưa, dãi nắng trên đồng nước làm cho choáng váng…Cũng bởi số lượng anh em hi sinh quá nhiều và trên cùng một khu vực hẹp… Nhưng nghĩ đến sự hi sinh đau đớn của đồng đội các chiến sỹ trinh sát của ta đã quên hết gian khổ và chỉ sau 2 đêm đã tìm được khoảng 60 thi thể đồng đội.(Anh Hai Bê thì nhớ khoảng 80 thi thể), số còn lại do bị rocket bắn cự ly gần nên xương thịt tan tành hoặc nằm ẩn mình trong các bụi cây, lùm cỏ chìm ngập trong nước nổi mênh mông mùa lũ, lại thêm việc tìm kiếm anh em toàn là trong đêm tối mù mịt để tránh sự rình mò săn đuổi của kẻ thù, nên tổ công tác không thể nào tìm hết được thi thể liệt sỹ…Do điều kiện chiến trường, không thể kéo dài thời gian tìm kiếm lâu hơn nữa, tổ công tác của anh Phạm Hậu đành ngậm ngùi vĩnh biệt đồng đội trong bóng đêm thăm thẳm của đồng không ,mông quạnh mùa nước nổi Đồng Tháp Mười để trở về hậu cứ chuẩn bị cho những trận đánh mới…”
Viết tới đây hai hàng nước mắt tôi lại tuôn trào và thầm cảm phục những cán bộ chiến sỹ của đại đội trinh sát giữa chiến trường khốc liệt với “tình nghĩa đồng đội cao cả” đã giúp các anh vượt qua khó khăn để hoàn thành những công việc mà tưởng chừng ít ai làm được… Rồi tôi lại suy nghĩ và hình dung tới hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người cháu của trung đoàn 207, của tất cả những trung đoàn từng ra trận năm xưa, suốt 39 năm qua vẫn khắc khoải ngóng tin người thân…mà vẫn không thấy bóng hình đâu cả …cho đến tận bây giờ vẫn chỉ là ước vọng:
Như lời thơ khấn nguyện tha thiết của người anh Liệt Sỹ:
“…Em khôn thiêng run rủi cho anh biêt. Để gia đình ta được đón em về…” ( Nguyễn Văn Chỉnh, anh ruột Liệt Sỹ Tế). Hay giọng nói nghẹn ngào đau thấu tận tim gan của Nguyễn Phương Thảo (em gái Liệt Sỹ Nguyễn Mạnh Sơn) tại rạch Đá Biên ngày 27/7/2012 vừa qua.
Cũng như những nỗi đau vô bờ bến của tất cả mọi người dân nước Việt khi nghĩ về sự hi sinh của các Anh… “Chẳng có đất nào ngấm được nỗi đau” …(HL).
“Gần ba trăm chiến sỹ hiên ngang
Tên tuổi lừng danh tạc sử vàng
Anh dũng hy sinh vì đất nước
Kiên cường chiến đấu giữ giang san.
Bút nghiên gửi lại cùng quê Bắc
Nghĩa khí đem vào với đất Nam
Máu đổ xương rơi không hối tiếc
Ngàn đời bia đá tỏa ngàn hương.”
(Lê Thị Ngà)
Trong lúc đang tìm kiếm thân xác liệt sỹ, bộ phận trinh sát đã may mắn tìm được đc Oanh (đc Oanh là sinh viên năm thứ 3 trường đại học tổng hợp Hà Nội được lệnh nhập ngũ vào chiến trường).. Đc Oanh bị thương rất nặng không thể đi lại được nên nằm ẩn mình trong gò chuối và xé đọt chuối để ăn , đang thoi thóp trong một gò đất có cỏ cây rậm rạp, thì 5 ngày sau may mắn có hai mẹ con một người dân phát hiện đem về giấu kín trong hầm, cho ăn uống, thuốc men chăm sóc và 10 ngày sau gặp được tổ công tác tử sỹ. Anh em lập tức đưa Oanh về trạm quân y cấp cứu. (đc Oanh hiện nay đang sinh sống tại tp Cần Thơ).
Trường hợp thứ hai sống sót kì diệu sau trận đánh Đá Biên, theo lời kể của Chị Phạm Thị Đấu, ( lúc đó là thường vụ Tỉnh ủy Kiến Tường, phụ trách vùng 6 , chị là một người phụ nữ nhỏ bé mà rất kiên trung gan dạ, là hình ảnh tiêu biểu cho phụ nữ Miền Nam “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” tham gia chiến đấu với câu nói bất hủ của chị Út Tịch “ Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”).
Sau khi địch rút, đêm đêm chị tổ chức lực lượng bơi xuồng vào trận địa tìm thương binh . Anh em vừa chống xuồng vừa kêu : “Anh em bộ đội giải phóng ơi , chúng tôi là người của phe mình đi tìm anh em đây, có ai còn sống thì lên tiếng cho chúng tôi thấy để đưa về! ”. Sau nhiều lần như vậy bỗng có một tiếng nói giọng miền Bắc phát ra từ một lùm cây : “Chúng mày là quân tàn ác, dã man. Tao thà chết chứ không đầu hàng đâu! ”. Đồng chí này tưởng địch dụ dỗ nên mặc dù đã rất yếu vẫn hiên ngang trả lời bằng khí phách của người chiến sỹ Quân Giải Phóng. Anh em trong đoàn của chị Hai Đấu mừng rỡ vừa nói vừa lao xuồng đến chỗ vừa phát ra tiếng động :- “Đồng chí mình ơi, chúng tôi là người đằng mình thật mà, đừng bắn nhé, chúng tôi đến đây”. Nhanh như chớp chiếc xuồng trờ tới lùm cây, từ trong buị cỏ một chiến sỹ của ta bị thương gẫy chân, trên mình chỉ có độc chiếc quần đùi đang lóp ngóp trong nuớc chỉ kịp thều thào nói không thành tiếng :” Tôi đói và lạnh quá”, rồi ngất đi. Đó là đồng chí Lập cơ công ở ban Thông tin Trung đoàn , sau đó Lập được anh em lấy quần áo ủ ấm đưa về trạm phẫu của Trung đoàn cứu sống, hiện nay anh đang nghỉ hưu ở Thanh Hóa
Chính nhờ những thông tin vô cùng quí giá về những ngày tìm kiếm ấy do đc Phạm Hậu cung cấp trong ngày họp mặt anh em CCB trung đoàn 207 tại trường đại học kiến trúc TPHCM 30/4/2011, mà thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Tế là em Nguyễn Hoài Nam đã cùng đc Phan Xuân Thi trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu E207 đi tìm lại được chiến trường oanh liệt năm xưa và “ngôi miếu Bắc bỏ” linh thiêng vào ngày 27/7/2011 (ngôi miếu thờ nhỏ bé đơn sơ nằm lọt thỏm giữa rừng Tràm do người dân Đá Biên dựng lên để thờ phụng những người chiến sĩ kiên cường của Trung đoàn 207 đã ngã xuống để giải phóng quê hương họ ). Ngôi Miếu từ đó đã mở ra 1 câu chuyện dài về tình đồng đội và tấm lòng của biết bao con người hướng về Liệt sỹ E207 với công trình “KHU TƯỞNG NIỆM CÁC LIỆT SỸ TRUNG ĐOÀN 207” đang gấp rút để khánh thành vào đúng ngày giỗ LS lần thứ 39 ngày 8/9 âm lịch năm 2012 ).
MB bên Đài tưởng niệm LS E207 tại Đá Biên |
Góp ý(0)
Thêm góp ý