-
Tướng như thế, xứng là danh tướng, tướng của dân?
(13/08/2018 04:08:19)
-
"Đạo làm tướng phải biết “đánh thắng” trong bất kỳ tình huống nào, thắng bản thân mình và thắng đối phương.
Tướng như thế, xứng là danh tướng, tướng của dân. Tướng như mấy người vừa bị “lộ tướng” dân hoài cơm nuôi.
Đầu tuần, xin gởi đến các đồng chí, các bạn một bài viết khá sâu sắc của Uông Ngọc Dậu, nguồn "Tuần Vietnamnet
Trong khoảng thời gian từ đầu năm lại đây, 13 tướng công an và quân đội từ thiếu tướng đến thượng tướng bị tổ chức xem xét, xử lý. Không chỉ dừng lại hình thức kỷ luật về đảng và chính quyền, nhiều trường hợp trong số này đã và sẽ được điều tra xem xét trách nhiệm hình sự, khởi tố và truy tố vì tính chất nghiêm trọng, rất nghiêm trọng từ những hành vi mà họ gây ra.
Và chưa hẳn con số 13 là con số cuối cùng.
Bấy lâu dư luận xã hội đã đồn ngược đoán xuôi về ông tướng này, vị tướng kia tha hóa, nhúng chàm và cách tha hóa, nhúng chàm của từng cá nhân. Khi tổ chức lần lượt công bố kết luận, thì hoá ra những dư luận đồn đoán cũng chưa là gì! Danh sách tướng bị xem xét kỷ luật dài hơn dự đoán. Các vị tướng này không dính hòn tên mũi đạn từ kẻ thù của nhân dân, cũng không phải lâm nạn khi đối mặt với bọn tội phạm hay thế lực thù địch. Đến giờ cũng chưa thấy có biểu hiện họ bị kẻ xấu giăng bẫy, lôi kéo, mua chuộc. Họ tự sa vào nơi “mật mỡ”, chốn “tanh tao”, sử dụng quyền lực -“sao và vạch”, cùng nhóm lợi ích biển thủ, chia chác đất đai, công sản cùng nhiều nguồn lợi từ những hoạt động phạm pháp, bất chính.
Lâu nay người dân mặc nhiên nghĩ trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng khó mà đụng đến hàng tướng tá. Một là phàm đã đến hàng tướng rồi thì trí, dũng tất phải hơn người,đã đành, mà liêm, trung chắc chắn phải có thừa. Đã liêm, trung thì khó mà dính bùn hay nhúng chàm! Hai là, giả sử có vị tướng nào tha hoá, biến chất, tổ chức có muốn xử lý cũng qua nhiều tầng nhiều nấc, rất phức tạp, dễ bị đóng dấu “nhạy cảm”, “xử lý nội bộ”. Xưa nay “đụng” vào mấy ông tướng “hét ra khói nói ra lửa” đâu dễ!
Giờ thì lần lượt từng ông tướng và nhiều ông tướng bị “lộ tướng”. Như thế càng khẳng định trong cuộc chiến chống giặc nội xâm không có bất kỳ vùng cấm nào. Các cơ quan nội chính của Đảng và Chính phủ trong từng vụ việc phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp, thể hiện tinh thần liêm chính, thượng tôn luật Nước, kỷ cương Đảng, không ngại mấy kẻ dựa hơi hùm, núp cái danh tướng tá làm bậy. Cũng càng ngày càng thấy rõ “cái lồng pháp chế” đã phát huy hiệu lực, từng bước, kiên quyết, kiên trì “nhốt” mọi biểu hiện thao túng, tha hoá, tham nhũng quyền lực, bất kỳ cấp độ nào, nhằm thanh lọc đội ngũ, khôi phục uy danh tổ chức, lập lại trật tự, kỷ cương, công bằng xã hội.
Tướng Phan Văn Vĩnh, tướng Nguyễn Thanh Hoá, hai trong số nhiều ông tướng đã "lộ tướng" |
Đã lên bậc tướng mà còn làm điều xằng bậy, nói như người dân Nam bộ, tướng như mấy ổng, dân hoài công nuôi.
Tôi không có cơ may được quen biết nhiều vị tướng. Những vị tướng công an hay quân đội mà tôi có dịp gặp gỡ, quen biết, có người để lại trong tôi những ấn tượng rất mạnh, về phong thái đường hoàng, tầm hiểu biết rộng, lối ứng xử lịch lãm, về thái độ yêu nước, trọng dân thực chất, hết mực. Nhưng cũng không ít lần, sau khi tiếp xúc với một vài ông tướng, tôi tự đặt câu hỏi: ông này cũng là tướng thật sao? Họ thực dụng, thô lỗ và kẻ cả. Soi vào 6 cái đức của kẻ làm tướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cao là trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung, không thấy họ được cái đức nào. Thêm một ông tướng như thế, chỉ tổ làm hổ danh tướng, làm yếu hàng ngũ, lực lượng, thêm nặng gánh nợ cho dân.
Khi câu chuyện hai ông thượng tá mang biệt danh, một “Vũ nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ, một “Út trọc”, tức Đinh Ngọc Hệ vỡ ra, tôi chợt nhận ra vì sao đất nước này lại nảy nòi những tướng không ra tướng. “Út trọc” thành thật trước hội đồng xét xử hôm 30/7 rằng “trình độ dân trí bị cáo thấp”, và thừa nhận không học mà dùng tiền mua bằng giả trường Kinh tế quốc dân. Vũ nhôm học đến lớp 11 thì bỏ, xuất phát là thợ làm nhôm kính. Hai vị thượng tá “từ trên trời rơi xuống” này, một sinh năm 1971 và một sinh năm 1975, đều tỏ ra hơn người về sở trường “quan hệ”, “ngoại giao”, “quan lộ” lẫn “tiền lộ” đang rất thênh thênh. Nếu không bị lò lửa chống tiêu cực, tha hoá soi chiếu, chẳng mấy chốc hai vị thượng tá mang biệt danh này, biết đâu đấy, qua vài lần “chuyển hoá”, sẽ thành tướng!
Có là hài hước khi nghĩ rằng, những ông tướng “Vũ nhôm”, “Út trọc” sẽ tiên phong đi đầu chống giặc nội xâm và ngoại xâm, chấp nhận hy sinh bảo vệ chế độ này, nhân dân này, đất nước này!?
Nhắc đến biệt danh “Út trọc”, “Vũ nhôm”, lại nhớ đến câu chuyện nhỏ. Tôi có người thân từng được “tháp tùng” một ông tướng trong một chuyến công tác dài ngày. Sau chuyến công tác, tôi được nghe phàn nàn, rằng, nước ta sao lại có loại tướng mà ăn nói thì khiếm nhã, ứng xử thì thô thiển, tiêu tiền như công tử Bạc Liêu, mở miệng là đe dọa bắt, hốt, nhốt... Ông tướng đó, tôi biết, cũng mang biệt danh, vừa bị Uỷ ban kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm ở mức độ “rất nghiêm trọng”.
Có lần Quốc hội thảo luận một dự luật liên quan đến trần tướng. Có vị đại biểu đã cố chứng minh số lượng tướng hiện tại của lực lượng này còn ít và muốn mở rộng diện phong tướng, để “anh em đỡ thiệt thòi”, “bớt tâm tư”. Tôi cứ nghĩ: sao các vị này không đặt vấn đề cán bộ trong lực lượng mình hiện tại đã xứng tầm tướng chưa? Có nhất thiết ở những vị trí đó phải là tướng mới tương thích hay không? Thêm một ông tướng không đủ tầm thì nhân dân này, đất nước này được gì, mất gì? Có dám chắc tăng số lượng tướng thì thì hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ tốt hơn, hay ở chiều ngược lại, dân thêm gánh nặng nuôi tướng vô dụng mà thêm tâm tư và bất an?
Nhớ, một lần khác, cũng trên diễn đàn Quốc hội, khi có đại biểu “than” thời bình mà nước mình nhiều tướng quá, một vị lãnh đạo đã “giải trình”, đại để, phong tướng cho anh em để còn làm đối ngoại (!) Vì làm đối ngoại mà lạm phát tướng hay sao? Xưa nay, nền ngoại giao Việt Nam đề cao trí, dũng; dĩ nhu chế cương, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, chứ đâu phải hơn người bằng hàm, cấp!
Hồi năm 1948, lúc cuộc kháng chống Pháp đang những năm đầu tiên cam go, gian khổ, khi đó quân đội quốc gia Việt Nam chưa đầy 4 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong hàm đại tướng cho vị tổng chỉ huy đầu tiên của quân đội-ông Võ Nguyên Giáp. Sau này, có nhà báo nước ngoài tỏ ra hoài nghi về tiêu chuẩn phong tướng của quân đội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dài lời căn cứ vào quy trình này, sắc lệnh nọ, mà nói ngay với nhà báo đó rằng: Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng.
Đạo làm tướng phải biết “đánh thắng” trong bất kỳ tình huống nào, thắng bản thân mình và thắng đối phương.
Tướng như thế, xứng là danh tướng, tướng của dân. Tướng như mấy người vừa bị “lộ tướng” dân hoài cơm nuôi.
Uông Ngọc Dậu
Góp ý(0)
Thêm góp ý