Có lần, nhân kỷ niệm ngàyThành lập QDND VN, đứng trước sân cờ,trước hs toàn trường, tôi đã hát tặng anh bài "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến. Sau buổi ấy, gặp tôi,anh cám ơn. Tôi thấyánh mắt anh nhìn xa xăm...Đó là anh Cao Trần Ngân, hiện là giáo viên dạy Giáo dục Công Dân, cùng trường với tôi: Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho-Tiền Giang.
Thực ra, chúng tôi cùng học với nhau tại trường Đại Học Cần Thơ. Anh khóa I còn tôi khóa II nhưng lại ra trường cùng một năm. Ra trường, anh về trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, còn tôi về Trương Định( Gò Công).Tôi nhớ những năm 80, đói kém lắm! Lần tôi ghé thăm anh vào một buồi tối, trong phòng ở của anh -nay là phòng Nha học Đường - căn gacgian nhỏ nhoi ở cổng trường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ- anh nấu cháo thịt đãi tôi. Loay quay thế nào anh vướng vào sợi dây của chiếc bếp điện, trên đó có xoong cháo đang sôi! Thế là kéo lật nhào cả xoong cháo. Tiếc hơn nữa, tay anh bị bỏng tuột vì giơ tay định đỡ xoong cháo. Dội cả chai nước mắm lên chỗ phỏng rồi nhưng cũng vẫn phải chạy vô bênh viện cấp cứu!
Anh là thương binh loại 2/4. Có lần tôi nói đùa về cái “ Vết chân tròn trên…mặt” của anh: Ai đời đi đánh nhau lại giơ mặt ra cho lính nó bắn! Phải né đi chứ! Anh chỉ cười mà không hề giận tôi.Đó là vết thương lần thứ nhất, vết thương đạn nhọn. Viên đạn đi qua vòm miệng, làm bể quai hàm và trổ ra một cái lỗ đáo hoành tráng ở bên dưới mang tai bên phải. Đó là trận anh đánh đồn trong chiến dịch Cắm Cờ hồi ký hiệp định Pa-ri 1973 ở Vị Thanh, Hậu Giang. Trận ấy ngoài vết thương ở vùng mặt, anh còn nhận luôn một viên đạn nhọn nữa vào khớp vai phải, cánh tay cứ rũ xuống… Đợt ấy anh phải nghỉ đánh nhau hết 4 tháng để điều trị tại Quân y viện.
Lần bị thương thứ hai lại là trận đánh Nhà Đèn Vị Thanh. Lần này, do bò vô sát lô cốt địch để giá mìn định hướng, bị lộ, trong đồn chúng tương ra toàn lôc-míc, lựu đạn da láng và bắn M79 cấp tập. Mấy anh em vòng ngoài còn rút ra được . Anh đã chui qua mấy lớp rào, vào nằm sát gần lô cốt đầu cầu nên đành nằm đó chịu trận cho qua cơn mưa lựu đạn. Cũng chẳng hiểu sao đã bị thương rồi, nằm trong hàng rào một mình tưởng chết , thế mà gần sáng anh lại bò ra được. Đồng đội phải nhờ xuồng của dân chở anh ngang qua đồn địch để về trạm quân y cấp cứu. Nhờ tàu dừa nước phủ lên trên mà bọn lính trong đồn không trông thấy…
Lần bị thương này nặng hơn: Hai bên phổi đều có miểng đạn chui vô phục kích! Lại còn tay nữa! Lần trước anh bị thương vô mặt và bị vai tay phải. Lần này bị thương khắp lưng, hai bên phổi và gãy nát cẳng tay trái. Thế là cân bằng … Y sĩ trạm phẫu thấy cánh tay dập nát, định cắt bỏ cho an toàn vì sợ nhiễm trùng nhưng anh thấy mấy ngón tay còn nhúc nhích được nên nhất định không chịu cho cắt. Đành chiều anh vậy. Họ dùng kềm bấm cắt tỉa cho hai đầu xương gọn lại để ráp vô bó. Vậy mà nó liền được. Tuy vậy, hai xương cẳng tay chỉ liền một xương, còn một xương thì do dập nát , phải cắt bỏ nhiều nên cho tới nay nó vẫn cứ hai nhịp cầu ở phà Rạch Miếu bây giờ, mấy mươi năm vẫn chưa” Hợp long” được.