-
Cuộc đời như tên gọi
(31/01/2018 10:01:29)
-
Nữ biệt động Sài Gòn Lê Hồng Quân: Cuộc đời như tên gọi
Ghi chép của Hà Minh
Chap: Bà đã cầm dao tự cắt đi cánh tay trái bị thương để khỏi vướng víu lúc xung trận rồi cũng chính bà lại tự phục hồi chức năng cho cánh tay phải gần như tê liệt để học thêu và trồng cây kiểng. Ở bà, nghị lực thép của một thủ lĩnh Biệt động thành sau mấy chục năm dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Nữ biệt động Sài Gòn Lê Hồng Quân:
Cuộc đời như tên gọi
Ghi chép của Hà Minh
Chap: Bà đã cầm dao tự cắt đi cánh tay trái bị thương để khỏi vướng víu lúc xung trận rồi cũng chính bà lại tự phục hồi chức năng cho cánh tay phải gần như tê liệt để học thêu và trồng cây kiểng. Ở bà, nghị lực thép của một thủ lĩnh Biệt động thành sau mấy chục năm dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi đến thăm bà Lê Hồng Quân vào một chiều thứ 5. Người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng ngày nào bây giờ sống với mẹ già 95 tuổi trong một căn nhà nhỏ tại hẻm 102, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh-quận Bình Thạnh.
Ký ức về trận đánh cuối
Tác giả Đỗ Hà Minh |
Thấy tôi ngỏ ý viết bài về mình, bà Quân xua tay: “Không nên viết nhiều về cô cháu ạ. Cô còn được sống đến hôm nay, còn được chăm sóc mẹ cô đã là điều may mắn lắm rồi. Góp một phần xương máu cho dân tộc trong cuộc kháng chiến, nhiều người còn đáng được ca ngợi hơn cô. Hòa bình đã hơn ba chục năm nay mà biết bao nhiêu đồng đội của cô không thể nào tìm lại được, biết bao nhiêu những gia đình từng đánh đổi cả tài sản và tính mạng của mình khi nhận làm cơ sở mật cho lực lượng biệt động thành đến nay vẫn chưa được thừa nhận. Nếu không có những gia đình người dân cưu mang, bảo bọc thì lực lượng biệt động như các cô không thể nào vận chuyển được vũ khí vào thành và cũng chẳng có những kỳ tích của các cô, các chú. Nếu cháu muốn viết, hãy viết nhiều về họ”.
Bà Quân nói với tôi như thế. Rồi bà kể về trận đánh ác liệt nhất trên đường phố Sài Gòn. Đó là cuộc tổng tiến công đợt hai vào thủ phủ của lực lượng Ngụy quân đầu tháng 5-1968: “Đầu năm 1968 khi cô nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng lúc đó cô mới 21 tuổi. Thời điểm đó là thời điểm ác liệt nhất ở trận địa Sài Gòn”.
Sau đợt tấn công lần thứ nhất vào Tết Mậu Thân-1968, lực lượng nội thành của ta bị tổn thất rất lớn, cần bổ sung để đánh đợt hai. Theo kế hoạch tấn công, Tiểu đoàn Lê Thị Riêng được lệnh "đánh quận Nhì, chi viện quận Tư" (quận Nhì lúc ấy là vùng cầu Ông Lãnh, cầu Muối, thuộc quận Nhất bây giờ -PV). Nhưng gần tới ngày nổ súng thì lại nhận được lệnh mới là “ém quân, phát động đấu tranh tại quận Nhì”.
“Chỉ trong vòng 8 ngày, Tiểu đoàn của cô phải hoàn thành việc vận chuyển vũ khí vào nội thành, tìm các điểm ém quân, chuẩn bị hậu cần đủ dùng trong hai tháng, mua sắm phương tiện đào công sự, hệ thống âm thanh, vật tư y tế, và nắm tình hình địch trên địa bàn. Nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ của bà con trong thành phố thì các cô không thể nào chuẩn bị kịp”- bà Quân chia sẻ.
Theo kế hoạch tác chiến, đại quân của ta sẽ nã phủ đầu cơ quan đầu não địch để lực lượng biệt động đồng loạt tấn công các bót, ty cảnh sát Ngụy. Nhưng do có sự cố, đến “giờ G” hỏa lực của đại quân không phát nổ như dự kiến. Trong khi đó lệnh nổ súng đã được phát ra. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân chỉ huy các đồng đội triển khai tấn công quyết liệt tại đường Đề Thám (quận Nhất ngày nay).
“Lúc đó bà con trong hẻm 83 Đề Thám hỗ trợ tụi cô bằng cách lăn ống cống và vứt nhiều vật dụng khác ra đường làm chướng ngại vật, phòng ngừa xe tăng địch tiến vào phản công. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra rất ác liệt, giằng co suốt đêm 4-5-1968. Sáng hôm sau, địch quân phản công dữ dội. Một số đồng chí đã dũng cảm hi sinh. Thấy chênh lệch lực lượng quá lớn, cô và hai đồng chí khác quyết định tiến sát vào phía bốt, hút hỏa lực về phía mình và ra lệnh cho các đồng đội rút ra ngoài để tránh tổn thất lực lượng. Cầm cự được một lúc thì cô bị đạn xuyên qua cánh tay trái. Cánh tay gãy xương treo lủng lẳng, máu ra nhiều và rất vướng. Lúc đó tình thế vô cùng gấp gáp. Đạn nổ sát mình, găm vào chân tay, bê bết máu. Cô không kịp suy nghĩ, dùng dao cắt đi khúc tay bị gãy và tiếp tục lao lên”…
Người ấy bây giờ
Tự thủ đến những trái lựu đạn cuối cùng bà Quân và một đồng đội khác bị bắt. Quân địch giải bà về Ty đặc biệt 2 để hỏi cung, sau đó đưa vào bệnh viện. Ngay ngày hôm sau chúng liên tiếp tra khảo. Cánh tay trái bị thương của bà bị chúng dùng kìm và gậy đánh dập. Ngất lên ngấp xuống nhiều lần nhưng với ý chí kiên cường của một người lính biệt động, bà đáp lại chúng bằng cái nhìn đanh thép. Không lấy được lời khai nào của bà, quân địch chuyển bà ra nhà tù Côn Ðảo để tiếp tục tra tấn và khai thác.
Bà bị giam trong tù từ ngày đó đến năm 1973 thì được trao trả tại Lộc Ninh.
Ra tù với đôi chân chi chít mảnh đạn, một con mắt không thể nhìn thấy và cánh tay còn lại thì gần như tê liệt, bà Quân quyết tâm rèn luyện và tập thêu để phục chức năng cho cánh tay phải. Do chỉ còn một tay nên bà phải tỳ mảnh vải vào đầu gối để thêu. Mũi kim chệch choạch nhiều khi khâu vào cả da thịt nhưng bà vẫn kiên trì luyện tập. Và trời đã trả công cho bà. Sau bao ngày kiên nhẫn, miệt mài, các ngón tay đã dần trở nên linh hoạt. Nhìn những tác phẩm thêu mà bà còn giữ lại không ai dám nghĩ rằng chúng lại được tạo ra từ một người nữ thương binh bị khuyết một cánh tay. Phục hồi được cánh tay phải, bà Quân bắt tay vào lĩnh vực trồng phong lan và cây kiểng, bonsai. Những năm 1990 khi phong trào trồng hoa lan, cây kiểng ở TPHCM nở rộ, bà đã đăng ký học lớp căn bản về nghệ thuật bonsai và bắt đầu uốn tỉa những tác phẩm nghệ thuật với cánh tay còn lại của mình. Giờ thì góc vườn nhỏ của bà đã có hàng trăm tác phẩm. Có những gốc cây được uống nắn hàng chục năm rất kỳ công và có giá trị nghệ thuật cao.
Ngoài thời gian dành cho hoa lan cây cảnh, hiện nay bà Quân vẫn tiếp tục đảm nhận trách nhiệm Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng. Hàng ngày bà vẫn tiếp tục đi lại khắp các địa phương, khi Sóc Trăng, lúc Tiền Giang, rồi Long An, Cần Thơ, có khi còn bôn ba ra tận Quảng Nam, Đà Nẵng để mong tìm lại những thân nhân, gốc gác để xác nhận chính sách cho các đồng đội đã hi sinh cũng như các gia đình đã từng bí mật làm cơ sở cho cách mạng nay chưa được công nhận.
Trong căn nhà nhỏ của bà hiện nay, ngoài bà và mẹ già 95 tuổi (cụ Lê Thị Xuân, từng là cán bộ phụ vận Sài Gòn cũng bị địch bắt giam cùng với bà Quân ở nhà tù Côn Đảo), cứ dăm ba tháng bà lại dắt về một người em, người cháu. Họ là những người thân của đồng chí, đồng đội cũ, lên Sài Gòn ăn học và làm việc. Bà cưu mang, bảo bọc, kiếm việc làm cho những người thân của đồng đội như để bù đắp một phần mất mát lớn lao mà cuộc chiến tranh đã cướp đi của những con người lương thiện.
Ở tuổi 64, đi qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, chiến tranh đã tôi luyện cho bà một tinh thần thép, một nghị lực và niềm tin mãnh liệt.
ẢNH: Bà Lê Hồng Quân chăm sóc cho mẹ ruột của mình – Bà mẹ VNAH Lê Thị Xuân |
“Để mỗi ngày được hít thở bầu không khí yên bình như hôm nay đã có quá nhiều nỗi đau cháu ạ. Cô không muốn cháu viết những lời ca ngợi chiến công của cô. Có ai muốn bắn, muốn giết đâu hả cháu. Con người ta ai cũng bằng da bằng thịt, ai cũng biết đau đớn khi bị tra tấn, hành hạ. Nhưng chiến tranh là thế. Cô đã góp một phần xương máu mình cho đất nước. Dù hiện nay những vết thương cũ ở mắt, ở tay hay những mảnh đạn găm vào ống chân, hàng ngày vẫn khiến cô đau buốt. Nhưng như thế này cô vẫn còn may mắn hơn biết bao đồng đội đã anh dũng hi sinh khi chưa được hưởng một ngày đất nước thái bình”- vừa với tay lấy chiếc nạng inox, tiễn tra cổng bà Quân vừa nói với tôi những câu như thế - “Cái quý giá nhất ở trên đời là giữ được cho mình niềm tin vào tình yêu cuộc sống”. /.
ĐỖ HÀ MINH
Góp ý(0)
Thêm góp ý