PHẦN IV: “ANH VÀ CHÚ”
Ngày 7/7/1972: Diệt hai Tiều đoàn Trung đoàn 15 F9 ngụy Sài Gòn
Sau trận chùa Na-khal Campuchia, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 207 lại trở về với 207. Trung đoàn 24 xuống Mỹ Tho vùng sông nước đồng lầy.Tôi còn nhớ: Thiếu tướng Bảy Trực-Nguyên tham mưu phó Quân Khu 8 đã đánh giá chiến công của E 24 là : Gà đá trên rừng đưa xuống đá dưới nước!Anh Sáu Phu liền nhắc lại lời dạy của Bác: “ Quân đội ta… Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Do vậy, gà của Bác thì ở rừng, ở nước, ở đâu… cũng thắng. Câu chuyện vui nhưng rất sâu sắc về bản chất của đội quân Cách Mạng.
Có một chuyện có chút bất ngơ, vui vui với tôi và anh Sáu Phu. Đó là có 3 chị đại diện cho Hội Phụ nữ Cái Bè chở một xuồng rau muống đồng và ba con gà tới đơn vị và nói rõ: Biếu 2 con cho thương binh, một con cho Ban Chỉ Huy.Nghe nói anh em Trung đoàn 24 thích ăn rau muống đồng nhưng không biết nấu nên ngộ độc… Chị em chúng em tìm rau khác thì rất khó, có khi phải bỏ tiền ra mưa mới có; còn rau muống đồng này chị em ra đồng cắt hàng tấn cũng có…Tôi chen vào: “chuyện ngộ độc rau muống rừng của chúng tôi bên đất Hồng Ngự mà mấy chị cũng biết ?“ Một chị đã trả lời ngay: Chính anh em Trung đoàn 24 nói lại cho bọn em biết đấy chứ! Tôi càng hiểu thêm: Chiến sĩ ta làm công tác dân vận giỏi thật. Anh Sáu Phu lại tiếp thêm: Thôi, BCH ăn rau muống đồng ngon hơn. Các cô hướng dẫn cách nấu là được. Sau đó, đ/c Đào, trợ lý tuyên huấn , đưa các chị xuống bệnh xá thăm thương binh . Cả 3 con gà ấy đều dành cho thương bệnh binh.
Té ra cách chế biến rau muống đồng, luộc hay xào có khó khăn gì đâu! Mọi thứ đều giống như giống như rau muống trồng ở vườn ao nhà; chỉ đơn giản là ngắt bỏ đọt non, ngâm nước cho ra hết mủ màu trắng, nếu kỹ thì ngâm với nước muối lỏng là xong…Cũng từ đó, đồng bào Mỹ Tho tặng cho Trung đoàn cái tên: “Trung đoàn rau ốc”. Khi chia tay, anh Sáu Phu hơn tôi 10 tuổi, các cô chào anh Sáu Phu bằng “Anh Sáu”, còn tôi thì các cô chào là “Chú Ba”. Khi các cô đi khỏi, tôi mới thắc mắc với anh:
- làm chính ủy thì được các em gọi là anh nghe ngọt quá, còn làm nghề chỉ huy quân sự thì các em gọi bằng chú, nghe chua thật!...
Anh Sáu vừa nói vui gợi lên ý nghĩa khá sâu sắc:
- Nhìn bộ râu của ông, đánglý các cô gọi là cụ đấy! Còn gọi là chú, là anh, chú bộ đội hay anh bộ đội Cụ Hồ, chẳng ai phân biệt được trẻ với già.
Tôi lại nhớ ngay câu nói của Chính ủy Tây Nguyên Chu Huy Mân đã nhìn vẻ mặt của một cán bộ từ trận mạc về vào cuộc họp báo cáo…” Nhìn thấy tóc râu bụi đất trên khuân mặt của anh thì ai cũng hiểu cảnh bê bối của chiến trường”
Mẩu chuyện trên là một chuyện rất nhỏ, rất bình thường trong một trận đánh nhưng đối với tôi, nó lại là kỷ niệm và bài học sâu sắc nhớ đời của đời lính không thể nào quên . Tôi ghi vào đáy lòng mình lời của” Một Chính ủy yêu đời”…
(CÒN TIẾP)