-
KHÚC SÔNG XA
(16/01/2017 03:01:23)
-
Nhà văn Phùng Phương Quý, quê Xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, Phú Thọ nhưng lại bén duyên với mảnh đất Tây Ninh. Anh đã phát hành khá nhiều tác phẩm như: Huế xa - Tập thơ - NXB Thuận Hoá năm 1996
+ Mưa trên lá cọ - Tập thơ - NXB Thanh niên 2001
+ Mùa trăng suông - Tập truyện ngắn - NXB Văn hoá dân tộc 2004
+ Cánh rừng còn sót lại, tập 1 - Tiểu thuyết - NXB Hội Nhà văn 2006
+ Cánh rừng còn sót lại, tập 2 - Tiểu thuyết - NXB Hội Nhà văn 2008
+ Thủ lĩnh bản Nun - Tập truyện thiếu nhi - NXB VHDT 2008
+ Đồng hành cùng sói - Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn đang in...
Trong dịp Xuân năm nay, anh gởi một truyện ngắn về tham gia trang Báo Xuân Đinh Dậu 2017 của E24. Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí, các bạn
KHÚC SÔNG XA
Truyện ngắn: Phùng Phương Quý
Chiều trên sông Măng rất tĩnh lặng và nhiều nắng, những ánh nắng tụ lại trên cánh sóng nhỏ, lấp lánh. Khúc sông này nhỏ và hẹp như sông Bứa ngoài quê, tuy hai bờ ít cây cối hơn, nhưng rất giống sông Bứa khúc chảy qua chợ Minh Đài, nước xanh và phẳng lặng. Biên giới ngay trước mặt, lô nhô rừng lá thấp.
Hai năm đón Tết ở trường, mới về đồn được hai tháng, năm nay chắc chưa được về nhà. Trung mong được gặp lại quê hương, được chống mảng qua khúc sông lặng, vào rừng cắt lá dong cho mẹ gói bánh chưng. Chỉ hơn tháng nữa là Tết, ngoài quê nghe nói trời lạnh lắm, không bù cho ở đây, mồ hôi rịn lưng áo.
Chiếc xuồng cập bờ, mái chèo va lịch kịch. Trung nheo mắt, nhận ra trong chiều dáng con gái dong dỏng cao, nước da ngăm đen. Chiếc giỏ của cô gái Chăm đầy những chùm trám xanh, Trung hỏi:
- Em gái ơi! Quả trám này hái ở đâu vậy?
- Trám nào đâu anh? Trái này hả! Là trái cà na, mình hái về ăn chơi thôi.
Cà na? Sao giống quả trám xanh ngoài quê thế? Trung xin một quả, đưa lên miệng cắn thử. Vị chua và chát không lẫn vào đâu được cùng cái hạt hình thoi. Cà na, chắc người Chăm gọi thế. Vậy cây cà na ở đâu? Cô chỉ qua bên kia sông, nơi có chùm cây tán rộng vươn cao.
Mình phải hái mấy chum cà na về đập dập kho cá cho cả đồn thưởng thức. Đây là món đặc sản rừng, trám xanh kho cá. Tìm một bụi cỏ chồn rậm rạp, Trung giấu kĩ đôi giày rồi cởi bộ quân phục cuốn tròn lại, bước xuống sông. Tay trái cầm bộ quần áo giơ cao quá đầu, tay phải khoát nước, Trung bơi đứng giữa dòng nước chảy nhẹ. Nắng xiên khoai rọi sau gáy nóng rãy, anh ngụp đầu xuống nước, chao ôi là mát.
Nước chảy trên người tong tỏng, Trung vuốt mặt nhìn lên ngọn cây xùm xòa cành lá, những chùm quả buông trĩu. Ồ! Đây không phải cây trám. Quả thì giống, nhưng cây lá khác hẳn. Cây trám không mọc thành bụi ba bốn cây thế này, lá trám dài, thô chứ không nhẵn mịn và tròn như lá cà na. Chắc cây cà na cùng họ với trám xanh thôi. Loáng cái, Trung đã trèo lên cây, bẻ vội mấy chùm quả. Tháo dây lưng thắt quanh bụng, Trung mắc mấy chùm cà na vào rồi bơi trở về.
Món cá linh kho với trái cà na chưa kịp ăn thì đồn phó trung tá Lộc gọi Trung lên ban chỉ huy. Anh Lộc cũng là đồng hương Phú Thọ, quê ở Hạ Hòa. Ngày mới về đơn vị, gặp đồng hương lại là đồn phó, Trung đã mừng thầm. Nhưng bây giờ thì khác.
- Cậu bơi sang sông làm gì? Có biết đây là biên giới không?
- Dạ…em kiếm mầy quả trám xanh về kho cá.
- Vô kỉ luật! Lỡ xảy ra tình huống xấu thì làm thế nào?
Sau một hồi lên lớp về ý thức kỉ luật và tình hình phức tạp khu vực biên giới, anh Lộc quyết định.
- Phạt một tuần chăn bò!
Nhàn văn Phùng Phương Quý |
Trung lướt mắt kiểm tra quân số “tiểu đội” bò. Bốn vàng mẹ, ba bê con, ba thằng vàng đốm trắng vừa nhú sừng, một thủ lĩnh vàng sậm kềnh càng với cặp sừng tê giác. Bốn, bảy. mười, mười một. Hết! Cứ cặp ven rừng cao su mà ăn cỏ nhé. Mục tiêu bên trái lúa đang chín. Cấm! Tọa độ bên phải, bắp trồng xen cao su đang trổ cờ. Cấm!
Anh gom mớ lá cao su, ngồi nghỉ, chiếc gậy tầm vông nằm bên cạnh. Phía trong, khoảng trời nhỏ bé hình chữ nhật lấp loáng cuối những lô cao su thẳng tắp. Tiếng hát con gái lảnh lót đâu đó. Không phải dân ca Khơ- me, cũng không phải cổ nhạc. Làn điệu này hình như anh đã nghe. “Duyên phận ta phải i chiều ì, này ai ơi…”. Hình như là dân ca quan họ. Tiếng hát dừng ngay sau lưng. Anh quay lại, một cô gái hơi lùn, mặt tròn bịt khăn chỉ hở đôi mắt to. Bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh loang lổ mồ hôi, chiếc bình phun màu vàng kéo lệch bên vai.
- Anh bộ đội trông bò cẩn thận. Để bò ăn cao su là em bắt đền đấy nhá.
Anh hơi lúng túng, sắp giải thích rằng bò không bao giờ ăn lá cao su, thì cô gái cười rinh rích.
- Anh mới đi chăn bò! Không buồn à? Cái anh gì đen đen người dân tộc đâu rồi?
- Buồn! Nhưng cũng là nhiệm vụ thôi. Binh nhất Điểu Ban được về học thêm chuyên môn. Chị vừa hát dân ca quan họ phải không?
Cô gái thả chiếc bình phun nhẹ tênh xuống đất, bỏ nón tháo khăn. Khuôn mặt bầu dễ thương có chiếc răng khểnh. Cô này cũng người Bắc. Đưa chiếc bi đông nước mời cô gái, anh tò mò:
- Chị làm ở nông trường cao su à?
- Dạ! Em mới vào làm được nửa năm. Vừa rồi là em hát chèo, không phải dân ca quan họ.
- À…à! Đúng rồi! Hát chèo. Tôi lại nhầm là dân ca quan họ.
Tiếng cười giòn tan, đuôi con mắt đen làm anh nghiêng người. Cô gái nói quê ngoài Thái Bình, nhưng gia đình vào Nam lâu rồi, từ hồi chưa có cô cơ. Hát chèo là “đặc sản” Thái Bình, cũng như vọng cổ là “đặc sản” của Nam Bộ vậy.
- Anh cũng là người Bắc, sao không biết hát chèo?
- Tôi người Phú Thọ, trước cũng có nghe hát chèo, lâu không thấy nữa nên nhầm. Bây giờ quê tôi toàn hát xoan, ghẹo.
Anh đỏ mặt vì lỡ nói khoác.
- Em có nghe mấy lần trên ti vi, thấy là lạ. Anh có thuộc bài nào không?
Quả thực là anh không biết hát xoan. Cái lắc đầu của anh làm cô gái bĩu môi. Anh lảng sang chuyện mình được “phân công” chăn bò một tuần. Chỉ một tuần thôi, sau đó phải đi làm nhiệm vụ trinh sát. Ai ngờ cô gái tỉnh bơ.
- Có sao đâu! Cũng giống như em hàng ngày đi diệt cỏ cho cao su chứ gì. Em muốn đi cạo mủ mà chưa được, nói gì đến mơ được ngồi văn phòng.
Đang cười tươi, bỗng anh quýnh quíu chỉ tay về phía bên trái. Ba thằng sừng nhú đã xâm nhập mục tiêu, ra sức bứt những ngọn lúa mới chín. Cô gái cũng kêu lên, chỉ tay về nương bắp.
- Kìa anh! Bò vô phá bắp của người ta rồi!
Con bò chửa rủ rê ba con bê lội vào giữa đám bắp, nhảy nhót phá hoại. Anh lao tới ruộng lúa chín. Cô gái cũng tự động chạy vào đám bắp, tay vung vẩy chiếc nón, miệng la bò…bò. Cả hai nhóm bị đuổi bạt về bãi cỏ ban đầu, nhưng anh lính hốt hoảng vì thấy con thủ lĩnh tê giác đang ghìm chân chĩa sừng về phía cô gái.
- Chị gì ơi! Đứng lại!
Cô gái ngạc nhiên, dừng bước. Con thủ lĩnh tê giác chạy tới, mắt đỏ ngầu.
- Khiếp! Con bò của anh dữ tợn quá.
Lời trách móc làm anh phì cười.
- Tại cô đuổi đánh vợ nó đấy!
Dồn “tiểu đội” bò lại một chỗ, anh quay lại không thấy cô gái đâu. Người gì mất lịch sự quá, về không chào nhau một tiếng. Chợt anh nghe tiếng cô gái vọng trong lô cao su.
- Cứu với…anh bộ đội…cứu em với!
Anh cuống cuồng chạy xuôi, chạy ngược, mà tiếng cô gái văng vẳng như dưới âm ty vọng lên. Bình tĩnh nào, lính trinh sát mà, phải định hướng đã. Lắng tai nghe ngóng, tiếng vọng phía trước mặt, chếch khoảng 15o Bắc, tiến thêm hai chục bước, tiếng khóc ngay dưới chân, nhìn xuống thì thấy cái giếng hoang, cỏ và dây leo che kín mặt giếng, có thể nhìn thầy lờ mờ mái tóc cô gái phía dưới.
- Bám chặt vào đám cỏ ở thành giếng. Chờ tôi.
- Anh ơi! Hu…hu ..Em sợ lắm!
Từ mặt nước lên khoảng 3m, anh chạy đi ngay. Chụp cây kéo bên thùng đồ phun thuốc, anh lao về phía đàn bò. Sáu sợi dây thừng cột bò nối lại với nhau, anh kiểm tra rất kỹ các mối nối rồi thả dây xuống. Đã thấy sức nặng đầu dây bên dưới.
- Nghe tôi nói này. Giờ chị buộc dây thừng vòng quanh háng…
Không được. Buộc dây vòng qua háng là chiến thuật leo núi của trinh sát, con gái làm thế kỳ cục lắm.
- …chị buộc dây vòng qua bụng cho chắc, rồi hai tay nắm lấy dây thừng, tôi sẽ kéo lên.
Tiếng lục sục dưới giếng trong tiếng nấc cố nén. Cô gái đang làm theo hướng dẫn của anh.
- Anh ơi…xong rồi!
Quỳ xuống, hơi cúi người, anh lấy sức kéo dây thừng lên. Trời ơi! Không nhúc nhích. Cô này nặng quá.
- Đạp hai chân vào thành giếng, cùng trèo lên nào.
Cách này được, dây thừng bớt nặng. Quá hoảng sợ, cô gái liều mình vừa níu vừa trèo, có lúc trượt chân suýt kéo lộn cổ anh lính xuống giếng. Thời gian chắc trôi qua khá lâu. Khi anh nắm được tay cô kéo lên mặt đất, mặt trời đã khuất sau rừng cây phía biên giới. Anh vội quay lại tìm đàn bò, chẳng thấy con nào. Thấy trời sắp tối, chúng tự động về đồn rồi.
Một cô gái mặc đồ bảo hộ lao động xin vào đồn Sông Măng gặp Ban chỉ huy. Nhìn những vết xước trên khuôn mặt tròn của cô, trung tá Lộc ái ngại.
- Có gì cần giúp đỡ không cô?
- Dạ! Em xin gửi tờ tường trình về anh…anh gì mới đi chăn bò ấy ạ.
Lộc lo thắt ruột. Lại cậu Trung đồng hương. Không biết nó gây ra lỗi gì nữa đây?
- Cô ngồi uống nước, rồi kể tôi nghe vụ việc ra sao.
- Dạ thôi ạ! Em phải đi làm. Tất cả em đã viết trong này rồi.
Cô vội vàng quay ra. Đồn phó nắm chặt tờ giấy vở học trò trong tay, giận sôi trong lòng. Những dòng chữ mực tím khá đẹp. Càng đọc, mắt đồn phó càng mở to, ngạc nhiên. Cô gái tên là Bùi Thị Tín, công nhân nông trường cao su. Cô kể lại việc mình đang phun thuốc diệt cỏ, lỡ trượt chân rơi xuống giếng và được anh lính chăn bò cứu. Cô gửi lời cám ơn anh và ban chỉ huy đồn. Hừ! Cậu Trung này quen tính vô kỉ luật, việc quan trọng thế mà không báo cáo lại. Cử một chiến sĩ ra bãi cỏ sau đồn gọi Trung về, đồn phó gõ tay lên tờ giấy.
- Tại sao cứu người rơi xuống giếng về không báo cáo lại cho chúng tôi biết?
Trung phân bua.
- Báo cáo thủ trưởng! Thấy người gặp nạn thì phải cứu, kể lại làm gì ạ?
- Làm gì là sao? Lần sau rút kinh nghiệm. Ở vùng biên giới này, tất cả mọi hành động phải gắn kết với tập thể đồn.
Trung buồn rầu quay ra với đàn bò. Ông này hắc xì dầu thật. Chả hòng nhờ cậy gì đồng hương đâu.
Tuần sau, đồn trưởng đi học dưới thành phố về, gọi Trung lên gặp. Khác với vẻ mặt khó đăm đăm của trung tá Lộc, đồn trưởng hồ hởi bắt tay Trung.
- Khá lắm! Thay mặt ban chỉ huy đồn, xin biểu dương tinh thần dũng cảm, linh hoạt của đồng chí. Ngày mai đồng chí bàn giao lại đàn bò cho binh nhất Điểu Ban. Đồn thưởng đồng chí mười hai ngày phép, cộng với một tháng nghỉ Tết của đồn phó Lộc nhường cho đồng chí. Vậy về quê ăn Tết vui vẻ, xong quay lại đồn nhận nhiệm vụ mới.
Trung bàng hoàng vì niềm vui bất ngờ. Anh hít căng lồng ngực, hình như thoang thoảng mùi hương xuân bên bờ sông Bứa quê nhà. Lộc Ninh tháng 2/2014
P.P.Q
………………………………………………………………………..
Góp ý(0)
Thêm góp ý