-
CUNG BẬC, SẮC MÀU TRONG “HỘI LÀNG” CỦA NGUYỄN MẠNH BÌNH
(06/01/2017 20:01:06)
-
Thơ xuân và bình thơ xuân là một mảng không thể thiếu trong những trang báo xuân truyền thống. Thật vui khi trang Báo Xuân Đinh Dậu 2017 của website E24.com.vn đã nhận được bài bình luận thơ xuân của tác giả LÊ ANH. Quê anh ở Thanh Hóa nhưng lại cảm nhận thật sắc sảo và tinh tế về miền quê Kinh Bắc... Xin trân trọng giới thiệu bài viết của người cựu chiến binh, Thầy Giáo Lê Anh Thiêm (Admin)
Nay đã là tháng cuối đông. Không đầy một tháng nữa là kết thúc năm Bính Thân để bước vào “Tháng giêng là tháng ăn chơi” của năm Đinh Dậu. Trên mọi miền đất nước đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp lễ hội. Ngay bây giờ anh Mạnh Bình đã “ gióng trống đình” mời gọi chúng ta đi “Hội làng” rồi. Nghe tiếng trống giục giã, tôi thấy náo nức trong lòng, quên cả ăn, vội đóng áo dài khăn đống đi dự hội cho kịp...
“Hội làng” lại đông người quá, “Dập dìu tài tử giai nhân”.Tôi chân yếu nên đành đứng sang một bên xem người đi trẩy hội vậy. Tôi thích nhất đôi trai tài – gái sắc của anh Nguyễn Mạnh Bình:
"Đưa em về với hội làng
Bài thơ "Hội Làng", trích trong tập thơ KHÚC GIAO MÙA của Mạnh Bình
Hoa xoan tím biếc rắc ngang lưng trời
Trống đình gióng giả từng hồi
Bước chân vấp bởi nụ cười tháng giêng"
Đưa em về “Hội làng” vào mùa “Hoa xoan tím biếc rắc ngang lưng trời”. Câu thơ đã lột tả không gian, thời gian. Mùa đông cây xoan khẳng khiu, trơ trụi nên người ta còn gọi là cây sầu đông nhưng sang xuân thì sắc hoa tím trắng đua nhau bung nở. Hội làng diễn ra giữa mùa hoa xoan – tháng giêng đầu xuân. Về không gian, tôi tin ở thôn quê có rất nhiều sắc hoa. Nhưng với Nguyễn Mạnh Bình thì cả đất trời đều ngưng tụ bởi sắc hoa xoan. Hoa xoan không phải rắc trên đường làng lối xóm, rắc trên lối mòn đường đi mà “rắc ngang lưng trời”. Một hình ảnh tuyệt đỉnh của miêu tả. Càng nhìn ngắm sắc hoa ở xa càng thấy hoa được tôn tạo tầm cao từ cành cây tán lá lấm tấm một màu tím biếc vắt ngang giữa trời. Phải có một tình yêu máu thịt với quê hương cộng với một tâm hồn thi sĩ Nguyễn Mạnh Bình mới có một phát hiện tinh tế như thế!
Rồi âm thanh tiếng trống “gióng giả” như mời gọi, như thúc giục khiến ai ai cũng cồn cào, vội vã, phải mau chóng ra khỏi nhà để được hòa nhập vào dòng người hồ hởi kia: “bước chân vấp bởi nụ cười tháng giêng”. Chữ “vấp” bình thường chỉ là một động từ chỉ sự cố trong bước đi nhưng ở đây nó thật đắt giá. Nụ cười tháng giêng ấy (có lẽ là nụ cười của người con gái Kinh Bắc?), chắc là đẹp lắm, để người đi hội cứ ngoái mãi nhìn, thì tránh sao khỏi vấp? “Vấp” trong háo hức sung sướng, “vấp” trong niềm vui được cộng hưởng của muôn người đi lễ hội, “vấp” của niềm hạnh phúc..."Hội Làng" của tác giả cho ta cảm nhận cảnh và người thật đẹp: Có hoa – hoa tím đầy trời, có âm thanh tiếng trống đình giục giã, tiếng cười tươi rói, và con người vui đến độ bước thấp bước cao có “vấp năm bảy cái vẫn êm hơn giường”, vui khôn tả!
Bây giờ mới thực sự anh đưa em vào mê hồn của “hội làng” với đặc thù văn hóa Kinh Bắc. “Hội làng” mà ta cứ tưởng như Hội Lim thâu tóm toàn bộ nền văn hóa quan họ Bắc Ninh. Một thời anh hát bài “còn duyên” và bao lần được nghe người ta hát. Anh với em từng mơ lên Quán Dốc, từng được ngồi dưới gốc cây đa để “cô mình đẹp xem hội cái đêm trăng rằm … ta lý ối a cây đa”. Em lo sợ ngày hết duyên phải “ngồi gốc cây đa một mình”. Anh với em triền miên đắm đuối trong những câu hát:”Thương nhau con mắt lim rim/Một bầy con nhện đi tìm chăng tơ” . Nhân vật trữ tình trong các làn điệu bài hát quan họ cũng chính là anh là em đã “vương tơ kết” nhưng còn e thẹn ngập ngừng “con tim phập phồng” chưa dám thổ lộ. Ấy là cái thuở ngày xưa “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, cái thời nghiêm túc của chúng ta chứ lũ trẻ bây giờ không thể hiểu.
Người Kinh Bắc có nền văn hóa nho nhã lịch thiệp. Anh hai, anh ba, anh tư – chị hai, chị ba, chị tư hát đối đáp quan họ vẫn tình tứ trong cái ô cầm tay của anh nghiêng che mái đầu cho người bạn gái. Họ trao gửi cho nhau từ lời mời trầu đến nội dung câu hát. Người con gái thẹn thùng, duyên dáng kéo nghiêng vành nón nhưng “con mắt con liếc như là dao cau” không bỏ sót một cử chỉ nào của anh. Có lẽ nền văn hóa này đã thấm vào máu thịt của Nguyễn Mạnh Bình nên nó khởi nguồn cho cảm xúc mà thành thơ:
"Xóm Đình với gọi xóm Đông
Ô che nghiêng mái, nón chùng quai thao
Giọng quê ngọt lịm lời chào
Trầu têm cánh phượng em trao môi hồng"
Hay nói đúng hơn thơ Nguyễn Mạnh Bình đã làm sống dậy không khí hội làng, thổi hồn vào lễ hội ngày xuân, cho ta một lần được đi “Hội Làng” của vùng quê Kinh Bắc.
Có lẽ trước đây anh là người lính, mười tám đôi mươi đã xa quê rồi và sau cuộc chiến anh lại đứng trên bục giảng, lấy mảnh đất Tiền Giang làm quê hương thứ hai nên nhớ về quê, về hội làng càng da diết. Vì thế anh phải thốt lên:”Hội làng anh ngóng, em trông”. Dường như không cầm được lòng mình, tác giả phải dùng hai từ gần nghĩa “ngóng”, “trông”. Lối diễn đạt này làm cho khoảng khắc chờ đợi như dài ra, thời gian trôi đi chầm chậm càng đốt cháy ruột gan con người. Cùng với “ngóng trông” là hai câu hỏi không lời giải đáp:
"Bao giờ hoa cải lên ngồng …
Bao giờ mưa bụi giăng mờ..."
Hình ảnh “hoa cải lên ngồng”, “mưa bụi” là thời điểm xuân sang. Hội làng lại tưng bừng mở ra. Nhưng điệp ngữ “bao giờ” lại rơi vào khoảng lặng trống vắng – chỉ là ước ao chờ mong mà thôi. Vì thế câu kết có sự đột biến lớn trong cảm xúc tác giả. Câu tám được tách thành hai câu như một nhát cắt đầy xót xa nuối tiếc:
"Giât mình
Tóc đã bạc phơ mái đầu"
Ta thảng thốt với ta. Ta xa quê đã lâu, tiếng trống “hội làng” chỉ còn là tiếng vọng trong hoài niệm. Ta già hay “tâm sầu bạch phát”?
Tôi không phải người Bắc Ninh nhưng bài thơ đã làm cho tôi rạo rực ước một lần được dự “hội làng” vùng quê anh.
Bây giờ, từ Sài Gòn, vèo một cái, ba tiếng sau đã có mặt ở đất Bắc Ninh rồi. Đợi màu tím biếc hoa xoan theo gió mùa đông bắc rắc vào đất phương nam mình sẽ bay ra. Nhưng biết có ai cùng với ta trèo lên Quán Dốc?..
.
TP HCM, ngày 03 tháng 01 năm 2017
LÊ ANH
- 1 - Viết bởi Bui Xuan Binh - CCB D269 Dac cong QK8 LE ANH THIEM -NGUYEN MANH BINH(07/01/2017 11:01:36)
- Thong tin them ve LE ANH THIEM - Chung toi la nhung nguoi linh truoc 1975. Sau 1975 cung hoc Dai hoc CAN THO khoa 2. THIEM que Ha Trung-Thanh Hoa. Thiem rat giong dien vien dien anh PHU THANG trong bo phim HOP DONG HON NHAN.