-
LĂNG CHA CẢ NGÀY CUỐI THÁNG 4/1975
(25/04/2016 02:04:44)
-
... 05 giờ sáng, đại đội đã tới khu vực Tây Thạnh, bên kia đường ,cách hàng rào chừng 200m là sân bay Tân Sơn Nhất. Phía trong sân bay đèn vẫn sáng rực, ngọn đèn đỏ tín hiệu ở phía trên cột phát sóng nhấp nháy liên tục. Nhớ chiều qua, lúc 16 giờ đại đội 2 của tôi cùng đội hình xe tăng cũng đã đến đây. Nhìn vào phía trong sân bay, từng đàn trực thăng bay lên bay xuống liên tục, như một đàn mối ngày mưa. Lúc đó tôi cũng không biết tại sao chúng bay nhiều thế. Sau này mới biết là Thủy quân lục chiến Mỹ đưa người đi di tản. (Ghi chép của Nguyễn Đình Thi. CCB E24-F10)
Đ/c Nguyễn Đình Thi |
Theo phân công của Ban chỉ huy đại đội, hôm nay tôi chính trị viên phó đi cuối đội hình đại đội với Trung đội 3 để giải quyết công tác thương binh, tử sỹ nếu có. Anh Lam Khánh Đảo – Đại đội trưởng và anh Nguyễn Đức Lập – đại đội phó đi đầu với Trung đội 1. Anh Lượng – Chính trị viên đi với Trung đội 2.
4 giờ 30 ngày 30/04/1975. Từ Tân Thới Nhất, đại đội được lệnh chuyển quân lên phía trên để chuẩn bị cho trận tổng tiến công. Sài gòn cuối tháng 4 đã chớm sang hè nhưng trời lúc này vẫn còn tối lắm, nhìn chưa rõ mặt người. Phố xá quanh đây từ hôm qua đến nay, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, không một bóng người dân, không một ngọn đèn. Cũng đúng thôi lúc bom đạn thế này ai ra đường làm gì? Đi chừng 10 phút thì tới quốc lộ 1. Tối qua dọc theo quốc lộ này, suốt từ Hoóc Môn tới Quận Lỵ Củ Chi, pháo của địch từ nội ô bắn ra liên tục để chặn đường tiến quân của ta. Đại đội 2 của tôi cũng phải lùi sâu vào phía trong để tránh đạn. Ngoài trục đường 1 lúc này một không khí khác hẳn, bộ đội các đơn vị đông nghịt, đang rầm rập chạy lên phía trên - hướng ngã ba Bà Quọe. Xe tăng, xe thiết giáp, xe kéo pháo nổ máy rầm rầm, rồng rắn chuyển động. Không khí vào trận đánh cuối cùng thật hối hả.
Men theo hai bên đường quốc lộ 1, chúng tôi vừa đi, vừa chạy, tất cả vật nặng, quân tư trang đều đã gửi lại, bộ đội chỉ mang theo mỗi súng và đạn nên cũng đỡ hơn. Pháo địch trong nội đô lúc này thỉnh thoảng lại bắn ra, những tiếng nổ ầm ầm, chớp sáng loé. Mặc kệ, chúng tôi vẫn cứ chạy, càng nhanh càng tốt để kịp đến vị trí tấn công.
5 giờ sáng, đại đội đã tới khu vực Tây Thạnh, bên kia đường ,cách hàng rào chừng 200m là sân bay Tân Sơn Nhất. Phía trong sân bay đèn vẫn sáng rực, ngọn đèn đỏ tín hiệu ở phía trên cột phát sóng nhấp nháy liên tục. Nhớ chiều qua, lúc 16 giờ đại đội 2 của tôi cùng đội hình xe tăng cũng đã đến đây. Nhìn vào phía trong sân bay, từng đàn trực thăng bay lên bay xuống liên tục, như một đàn mối ngày mưa. Lúc đó tôi cũng không biết tại sao chúng bay nhiều thế. Sau này mới biết là Thủy quân lục chiến Mỹ đưa người đi di tản. Lúc nhìn thấy mấy tên lính nguỵ đi lại trong Sân bay, dù khoảng cách khá xa, tức mình giương AK tôi nã một tràng dài, rồi vẫy xe tăng quay nòng pháo, dùng 12,7 ly bắn tiếp vào trong Sân bay. Cứ nghĩ đơn vị sẽ đánh thẳng vào sân bay trong chiều 29/04. Thế mà không hiểu sao ,đến tối lại được lệnh lui lại phái sau. Chỉ mỗi tiểu đoàn 5 là nằm chốt lại ở khu vực ngã 3 Bà Quọe. Sau này có dịp tôi hỏi thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, lúc đó là chính uỷ quân đoàn 3: Tại sao chiều 29/04/1975, Trung đoàn 24 đã ở ngay sát sân bay, trên lại không cho Trung đoàn đánh vào sân bay ngay chiều hôm đó? Thủ trưởng Hiệp nói với tôi: Lúc đó trên yêu cầu cánh quân của Quân đoàn 3 dừng lại ở đó, chờ các cánh quân khác. Để ngày 30/04 cùng đồng loạt tấn công vào nội đô. Thì ra là vậy.
Tầm 6 giờ 30 phút, đại đội tôi cùng tiểu đoàn vào tới đường Lê Văn Duyệt. Đến cách ngã tư Bảy Hiền chừng 400m thì dừng lại, chờ pháo chiến dịch bắn vào sân bay xong sẽ tấn công. Phía sau tiểu đoàn tôi lúc này là đội hình tiểu đoàn 6 và Sở chỉ huy Trung đoàn. Tiểu đoàn 5 từ sáng sớm đã áp sát ngã 4 Bảy Hiền. Hiện giờ đang đánh nhau với địch ở trên đó.
Ngồi ở đường Lê Văn Duyệt xem pháo binh mình bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ chỉ huy sư đoàn dù thật hả hê. Từng đợt pháo liên hồi ,nổ rầm rầm, nhiều đám cháy từ sân bay bốc khói cao ngút. Dân hai bên đường thấy bộ đội đến, chẳng sợ nguy hiểm, đổ ra đông nghịt, hò reo, vẫy mừng. Người tặng bánh, người tặng kẹo, người tặng trái cây, người tặng nước uống, người bắt tay. Có cả những giọt nước mắt. Đã lâu lắm rồi, từ Mậu Thân 1968 đến nay nhân dân nơi đây mới có dịp gặp lại bộ đội giải phóng. Thấy bộ đội trẻ trung, ăn mặc gọn gàng, nói năng nhã nhặn, lịch sự không như địch tuyên truyền, lại thấy xe tăng, xe thiết giáp, pháo các loại đứng đầy đường, hùng dũng, uy nghi ai cũng phấn khởi, mừng vui.
Có một chuyện thật cảm động làm tôi nhớ mãi. Lúc chúng tôi dừng chân chờ pháo bắn, có một bác quê Miền Bắc đến trò chuyện, cạnh bác là một cháu gái chừng 15,16 tuổi. Tôi đoán: chắc là con gái. Bác kể, bác quê ở Hải Phòng, trước 1954 buôn bán đường dài Bắc – Nam. Hiệp định Giơ ne vơ bị kẹt lại ở Sài gòn. Xa quê từ đó. Suốt đêm qua nghe tin bộ đội mình sắp vào, mừng lắm, không ngủ được, chỉ mong có ai cùng quê để hỏi thăm. Đứng nói chuyện với bác được một lúc, tôi đi lên đội hình đại đội ở phía trên. Vừa đi được một đoạn thì nghe tiếng rít mạnh trên đầu. Theo phản xạ tự nhiên tôi nằm rạp xuống đường, cạnh chiếc xe tăng đang đỗ. Một loạt bom nổ ở phía sau. Thì ra địch phát hiện đội hình của ta, chúng gọi máy bay đến ném bom. Khói bom phủ kín mặt đường. Tiếng kêu cứu của người bị thương, tiếng gào khóc gọi tìm nhau của người dân thật thảm thiết. Khói tan, nhìn ở đường một cảnh tượng thật khủng khiếp, bộ đội và dân chết nằm la liệt. Suốt một đoạn đường dài gần 100m, máu lênh láng. Đại đội 1 hôm nay lại “đen” làm sao, gần 20 cán bộ, chiến sỹ bị thương và hy sinh. Anh Nguyễn Xuân Phái – Chính trị viên tiểu đoàn mới lên thay anh Điệp hy sinh ở Buôn Ma Thuột, hôm nay cũng dính bom hy sinh. Thật đau lòng khi tôi nhận ra hai bố con cháu gái vừa đứng nói chuyện với tôi, chết nằm gục bên hè. Chiếc áo trắng của cháu nhuộm đầy máu. Trông thương quá! Thế là ước mong về thăm quê của hai bố con đã không được thực hiện khi hòa bình chỉ còn trong gang tấc . Thật oan nghiệp
Không biết sau này chính quyền nơi đây có nhớ để dựng tấm bia ghi tội ác của địch ở đây hay không?
8 giờ kém 15, pháo chiến dịch bắn vào sân bay ngừng. Đại đội 2 nhận được lệnh điều 4 xe tăng lên tăng cường cho tiểu đoàn 5 đang đánh nhau ở phía trên. Do truyền lệnh nhầm nên cả đội hình đại đội 2 cùng 4 xe tăng đều vượt lên. Xác chết của bộ đội và dân vẫn còn ngổn ngang trên đường do địch ném bom. Trung đoàn yêu cầu gạt sang một bên để đội hình tiến lên.
Phía trên tôi chừng 200m là ngã tư Bảy Hiền, muốn vào được sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy phải vượt qua được ngã tư này. Việc tổ chức tấn công ở đây rất bất lợi cho ta. Địch phòng thủ ở cả ba hướng. Chúng chiếm lĩnh các vị trí trên cao, đặc biệt là khu vực phía trước bệnh viện Vì Dân. Xe tăng M48 được bố trí ở các góc khuất. Lực lượng phòng thủ ở đây là quân dù và quân của biệt khu Thủ đô.
8 giờ, 4 xe tăng đi cùng đại đội 2 đã vào tới ngã 4 Bảy Hiền, nhanh chóng phát triển sang bên trái, đường Võ Tánh. Khi chạy tới ngã tư, tôi thấy một chiếc xe tăng T54 của ta ở phía đầu đường Võ Tánh đang bốc cháy ngùn ngụt, lửa tát vào mặt tôi rất rát, hai chiến sĩ bị thương lúc tôi chạy lên gặp, chắc là của chiếc xe tăng này? Phía bên phải đầu đường Nguyễn Văn Thoại vẫn nghe nhiều tiếng nổ, tiểu đoàn 5 đang đánh nhau với địch ở đây. Đầu phía trên đường Lê Văn Duyệt một chiếc M48 của địch còn nguyên vẹn, nhưng 1/3 chiếc xe này nằm hếch lên vỉa hè. Sau này nghe anh em bên xe tăng kể: biết quân địch phòng thủ ở đây mạnh nên khi tiến vào ngã tư, đội hình xe tăng đi theo hình dích dắc. Cự li cách nhau vừa phải để hỗ trợ nhau. Khi xe tăng 979 do đại đội trưởng đại đội 1 xe tăng – Lê Hồng Tư dẫn đầu vừa vào tới ngã tư Bẩy Hiền, để tiến vào đường Võ Tánh thì xuất hiện hai xe M48 của địch phục sẵn trong ngõ, nhô ra tấn công. Địch ở các nóc nhà phía trước cũng bắn xuống. Xe 979 trúng đạn bốc cháy. Từ phía sau xe 985 và 890 vừa lao lên vừa bắn. Lúc này xe tăng 985 do trưởng xe Phạm Mai Hoạt chỉ huy rất gần với chiếc xe M48 của địch, chần chừ 1,2 giây là dính đạn địch. Phạm Mai Hoạt quyết định: Lệnh cho lái xe Phùng Văn Tính đâm thẳng vào xe tăng địch. Chiếc M48 to là vậy nhưng bị xô lại phía sau. Quá bất ngờ trước hành động này của xe tăng ta, chiếc M48 vội cài số lùi, xô lên hè làm sập một phần căn nhà cấp 4. Bọn lính trong xe hoảng sợ ,mở nắp xe bỏ chạy. Chiếc M48 ở sau thấy vậy , cũng quay đầu chạy mất.
8h30 phút ,đại đội 2 cùng xe tăng bắt đầu tiến vào đường Võ Tánh để tiến về phía sân bay Tân Sơn Nhất. Từ ngã tư Bảy Hiền theo đường Võ Tánh tới cổng số 5 Sân bay dài chừng hơn 1km. Vẫn là quân dù bố trí dày đặc ở các ngôi nhà hai bên đường. Bộ đội dùng súng 12 ly 7 trên xe tăng và AK bắn lên phía trước và lên các nóc nhà nơi quân địch đang bắn xuống. Tiếng nổ khắp nơi, không còn phân biệt được đâu là tiếng súng địch, đâu là tiếng súng ta. Khói đạn như một lớp sương mù dày đặc phủ kín đường Võ Tánh. Phải gắng lắm tôi và một số anh em mới đuổi kịp xe tăng. Đang chạy thì thấy một quả đạn hỏa tiễn từ bên trái bắn ra, bay ngay trước mặt, trượt tháp pháo chiếc xe tăng đang chạy cùng tôi, nổ ngay bên kia đường. Hú vía! Nếu quả đạn kia bắn trúng chiếc xe tăng thì tôi cũng đi theo chiếc xe tăng này, vì cự ly giữa tôi và xe tăng rất gần. Bình tĩnh, nép người vào góc tường, tôi xả một loạt AK về hướng quả hỏa tiễn địch vừa bắn ra. Vừa lúc đó một chiếc xe tăng từ phía sau chạy tới, tôi lấy tay ra hiệu, xe tăng quay nòng pháo bắn tiếp một quả đạn pháo vào trong. Sau này tôi được biết nơi có quả đạn hỏa tiễn bắn ra là trại cảnh sát dã chiến của địch.
Lúc đánh nhau ở đường Võ Tánh có một điều rất đặc biệt. Bộ đội đánh nhau ở phía trên thì ngay phía sau , bất chấp nguy hiểm, dân đã có mặt để lo giúp bộ đội.
Lúc đó đại đội 2 của tôi có một số đồng chí bị thương, chưa biết xử lí ra sao, đã thấy xe lam của dân ập đến, đưa bộ đội lên xe đi cấp cứu. Có chứng kiến hành động của người dân trong những lúc như thế này mới thấy hết được tấm lòng cao đẹp của người dân đối với bộ đội. Tuy vậy tôi cũng hơi lo, sợ sau này không biết tìm anh em đơn vị ở đâu. Tôi hỏi vội một bác lái xe lam.
- Các bác đưa bộ đội về đâu ạ!
- Về chùa Phổ Hiền. Một bác lái xe lam chừng hơn 50 tuổi nhanh nhảu trả lời.
Tôi lấy vội giấy bút ra ghi địa chỉ rồi tiếp tục chạy lên.
Sau giải phóng được 5 ngày, tôi cùng y tá Đoán đến chùa Phổ Hiền đón anh em trong đơn vị và cảm ơn nhà chùa. Đây là một ngôi chùa cổ kính, nằm sâu trong một con đường nhỏ đông dân cư, cách ngã tư Bảy Hiền chừng 1km. Nhà chùa đón tiếp chúng tôi rất trọng thị, chân tình. Anh em thương binh đại đội tôi kể lại: Những ngày nằm điều trị vết thương ở đây ,nhà chùa chăm sóc rất chu đáo. Chùa cử hẳn một bộ phận chuyên chăm lo, chữa trị cho thương binh. Tấm lòng và cách cư xử của nhà chùa làm anh em chúng tôi rất cảm động. Chỉ có mấy ngày ở đây thôi mà sao lúc chia tay tôi thấy ai cũng bùi ngùi.
Tầm 9 giờ, xe tăng đi cùng đại đội 2 sau khi vượt tiểu đoàn 5 ở ngã tư Bảy Hiền đã tiến tới khu vực Lăng Cha Cả. Số xe tăng, xe thiết giáp đi cùng tiểu đoàn 5 một lúc sau cũng có mặt tại đây. Khu vực này là lăng mộ của một giáo sĩ người Pháp có tên là Bá Đa Lộc, rộng chừng 2.000m2, ba mặt đều trống, rất tốt cho việc phòng thủ. Từ đây tới cổng sân bay không xa, chừng 200m, cách Bộ Tổng tham mưu ngụy cũng chừng 400m. Đây là hai khu vực trọng yếu ,nên địch phòng thủ ở đây rất mạnh: Pháo ĐKZ, hỏa tiễn chống tăng M72 được chúng bố trí trên các nóc nhà và cả trên các xe di động. Ngoài số quân đã có sẵn ở đây, ngày 26/4/75, chúng còn tăng cường cho hai khu vực này biệt đội 3 - liên đoàn 81- biết cách nhảy dù với số quân trên 1000 tên, do thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy. Mật độ quân số bố phòng của địch ở đây như vậy là rất lớn, lại là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Sài Gòn.
Xe tăng của E24-F10 bị bắn cháy tại Lăng Cha Cả
Sau khi chiếm được một phần khu vực Lăng Cha Cả, xe tăng, xe bọc thép của C2 và C7 đánh phát triển theo dãy phố bên phải. Địa hình ở đây rất bất lợi cho ta ,vì tầm nhìn phía bên phải bị che khuất bởi dãy phố mà hỏa lực của chúng lại tập trung nhiều ở hướng này (phía trước Bộ Tổng Tham mưu). Xe tăng đầu tiên 875 vừa vượt hết dãy phố, nhô đầu ra khoảng trống thì bị hỏa tiễn M72 đặt trên một cái tháp đang xây dở ở phía trước cổng Bộ Tổng Tham mưu bắn tới. Đứng cách xe tăng 875 chừng 30m, tôi thấy một quả cầu lửa lớn bùng lên ở phía đầu xe, bộ đội ngồi trên xe rơi tự do xuống đất. Từ phía sau chiếc xe bọc thép K63 do đại đội trưởng đại đội 7 – tiểu đoàn 5 – Trịnh Bá Tư lao lên. Cũng như chiếc xe tăng 875, xe K63 vừa nhô đầu ra khỏi dãy phố, lại trúng hỏa tiến của địch, xe bốc cháy dữ dội.
Thêm một đại đội trưởng nữa tên Tư hy sinh. Cách đây một giờ đồng hồ ,đại đội trưởng đại đội 1 xe tăng - Lê Hồng Tư cũng hy sinh ,khi xe của anh vừa tiến vào ngã tư Bảy Hiền. Giờ là đại đội trưởng đại đội 7 – Trịnh Bá Tư.
Suốt hai ngày qua ,đại đội 1 xe tăng của đại đội trưởng Lê Hồng Tư và đại đội 7 Bộ binh Trung đoàn 24 của đại đội trưởng Trịnh Bá Tư luôn sát cánh cùng nhau, đi đầu trong đội hình tấn công của trung đoàn 24, chiến đấu dũng cảm, diệt rất nhiều mục tiêu của địch suốt từ Củ Chi về tới đây. Giờ phút cuối của cuộc chiến anh lại ra đi. Thương xót quá anh Tư ơi.
Lách sang trái hai chiếc xe vừa cháy. Chiếc xe tăng thứ ba từ phía sau tiếp tục lao lên, nhưng vừa nhô ra khỏi khoảng trống sau dãy nhà, lại bị bắn cháy.
Thế là chỉ trong vòng vài chục phút cả ba chiếc xe tăng, xe bọc thép của ta đã cháy tại đây- Lăng Cha Cả. Thật đau xót. Thật đáng khâm phục các chiến sỹ xe tăng quả cảm, anh hùng.
Không biết có phải bọn địch được tiếp sức bởi việc bắn cháy xe của ta hay không mà lúc này chúng bắn ra càng dữ dội. Đạn nổ khắp nơi, liên hồi, tôn che trên mái hiên rơi loảng xoảng. Cả khu vực Lăng Cha Cả mù mịt khói đạn. Tôi cùng mấy anh em của C2 bị thương ở chiếc xe tăng đầu tiên gồm có Thêu - văn thư, Thiện – A trưởng, Thếnh – B phó , Việt - chiến sỹ nắm rạp ở hè tránh đạn. May quá số anh em này chỉ bị thương nhẹ. Chỉ có Thêu bị một mảnh đạn xuyên qua hàm, đa số còn lại bị bỏng và bị sức ép. Nằm ở hè được một lúc ,tôi thấy không an toàn, vì chỗ nãy trống trơn, rất nguy hiểm. Không cẩn thận anh em thương binh lại bị thương một lần nữa. Mấy lần định đưa anh em lùi lại phía sau nhưng đều không được ,vì đạn nổ dữ quá. Tôi quyết định đập mạnh vào cửa xếp ngôi nhà chúng tôi đang nằm tránh đạn, gọi chủ nhà ra mở cửa. Gọi mấy lần không thấy thưa, đang định phá cửa thì may quá ông chủ nhà ra mở cửa. Cửa mở, mọi người ào vào trong. Việt đi cùng tôi hỏi ông chủ nhà:
Có lối nào xuống phía sau được không ông?
Lúc đầu ông có vẻ sợ sệt. Không biết có phải ông sợ chúng tôi hay sợ đạn địch đang nổ? Nhưng chỉ một lát sau ông lấy chìa khoá, mở cửa sau nhà ra một con hẻm, rồi chỉ dẫn cho chúng tôi lùi xuống phía sau.
Sau ngày giải phóng Phạm Minh Việt - chiến sĩ cùng tôi vào nhà ông hôm đó có trở lại thăm ông và gia đình. Ông cho biết: ông là người Hà Đông, vào đây từ năm 1954, vốn là thợ may từ ngày ở miền Bắc ,nên khi vào đây ông vẫn làm nghề này. Lấy tên là tiệm may Hải Phòng. 41 năm rồi không biết ông có còn không? nhưng tấm lòng của ông hôm đó thì tôi vẫn luôn nhớ mãi.
Vừa lùi xuống đầu đường Trương Minh Ký thì thấy đạn địch từ đâu bắn đến chiu chíu trước mặt. Ngoảnh lại phía sau, tôi giật mình nhìn thấy một chiếc trực thăng đỗ trên nóc ngôi nhà bên kia đường Trương Minh Ký. Hoá ra bọn địch ở đây đang bắn xuống chúng tôi. Tôi hô mọi người dùng AK bắn về phía bọn này. Một lúc sau thấy tiếng súng của địch ở đây im hẳn.
Sau này tìm hiểu tôi được biết. Chiếc trực thăng đó chiều 29/4 có nhiệm vụ đến đón gia đình một viên tướng ngụy đi di tản. Khi cất cánh, cánh máy bay va đập vào nhà bên cạnh, bị hỏng. Máy bay không bay lên được, phải nằm lại.
Khi tôi và mấy anh em C2 lùi xuống được phía sau thì đội hình tiểu đoàn 5 phát triển lên cũng dồn lại ở khu vực đầu Lăng Cha Cả. Gặp 2 khẩu cối, 1 khẩu 82 ly, 1 khẩu 60 ly ( chắc là của C8 - D5 ) đang ùn ở đó. Tôi yêu cầu anh em đặt cối ngay giữa đường, bắn cầu vồng vào phía trong. Vì lúc này vướng nhà, hỏa lực xe tăng không phát huy được. Mặc dù không phải cán bộ chỉ huy trực tiếp của phân đội này. Nhưng nghe tôi nói, anh em chấp hành ngay. Cả 2 khấu cối cứ thế liên tục nã đạn vào sâu phía trong, bắn tới lúc không còn quả đạn nào.
Tôi biết được Dương Văn Minh – Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng khi lệnh này trôi qua gần 20 phút. Chả là lúc đang đánh nhau thì thấy một đoàn xe lam 4,5 chiếc, trên xe toàn thanh niên đeo băng đỏ. Trống, chiêng rầm rầm, xe nào cũng treo cờ giải phóng, chạy từ phía ngã tư Bảy Hiền lên. Hô lớn:
- Dương Văn Minh đầu hàng rồi các chú ơi!
- Hòa bình rồi các chú ơi!
Thấy vậy tôi đứng ra giữa đường ngăn và nói lớn:
- Yêu cầu tất cả quay lại. Ở đây vẫn còn đang đánh nhau.
Số thanh niên này có vẻ chưa tin lời tôi nói. Đúng lúc đó pháo của địch bắn tới, nổ rầm rầm. Cả đoàn xe hốt hoảng, rú ga quay đầu chạy.
11h40 phút, khi tiếng súng ở các nơi trong nội đô Sài Gòn thưa dần sau tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh thì tại khu vực Lăng Cha Cả cuộc chiến của tiểu đoàn 5 – Trung đoàn 24 diễn ra vẫn rất ác liệt. Bọn lính dù ở đây quả là rất ngoan cố. Chúng vẫn coi như chưa biết gì về lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Trung đoàn trưởng Vũ Tài quyết định điều hai khẩu pháo 85 ly nòng dài lên hỗ trợ tiểu đoàn 5 tấn công. Khẩu đôi pháo đầu tiên vừa vào tới khu vực bên trái Lăng Cha Cả, chưa kịp nổ súng, lại trúng hỏa tiễn của địch. Pháo hỏng, cả khẩu đội hy sinh. Trước tình hình pháo binh chưa thể triển khai tấn công được. Trung đoàn phó Trương Văn Việt và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 – Lê Xuân Chuyển quyết định dùng bộ bình đột phá sang khu vực bên trái Lăng Cha Cả. Bộ binh C5, C6, C7 chia thành các phân đội nhỏ, luồn lách theo các ngôi nhà đánh phát triển vào trong. Trước tiên là tiêu diệt các ổ hỏa lực của địch ở phía trước Lăng Cha Cả. Xe tăng, xe thiết giáp cơ động ở sau, hỗ trợ bộ binh tấn công.
12 giờ, tiểu đoàn 5 đã tiêu diệt được các ổ đề kháng của địch ở phía trước Lăng Cha Cả và cổng số 5. Bộ đội tiếp tục đánh phát triển vào trong sân bay. Chiếm được Bộ Tư lệnh sư đoàn 5 không quân, khu truyền tin, khu cố vấn, khu ra đa.
Trong lúc tôi và một số anh em của đại đội 2 đi cùng xe tăng đánh nhau ở khu vực Lăng Cha Cả thì đại đội 2 lúc trước do nhận lệnh nhầm, đã được lệnh quay trở lại cùng đội hình tiểu đoàn 4 đánh vào Bộ Tư lệnh sư đoàn dù. Theo đường Hoàng Hoa Thám lúc 10h30, tiểu đoàn 4 đã tấn công vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù. Địch ở đây chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Lợi dụng địa hình Sư đoàn dù tiểu đoàn 4 vừa chiếm, tiểu đoàn 6 đánh phát triển vào trong Sân bay từ hướng Tây Bắc. Chiếm được Bộ tư lệnh không quân và gặp phái đoàn quân sự của ta ở đây.
12 giờ 40, Trung đoàn đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. Nghĩa là sau hơn 1giờ khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì tiếng súng ở đây mới im.
Chiều 30/4 tôi và một số anh em đại đội 2 được giao nhiệm vụ giải quyết công tác tử sỹ tại khu vực 3 chiếc xe tăng cháy. Tôi nhận ra anh Khúc Duy My. Trợ lý tác chiến của tiểu đoàn ,chết nằm ở bên trái chiếc xe tăng cháy đầu tiên. Anh đi cùng anh em C2 trên chiếc xe tăng này. Lúc ở Ban tuyên huấn cùng tôi ,anh là đội trưởng đội tuyên văn. Anh có biệt tài kéo nhị và diễn hài. Là lính văn nghệ nhưng anh vẫn mang đậm chất nông dân, hút thuốc lào liên tục, giọng thì lúc nào cũng têu tếu. Sáng nay ,lúc dừng chân ở đường Lê Văn Duyệt chờ lệnh tấn công, tôi và anh còn đứng nói chuyện với nhau. Anh đi đi lại lại trong đội hình tiểu đoàn, tay lăm lăm khẩu K54, trông thật hài. Anh hy sinh vào đúng những phút cuối của cuộc chiến. Xót xa làm sao! Thế là 5 anh em trong đội tuyên văn xuống đơn vị, hôm nay anh là người thứ ba lại ra đi, trước đó là anh Then và Thành.
Khoảng 15 giờ, tôi và mấy anh em C2 mới giải quyết xong công việc ở chỗ xe tăng cháy. Sài Gòn lúc này đã sang chiều, nắng vàng trải nhẹ trên các đường phố, gió từ sông Sài Gòn thổi vào mát rượi. Đường phố rợp cờ, hoa, người đông nghịt, trong đó có rất nhiều binh lính của chế độ Sài Gòn cởi trần, đi chân đất, mặc mỗi chiếc quần đùi. Quần áo, phù hiệu, giày, mũ và các thứ liên quan đến lính ngụy, họ vứt đi hết. Đi từ hướng Củ Chi vào nội thành. Họ cũng vui mừng không kém gì chúng tôi. Chiến tranh dài dằng dặc thế là đã kết thúc.
Sau ngày giải phóng, mỗi lần từ Miền Bắc vào Sài Gòn, tôi đều trở lại Lăng Cha Cả để tìm dấu tích kỷ niệm xưa và thắp nén nhang cho đồng đội. Lần trở lại gần đây, tôi không còn nhận ra Lăng Cha Cả năm xưa nữa. Khu vực này đã đổi khác hoàn toàn. Cả cái Lăng Cha Cả giờ cũng không còn. Nơi đây giờ là một nút giao thông rộng lớn, rất đẹp, có nhiều bồn hoa, cây xanh, người đi lại nhộn nhịp suốt ngày đêm. Có cả một cây cầu vượt lớn bắc ngang qua. Chạnh lòng. Tôi ao ước : Nơi đây nếu không có một tượng đài , thì cũng có một tấm bia ghi lại trận đánh ác liệt và kéo dài nhất trong ngày 30/04/1975 ở Sài Gòn, để những người hàng ngày đi qua đây và thế hệ mai sau không quên những người đã ngã xuống tại mảnh đất này: LĂNG CHA CẢ - SÀI GÒN.
_____
NGUYỄN ĐÌNH THI
Góp ý(0)
Thêm góp ý