-
TẢO MỘ CUỐI NĂM
(01/02/2016 13:02:29)
-
Ông Trần Chánh Nghĩa là một nhà bào kỳ cựu với rất nhiều tác phẩm đăng trên Vietnamnet và nhiều tờ báo khác. Theo lời mời của Quản trị website E24, ông đã gởi một bài viết về mục Báo Xuân của Trung đoàn 24 Anh Hùng. Nhân những ngày tảo mộ cuối năm, trước thềm năm mới Bính Thân, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với các đồng chí, các bạn bài báo này và không quên gởi lời cám ơn và chúc tác giả luôn gặt hái nhiều thành công trong nghề viết của mình. (MB)
Tảo mộ vào dịp cuối năm là một tập tục truyền thống của người VN. Tập tục này giúp con cháu nhớ lại công đức của ông bà dòng tộc . . .
Một chút ngậm ngùi
Tôi không phải là con cháu hậu duệ dòng họ Trương nhưng lại là hậu duệ về nghề nghiệp của người nằm trong ngôi cổ mộ kia. Người đó là cụ Trương Vĩnh Ký người Việt Nam đầu tiên làm tổng biên tập tờ báo đầu tiên của Việt Nam, tờ Gia Định báo. Vì lẽ đó, tôi tự cho mình là hậu duệ của cụ về nghề nghiệp để có chút tư cách viếng lăng mộ cụ vào những ngày cuối năm âm lịch.
Mộ cụ Trương số 520 đường Trần Hưng Đạo ngay ngã tư giao với đường Trần Bình Trọng (P.4 Q. 5 TP.HCM) trong nghĩa trang gia tộc họ Trương. Khu đất này khá rộng được bao bọc bởi tường rào chung quanh. Từ ngoài nhìn vào, cổng tam quan uy nghi sừng sững được xây dựng theo đường nét kiến trúc pha lẫn đông tây kim cổ.
Bên trong khuôn viên, một nhà mồ tứ giác với 4 cánh cổng sắt. Ở mỗi cổng, hai bên là hai hàng câu đối bằng chữ Hán. Bên trên cổng, một hàng chữ La tinh và một cây thánh giá. Một cây thánh giá khác lớn hơn được đặt cao nhất trên đỉnh của nhà mồ. Ngoài ra còn có những hoa văn mang đường nét rất Á đông kèm theo những hình rồng uốn khúc trên mái lợp. Nhìn vào trong một nền gạch hoa phẳng lỳ. Bụi bặm và một ít rác rưởi còn vương trên nền. Bên dưới nền đất đó, giữa là mộ phần của cụ Trương Vĩnh Ký, bên trái là của người phối ngẫu, cụ bà Vương Thị Thọ và bên phải là của trưởng nam cụ Trương.
Bên cạnh nhà mồ, cách vài chục mét là một gian nhà cổ với kiến trúc đậm nét nông thôn nam bộ, ba gian hai chái. Đây là căn nhà mà theo những người trong tộc họ Trương đang sinh sống, lúc sinh thời chính cụ Trương Vĩnh Ký đứng ra coi ngó xây dựng và cũng là nơi cụ sống những ngày cuối đời. Hiện tai căn nhà này còn lưu lại dấu vết của thời gian xây dựng : decembre – 1889 (tháng 12 năm 1889) trên nóc nhà.
Đã qua hơn 100 năm, khu mộ phần và nhà ở của cụ Trương đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà nước chưa công nhận là di tich trong khi con cháu cụ, những người đang sinh sống tại đây quá khó khăn về kinh phí. Một khoảng đất trống trong khuôn viên hiện được tận dụng làm một quán ăn. Bàn ghế, mái che lẫn lộn giữa khung cảnh trang nghiêm trong lòng đô thị bậc nhất Việt Nam đang như một tiếng thở dài não ruột.
Mặt tiền khu lăng mộ cụ Trương (ảnh Hồ Tường)
Mộ phần cụ Trương. (ảnh Hồ Tường)
Bó hoa trên cánh cổng sắt
Tôi viếng lăng cụ Trương Vĩnh Ký vào những ngày giáp tết. Ngoài đường, khu vực quận 5 không khí tết đang tràn về. Bước qua khỏi tam quan là một không gian u tịch. Một thoáng chạnh lòng đến với tôi, một người làm báo hậu sinh viếng một nhà báo tiền bối.
Cụ Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6.12.1837 tại Cái Mơn (Vĩnh Long) nay thuộc huyện Chơ Lách (Bến Tre), mất ngày 1.9.1898. Cụ theo đạo công giáo nên còn có tên thánh là Jean Baptiste Petrus nên thường được gọi tắt là Petrus Ký.
Là người học rộng, thông thạo 26 ngôn ngữ, cụ Trương là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn với một kiến thức uyên bác. Cụ được xếp một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19 đã để lại cho hậu thế hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, dịch thuật ...
Là người thiết tha với nền văn học quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai, cụ đã đặt nền móng cho nền báo chí Việt Nam. Cụ đã sáng lập và làm chủ biên (tổng biên tập) tờ báo tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo.
Tồn tại trong 44 năm, Gia Định báo phát hành số ra mắt đầu tiên tại Sài Gòn vào ngày 15.4.1865 mở đầu cho hàng loạt báo sau này như Phan Yên báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn v.v. . .
Đứng trước mộ phần cụ Trương, người đã mở đầu cho nền báo chí Việt Nam, khai sáng và phát triển nghề báo để đến bây giờ, chúng tôi thật sự bồi hồi. Ăn chén cơm hôm nay nhớ công đức người xưa một nỗi xót xa trào dâng khó tả. Gần đến ngày tết, mộ phần vẫn loang lỗ rêu phong. Không một nén nhang bát nước. Trên cánh cổng sắt để vào bên trong mộ phần đã khóa chặt. Một bó hoa của một khách nào đó cột vội trên cánh cửa. Dường như cũng có những người, có thể là đồng nghiệp, cũng có ý nghĩ như tôi cũng đã đến đây tảo mộ người đã khuất.
Một nén hương lòng, một chút thành tâm kính dâng lên cụ như một hành động tưởng nhớ người xưa.
Trần Chánh Nghĩa
Góp ý(0)
Thêm góp ý