-
Năm Thân nói chuyện chữ tâm và hình tượng khỉ
(26/01/2016 05:01:46)
-
Trong số 12 con giáp thì con khỉ là con vật duy nhất được lấy làm biểu trưng cho cái tâm của con người. Chính vì thế hình ảnh những chú khỉ tinh nghịch luôn đi kèm những bài học triết lý sống vô cùng sâu sắc.
Hà Minh
Trong những ngày đầu năm Bính Thân, câu chuyện về loài khỉ được nhiều người nhắc đến. Tại các sở thú và các khu vực vui chơi, người ta chú ý nhiều hơn cho các tiết mục của các chú khỉ. Ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm, hình tượng khỉ được trưng bày vàmua bánsôi động. Nhiều người sẽ cố gắng tìm kiếm cho mình những câu chúc hay trong dịp đầu năm con khỉ. Họ sẽ dễ dàng mua tặng nhau những bức tượng “mã thượng phong hầu” (tượng khỉ cưỡi ngựa) hoặc bộ tượng “khỉ tam không” để cầu chúc nhau năm mới được bình an và thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, ít người để ý rằng ẩn chứa đằng sau hình ảnh khỉ cưỡi ngựa hoặc khỉ bịt miệng-bịt mắt -bịt tai còn là một câu chuyện đầy triết lý về “ý mã, tâm viên” mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần chiêm nghiệm để có một thái độ sống chân thiện, hài hòa ngay trong chính gia đình mình cũng như ngoài xã hội.
Từchuyện khỉ đá Bật Mã Ôn…
Tại Việt Nam, có lẽ rất ít người không biết đến bộ phim truyền hình dài tập Tây Du Ký do Đài truyền hình Trung Quốc sản xuất, chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Ngô Thừa Ân. Trong tiểu thuyết Tây Du Ký, hình tượng nổi bật nhất là nhân vật Tề Thiên đại thánh Tôn Ngộ Không. Bản thân Ngộ Không vốn không tên, không tuổi là một con khỉ nứt ra từ khe đá. Nó ăn gió nằm sương cùng với đàn khỉ ở núi Hoa Quả Sơn sau một thời gian dài, rồi nó ngộ ra rằng tất cả các loài đều phải chết.
Nỗi sợ cái chết, khiến nó nghĩ rằng nhất định phải học được phép trường sinh. Nó lênh đênh trên biển lớn để tầm sư học đạo,nhưng bản thân nó cũng chẳng biết các vị “Phật”, “Tiên”, “Thánh” cư ngụ ở chốn nào mà tìm kiếm. Rồi có người mách cho nó đến núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh gặp tổ sư Tu Bồ Đề.
Tranh “Tâm viên bất định” của Ohara Koson (Nhật Bản) |
Núi Linh Đài Phương Thốn nằm ở nước nào trên bản đồ? Động Tà Nguyệt Tam Tinh nằm ở chỗ nào trong núi đó? Giá có tấm bản đồ trên tay thì ngay lúc đấy Ngộ Không cũng không thể nào tìm ra được. Bởi cả dãy núi ấy, cả cái động ấy xét đến cùng thì chỉ là chiết tự của chữ Tâm (心). Nhưng con khỉ đá khôn ngoan đã không tìm đường bằng mắt. Nó cầu đạo bằng cả tấm lòng nên đã vào được “động Tâm” và được Bồ Đề truyền thụ 72 phép thần thông, vừa có thể trường sinh bất tử, vừa có thể biến hóa khôn lường, lên trời xuống biển chỉ trong nháy mắt.
Nhưng một ngày nọ, nó quen thói cũ huênh hoang, lại nhảy nhót, nghịch ngợm leo trèo khiến Tổ sư tức giận. Con khỉ đá bỉ đuổi về lại Động Thủy Liêm. Nó có tài phép tài biến hóa thần thông nên đánh xuống Long Cung, Địa Phủ. Khắp trời đất đều chao đảo khiến Ngọc Đế tức giận phái thiên binh bắt nó lên trời.
Ban đầu Ngộ Không được giao cho giữ chức Bật Mã Ôn, tức là một chức quan nhỏ phụ trách trông coi đàn ngựa. Nhưng nó bất bình, bởi nó nghĩ rằng với bản lĩnh của nó thì có thể ngồi ngang hàng với Ngọc Đế. Nó tự xưng mình là Tề Thiên đại thánh (tề thiên tức là ngang bằng với trời) và đánh phá khắp cõi trời. Chỉ đến khi Phật Tổ Như Lai xuất hiện thì nó mới bị khuất phục và chịu đày ở núi Ngũ Hành suốt 500 năm…
Câu chuyện của con khỉ đá Ngộ Không đại ý chỉ như vậy, nhưng kỳ thực là một chuyện triết lý ngụ ngôn vô cùng thâm diệu. Bản thân Ngộ Không vốn chỉ là biểu trưng của dòng ý thức trong mỗi con người. Dòng ý thức này được nuôi dưỡng trong “khối đá tiên” chính là đầu óc của mỗi chúng ta. Khi khối đá nổ tung thì dòng ý thức nhảy ra ngoài. Nó dũng cảm đối mặt với thách thức để tìm ra nơi chốn tốt đẹp và cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc, sung sướng, tự tại. Giống như Ngộ Không vượt qua thác nước đang chảy ầm ầm để tìm thấy “động Thủy Liêm”.
Tuy nhiên, dòng ý thức của mỗi chúng ta là bản năng không có gì gò bó được. Những tham vọng, những cám dỗ của cuộc sống luôn khiến chúng ta điên cuồng chạy theo những toan tính cầu lợi, đôi khi trở thành ấu trĩ và mê muội. Con khỉ đá không chấp nhận cuộc sống nhàn hạ như thần tiên ở động Thủy Liêm, cũng như mỗi con người chúng ta đều không muốn dừng lại để biết thế nào là đủ. Khi đã có phép thần thông, đã có thể sống trường sinh, đáng ra Ngộ Không cần yên phận với chức quan giám mã của mình, nhưng nó lại muốn bằng trời. Và tai họa bắt đầu đến với nó chính từ sự ngông cuồng và quá chiều chuộng bản thân.
…nghĩ về việc “cột” tâm trong đời sống
Việc “sắp xếp” cho Ngộ Không giữ chức Bật Mã Ôn, thực ra là một ẩn dụ mà nhà văn Ngô Thừa Ân muốn dùng để nói về “tâm viên ý mã”. Trong triết lý của nhà Phật, tâm và ý trong mỗi con người chúng ta cũng như con khỉ và con ngựa luôn bất định và không ngừng chạy nhảy. Để trói buộc tâm ý không có cách nào khác là tự thân mỗi chúng ta phải coi sóc đến dòng ý thức của mình cũng như con khỉ Ngộ Không phải trông coi đàn ngựa để chúng không vượt ra khỏi biên giới nước Trời.
Ngộ Không vốn đại diện cho Tâm, nó lại đi học đạo ở “động Tâm” vì thế chính là hành trình tâm trở về với tâm để cầu sự bình yên tuyệt đối. Nhưng bản thân mỗi chúng ta cũng như con khỉ Ngộ Không vốn không bao giờ chấp nhận lý lẽ của tạo hóa. Chúng ta sống giữa xã hội, bị chi phối bởi “thất tình, lục dục” nên luôn nảy sinh những yêu, ghét, giận, buồn, lo nghĩ và tranh đấu. Để thỏa mãn cái tôi cá nhân, mỗi chúng ta đều sẵn sàng nghĩ xấu, nói xấu người khác, bóp méo sự thật, thậm chí làm những chuyện khuất tất để đạt được những mục đích của mình. Ít ai trong chúng ta chịu bịt mắt, bịt tai, bịt miệng để nhìn, để nghe những người khác với lòng vị tha, thiện cảm và độ lượng.
Liên quan đến câu chuyện bịt mắt, bịt miệng, bịt tai có lẽ cũng phải kể đến một hình tượng biểu trưng khác là bộ tượng “khỉ tam không”. Bộ tượng khỉ này có nguồn gốc từ văn hóa Phật giáo ở Ấn Độ và Nhật Bản. Nó được tạo hình ngộ nghĩnh gồm 3 con khỉ: một con bịt mắt, một con bịt tai, một con bịt miệng. Chính vì thếnhiều người diễn giải rằng đó là đại diện cho quan niệm sống vô cảm, bàng quan, an phận, mặc kệ những gì xảy ra xung quanh.
Tuy nhiên, đó là những suy diễn hài hước không đúng với ý nghĩa thực của bộ tượng này. Bởi hình tượng con khỉ vốn được dùng để biểu trưng cho cái tâm của mỗi con người. Muốn cho tâm không vọng động, không bị chi phối bởi những cái xấu xa thì chính mỗi chúng ta phải biết kiềm chế cái tôi của mình để chỉ nghe những thứ cần nghe, nói những thứ cần nói và nhìn những thứ cần nhìn.
Khi chúng ta nhìn mọi việc bằng cái tâm trong sáng, không vụ lợi, không ác ý thì sẽ tránh được những cám dỗ, tránh được các suy xét thiển cận và những hiềm khích, thị phi. Khi đó, mỗi ngày với chúng ta sẽ được sống trong sự thanh thản, tự tại mà không phải chạy theo những phiền não, toan tính. Trong đầu chúng ta không có những thù hận, ganh ghét thì miệng chúng ta không nói lời cay nghiệt, tai chúng ta không nghe lời xu nịnh, chia rẽ. Mọi nguồn cơn của sự tức giận, sự nông nổi theo đó cũng tan biến nhường chỗ cho những điều tốt đẹp, bình yên đến với chúng ta một cách tự nhiên như cây cỏ đâm chồi nảy lộc trong thời tiết ấm áp của ngày xuân./.
HÀ MINH
Góp ý(0)
Thêm góp ý