-
Thăm lại chiến trường xưa
(27/05/2011 17:05:27)
-
Gần 40 năm, trở về thăm lại Tam Bình, nơi chiến trường xưa đầy bom đạn, bà con nơi đây vẫn quý mến và luôn nhắc “Mấy thằng bộ đội Bắc kỳ dễ thương”. Tôi sực nhớ đến hai câu thơ mà lúc còn là người lính, tôi luôn tâm đắc: “Đời bộ đội gia tài trên vai cả, chỉ tình dân là mang nặng không cùng”.
Vừa qua, nhân kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2011), tôi cùng các anh CCB E24 Anh hùng về thăm lại chiến trường xưa tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là nơi Trung đoàn đóng quân dài ngày nhất sau khi hành quân từ Gò Công về đầu năm 1973.
Đi từ Thị trấn Cai Lậy vào, dọc theo quốc lộ, chúng tôi đi qua các xã Long Khánh, Long Tiên, đến xã Tam Bình; những địa danh đã đi vào lịch sử của Trung đoàn trong những năm 1972 đến 1975.
Còn nhớ, hồi đó, sau những tháng ngày bám trụ Gò Công đầy ác liệt, Trung đoàn được lệnh rút về Cai Lậy. Đây là vùng lõm da beo (xen kẽ giữa vùng giải phóng và vùng địch). Tuy Hiệp định Pari về Việt Nam đã có hiệu lực, nhưng bọn địch thường xuyên hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta, xây dựng đồn bốt trái phép. Nhiệm vụ của Trung đoàn là đánh bại các đợt hành quân càn quyét của địch, tiêu diệt những đồn bốt lấn chiếm trái phép, mở rộng vùng giải phóng. Trung đội tôi cùng Tiểu đoàn bộ (K5) đóng quân trong khu vườn ở ấp Xéo Lá, xã Tam Bình. Do sợ bom, đạn của địch, dân đã kéo nhau ra ngoài đồng làm nhà để ở. Vườn trống, nhà không, chúng tôi đào công sự trong các vườn cây xác sơ do bom, đạn pháo của địch. Và cũng tại đây, tôi đã bị thương lần thứ hai do pháo địch bắn trên đường xuất kích đánh chợ Tam Bình.
Đã gần 40 năm trôi qua, Tam Bình giờ đây đã đổi thay kỳ lạ. Những khu vườn không, nhà trống trước đây giờ đã trở thành vùng đất trù phú đầy trái cây và nhà cửa khang trang. Ngoài xoài, mạng cầu, mận thì sầu riêng Tam Bình đã trở thành trái cây nổi tiếng với hương vị thơm ngon và ngọt. Chỉ mới đến đầu xã, mùi sầu riêng đã ngào ngạt khắp không gian, như thấm vào da thịt của mỗi chúng ta. Sầu riêng Tam Bình là trái cây có thương hiệu của Cai Lậy, Tiền Giang.
Một điều thú vị với chúng tôi là tại ấp Xẻo Lá ngày xưa, nay có gia đình anh Lê Thanh Tân, nguyên Chính trị viên K5, sau ngày giải phóng đã về đây sinh sống, làm ăn. Gia đình anh chị cũng giống như các gia đình khác ở đây, cùng với những dàn cây cảnh đắt tiền, gần chục gốc sầu riêng trĩu quả.
Chúng tôi gặp nhau, ôm nhau và cùng nhau uống ly rượu nghĩa tình. Đối với anh Hai Tân, tôi có kỷ niệm không bao giờ quên. Ngày ấy, khi Tiểu đoàn về đến Tam Bình, Trung đội tôi ở gần Tiểu đoàn bộ. Thỉnh thoảng, tôi thấy có một anh cán bộ chính trị hay xuống Trung đội thăm hỏi chúng tôi. Điều mà tôi nhớ lâu nhất là lính Tiểu đoàn (K5) hồi ấy toàn là dân miền Bắc, sao lại có một anh cán bộ miền Nam. Và anh là người duy nhất của Tiểu đoàn người miền Nam. Sau này, mỗi khi gặp lại đồng đội cũ, tôi thường hỏi thăm đến anh.
Hôm nay, gặp lại anh, sau những chén rượu vơi đầy, tôi tâm sự cùng anh, lý do nào đã đưa anh chị về đây sinh sống mà không sống ở Mỹ Tho hay một thành phố khác. Trong men rượu, anh nói rằng: “Tôn ơi, anh về đây sinh sống là vì, trước hết, đây là quê hương của chị (vợ anh). Gia đình chị đã cưu mang và che chở anh những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Điều thứ hai, anh muốn ở lại nơi đây để gần với những đồng đội cũ của mình đã hy sinh tại chiến trường này, để có dịp thắp cho các Anh những nén hương vào những ngày trọng đại. Và hơn thế nữa, đây sẽ là địa chỉ để đồng đội cũ và gia đình thân nhân các liệt sỹ khi về thăm lại chiến trường xưa ghé vào, nghỉ ngơi…”. Nghe anh tâm sự, tôi vô cùng xúc động. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tình cảm của anh với đồng đội là vô cùng trân trọng và đáng quý.
Gần 40 năm, trở về thăm lại Tam Bình, nơi chiến trường xưa đầy bom đạn, bà con nơi đây vẫn quý mến và luôn nhắc “Mấy thằng bộ đội Bắc kỳ dễ thương”. Tôi sực nhớ đến hai câu thơ mà lúc còn là người lính, tôi luôn tâm đắc: “Đời bộ đội gia tài trên vai cả, chỉ tình dân là mang nặng không cùng”.
Anh Lê Thanh Tân cùng vợ tại nhà riêng ở Xẻo Lá, Tam Bình
Chia tay Tam Bình, chia tay gia đình anh Hai Tân, tôi thầm mong anh luôn mạnh khỏe, sống lâu, để mãi mãi là địa chỉ “Đỏ” cho đồng đội chúng tôi khi về thăm lại chiến trường xưa./.
Bài và ảnh của Hoàng Thái Tôn- CCB E24
Bữa cơm thân mật tại gia đình anh Lê Thanh Tân
Từ trái sang: Anh Trần Bảo (Hà Nội), anh Dục (Hải phòng), vợ anh Hai Tân, vợ anh Hoàng Thái Tôn (Nha Trang) và anh Lương Xuân Han (Hải Phòng)
Chụp hình lưu niệm với gia đình anh Lê Thanh Tân
- 1 - Viết bởi Nguyễn Trọng Hùng Nhớ lắm...(30/05/2011 11:05:09)
- Cứ nghe đến địa danh Xẻo Lá, Đìa Đưng, Long Tiên... cùng bao tên người như ông Tư Hịnh, má Tư má Bẩy, các chị chỉ nhớ thứ chẳng nhớ tên... là đã run lên nỗi nhớ. Chính ở đây, xã Long Tiên, trong căn lán nhỏ có cây so đũa đầu hồi, tôi đã đọc lời thề khi vào Đảng. Nơi đây, bạn tôi (Phạm Mạnh An), chỉ vì thương dân đi chặt cây tre mà hy sinh vì lựu đạn gài... Sẽ có ngày tôi trở lại đây... Anh Hai Tân ạ!