-
LẦN ĐẦU TIÊN ĐẾN SÀI GÒN
(16/09/2015 15:09:48)
-
Bác bảo, từ ngày bộ đội vào Sài Gòn, ai cũng gọi bộ đội là “đồng chí”, thành quen. Xe chạy trên những đường phố đông đúc người, nhà cửa san sát. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều xe chở đầy bộ đội với trang phục chỉnh tề. Hình như, họ đang tập luyện để chuẩn bị cho ngày duyệt binh mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.(Hoàng Thái Tôn, E24)
Là người lính Trung đoàn 24 Anh hùng, tôi không được may mắn tham gia trận cuối cùng của Trung đoàn đánh chiếm Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn vào sáng ngày 30/4/1975. Sau hai lần bị thương (tháng 9/1972 và tháng 7/1973) tôi được Trung đoàn cho về tuyến sau để ra Bắc. Đang an dưỡng tại Đoàn 640 Quân khu 8 ở biên giới Việt Nam- Cămpuchia (Tây Ninh), đầu tháng 4/1975, tôi được điều về Trường Quân chính Quân khu 8. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trường Quân chính Quân khu 8 hành quân vượt sông Vàm Cỏ Đông, qua Đồng Tháp Mười, tiến về tiếp quản Chi khu quân sự thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Về Tân Hiệp được ít ngày, tôi xin phép Thủ trưởng lên Sài Gòn tìm anh trai. Chuyện đã hơn 40 năm rồi, hôm nay, nhìn lại tấm ảnh chụp lần đầu lên Sài Gòn, tôi bồi hồi nhớ lại…
Hôm ấy, sáng Chủ nhật, ngày 11/5/1975, tôi và Khoái, quê ở Kiến Xương, Thái Bình (cùng đơn vị ở Trường Quân chính), đi từ thị trấn Tân Hiệp, Mỹ Tho lên Sài Gòn tìm người thân. Tôi đi tìm anh trai, còn Khoái thì tìm gia đình người chị gái. Với tôi, khi đi không có một tin tức nào về người anh trai của mình (không biết, sau chiến tranh, anh còn sống hay đã hy sinh). Còn Khoái, thì không hiểu sao, mới giải phóng có mấy ngày mà Khoái đã có địa chỉ của gia đình người chị gái ở Sài Gòn. Chị gái Khoái vào Nam từ lúc còn nhỏ, đi theo đoàn di cư từ Bắc vào Nam năm 1954.
Bảy giờ sáng, hai đứa ra đón xe ngoài quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) và nhảy lên chiếc xe khách Mỹ Tho- Sái Gòn đã chật ních người. Nhưng khi thấy bộ đội, bác tài và lơ xe cũng cố gắng thu xếp chỗ để hai đứa được ngồi, không phải đứng. Từ thị trấn Tân Hiệp đi Sài Gòn khoảng chừng hơn 60 cây số, xe chạy chừng hơn một giờ đã đến bến xe Miền Tây. Lần đầu tiên đến Sài Gòn, cả hai đều choáng ngợp trước cảnh đông đúc của đường phố Sài Gòn. Vừa bước xuống xe, cả hai định đi ra cổng bến xe thì có một bác lái taxi già (khoảng trên 50 tuổi) chặn đường chúng tôi và nói bằng giọng miền Bắc:
- Chào hai “đồng chí”! Hai “đồng chí” đi về đâu, lên xe tôi đưa hai “đồng chí” đi, tôi không lấy tiền đâu? (ngày mới giải phóng, ra đường, ai cũng gọi bộ đội là đồng chí).
Đúng là, buồn ngủ gặp chiếu manh. Cả hai đang lo lắng không biết đi đường nào giữa chốn đô thị đông người thì gặp được lời mời đầy nhiệt tình của bác lái xe, chúng tôi đồng ý và theo bác ra xe. Xe của bác là một chiếc xe ford 4 chỗ ngồi màu đen của Pháp (gọi là xe đít vịt) đậu ở ngoài cổng bến xe. Bác mở cửa xe và mời chúng tôi lên. Tôi và Khoái nhìn nhau không ai nói câu nào và bước vào ngồi ở hàng ghế sau. Tuy vậy, cả hai đều lo sợ mà không dám nói ra. Sau khi đóng cửa xe, bác lái xe niềm nở hỏi lại:
- Hai “đồng chí” về đâu?
Lúc này, Khoái mới mạnh dạn rút trong túi áo ra mảnh giấy có ghi địa chỉ nhà của người chị gái đưa cho bác. Sau khi xem xong, bác nói:
- Chỗ này ở Quận 1. Hai “đồng chí” yên tâm!
Chắc là biết chúng tôi lần đầu đến Sài Gòn, nên bác nói tiếp:
- Hôm nay, hai “đồng chí” đừng lo, muốn đi chơi Sài Gòn tôi đưa hai “đồng chí” đi chơi rồi sau đó đến nhà người quen cũng được.
Nghe vậy, Khoái vội nói ngay:
- Chúng tôi cảm ơn bác! Nhờ bác đưa hai anh em tôi đến địa chỉ đó là được rồi. Không dám làm phiền bác.
Xe bắt đầu lăn bánh. Biết ý chúng tôi lần đầu lên Sài Gòn, bác cho xe chạy từ từ. Vừa lái xe, bác vừa hỏi thăm gia đình, quê quán của chúng tôi ở ngoài Bắc. Bác nói:
- Tôi cũng là người ngoài Bắc. Quê ở Nam Định. Tôi di cư vào Nam năm 1954 và làm nghề lái xe đã mấy chục năm rồi. Hôm nay, được đưa các “đồng chí” bộ đội là vui lắm rồi.
Tôi vội nói:
- Bác gọi chúng tôi là các cháu là được rồi. Đừng có gọi “đồng chí” mà ngại lắm!
Bác bảo, từ ngày bộ đội vào Sài Gòn, ai cũng gọi bộ đội là “đồng chí”, thành quen. Xe chạy trên những đường phố đông đúc người, nhà cửa san sát. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều xe chở đầy bộ đội với trang phục chỉnh tề. Hình như, họ đang tập luyện để chuẩn bị cho ngày duyệt binh mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Xe chạy khoảng hơn một giờ, bác tài xế cho xe dừng lại trước một ngôi nhà mặt đường khá khang trang. Bác bảo:
- Đến nơi rồi đó, hai anh xuống đi! Nếu không đúng địa chỉ thì tôi sẽ đưa hai anh đi tiếp.
Lúc này, bác đã đổi cách xưng hô với chúng tôi từ “đồng chí” sang ‘anh”. Bác mở cửa xe, hai chúng tôi cùng xuống. Sợ không đúng địa chỉ, bác vẫn đậu xe chờ chúng tôi.
Xuống xe, hai chúng tôi bước vào căn nhà đầy người. Thấy chúng tôi vào, mọi người tản ra và đi mất. Khoái nhanh chóng đến hỏi một người còn đứng lại và được người đó trả lời: Dạ, thưa các ông, đúng nhà này rồi!
Tôi nhanh chân bước ra gặp bác lái xe và nói:
- Bác ơi, đúng nhà này rồi. Bác xem bao nhiêu tiền để chúng tôi thanh toán?
Bác nói: Không phải trả tiền đâu. Đưa hai anh đến nơi là mừng lắm rồi!
Nói rồi, bác lên xe và nổ máy. Tôi vội vàng cảm ơn, chào bác và nhìn theo xe khi xe khuất dần trong dòng người đông đúc trên đường phố Sài Gòn của những ngày đầu mới giải phóng.
Với tôi, ngày đầu đến Sài Gòn đã trở thành một kỷ niệm không quên. Tuy ngồi với nhau hơn một tiếng đồng hồ, nhưng bác lái xe cũng không hỏi tên chúng tôi và chúng tôi mải xem thành phố Sài Gòn nên cũng quên hỏi tên của bác. Hôm ấy, nhờ cô con gái của chị Khoái đưa tôi xuống bến Bạch Đằng, tôi cũng tìm được người anh con Cậu ruột ở Đoàn tàu Không số đang đậu ở bến Bạch Đằng. Anh hơn tôi một tuổi, nhưng từ nhỏ, hai anh em chơi thân như anh em ruột. Năm 1969, anh vào bộ đội Hải quân và được điều động về Đoàn tàu Không số. Đầu năm 1972, trước ngày đi B, tôi tranh thủ xuống thăm anh ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Qua anh, tôi được biết anh trai tôi bị thương gãy chân trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở chiến trường miền Đông và được đưa ra Bắc đầu năm 1974./.
Nha Trang, tháng 9 năm 2015
Hoàng Thái Tôn, CCB D5, E24
Góp ý(1)
- 1 - Viết bởi hoàng yên (17/09/2015 03:09:58)
- anh ơi rất cảm động về tình người thời đó
Thêm góp ý