-
THẦN TỐC, THẦN TỐC HƠN NỮA...
(03/04/2015 04:04:08)
-
Trong Đại Thắng Mùa Xuân 1975, Trung đoàn 24 Anh hùng trong đội hình của ĐOÀN 232, cánh hướng Nam, có vinh dự được giao đánh chiếm Tổng Nha Cảnh Sát saigon, một trong năm mục tiêu quan trọng đã được xác định (gồm: Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát.)
Kỷ niệm 40 năm CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH , kính mời các đ/c và các bạn cùng sống lại những giờ phút sôi sục hào hùng qua dòng cảm xúc của trung tướng Phạm Hồng Cư , QĐND - Thứ hai, 19/04/2010 | 21:57 GMT+7
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…” QĐND - Thứ hai, 19/04/2010 | 21:57 GMT+7
Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã có những lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7-4-1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi quân và dân miền Nam ngày 7 tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu.
Là phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải, tôi giúp đồng chí Lê Quang Hòa truyền đạt tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải. Cánh quân này do đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban cán sự Đảng lâm thời, mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Thấm nhuần mệnh lệnh của Đại tướng, cánh quân Duyên Hải hồ hởi lên đường như được chắp cánh bay về Nam, bảo đảm tốc độ nhanh. Thế nhưng mới ra khỏi Đà Nẵng chúng tôi đã gặp trở ngại đầu tiên, cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá sập 2 nhịp, bộ đội công binh khắc phục bắc cầu tạm cho các đơn vị nhẹ đi trước và triển khai một bến phà quân sự để chở các loại xe trọng tải lớn. Cứ như vậy thì quá chậm. Một người dân vùng mới giải phóng cho biết, phía thượng lưu cách cầu Câu Lâu khoảng hơn 10km, có một cây cầu, thế là cả đoàn xe tăng rầm rập cơ động dọc theo bờ sông Thu Bồn cố gắng bù lại thời gian đã mất…
Ngày 10-4, đến Phan Rang thì cánh quân gặp tuyến phòng thủ từ xa của địch. Chúng tôi còn cách Sài Gòn 350km. Tại đây có hai hải cảng Tân Thành và Ninh Chữ, có sân bay Thành Sơn với lực lượng bộ binh và một sư đoàn không quân ngụy. Sáng 14-4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang, quân địch được phi pháo yểm hộ, đưa vào hệ thống công sự và địa hình có lợi, ngoan cố chống cự. Sáng 16-4, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An tổ chức một đội hình thọc sâu gồm xe tăng, thiết giáp đánh thẳng theo đường số 1, chiếm thị xã Phan Rang, chiếm hai cảng Tân Thành và Ninh Chữ, đồng thời theo đường 11 đánh ngược lên phía Tây Bắc, vu hồi vào sườn phía tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn. Tối 16-4, tôi và đồng chí Đào Huy Vũ, Tư lệnh Bộ đội Tăng-Thiết giáp, phái viên của Bộ, có mặt ở sân bay Thành Sơn lúc quân ta bắt sống viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang. Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của Quân đoàn 2 tiến đánh thị xã Phan Thiết. Sáng 20-4, chúng tôi đến Xuân Lộc. Anh Lê Trọng Tấn và anh Lê Quang Hòa nhanh chóng bắt liên lạc với Bộ chỉ huy Mặt trận Sài Gòn. Cánh quân Duyên Hải trở thành cánh quân phía Đông trực thuộc Bộ chỉ huy Mặt trận Sài Gòn.
Cuộc tiến công thần tốc của cánh quân Duyên Hải với hơn 32.000 quân và 2.276 xe pháo, tăng - thiết giáp qua một chặng đường gần một nghìn ki-lô-mét, đánh địch mà đi là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, đánh thông tuyến đường số 1 từ Bắc vào Nam đến tận cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, kịp thời tăng thêm lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Đến Xuân Lộc, tôi được biết là từ ngày 9-4, Quân đoàn 4 do đồng chí Hoàng Cầm là Tư lệnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện là Chính ủy, đã mở cuộc tiến công vào "cánh cửa thép" trên tuyến phòng ngự phía Đông của địch ở Sài Gòn. Nơi đây địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 ngụy và một số đơn vị bảo an, cảnh sát, phòng ngự trong công sự kiên cố. Lê Minh Đảo - Sư đoàn trưởng ngụy hò hét binh lính "tử thủ". Trận đánh đã diễn ra phức tạp. Địch tăng viện thêm quân và dùng đến cả loại bom CBU có sức mạnh sát thương, hủy diệt lớn. Anh Lê Trọng Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn 4, Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và pháo đạn để đánh dứt điểm Xuân Lộc. Ngày 20-4, địch rút chạy khỏi Xuân Lộc. "Cánh cửa thép" phía Đông Sài Gòn đã bị mở toang.
Anh Lê Quang Hòa về Bộ chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định. Qua anh tôi biết: Bộ Chính trị đã thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch. Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh, anh Phạm Hùng là Chính ủy, các anh Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện là Phó tư lệnh, anh Lê Quang Hòa là Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị, anh Lê Ngọc Hiền là quyền Tham mưu trưởng. Thể theo đề nghị của Bộ chỉ huy Chiến dịch, Bộ Chính trị đã đồng ý đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Được phổ biến điều này, tất cả chúng tôi cũng như các đơn vị tham gia chiến dịch đều cảm thấy vinh dự được tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Hạ tuần tháng 4-1975, các lực lượng lớn của quân ta tham gia chiến dịch đã vào vị trí triển khai. Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1 từ miền Bắc vào đã có mặt tại khu vực nam sông Bé. Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 gồm các lực lượng ở Tây Nguyên (Sư đoàn 320, 316…) đã đến Dầu Tiếng. Ở hướng Tây và Nam, Đoàn 232 tương đương một quân đoàn do đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch trực tiếp chỉ huy đã áp sát đường số 4, Mỹ Tho. Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 sau khi giải phóng Xuân Lộc áp sát Trảng Bom. Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 đã áp sát Long Thành, Vũng Tàu, Nước Trong, Bà Rịa. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân Duyên hải nay là Phó tư lệnh Chiến dịch chỉ huy hướng này. Tại Sài Gòn, các lực lượng biệt động, đặc công, các lực lượng của Thành đội Sài Gòn đã đứng sẵn ở vùng ven và nội đô, chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy khi chủ lực tiến công. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư Trung ương Cục và đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng.
Thế trận đã bày xong. Năm mục tiêu quan trọng đã được xác định gồm: Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát.
Giờ phút quyết định đã điểm. Tôi đi theo cánh quân hướng Đông do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy. Cánh quân này tiến công căn cứ Nước Trong, Chi khu quân sự Long Thành và thị xã Bà Rịa. Ở Nước Trong, địch dùng máy bay bắn phá và phản kích suốt cả ngày. Sư đoàn 304 mở nhiều đợt tấn công nhưng chưa dứt điểm được. Anh Lê Trọng Tấn đôn đốc việc đánh chiếm căn cứ Nước Trong và nhất là việc triển khai trận địa pháo tầm xa ở Nhơn Trạch để bắn vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Tối 28-4, tôi nghe đài phương Tây đưa tin: “Hồi 16 giờ 40 phút chiều, 5 chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo đã giội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất”. Đó là Phi đội Quyết thắng do phi công Nguyễn Thành Trung người của ta hoạt động trong hàng ngũ địch, trước đó đã ném bom dinh Tổng thống ngụy quyền và bay ra vùng giải phóng, nay huấn luyện các phi công ta sử dụng máy bay A37 của Mỹ ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc ném bom bất ngờ của Không quân Việt Nam đạt hiệu quả lớn về phá hủy máy bay và sân bay địch, nhưng hiệu quả tâm lý đối với quân ngụy còn lớn hơn nhiều.
Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy Chiến dịch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng cánh quân phía Đông, đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng sớm từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là cánh quân phía Đông phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ đến không kịp. Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đồng ý để cánh quân phía Đông nổ súng sớm hơn kế hoạch. Như vậy, trên thực tế, từ 18 giờ ngày 29-4-1975, trận tiến công Sài Gòn, Gia Định đã bắt đầu.
Sáng 30-4, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 trong cánh quân phía Đông do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức phía bắc cầu Rạch Chiếc. Trận địa pháo tầm xa của ta đặt ở Nhơn Trạch đã bắn mấy trăm quả đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 qua cầu Sài Gòn đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng 843 dẫn đầu đến cổng dinh thì dừng lại, xe tăng 390 vượt lên húc đổ cổng dinh. Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng cầm cờ Giải phóng trèo lên cắm trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4… Cho đến nay, 35 năm đã trôi qua, tôi không thể nào quên cảm giác đã đến với mình trong ngày lịch sử ấy khi tôi bước vào thảm cỏ khoảng sân trước Dinh Độc Lập. Vui mừng khôn xiết nhưng bỗng dưng hai mắt nhòa ngấn lệ.
Trung tướng Phạm Hồng Cư
- 1 - Viết bởi mạc duy tiến nhớ mãi ngày ấy 40 năm về trước(03/04/2015 10:04:58)
- ....trên đường đơn vị đánh vào tổng nha cảnh sát ngụy sài gòn,khi nằm dưới chân cầu chữ y mấy thầy trò được một đồng chí NỮ biệt động thành dẫn đường thẳng tiến vào tổng nha cảnh sát,khi đã chiếm được tổng nha cảnh sát rồi bỗng dưng đ/c biệt động dẫn đường không thấy đâu mọi người bủa đi tìm xung quang tổng nha mà cũng chỉ biết quang đó thôi chứ đố ai biết được đường phố sài gòn, lúc này đang thực sự rối nhỡ...ai là người dẫn đường đây. mãi tới hơn 12h TRƯA NGÀY 3O/4 MẤY THẤY Ả XUẤT HIỆN VÀ THƯA RẰNG EM TRANH THỦ VỀ QUA NHÀ BÁO TIN lúc này mọi người mới thở phàO...