-
NGOT NGÀO VÀ ĐẮNG CHAT
(24/02/2014 08:02:08)
-
TRÍ NHỚ CỦA CUỘC CHIẾN
“Tự truyện là nói rất sâu, rất sắc vào số phận cuộc đời một con người cá thể nhưng ở đây , rất tự nhiên, cái cá thể ấy cứ chìm đi, nhoà vào cái ngồn ngộn của cộng đồng để rồi cả cái chung và cái riêng cùng vẫy cánh bay lên trong một vùng xúc cảm mãnh liệt. Đó là cái được và cái hay của của cuốn sách.”. Độc giả hẳn là tâm đắc với nhận định ấy của Nhà văn Chu Lai trong lời tựa ông dành cho cuốn “ Ngọt ngào và đắng chát”. (Nguồn: BCD B3 Tây Nguyên)
Quả thật vậy, cái chung, cái riêng hoà quyện máu thịt làm nên cái được cái hay của cuốn hồi ký chiến sĩ này đã khiến tôi, một độc giả vốn đã chẳng còn dễ gì mà xúc cảm, thấy xúc cảm sâu xa trong lòng. Thoạt tiên, đọc “ Ngọt ngào và đắng chát” trong tôi trước nhất là cảm giác tự hào. Hãnh diện là bạn chiến đấu với tác giả đại tá Lê Hải Triều, dù rằng anh khác trung đoàn và hơn nữa, anh là chiến binh bậc đàn anh. Khi tôi đang một tay binh nhất tò te ở đoàn Trung Dũng, anh đã là một C viên trưởng của đoàn Plâyme lừng lẫy chiến công. Ngày tôi trung sĩ ra quân cuối 1975, anh là cán bộ Phòng chính trị Sư đoàn. Nhưng đúng như lời Thượng tướng Chính uỷ Đặng Vũ Hiệp nói với các cựu chiến binh Sư 10 : chúng ta, không phân cách tuổi tác cấp bậc, là đồng chí Tư lệnh trưởng tóc bạc hay là anh chiến sĩ trẻ, nếu từng đồng cam cộng khổ vào sinh ra tử một thời B3 thì đều là anh em ruột thịt một nhà. Tôi còn có thêm phần tự hào nữa là bấy lâu vẫn thường giục tác giả hãy kể về đời mình, hãy viết tự truyện đi. Tôi đã đọc nhỉều và kỹ các tác phẩm của anh. Tuy là bộ đội B3 song là lính tráng dưới đơn vị nên ngoài khuôn khổ đại đội, tiểu đoàn của mình, tôi không biết nhiều về Sư đoàn và toàn cục của Mặt trận. Bởi vậy : “ Lịch sử Trung đoàn 66”, “ Lịch sử Sư đoàn 10”, “ Anh hùng chiến dịch Hồ Chí Minh”, “ Đường vào Buôn Ma Thuột” v.v. là những tác phẩm anh viết và tham gia viết, cùng hồi ký của những vị tướng Tây Nguyên : Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Quốc Thước, Khuất Duy Tiến, Tiêu Văn Mẫn do anh thể hiện, rất hấp dẫn tôi. Các tư liệu đơn vị và sự kiện chiến trường được viết kỹ lưỡng, chi tiết, mà xúc tích, cô đọng, không khô khan, không sa vào trình bày chiến lệ, không kể lể. Cũng không thuần tuý là viết sử, bởi anh viết có văn. Giản dị, chân thực, có chiều sâu câu chữ, và nhờ thế thể hiện được chiều sâu tâm trạng. Anh viết về đồng đội, về đơn vị, về những người chỉ huy của mình với cả tấm lòng thân yêu, tự hào và cũng nhiều khắc khoải, nhớ thương, đau đớn. Các tác phẩm kể trên, và nhất là hồi ký “ Ngọt ngào và đắng chát” vừa xuất bản, đã chứng thực Lê Hải Triều là một tác giả không chỉ giàu có vốn sống mà còn có văn phong thật sự của riêng mình, trầm tĩnh, nhiều suy tư, đậm đà tình nghĩa và cũng nhiều trang mượt mà lãng mạn. Ngọt ngào và đắng chát, hai cái thái cực đó của đời người và làm nên đời người, có thể cảm nhận ngay từ những trang đầu chương đầu. Quê hương tươi đẹp, trù mật Mỹ đức Chùa Hương chừng như càng làm đậm thêm những gian truân cơ cực của tuổi thơ. Phải chứng kiến và trải qua bao nỗi khổ đau mất mát của làng xóm, dòng họ, gia đình trong Kháng chiến, và trong Cải cách, anh đã không né tránh miêu tả những điều mắt thấy cũng như thể hiện những suy nghĩ riêng của mình về thời kỳ lịch sử nghiệt ngã đó. Với lời văn bình dị, mộc mạc, anh không tô vẽ làm ra vẻ hùng tráng cái tâm trạng thực của mình khi nhập ngũ. Tốt nghiệp phổ thông, nhận giấy đi du học Đông Đức trước, giấy gọi nhập ngũ đến sau, thực lòng anh muốn đi học nước ngoài hơn là đi bộ đội. Có thể và có quyền thoái thác nhưng anh không làm vậy, đơn giản vì mình “ trai thời loạn” và “ nhà mình chưa ai đi bộ đội”, vậy thôi. Hầu hết chúng ta hồi đó ai mà không thế, song có mấy ai viết lại được một cách thật bụng thật tình như thế. Sự chân thực, đó là đòi hỏi tiên quyết đối với hồi ký. Gia giảm, thêm bớt, dù là tý xíu, và dù cả là khéo léo để độc giả không nhận thấy, thì cũng làm cho tác phẩm mất hẳn giá trị. Còn như nói vống lên, bịa đặt, vỗ ngực khoe khoang, tự cao phách lối, thì khỏi phải bàn, hồi ký đó chỉ còn là mớ tạp nham đáng xấu hổ. Xét cho cùng, càng dung dị, càng thật thà, miêu tả xác thực, đúng cảnh, đúng người, đúng sự kiện, đúng diễn biến, thể hiện đúng cảnh ngộ, tâm tư, tâm trạng, lời ăn tiếng nói của mình, của anh em đồng đội mình ngày ấy thì hồi ký càng hay, càng hấp dẫn, càng khiến lòng người xúc cảm. “Ngọt ngào và đắng chát” kể lại thông suốt cuộc đời tác giả, từ ngày chào đời được ghi rõ ở ngay dòng đầu, cho tới bây giờ. Trong đó quá nửa đời người là binh nghiệp, mà gần trọn binh nghiệp gắn với Binh đoàn Tây Nguyên. Là đời riêng của anh mà qua đấy thấy cuộc đời của trung đoàn, của Sư đoàn, của Mặt trận. Số phận của anh, vậy mà tôi đọc thấy trong sách số phận của cả thế hệ chúng tôi. Sức mạnh và chiều sâu của một tác phẩm văn học chính là như thế đấy. Không phải đời mình trong đó mà đọc thấy đời mình, đời đồng đội mình, người thân của mình. Đọc hồi ký của Lê Hải Triều mà tôi như đọc thấy thời thơ ấu, tuổi học trò của mình, những ngày tân binh của mình, những tháng trời gian khổ vượt ngàn dặm Trường Sơn vào Nam của trung đoàn mình… Bồi hồi qua từng trang hồi ký tôi thấy sống dậy trước mắt mình, trong lòng mình những mùa mưa mùa khô B3 cánh Bắc cánh Trung, các chiến dịch nối nhau, thắng lợi và thương vong chồng lên đan xen nhau, vinh quang và đau khổ từng ngày. Qua hồi ký của anh, trong tôi như sống lại thời trai trẻ chiến trường: đèo Cây đa Lộng gió, hồ Le, Cầu Lầy, Ngọc Tụ, Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua, sông Pô cô, sông Sa Thấy, Đắc Tô- Tân Cảnh, Trung Nghĩa, đường 14, điểm cao 601… Từ sau chiến tranh tới tận bây giờ đã bao năm rồi, văn học Việt Nam vẫn không có được những tác phẩm thể hiện được một cách thực sự xứng tầm với thời kỳ lịch sử nửa sau thế kỷ XX của đất nước mình. Cũng có người không cho là vậy, nhưng nhận định chung của đa số độc giả là vậy. Và nhận định ấy là xác đáng. Nhất là đối với những độc giả đã trải qua thực tiễn chiến tranh thì sự chưa đạt tầm ấy của văn học là quá rõ ràng, khỏi bàn cãi. Tôi với một số bạn văn đồng ngũ thì tin rằng việc văn học về đề tài chiến tranh không đạt tầm mong đợi là sự dĩ nhiên, bất khả kháng. Lứa nhà văn chúng tôi và trên chúng tôi giàu vốn sống chiến tranh và đời sống bộ đội, thế nhưng lại vấp vương vô vàn hạn chế và ức chế, chủ quan, khách quan, nên lực bất tòng tâm, mỗi người cố được tới thế thôi, không hơn nổi nữa. Vả chăng, cũng muộn rồi, già hết cả rồi gì nữa, sức viết đuối, trí nhớ suy tàn, văn bút cũ kỹ. Thành thử, từ lâu, cũng như nhiều độc giả cựu binh khác, trung thành với đề tài văn học chiến tranh, tôi hướng mong mỏi vào các nhà văn lớp sau. Cố nhiên giờ đây không gian đời sống rộng mở, trước mắt nhà văn trẻ là muôn ngả đề tài mới mẻ và có thể nói là dễ chịu nữa để họ chọn lựa cho thuận với mình. Song, ở xứ nào không biết, chứ ở Việt Nam, cho đến lúc này, chiến tranh và người lính vẫn là đề tài văn chương không những lớn lao mà còn rất hay nữa và đầy sức cuốn hút. Nếu là tác phẩm hay thì dù trẻ tuổi nhà văn vẫn có được đông đảo độc giả. Cho nên đề tài văn học chiến tranh rất đáng để những nhà văn trẻ có tài và có chí lớn thử lửa chí ít là một lần. Cái sự họ sinh ra trong hoà bình, không trực tiếp mắt thấy tai nghe chiến tranh ngẫm cho cùng lại là lợi thế cho việc viết về chiến tranh. Nhưng, đến nay, cả các nhà văn sinh ra sau chiến tranh cũng đã dần lớn tuổi, mà đa phần họ vẫn lảng tránh thời kỳ 30 năm kháng chiến 1945-1975. Những nhà văn hạng nhất, hay nhất, có tài nhất mà tuổi còn trẻ như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, cũng chỉ đụng chút ít, có thể nói là thoáng qua tới thời kỳ ấy, và rất gián tiếp, chứ không trực diện, trực tiếp với câu chuyện chiến tranh. Hẳn là có nhiều nguyên nhân khiến các nhà văn lứa sau chúng tôi “kính nhi viễn chi” đề tài chiến tranh, trong đó có một nguyên nhân có thể thấy ngay, ấy là sự thiếu chất liệu để hình dung và mường tượng. Một nhà văn trẻ dẫu có tư tưởng và tầm nhìn mới mẻ, dẫu rất có sức tưởng tượng, nhưng muốn viết về chiến tranh, một đề tài cũ và một thời kỳ mà mình không trải qua, thì vẫn rất cần phải kế thừa được từ thế hệ trước rất nhiều chất liệu, tư liệu về đời sống của con người trong chiến tranh. Song, quả thực, là có rất ít chất liệu, đặc biệt là những chất liệu chân thực và sống động để nhà văn trẻ có thể tựa vào mà phát huy sức tưởng tượng Tôi nghĩ một phần duyên do là bởi vì ở ta văn học phi hư cấu không được chú trọng. Hồi ký, tự truyện, những câu chuyện kể người thật việc thật không được xem là ngang bằng với truyện ngắn, tiểu thuyết. Nói riêng về đề tài chiến tranh thì từ 1954 đến nay chắc phải có đến chục ngàn cuốn tiểu thuyết, chục vạn cái truyện ngắn, mà các tác phẩm phi hư cấu thì đâu có bao nhiêu. Ngay sau chiến tranh từng có những đợt phát động viết kỷ niệm về đời bộ đội, nhưng nhanh chóng bị bỏ bẵng. Văn học phi hư cấu số lượng nói chung đã ít, mà số lượng tác phẩm hay, có nội dung gần gũi, sinh động, trực tiếp với đời sống chiến trường lại càng ít, đếm được trên đầu ngón tay : Nhật ký của nhà văn nhà báo Chu Cẩm Phong, Hồi ký Tây Nguyên ngày ấy của bác sĩ Lê Cao Đài, Nhật ký của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm… Còn như hồi ký, nhật ký của lính thường, có tính “ đối trận”, thì càng hiếm, có lẽ là không có. Cho tới bây giờ mới chỉ có cuốn này “ Ngọt ngào và đắng chát” của Lê Hải Triều. Hay là tôi nhầm ? Nhưng dù rằng tôi có kể sót thì rõ ràng là ở ta đến nay vẫn vô cùng ít những tác phẩm phi hư cấu viết về người lính bộ binh Quân giải phóng Miền Nam. Càng năm tháng trôi qua càng thấy nuối tiếc. Có thể nói là cả một biển cả bát ngát những câu chuyện tuyệt hay, sinh động, độc đáo, muôn hình muôn vẻ và có một không hai của lính chiến thời kháng Mỹ đã bị bỏ hoài, mất dần đi. Và như vậy hình ảnh thật của cuộc kháng chiến cũng theo đó mà có nguy cơ bị mai một. Lê Hải Triều, đi Bê vào ngay C18 trinh sát của E66 tham chiến trận đầu từ mùa khô 1967, từng trải Mậu Thân, thời sau Mậu Thân, rồi Tổng tấn công 1972, rồi các chiến dịch thời Hiệp định, và chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, là chiến trường biên giới Tây Nam, rồi nữa chiến trường biên giới phía Bắc. Mà vẫn còn sống trở về, để trở thành nhà văn, thật cũng hiếm thay. Dường như số phận quăng quật anh như vậy là để hướng anh vào một mục đích: làm nhân chứng, kể lại đời mình, qua đó kể lại đời người lính bộ binh Quân Giải phóng. Hồi ký “ Ngọt ngào và đắng chát” chắc chắn sẽ tạo cảm hứng và nhiệt tình để nhiều cựu chiến binh chống Mỹ bắt tay vào viết, góp phần khôi phục lại trí nhớ của cuộc chiến, làm sống lại hiện thực có thật của thời đại lớn lao ấy.
|
- 1 - Viết bởi Nguyễn Bá Sơn cầu mong CCB E24b3 giup sức(22/08/2015 04:08:30)
- kính thưa các bác,chú,anh chị e 24 b 3 .tôi tham gia chống mĩ đi nhiều chiến trường,sĩ quan của Q Đ 3 chú ruột,anh ruột cùng đơn vị.chú tôi NGUYỄN BÁ VÓC Đông Quang Đông Sơn Thanh Hóa,tiểu đoàn trưởng k 6 H S 22/06/1967 tai tây bắc tân cảnh-con tum. gần 50 năm rồi bạn chiến đấu với ông không còn nhiều,ít năm nữa thoi sẽ trở thành dĩ vãng.gia đình cầu mong ban LL CCB e24 b3 thông báo cho tất cả hội viên các tỉnh thành. để biêt chính sác nơi ông vóc hi sinh, Gia đinh đến dâng hương.truy tìm hai cốt
- 2 - Viết bởi Admin (28/09/2014 12:09:26)
- Bạn Khuyên và bạn Vũ Nga thân mến; muốn mua hồi ký NGỌT NGÀO VÀ ĐẮNG CHÁT, bạn hãy gọi điện liên hệ thẳng với anh TRIỀU, DT 0904216001 nhé... Chuc cac ban cảm nhận được những điều mà tác giả muốn nói...
- 3 - Viết bởi lương thị khuyên mua sách(28/08/2014 20:08:25)
- cháu muốn mua cuốn hồi kí Ngọt ngào và đắng chát nhưng đi tìm ở một vài nhà sách mà không thấy. Cho cháu hỏi địa chỉ bán sách này được không ạ? Cháu ở quận 7, tp. Hcm.
- 4 - Viết bởi vu nga (29/03/2014 18:03:23)
- cho chau hoi cuan sach nay lieu hieu sach nao ban a