-
Miên man miền xa nhớ...
(22/04/2011 11:04:07)
Nguyễn Trọng Hùng
...Đời người, không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc xuyên Việt nhiều lần, nhất là với một anh lính chiến. Thế mà tôi, sau lần đi B năm 1968, may mắn biết bao lại có những lần được trở lại miền thăm thẳm xa…
Miên man miền xa nhớ...
Ghi chép của Nguyễn Trọng Hùng
Đời người, không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc xuyên Việt nhiều lần, nhất là với một anh lính chiến. Thế mà tôi, sau lần đi B năm 1968, may mắn biết bao lại có những lần được trở lại miền thăm thẳm xa…
Lần này, đi một mạch từ rừng Việt Bắc tới rừng U Minh, đi qua bao buôn, ấp, tỉnh, huyện,... gợi nhớ bao hình ảnh quen thuộc, thân thương, bỏng rát nỗi đau chiến tranh, ấm áp mặn nồng tình đồng đội, quân dân, và mát rượi tình yêu của một thời cháy khét đạn bom. Những gì nhìn thấy hôm nay vượt quá ước mơ tôi nhưng sâu kín trong lòng vẫn gợn lên không ít điều xa xót...
Đong đầy thương nhớ...
Tôi đi bộ đội mùa đông 1967. Ba tháng huấn luyện đi B ở một khu rừng dầy những bụi lồ ô thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tôi thuộc loại gan lì, không đến nỗi đang đêm giật mình gào toáng lên: "Mẹ ơi", nhưng chiều đến, nằm ngắm bắn bia số 4, không khóc nhưng tự dưng nước mắt cứ tràn trề. Tôi nôn nao nhớ từng mẩu gạch vỡ lót đường nơi đầu ngõ hay vấp mỗi lần vội vã đi đâu đó, nhớ hai cây cau mới trồng cho mẹ ăn trầu. Tôi nói liều với mẹ rằng, bao giờ cau bói là đến ngày thống nhất. Tôi không dám hứa sẽ còn sống đến ngày đó, nhưng tin chắc chắn sẽ có ngày đó... Nay theo câu thơ Tố Hữu, từ "dào dạt bến nước Bình Ca", tôi qua Phú Thọ, Trung Hà, tắt ngang Ba Vì, Sơn Tây rồi theo đường Hồ Chí Minh vào Nam. Có thể là tình cờ, nhưng cũng có thể là định mệnh, tôi nghỉ ăn trưa ở gần ngay nơi doanh trại dã chiến huấn luyện quân xưa. Thế cũng là toại nguyện!
Hồi ấy, xã tôi, một xã ở gần ngay góc kẹp giữa sông Hồng và sông Đào, có 8 người cùng lứa nhập ngũ. Khi nhận được thư chúng tôi nói rằng sắp có đánh lớn ở miền Nam nên chúng tôi sẽ không được về phép trước khi đi B, 8 bà mẹ rủ nhau lần mò bằng được đến đơn vị chúng tôi trong sự ngỡ ngàng của cả đơn vị. Mẹ con gặp nhau chỉ được đúng một ngày. Trước khi chia tay, mẹ tôi bắt tôi ghi lại cẩn thận phiên hiệu đơn vị, tên chỉ huy từ trung đội trở lên, riêng tên làng tên xã nơi đóng quân thì tôi không dám hỏi nên chẳng biêt ghi gì, chỉ biết, đi lấy gạo ở Chi Nê thì xa hơn đi ra Nho Quan. Mẹ bảo thế là được rồi. Hẳn mẹ đề phòng sau này có chuyện gì còn có căn cứ để tìm lại tung tích của con mình. Hình ảnh mẹ giấu giấu giếm giếm mảnh giấy ấy, lận nó cẩn thận vào bao thắt lưng như vàng như bạc làm tôi nôn nao nhớ suốt cả gần chục năm trời chiến đấu hết ở Tây Nguyên, Nam Lào, Campuchia, đến miền Đông rồi miền Tây Nam bộ. Điều đó có nghĩa là mẹ chấp nhận hiến dâng đứa con trai thân yêu của mình cho Tổ quốc nhưng phải biết được rạch ròi, tường tận về sự hi sinh của con mình. Đó là đòi hỏi chính đáng về nơi yên nghỉ cuối cùng của những đứa con liệt sĩ mà nay còn biết bao bà mẹ chưa được đáp ứng.
Năm 1976, tôi chuyển ngành về làm báo, mẹ tôi đưa lại cho tôi tấm giấy còn nguyên vẹn nhưng những nếp gấp đã sờn, chỉ kẽ sơ ý là rời ra, mực đã mờ. Ấy là lúc tôi thưa với mẹ về một bà má ở An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) đã sinh tôi ra lần thứ hai như thế nào sau khi hai người con trai của má lần lượt hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi trở thành ruột thịt của má đến nỗi không thể là con rể má được. Tôi được thừa kế tài sản của gia đình và chỉ được ra Bắc vì ở đó có mẹ đẻ, người mà không có bà, tôi không có mặt trên đời để làm con của má. Chính vì mong ước được sống bên mẹ đẻ mà bà má miền Nam đã động lòng trắc ẩn: "Ừa, làm con, không nhớ đến mẹ đẻ sao có thể là người, sao có thể nhớ đến má nuôi!". Tôi đã khóc vì câu nói đó. Và, thật bất hạnh cho tôi, chỉ hơn chục năm sau giải phóng, giữa lúc đất nước quằn quại trong “cơn đau đẻ”, bộn bề khó khăn, đói kém dai dẳng như cọng cây khoai ngứa khô, má Chợ Gạo của tôi qua đời, không hề biết được có ngày mình sẽ được vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cũng như đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho xã của mình...
Nỗi nhớ luôn đong đầy trong tôi dù rằng ở Nam hay ra Bắc. Tháng 11 năm 1996, giữa thành phố mang tên Bác, tôi đã rưng rưng, ngẩn ngơ nhớ về nơi xa ấy mà không qua được mùa nước nổi miền Tây. Nay ràn rạt xe xuyên quốc lộ 1A (lộ 4 xưa), những cái tên hiện ra trên cột cây số, trên biển hiệu bên đường như gió chướng thổi ngược thời gian, xao động bờ trâm bầu, miệt vườn cây trái nơi tôi nương náu. Nơi má tôi ở rất gần cầu Rạch Miễu. Nơi những người thân một thời và mãi mãi xa ở đâu đó Mỹ Thành, Mỹ Thiện, Tân Hội, Long Tiên, Long Định, Nhị Quý... và cả những Ấp Bắc, ấp Củ Chi bên những dòng kênh Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp...
Viếng NTLS Trường Sơn
Hôm ra, chúng tôi thực hiện ý định cháy bỏng của mình là viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn vào đúng dịp kỉ niệm 62 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Từ thị xã Đông Hà, chúng tôi dậy thật sớm, vào nghĩa trang khi mặt trời vừa ló. Thanh khiết buổi bình minh, run rẩy những con tim lần tìm những dòng chữ khắc trên bia mộ, dòng nào cũng thân yêu, quý trọng, quê đâu cũng gần gụi đáng yêu. Hai người đồng hương nhập ngũ cùng đợt với tôi có tên trong ngàn ngạt mười nghìn tấm bia mộ: Phan Đình Lượng, Nguyễn Văn Thoại! "Lượng ơi! Thoại ơi! Dù chỉ mới đi được nửa chiều dài đất nước nhưng các cậu đã khắc vào vĩnh hằng huyền thoại về những chiến công, huyền thoại về những đôi chân Phù Đổng. Nỗi nhớ, sự biết ơn đồng chí, đồng đội và đồng bào đã hi sinh vì nước vì dân luôn đong đầy trong tâm tưởng các thế hệ người Việt Nam ta"...
Miền Tây đọng lại trong ký ức tôi cũng gian lao và anh dũng chẳng kém gì miền Đông và Tây Nguyên. Ở đó, những dòng kênh thẳng tắp dài đến tận chân trời. Xác xơ trên bờ là lưa thưa mái lá, những bãi tràm trơ ngọn như bãi cọc Bạch Đằng, những bờ trâm bầu non và cỏ quấn vào nhau mọc vội vã trong mùa nước nổi...
Văn miếu Trấn Biên và Đại Nam...
Chuyến trở về chiến trường xưa với tôi thực sự là chuyến du lịch khám phá theo kiểu "thần tốc" nhưng rất đỗi thú vị. Đành vậy thôi, đất nước thì rộng dài, công cuộc đổi mới phát triển từng ngày, không "cưỡi ngựa xem hoa" không thể vi vu được nhiều nơi, gặp được nhiều bạn bè. Mà dù vậy, vẫn phải chọn những nơi mà mình chưa biết, chưa đến. Một trong những nơi đó là Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai). Sử sách còn ghi rõ rằng, 17 năm sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào xác lập nền hành chính của vùng đất mới phương Nam, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng (1715). Theo “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, ngoài Thăng Long - Hà Nội (Văn miếu Quốc tử giám, 1070), văn miếu được xây dựng ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng Văn miếu Trấn Biên là văn miếu được xây dựng sớm nhất ở phía Nam, trước Văn miếu Vĩnh Long, Gia Định và cả Văn miếu kinh đô Huế.
Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức biên soạn vào đầu thế kỷ XIX (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, xuất bản năm 1972), Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) vào đời vua Hiển Tông năm Ất Vị thứ 25 (tức năm 1715). Văn miếu Trấn Biên đã qua hai lần trùng tu vào năm Giáp Dần (1794) và năm Tự Đức thứ 5 (1852). Theo mô tả của sử sách, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp,“nơi đây núi sông thanh tú, cỏ cây tốt tươi... Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo... Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn”.
Do thời gian và những biến cố lịch sử, Văn miếu Trấn Biên bị tàn phá không còn lại dấu vết (theo “Biên Hòa sử lược” của nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu, năm 1861 khi tiến chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá Văn miếu Trấn Biên), người đời nay chỉ hình dung Văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách. Song với những gì được mô tả và người đời lúc bấy giờ xưng tụng, người Biên Hòa - Đồng Nai hôm nay rất đỗi tự hào về ngôi đền văn miếu của mình.
Nằm trong kế hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa ở Đồng Nai, nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên. Lễ khởi công diễn ra vào ngày 9-12-1998 và khánh thành công trình giai đoạn 1 vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ - 2002 (nhằm ngày 14-2-2002). Trong dịp kỷ niệm 290 năm Văn miếu Trấn Biên, các công trình giai đoạn 2 tiếp tục được xây dựng và mở rộng thêm diện tích.
Việc phỏng dựng lại Văn miếu Trấn Biên không chỉ là việc làm hướng về cội nguồn, truyền thống đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân mà còn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng đã đề ra.
Văn miếu Trấn Biên là nơi thường xuyên diễn ra các lễ viếng các bậc tiền nhân, tổ chức tuyên dương, khen thưởng, báo công những thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực mà đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Ấn tượng nhất đối với tôi là, tại đây có hũ đựng 18 kilôgam đất, 18 kilôgam nước lấy từ Đền Hùng (Phú Thọ), và chiếc trống đại lấy từ dàn Trống hội Thăng Long (Hà Nội) về bày trang trọng bên trái đền văn miếu.
"Người Việt Nam đội trời đạp đất, sống đau thương tủi nhục sao đành? - Dân Đồng Nai vững chí bền gan, dẫu chém giết tù đày há sợ?" (Trích Văn bia Trấn Biên - Vũ Khiêu).
Một công trình văn hóa lớn tôi được thăm nữa là Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, tại ấp 1, xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Hiện nay, khu du lịch này đã hoàn thành những công trình trong giai đoạn 1 với diện tích 261 ha. Nơi đây được xem là một công trình lưu giữ và tôn vinh những tinh hoa của dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm văn hiến.
Đền Đại Nam Văn Hiến với diện tích đến 9ha là nơi giới thiệu và tôn vinh văn hóa, lịch sử Việt Nam. Nơi đây hội tụ đầy đủ núi non, sông hồ tạo nên một quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp. Cổng chính của đền được chạm trổ một cách công phu, tất cả các họa tiết đều được sơn phủ vàng. Chánh điện là nơi thờ 3 vị: Phật tổ, vua Hùng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; phía bên trái là bàn thờ Quốc mẫu Âu Cơ và Bách gia trăm họ; bên phải là khu vực thờ hai họ Huỳnh - Lê và Trần - Nguyễn của gia đình người đã xây dựng khu du lịch này.
Con đường từ đại lộ vào khu du lịch được xây dựng khép kín trong một khuôn viên rộng lớn, bao bọc chung quanh là dãy tường thành cao vút, được xây dựng theo lối kiến trúc của thành trì xưa, với tướng lĩnh đứng canh gác rất uy dũng. Khu du lịch Đại Nam hiện đã hoàn thành xong 8 khu vực. Quảng trường và sân khấu nhạc nước là nơi tổ chức các sự kiện lớn trong năm. Hằng đêm, nơi đây có các chương trình biểu diễn ánh sáng laser, chiếu phim trên màn hình nước... Bao bọc chung quanh quảng trường là khu vực thành Đại Nam với hình ảnh cột cờ Cổ Loa, được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc Cổ Loa, kỳ đài Huế và cột cờ Hà Nội. Cột cờ có hình dáng của một đài sen, trụ cờ cao 9m với hình Long Đầu Trượng - biểu tượng cho sự thanh cao và quyền quý.
Thật tiếc là công trình thật sự hoành tráng, vĩ đại nhưng chưa khai thác được sự đóng góp trí tuệ của giới trí thức, mà đậm dấu ấn cá nhân người xây dựng nó. Vì vậy, ý định tốt đẹp của tác giả cũng chỉ có một hàm lượng văn hóa nhất định.
Bồng bềnh với Cà Mau
Đất Mũi là mục tiêu phải tới của chuyến đi. Nhưng gió mùa tây nam sập sùi, mưa miên man và lốc tố rình rập khó lường nên các đồng nghiệp ở Báo Cà Mau đành đưa chúng tôi ra thăm hòn Đá Bạc. Hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Xã Khánh Bình Tây là xã 135, thi thoáng qua cửa kính xe tôi mới thấy một ngôi nhà xây bên bờ kênh giữa la liệt mái lá. Dọc đường, tôi bắt gặp những tàu cuốc đang nạo vét kênh, đất dồn lên bờ thành đống. Đó là "của quý" được chuyển đi tôn nền nhà, hình thành cụm dân cư mới. Bên đường, chợt gặp tốp công nhân dựng cột điện một cách thủ công bằng thang tre, trông rất tài tử. Những bờ chuối tây tốt xum xuê chạy xa hút tầm mắt. Chuối nhiều hơn cả tràm và đước... Xe qua một cái cầu nhỏ, hẹp trên kênh Ông Lão, cạnh đó là chiếc cầu to đang làm dở dang phải tạm dừng vì chềnh ềnh ở đầu cầu là nhà dân chưa chịu giải tỏa. Ở đâu thời bình cũng có những cảnh đó, chẳng giống thời xưa đánh Mỹ chút nào...
Hòn Đá Bạc có diện tích 6,43 ha, cách TP. Cà Mau 50 km, là cụm đảo đẹp (gồm 3 đảo: Đá Bạc, Ông Ngộ, Trọi) nằm sát bờ biển. Tại đây, từ ngày 9-9-1981 đến 9-9-1984, Công an Nhân dân Việt Nam đã thực hiện thành công kế hoạch phản gián CM12 đấu tranh với tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ta đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập với 189 tên gián điệp biệt kích, 143 lượt tàu của địch, thu 3.679 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn dược, 1.200 kg chất nổ, 14 tấn tiền giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động biệt kích, bắt sống Mai Văn Hạnh; đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức gián điệp cài lại sau 30-4-1975 trong nội địa; phát hiện và tiếp tục đấu tranh với nhiều tổ chức phản động lưu vong đang hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam...
Từ hòn Đá Bạc nhìn về phía đông, mờ xa là Đất Mũi. Tôi đã một lần nhìn thấy mũi Cà Mau khi ngồi trên máy bay ở độ cao trên chục cây số. Đẹp tuyệt vời! Vùng đất tận cùng ấy của Tổ quốc ba mặt giáp biển nên người dân mang trong mình tính cách hào phóng, rộng rãi đến đáng yêu. Cuộc sống nơi đây gắn bó rất mật thiết với thiên nhiên. Cà Mau có bảy dòng sông lớn chảy ngang qua Đất Mũi tạo nên mạng lưới sông ngòi phong phú, khiến nếp sống của người dân gắn liền với những con sông, dòng kênh.
Chúng tôi cũng được đồng nghiệp Cà Mau đưa đến thăm Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đây là khu vườn quốc gia thứ hai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích 8.286ha, thuộc các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh), Khánh Bình, Tây Bắc và Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), trong đó có Vồ Dơi rộng hơn 3.600ha - khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở tỉnh Cà Mau.
Hệ động vật, thực vật ở khu vực này đang phục hồi khá tốt. Vườn còn có hơn 25.000ha rừng đệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng rừng ngập, lâm ngư trường U Minh 1, U Minh 3. Ðây là khu bảo vệ thiết yếu bảo đảm cho sự phục sinh của các giống loài đặc hữu của hệ sinh thái ngập nước với nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam, như rắn hổ mang chúa, tê tê, rái cá lông mũi, v.v. và còn được coi là một bảo tàng sinh thái sống về các loài thực vật thuộc hệ sinh thái ngập úng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyến đi còn để lại trong tôi sâu đậm về hình ảnh những chú bé bắt cua bên bờ đá, cậu bé bắn còng bằng súng cao-su kỳ tài bách phát bách trúng, những chàng trai trẻ lặn bắt hàu, những người dân cởi mở bán ốc len, loại ốc ngon hơn cả ốc hương, hay ốc gạo tôi ăn ở cồn Ấu giữa sông Hậu (Bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ ra)... Bữa ăn trưa giữa rừng U Minh Hạ đáng nhớ nhất là rau choại, một loại rau giống như rau dớn ở Tuyên Quang. Đọt choại làm rau, nhưng thân choại mọc dài vươn lên quấn lấy thân tràm được lấy về làm dây buộc, bền và đẹp chẳng kém gì mây.
Đêm ấy, một đêm mà tất cả chúng tôi, cán bộ, phóng viên ba báo: Cà Mau, Tuyên Quang và Điện Biên hòa vào chung vui đờn ca tài tử. Tôi chết lặng khi nghe Út Phương, rồi Phương Nam, phóng viên Báo Cà Mau ca. Sao mà giống giọng ca của ai đó, những cô du kích, biệt động 34 năm trước khi tôi vượt sông Vàm Cỏ cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn.
Tôi cũng hát, hát bài mà câu mở đầu là "Anh ở đầu sông, em cuối sông"... Từ chiến khu Việt Bắc, chúng tôi đã về đây với chiến khu U Minh, mang tình quê hương cách mạng về với bưng biền và được tiếp thêm tình cảm và sức mạnh phát triển của căn cứ cách mạng 30 năm đánh Mỹ xưa...
]
Nguyễn Trọng Hùng
(Viết năm 2009)