-
ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI
(16/04/2011 16:04:22)
Ghi chép của Nguyễn Trọng HùngTrong bao nhiêu cuộc đời, đời chiến sĩ có lẽ là sự gắn kết nồng ấm, máu xương nhất, thậm chí hơn cả anh em ruột thịt. Tôi may mắn có được cuộc đời như thế...
Ấm tình đồng đội
Ghi chép của Nguyễn Trọng Hùng
Trong bao nhiêu cuộc đời, đời chiến sĩ có lẽ là sự gắn kết nồng ấm, máu xương nhất, thậm chí hơn cả anh em ruột thịt. Tôi may mắn có được cuộc đời như thế...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Trung đoàn trưởng E.24
Hạnh phúc đơn sơ và bình dị
Đã thành lệ, vào chủ nhật đầu tiên trong tháng 11 hằng năm, những người lính Trung đoàn 24 chúng tôi lại tụ họp về Hà Nội. Đơn vị tôi là đơn vị Anh hùng LLVTND, ra đời từ tháng 11-1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã được Bác Hồ tặng danh hiệu "Trung đoàn Trung dũng", được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thanh kiếm vàng và thêm vào danh hiệu đó mấy chữ để thành "Trung đoàn Trung dũng và luôn luôn trung dũng". Trung đoàn xuất quân tháng 11-1965 từ chiến khu Ngọc Trạo (Thanh Hóa), một trong 3 đơn vị đầu tiên hành quân đội hình trung đoàn vào Nam chiến đấu. Sau chiến thắng Chư Pa, trận đầu đánh thắng 3 cuộc Bình Tây của Mỹ - những cuộc hành quân phi Mỹ hóa chiến tranh, tháng 2 năm 1969, Trung đoàn được Bác Hồ gửi thư khen. Đây là lần thứ hai Bác gửi thư khen cho một trung đoàn (trước đó là Trung đoàn 66 sau trận đánh Plâyme năm 1966).
Năm nay, khác hơn mọi năm là cuộc gặp mặt được tổ chức tại Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và mời cả người thân của các cựu chiến binh. Chúng tôi rối rít gọi điện cho nhau từ hàng tháng trước đó để mong gặp lại được những người những năm trước chưa được gặp.
Tôi đưa vợ và cháu nội đi cùng để cháu được "về thăm Lăng Bác Hồ" như một câu hát. Nhưng không may, khi về đến nơi thì đội hình vào Lăng viếng Bác của CCB trung đoàn đã quay ra hội trường. Anh Nguyễn Quang Hòa, dân Hải Phòng đến trước đợi tôi, đang loay hoay thì một cô bộ đội đến hướng dẫn chúng tôi xếp hàng. "Cô ơi, cháu có được vào Lăng viếng Bác Hồ không ạ?" - cháu tôi hỏi. "Có chứ!" - cô bộ đội nói. Các chiến sĩ bảo vệ Lăng ai cũng biết, hôm nay có một đoàn "đặc biệt" đáng được ưu tiên, đó là đồng đội của Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lâm. Năm trước, Nguyễn Xuân Lâm đã phải quặn lòng báo hoãn cuộc gặp tại đây vì Hà Nội vừa trải qua trận ngập úng lịch sử. Hôm ấy, trời Ba Đình cao xanh và nắng ấm như mùa thu. Cháu tôi bồi hồi nắm tay tôi, nói: "Cô bộ đội tốt quá ông nhỉ! - Rồi cháu nhận xét - Giống như trong phim ấy"... Rồi bất chợt cháu lại hỏi: "Bác Hồ của mình sao người tây họ cũng được vào thăm?". Đó là mấy thanh niên cao đến gần 2 mét, da trắng bóc, tóc vàng hoe đi ngay đằng trước chúng tôi. Tôi nói đại ý là, Bác Hồ được mọi dân tộc trên thế giới yêu quý vì Bác cũng mong muốn và đấu tranh để cho họ cùng sung sướng như người dân nước Việt Nam mình...
Sau đó, chúng tôi về hội trường làm lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Chư Pa với sự có mặt của Bí thư Huyện ủy Chư Pa (đang học ở Hà Nội). Trong phát biểu của mình, với tư cách là Trung đoàn trưởng Trung đoàn lúc bấy giờ, trung tướng Nguyễn Quốc Thước bùi ngùi nói, nhìn lại từ ngày ấy đến hết chiến tranh, hàng nghìn chiến sĩ trung đoàn đã ngã xuống, trong khi cán bộ trung đoàn vẫn còn đầy đủ. Ông sờ vào ve áo mình: "Chính ve áo này, chính sắc màu hạnh phúc chúng ta đang có hôm nay, được tô thắm bằng sự hi sinh của rất nhiều đồng đội". Ông khóc. Hội trường lặng đi. Cháu tôi hỏi: "Sao thủ trưởng của ông lại khóc?" Anh Phạm Hồng Át, dân Đông Hưng, Thái Bình, 33 năm nay tôi mới gặp lại, gạt nước mắt nói: "Gặp được nhau, các ông vui đấy, con ạ!"...
Anh Át giờ thật tội, sinh được ba người con, hai đã chết vì nhiễm chất da cam/dioxin. Nói đến chuyện ấy, anh thoáng chút buồn rồi động viên lại tôi: "Bộ đội chúng mình người nào cũng khó khăn vất vả cả. Dù sao, chúng mình vẫn còn thấy hạnh phúc, còn được gặp lại nhau. Biết bao nhiêu đồng đội đã không còn nữa. Với mình, hôm nay được vào Lăng viếng Bác, được gặp lại anh em... thế là toại nguyện rồi".
Thật đơn sơ và bình dị, giống như mơ ước của tôi vậy.
Chụp hình lưu niệm
Đội ngũ phố phường
Nói về đồng đội trong những ngày này, không thể không kể đến đồng đội trong Hội CCB phường Phan Thiết (thị xã Tuyên Quang) - nơi tôi đang sống. Nếu đơn vị cũ chỉ là một binh chủng thì đây chính là hình ảnh quân đội ta thu nhỏ, chí ít cũng là hợp đồng binh chủng. Hội CCB phường tôi hiện có tới 460 hội viên, là cơ sở hội đông nhất thị xã, chiếm 95,4% tổng số CCB trong phường. Trong đó có 80 CCB đã ở tuổi "cổ lai hi" và hơn thế; 42 nữ; hơn 50% tổng số hội viên đã tham gia kháng chiến chống Mỹ trên các chiến trường B, C, K...
Dù nhiều CCB là thương binh, bệnh binh, nhiều gia cảnh như Phạm Hồng Át, bạn tôi, nhưng thật tự hào khi nói đến những tấm gương vượt khó làm giàu, nói đến con số hiện tại toàn phường có tới 73,95% số gia đình CCB có mức sống khá và giàu, không còn hộ hội viên nghèo; 95% số CCB đạt danh hiệu thi đua CCB gương mẫu. Danh hiệu ấy có khác gì danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới, dũng sĩ Quyết thắng năm xưa!...
Chi hội CCB tổ 4 của tôi hiện có 26 hội viên, có 5 CCB chống Pháp. Chi hội trưởng là anh Phạm Quang Dạ, biệt danh Dạ "đen", nguyên lính hải quân thuộc đơn vị HB15, Quân khu 5, chuyên đánh tàu địch ven biển miền Trung và đón tàu "Không số" của ta. Dạ "đen" vừa có chuyến đi "lịch sử", đưa vợ vào Bình Định gặp mặt đồng đội. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã từng góp mặt ở đơn vị này, thế mà bây giờ gom góp lại chỉ còn 53 người. Đồng đội ở mọi miền, con gái miền Bắc chẳng lạ gì mà nay, Dạ "đen" bảo, vợ mình vẫn là "mì chính cánh".
Thêm một điều hạnh phúc đơn sơ, mà giàu có, nếu chưa từng làm Bộ đội Cụ Hồ cũng không thể mua được!...
Nguyễn Trọng Hùng
- 1 - Viết bởi Nguyễn văn Quân (20/04/2011 17:04:35)
- Đọc bài ký" Ấm tình đồng đội" và bài thơ"Vời vợi à ơi" của anh Nguyễn Trọng Hùng quê Nam Định và hiện đang sống ở Tuyên Quang,CCB E24 thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng tôi thấy anh Hùng luôn đau đáu và khắc khoải với đồng đội và anh xem đó là giá trị tinh thần,giá trị đích thực của cuộc đời anh được xây dựng trên nền tảng nhân văn,lòng thủy chung son sắt và tấm lòng anh trải dài,trải rộng thấm đẫm tình người như chính nơi anh sinh ra và lớn lên nơi đồng bằng châu thổ mang nền van minh sông Hồng!
- 2 - Viết bởi Quốc Bình (19/04/2011 14:04:05)
- BÀI VIẾT RẤT HAY VÀ CẢM ĐỘNG :"...Thêm một điều hạnh phúc đơn sơ, mà giàu có, nếu chưa từng làm Bộ đội Cụ Hồ cũng không thể mua được!..." Xin cảm ơn tác giả.