-
Lên miền đá Đồng Văn_Phần II
(25/06/2013 14:06:40)
-
Đồn biên phòng Lũng Cú, nằm dưới chân núi, cách cột cờ khoảng 12km, có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Tương truyền tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người Mông nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. (NTH)
LÊN MIỀN ĐÁ ĐỒNG VĂN
Bút ký - Nguyễn Trọng Hùng
(Phần II)
Lồng lộng bóng cờ
Từ TP Hà Giang lên, chúng tôi lên thẳng Lũng Cú sau khi đã vượt qua ba cổng trời. Bởi hẹn trước với Trạm Biên phòng, nên Sơn lái xe đưa chúng tôi lên sân nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang, sát chân cột cờ. Bé Yến Nhi và Vân Hiền háo hức leo lên cột cờ trước, vừa đi vừa gọi: “Ông ơi, đẹp quá!”. Trong lòng tôi bỗng vang vang lời Quốc ca: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc… Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Bóng cờ lồng lộng giữa trời bao la xanh. Năm xưa, tôi đã tới nơi này. Dọc đường Hạnh phúc đầy hố pháo địch bắn từ bên kia biên giới sang. Tôi theo bộ đội biên phòng (khi đó là Công an vũ trang) lên Lũng Cú để sờ tay và cột cờ. Cột cờ nhỏ hơn giờ nhiều lần, lá cờ nhỏ hơn giờ nhiều lần, nhưng cảm xúc vẫn dạt dào, thiêng liêng bởi đó là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Sau trận chiến ác liệt, tôi về viết liền mấy phóng sự: “Cao nguyên kiên cường” và “Giáp mặt với chiến tranh” đọc vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam…
Được biết, Cột cờ quốc gia Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam.
Sử sách ghi lại rằng, Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó (1992, 2000) và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có có chiều dài 9m, chiều rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam anh hùng.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn tiến hành tháo dỡ cột cờ Lũng Cú cũ và tiến hành trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới. Theo thiết kế, cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó rộng 54m2.
Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 283 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 283 đi xuống.
Với khoảng 20,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng, vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam 15 tỷ đồng và Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh đô thị Hà Nội 6,9 tỷ đồng, cột cờ mới đã được khởi công xây dựng ngày 8-3-2010, hoàn thành đúng dịp Quốc khánh 2-9-2010. Vào thời điểm khánh thành cột cờ, lá cờ trên đỉnh cột được lắp trong cán cờ làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m.
Đồn biên phòng Lũng Cú, nằm dưới chân núi, cách cột cờ khoảng 12km, có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Tương truyền tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người Mông nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. Rất có thể cũng vì một trong những lý do nói trên mà nhà nước Việt Nam khi xây dựng cột cờ đã đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột.
Hiện nay tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú và cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày, cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh.
Miền thơ và… đá!
Từ Hà Giang, Luyến đã dặn tôi rằng, đào Lũng Cú là ngon nhất: to, ngọt, không sâu. Nhưng mải chơi trên cột cờ, qua Trạm biên phòng, thấy đào trĩu trịt quả nhưng Sơn bảo, mai đi chợ Sà Phìn mua luôn thể. Cũng chẳng tiếc vì tôi đã kịp xin được ít giống thược dược hoa to như cái bát, vàng có, tím có để về Tuyên trồng.
Chợ Sà Phìn đông như nêm. Các chợ ở Đồng Văn đều là “chợ lùi”: Tuần này họp vào thứ sáu, thì tuần sau họp vào thứ năm… Ngay ở cổng chợ đã ầm ĩ, chen đẩy ở mấy quầy bán điện thoại di động. Quả đào, quả lê, nải chuối, bắp ngô đến con lợn, con gà, con dê, con ngựa thì vẫn vậy, nhưng cuộc sống thì đã khác nhiều. Chỉ có điều dân mình vẫn còn nhiều vất vả. Vợ tôi nhận xét rằng, đồng bào mang ra chợ toàn thứ thiệt, còn mua về ăn toàn đồ… rẻ. Ví như bán gà ta (120.000 đ/kg), mua về ăn gà công nghiệp (40.000 đ/kg); bán lợn Mèo (thịt rang lên thơm như thịt lợn rừng), mua về ăn toàn thịt lợn lai khổ mỡ dầy đến rùng mình. Thế nên, thật xót xa khi thấy đồng bào mang về gà không cánh, thủ lợn mất tai, nghĩa là cái ngon dành cho người khác, đồng bào chỉ cần có thế thôi!… Làm ra thì khó bởi cái gì cũng phải chen chân với đá, nhưng giá bán so với TP Hà Giang đã quá… bèo, đừng nói đến dưới xuôi. Đào, lê ngon là thế mà chỉ 4-6 nghìn đồng/kg (TP Hà Giang phải 15-20 nghìn đồng/kg). Hạt đậu cô-ve nâng trên tay như hạt ngọc mà chỉ 8.000 đ/kg. Vợ tôi bảo, ở Tuyên mình, đắt cũng chẳng có mà mua.
Tôi cũng để ý thấy có người dắt ngựa về vì không bán được giá, ngược lại có người lại tất tả phi xe máy về bắt thêm lợn ra mổ thịt.
Trước Dinh Sà Phìn |
Chẳng thể đến thăm các cháu, đứa ở xã Thài Phìn Tủng, đứa ở Ma Lé, đứa ở Tả Phìn, khi về, chúng tôi vòng qua Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc ngắm tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc rồi xuôi Lũng Phìn (trước thuộc huyện Mèo Vạc, nay thuộc Đồng Văn). Ông Cư Hoà Vần, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trước đây đã làm một trắc nghiệm: Lấy chè ở Lũng Phìn, Bảo Lộc, Tân Cương và Suối Giàng cho vào 4 túi, chỉ đánh số thứ tự, không ghi tên chè. Mấy sáng liền, ông pha mời những ông “tiên trà” Hà Nội. Công nghệ sao như nhau, không tẩm ướp hương liệu, thế mà lần nào hỏi: Chè nào ngon nhất, các “tiên trà” đều đặt cược niềm tin vào chè Lũng Phìn. Nhưng có điều, chè Lũng Phìn ít lắm. Dương Hiếu cháu tôi đã tham gia lập dự án phát triển chè Lũng Phìn. Hiếu nói, chè cũ Lũng Phìn chỉ còn khoảng 6 ha (chè cổ thụ). Nay được đầu tư 300 triệu đồng từ nguồn khoa học công nghệ để trồng mới 72 ha, hiện đã có 50 ha được thu hái. Quan trọng nhất là hướng dẫn bà con dân tộc Mông cách chăm sóc, thu hái, chế biến chè sao cho phù hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó là dự án xây dựng xưởng chế biến chè với tổng mức đầu tư 800 triệu đồng. Không có công nghiệp chế biến, có khi phát triển nhiều về nguyên liệu lại là nỗi khổ của nông dân. Tôi đồng tình với Hiếu điều ấy. Đến Lũng Phìn, tôi cố tìm mua cho được loại chè Lũng Phìn ngon (500.000đ/kg) mà đâu cũng nói hết, đành mua loại 300.000đ/kg. Về Tuyên, mấy ông bạn “bợm chè” của tôi ngồi đãi đằng với ấm chè, kể chuyện tới khuya. Sớm sau, ai cũng hốc hác vì mất ngủ. Nhớ Lũng Phìn, nhớ Đồng Văn mà…
Tôi rất tự hào là đã làm được việc nhỏ thôi, nhưng vô cùng quan trọng, đưa cả gia đình, con cháu đến với chót Mũi Cà Mau và đỉnh địa đầu Lũng Cú. Có lẽ, chẳng bài học lịch sử trên lớp nào sâu sắc hơn với tuổi trẻ bằng những trải nghiệm thực tế này.
Đồng Văn, ơi Đồng Văn! Mái nhà Tổ quốc phong sương, nắng lửa vẫn bình dị, kiên cường. Mái nhà đó được lợp bằng đá, bằng cây và bằng chính lòng người tôi vừa thoáng gặp ở Đồng Văn…
----------------
Nguyễn Trọng Hùng, 16 Trần Nhân Tông, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. ĐT: 0912.099.324
“Mắt rồng” trái (nhìn từ cột cờ xuống). |
"Mắt Rồng" phải |
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ sân Nhà trưng bày đồ lưu niệm
- 1 - Viết bởi MB P/S: Email trao đổi cùng anh Nguyễn Trọng Hùng(25/06/2013 15:06:01)
- MB:
- Tuyệt thật! Tôi thật may mắn được anh cung cấp những thông tin quý này. Chắc chắn tôi sẽ nèo bằng được anh đi Lũng Cú với chúng tôi...
NTH:- Rất vui đón MB và đồng đội lên Tuyên Quang rồi lên tiếp Hà Giang... Tôi vốn là tổ trưởng Tổ phóng viên chiến sự của Báo Hà Tuyên từ 1979 đến 1985. Nhiều gian nan vất vả và cũng nhiều kỷ niệm lắm. Hà Doãn Thuyên, B trưởng Thông tin K5E24 là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Mèo Vạc. Tôi với Thuyên đã ngủ chung hầm cách biên giới chỉ hơn 50 mét...
...Tất nhiên là tôi sẽ cùng các ông đi một vòng trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Dù vẫn "làm thuê" cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang, một mình làm một tờ báo nhỏ, nhưng tôi vẫn đủ thời gian đưa các ông đi, không chỉ Lũng Cú (Hà Giang), mà cả Tân Trào, Kim Bình (Tuyên Quang) nữa.
Bài này có đăng ở tờ Văn nghệ Tân Trào (báo in) và Văn nghệ Nam Định (internet), ông lên mạng lần nữa cho cánh CCB E24 Tiền Giang, Sài Gòn... cùng ra luôn thể.