-
Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú
(23/06/2013 12:06:50)
-
Từ những năm 80 thế kỷ trước, tôi đã nhiều lần đến cột cờ Lũng Cú. Lần nào lòng cũng rưng rưng, xúc động dù khi ấy cột cờ còn nhỏ. Nay tôi đưa cả gia đình lên để con cháu tự hào hơn về Tổ quốc Việt Nam anh hùng và tươi đẹp của chúng ta....(Nguyễn Trọng Hùng, CCB E24)
Đường lên cột cờ Lũng Cú |
Chả biết có sức mạnh nào mà lũ trẻ con cứ băng băng dắt tay nhau lên dốc, vượt 283 bậc đá lên đỉnh cột cờ.
Cột cờ quốc gia Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn), có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt, ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Thời Pháp thuộc có trùng tu một lần vào năm 1887. Các năm 1992, 2000 và 2002, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại ngày một lớn hơn. Cột cờ hiện nay cao 33,15m, trong đó chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột 3,8m. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt trống đồng Đông Sơn. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
CỘT CỜ LŨNG CÚ
Từ trên cao nhìn xuống...
Đứng trên cột cờ nhìn xuống, Lũng Cú đẹp mê hồn. Ngay dưới chân núi, hai hồ nước “mắt rồng” long lanh canh đất, canh trời giữ yên bản làng trải ra sát biên giới Việt – Trung.
Ở Hà Giang, người ta bảo đào Đồng Văn ngon nhất, đào Lũng Cú lại ngon nhất Đồng Văn. Đào Lũng Cú quả to, giòn, ngọt, không sâu. Trước khi lên đỉnh Lũng Cú, qua Trạm biên phòng, thấy đào trĩu trịt như đậu trên vai lính áo xanh. Còn thược dược thì khỏi phải nói, hoa to như vốc tay. Lúc về, cháu tôi đã kịp xin được ít giống thược dược hoa vàng, hoa tím về Tuyên trồng.
Đồn biên phòng Lũng Cú, nằm cách cột cờ khoảng 12km, có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Tương truyền tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ, trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người Mông nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng.
Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Hùng
Địa chỉ: Nguyễn Trọng Hùng, 16 Trần Nhân Tông, tổ 4, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang – ĐT: 0912.099.324