-
LỜI TRĂN TRỐI TRƯỚC LÚC ĐI XA CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH
(22/04/2013 17:04:42)
-
Thưa các anh chị, các đồng chí đồng đội trước vong linh của một cựu chiến binh Trung đoàn, người đồng chí, đồng đội của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 24 vừa qua đời, một con người cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc với cuộc sống riêng tư vô cùng giản dị đời thường, không đòi hỏi quyền lợi cá nhân, chính là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. (Nguyễn Thành Lập)
(Ghi theo lời kể của chị Kiên vợ anh Nguyễn Quang Hòa E24)
Vào những ngày cuối tháng 3 năm Quý Tỵ tại Thành phố Hoa Phượng đỏ chúng tôi nhận được tin ông Nguyễn Quang Hòa một cựu chiến binh Trung đoàn 24 đã từ trần, dời bỏ trần thế để về cõi vĩnh hằng ở tuổi 68. Do bận công việc ở xa nên tôi và một số đồng đội của ông không về kịp để dự tang lễ và đưa tiễn ông, người đồng chí, đồng đội đã một thời gắn bó bên nhau cùng chiến đấu chống kẻ thù chung từ các chiến trường Tây Nguyên, Campuchia, rồi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và điểm cuối cùng là ngày 30/4/1975 cùng mũi tiến công của Trung đoàn từ hướng tây nam Sài Gòn qua cầu chữ Y đánh chiếm tổng nha Cảnh sát cùng các cánh quân của quân Giải phòng từ các mũi đánh chiếm Sài Gòn góp phần làm lên chiến thắng lịch sử Mùa Xuân 1975 giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyễn Thành Lập bên chị Kiên
Sau chuyến đi xa trở về Hải Phòng tôi dự định đến gia đình thắp nén nhang cho đồng đội và chia sẻ cùng vợ con ông về sự mất mát đau thương này, thì ngày 1/4/2013 tôi nhận được điện của anh Nguyễn Mạnh Bình ở thành phố Hồ Chí Minh, một đồng đội, một cựu chiến binh thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 24 hiện tại đang chủ biên tập Website của Trung đoàn ra Hải Phòng, tôi và Bình có hẹn nhau sáng ngày 02/4 tôi sẽ đón Bình đến gia đình để thắp hương cho ông Hòa, sáng 02/4 trước khi đi chúng tôi có gọi cho Nguyễn Xuân Han một đồng đội ở Hải Phòng cùng đi. Thế là ba anh em chúng tôi lên đường đi đến quận Hồng Bàng, sau một thời gian hỏi thăm địa chỉ gia đình chúng tôi đã tìm được đến ngôi nhà số 92 Bạch Đằng thuộc phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng nơi gia đình ông sinh sống. Thật bất ngờ khi chúng tôi bước vào ngôi nhà mặt phố xong vẻn vẹn chỉ có trên 10m2 điều đầu tiên nhận ra là bàn thờ di ảnh của ông vừa qua đời được thờ trang trọng ở giữa gian nhà, đón chúng tôi vào nhà là hai cháu con ông, một trai một gái chúng tôi đoán các cháu cũng đã ngoài 20 tuổi cả rồi, sau phút làm quen giới thiệu với các cháu chúng tôi là đồng đội của bố cháu đến thắp hương, các cháu mừng mừng tủi tủi, đưa chúng tôi đến bàn thờ ông để chúng tôi làm các thủ tục dâng hương cho người đồng đội, một người anh của mình vừa đi về cõi vĩnh hằng.
Sau phút tưởng niệm anh, chúng tôi ngồi lại tâm sự và chia sẻ cùng hai cháu, ngồi ngay trên chiếc giường đơn sơ kê cạnh bàn thờ ông, chúng tôi chưa kịp nâng chén nước các cháu vừa rót ra mời thì một người phụ nữ xuất hiện, chúng tôi đoán ngay chắc là chị Hòa vừa đi làm về, chị bước vào nhà gặp anh em chúng tôi, chúng tôi giới thiệu ngay với chị là những đồng đội của anh Hòa đến thắp anh và chia buồn cùng gia đình. Chị chào chúng tôi bằng đôi mắt ứa lệ với sự cảm động xen lẫn nỗi buồn vừa mất mát người yêu thương nhất của mình, chị tự giới thiệu với ba chúng tôi chị tên là: Vũ Thị Kiên, sinh năm 1952, là vợ anh Nguyễn Quang Hòa. Anh chị lấy nhau sinh được ba cháu là : Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Thị Ngọc, các cháu cũng đã lớn, đứa út cũng đã 20 tuổi rồi. Sau phần giới thiệu về gia đình và cuộc sống, chị vừa khóc vừa kể với chúng tôi nghe về người chồng của mình anh là: Nguyễn Quang Hòa, sinh năm 1946, quê quán Hùng Vương, An Hải, Hải Phòng. Hiện thường trú số 92 đường Bạch Đằng, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Hai con của anh Hòa
Anh nhập ngũ năm 1964 đã từng tham gia chiến đấu trực tiếp tại các chiến trường Tây Nguyên, Campuchia, Tây Nam Bộ và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và toàn Miền Nam thống nhất đất nước, hòa bình lập lại năm 1976 anh hoàn thành nghĩa vụ được chuyển ngành về công tác tại Ngành y tế quận Hồng Bàng, anh đã từng được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Hồng Bàng, Hải Phòng, đến năm 2006 anh được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí. Trong quá trình công tác anh được tặng nhiều huân huy chương và được tặng huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Ngồi trong căn nhà của anh nghe chị tâm sự về anh chúng tôi tự hỏi và thật khó trả lời những câu hỏi mà chính mình đặt ra, tại sao một con người, một sỹ quan quân đội, một cán bộ chủ chốt bệnh viện của một quận thuộc Thành phố lớn, cũng thuộc vào nhòm người có chức có quyền, bao năm cống hiến cho Đảng mà cuộc sống quá đạm bạc thế này ư? Căn hộ chỉ vẻn vện trên 10m2 không kê được một chiếc giường đôi, không có chỗ đủ để kê một bộ bàn ghế tiếp khách, nói vậy chắc mọi người và các đồng đội khó tin, nhưng đây hoàn toàn là sự thật. Chúng tôi hỏi chị về những năm tháng chị sống bên anh chị nghẹn ngào cho chúng tôi biết những năm tháng anh còn đang công tác tại bệnh viện anh vẫn ấp ủ về một điều gì đó của mình về cuộc đời, người lính, anh sống trầm tư, ẩn mình chỉ thấy những lúc rảnh rỗi anh lại lấy bút giấy ra ghi ghi chép chép, chỉ đến khi anh nghỉ hưu anh mới nói với chị: “Tôi quay lại chiến trường để tìm về các kỷ niệm của một đời binh nghiệp”. Sau chuyến đi thăm lại chiến trường Tây Nguyên, Tây Nam Bộ anh trở về Hải Phòng với căn nhàn nhỏ bé của mình đầy tình yêu thương của chị và các cháu, anh lại cặm cụi viết một cách khẩn trương, như điều gì đó dự báo nếu không làm gấp thì không còn thời gian hoàn thành ý nguyện của mình. Tôi cắt ngang câu chuyện và hỏi chị, chị có biết anh viết gì không. chị nói: Anh viết Hồi ký với tiêu đề “Tổ quốc và Tình yêu” với 1.000 tờ bản thảo. Khi anh ngã bệnh anh đã gọi chị và các con đến bên cạnh giường bệnh với lời trăn trối cuối cùng với chị và các cháu trước khi ra đi. Tôi xin được phép ghi lại nguyên văn lời chị kể, anh nói: “Cả cuộc đời tôi cống hiến cho Đảng tôi không có tài sản lớn lao gì để lại cho em và các con, tôi chỉ có tập hồi ký tôi đã viết về Tổ quốc và tình yêu của người lính là gia sản quý báu nhất để lại cho các con, các cháu sau này và điều tôi mong muốn là tập hồi ký này sẽ được xuất bản đó chính là tâm nguyện cuối cùng của tôi trước lúc đi xa” và đây cũng là tâm nguyện của chị Kiên (vợ anh Hòa) và các cháu mà chúng tôi đã gặp. Rất mừng được anh Mạnh Bình cho tôi hay, anh Hòa khi còn sống đã kịp gửi toàn bộ bản thảo hồi ký này cho anh Vinh hiện là thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 24, nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thưa các anh chị, các đồng chí đồng đội trước vong linh của một cựu chiến binh Trung đoàn, người đồng chí, đồng đội của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 24 vừa qua đời, một con người cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc với cuộc sống riêng tư vô cùng giản dị đời thường, không đòi hỏi quyền lợi cá nhân, chính là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Bằng bài viết này tôi muốn kêu gọi các đồng chí đồng đội của chúng ta hãy chung tay gióp sức để thực hiện được tâm nguyện của người đồng đội vừa qua đời và là tâm nguyện của chị và các cháu. Chúng ta làm được điều này chính là niềm động viên an ủi và chia sẻ cùng chị Kiên và các cháu.
Một lần nữa tôi xin gửi lời chia sẻ về sự mất mát lớn lao này đến chị Kiên và ba cháu.
Hải phòng, ngày 08 tháng 4 năm 2013
Nguyễn Thành Lập
Cựu chiến binh Trung đoàn 24
- 1 - Viết bởi Lê Ngọc Dung Cảm xúc về tâm nguyện của 1 người lính(24/04/2013 16:04:44)
- Nước mắt ướt đầm khi đọc bài lời trăn trối trước lúc đi xa của một người lính của tác giả Nguyễn Thành Lập, cảm phục những nghĩa cử cao đẹp, những dòng chia sẻ của những người đồng đội dành cho anh Nguyễn Quang Hòa CCB trung đoàn E 24 vừa qua đời. Tôi càng xúc động , càng yêu quí, cảm động và khâm phục Anh. Anh ra đi để lại sự kính yêu, nuối tiếc, trống vắng, cho người thân, bạn bè, đồng đội , là một tấm gương sang cho chúng ta noi theo về cuộc sống thanh bạch, về phẩm chất người lính kiên định trong bất cứ hoàn cảnh nào khi cuộc sống còn nhiều xô bồ thác loạn. Một người lính đã từng tham gia chiến đấu trực tiếp tại các chiến trường Tây Nguyên, Campuchia, Tây Nam Bộ và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại anh đã từng được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Hồng Bàng, Hải Phòng với nhiều huân huy chương và huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Vậy mà đến khi anh qua đời, cả gia đình anh vẫn sống trong căn nhà với diện tích vẻn vẹn 10m2 . Về hưu anh lại dành sức lực đi thăm lại chiến trường Tây Nguyên, Tây Nam Bộ “ để tìm về các kỷ niệm của một đời binh nghiệp” và dành tâm huyết của mình viết cuốn hồi ký với tiêu đề về Tổ quốc và tình yêu. Thật xúc động khi anh ngã bệnh và nằm bệnh viện , trước lúc đi xa còn trăn trối lại với chị Kiên vợ anh :“Cả cuộc đời tôi cống hiến cho Đảng tôi không có tài sản lớn lao gì để lại cho em và các con, tôi chỉ có tập hồi ký tôi đã viết về Tổ quốc và tình yêu của người lính là gia sản quý báu nhất để lại cho các con, các cháu sau này và điều tôi mong muốn là tập hồi ký này sẽ được xuất bản đó chính là tâm nguyện cuối cùng của tôi trước lúc đi xa”. Lòng đau quặn thắt , Tôi mong mọi người chúng ta cùng chia sẻ, chung tay góp sức đồng lòng để tâm nguyện của anh và gia đình sớm trở thành hiện thực
- 2 - Viết bởi Vũ Trung Kiên Nghĩa tình đồng đội(23/04/2013 21:04:02)
- Cảm ơn Mạnh Bình và Nguyễn Thành Lập .Các bạn đã thay mặt đồng đội về thắp hương cho anh Nguyễn Quang Hòa "một việc làm đầy tình nghĩa và rất cảm động ".Chỉ có những người lính chiến mới có tình yêu thương nhau thật sự đến thế .và việc làm của anh Hòa khi còn sống cũng xúc động biết bao ...Tôi cho rằng với tình yêu thương đồng đội thật vô bờ bến...Đó chính là nguồn động lực giúp anh bỏ ra nhiều công sức để viết về TRUNG ĐOÀN 24 của anh Thật đáng quí trọng ! Mong lời trăn trối của anh sẽ sớm thành hiện thực.
- 3 - Viết bởi Hoàng Thái Tôn Chia sẻ cùng anh Nguyễn Thành Lập(23/04/2013 17:04:54)
- Sáng nay (23/4), tôi vào trang web của Trung đoàn và đã chăm chú đọc bài "Lời trăn trối trước lúc đi xa của một người lính" của anh Nguyễn Thành Lập- CCB E24 tại Hải Phòng. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên trước hoàn cảnh của gia đình Anh Nguyễn Quang Hòa, đồng đội của chúng ta vừa mới qua đời cách đây ít ngày. Cả 5 con người, bao nhiêu năm nay sống trong căn nhà "vẻn vẹn chỉ có trên 10 m2". Trước lúc đi xa, tâm nguyện của Anh là “Cả cuộc đời tôi cống hiến cho Đảng tôi không có tài sản lớn lao gì để lại cho em và các con, tôi chỉ có tập hồi ký tôi đã viết về Tổ quốc và tình yêu của người lính là gia sản quý báu nhất để lại cho các con, các cháu sau này và điều tôi mong muốn là tập hồi ký này sẽ được xuất bản đó chính là tâm nguyện cuối cùng của tôi trước lúc đi xa”. Tôi cũng đã may nắm được nhìn qua cuốn hồi ký này tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chia sẻ cùng anh Nguyễn Thành Lập là "kêu gọi các đồng chí đồng đội của chúng ta hãy chung tay gióp sức để thực hiện được tâm nguyện của người đồng đội vừa qua đời và là tâm nguyện của chị và các cháu. Chúng ta làm được điều này chính là niềm động viên an ủi và chia sẻ cùng chị Kiên và các cháu". Hoàng Thái Tôn- CCB E24 tại Nha Trang
- 4 - Viết bởi Nguyễn Trọng Hùng Mãi mãi không quên(23/04/2013 09:04:00)
- Tôi có nhiều kỷ niệm với anh. Đầu tiên là việc kế nhiệm anh làm Y tá trưởng Bệnh xá Trung đoàn. Rồi anh phụ trách lớp Y tá ở Stungtreng (Campuchia)... Bao lần anh từ Ban Quân y tăng cường cho các đội phẫu, cùng chúng tôi lăn lộn, xả thân vì thương bệnh binh. Anh chân tình, yêu thương chúng tôi. Nhờ các đồng nghiệp ở Báo Hải Phòng, tôi đã tìm đến nhà anh, căn nhà mà Nguyễn Thành Lập mô tả ở trên, vui vì gặp lại anh nhưng cũng quặn lòng cho người lính thời hậu chiến. Rồi những lần hẹn gặp lại ở Hà Nội, nghẹn ngào cả với những người còn, người mất. Lần nào gặp anh cũng đau đáu về cuốn sách đang viết. Tôi động viên anh vì anh như pho sử sống về trung đoàn. Nhìn tập bản thảo anh mang lên Tuyên Quang cho xem, tôi kính phục một tấm lòng, một nghị lực. Phải là người thật tâm huyết mới làm được thế. Anh hẹn, 15-4 cùng vào Sài Gòn gặp anh Thứ, anh Thế Vinh và nhiều đồng đội khác. Nhưng... Mãi mãi không bao giờ quên tình cảm và hình ảnh của anh với đồng đội!