-
CHÍ BỰ VỀ LÀNG
(01/04/2013 11:04:05)
-
Trong phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất để về HaiPhong, tôi nhận được Email kèm theo một truyện ngắn rất thú vị của anh VÕ MINH, CCB E271, một trong 3 trung đoàn chủ lực cùng sát cánh với E24 trong kháng chiến thời còn ở Miền Tây Nam Bộ. Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và các bạn (MB)
Đã là thói quen thì không mấy ai dễ sửa được. Lão Du trưởng làng Vũ Đại cũng không phải ngoại lệ. Đối với lão, có thể một vài thói quen nào đó lão bỏ, chứ giấc ngủ trưa của lão chớ có thật thà mà can thiệp vào, không lại lãnh đủ. Cho dù ngày đó trời nắng hay là mưa, nhà có công, có việc hay là không. Hãy để yên cho lão tĩnh thân. Với lão, giấc ngủ trưa là trên hết.
Mà mùa này đang là giữa thu. Mùa của nắng vàng nhè nhẹ rắc đều, vừa đủ để giữ cho tiết trời dịu dàng mát mẻ. Còn gì hơn khi chiếc giường của lão lại kê sát ngay bậu cửa sổ, nhằm hứng trọn những làn gió lây phây từ ngoài thổi vào, làm cho lão nằm đấy mà sướng đến rơn cả người. Lão chìm vào giấc ngủ từ lúc nào mà không hề hay biết.
Nhưng ở cái sự đời này không phải sung sướng nào cũng để cho lão tận hưởng trọn vẹn cả. Đấy, đã bảo mà. Không biết ở đâu lại lù lù xuất hiện một cậu thanh niên cưỡi chiếc xe máy lao ào ào từ ngoài ngõ vào sân nhà lão, khói đen phun mù mịt.
Cả không gian miền quê đang yên bình bỗng nhiên bị xé toạc ra, bởi tiếng bành bành vang trời của nẹt bô xe máy. Tiếng nổ động cơ chọc thẳng vào tai lão giật thót cả người. Lão điên lắm! Điên quá đi chứ! Lão đang say giấc, không điên thì mới lạ. Đấy, thấy không? Lão ngồi bật dậy tắp lự như cái lò xo. Chưa kịp nghỉ lấy hơi, những gì căm giận uất nghẹn đang bốc lên ngùn ngụt trong con người dồn dập khiến lão phải xả ngay, xả tất tần tật. Lão muốn cho nó tuôn ồng ộc qua cái cửa miệng để thoát hết ra ngoài. Lão phải phủ đầu ngay vào mặt cái đứa mất dạy dám to gan đến chọc tức lão.
Một khi đã rời ra khỏi cái giường, lão sẽ vớ bất cứ thứ gì có thể vớ được, chẳng cần biết thứ đang cầm trên tay có quý giá hay không. Mọi thứ đối với lão lúc này đều không quan trọng bằng giấc ngủ trưa bị phá vỡ. Lão dồn hết tâm lực để lao nhanh ra đập chết ngay cái đứa mất dạy đó.
- Bố ơi! Bố ơi! Dậy đi! Dậy đi! Bác Cả Thự ở Hà Nội nhắn cho bố tin. Bác Chí Bựa con cụ Chí Phèo ngày mai về làng – Cậu thanh niên lên tiếng.
Chí Bựa… Chí Phèo. Cái gì ngày mai về làng? Nghe đến đây lão hơi giật mình, cơn hỏa trong người đang bốc lên tự dưng dìu dịu lại. Thằng nào gọi lão đây? Lấy tay dụi dụi vào mắt mấy cái lão mới nhận ra cái thằng mất dạy đó, không ai khác là thằng Đực Choắt con út lão.
- Mày đang làm xe ôm ở Hà Nội sao lại về đây kêu Chí Phèo, Chí Pheo vào giờ này?
- Bác Cả Thự con cụ giáo Thứ ở Hà Nội bảo con về báo tin này gấp cho bố. Ngày mai bác Chí Bựa con cụ Chí Phèo về làng ta mà! – Thằng Đực Choắt nhanh nhẩu trả lời.
Khi nghe thằng con nhắc lại tên Chí Phèo, thì lần này lão mới thực sự tỉnh hẳn. Một thằng chuyên rạch mặt ăn vạ, lúc nào cũng say, chửi bới suốt ngày, nổi tiếng như một huyền thoại. Mà thằng này đã chết từ lâu lắm rồi, lâu đến mức giờ Chí Phèo chỉ tồn tại trong tâm trí tưởng tượng của người đời mà thôi. Mà người đã chết thì chuyện cũng hết. Lão Du nghĩ vậy. Nhưng đấy là nói xuôi. Còn nếu như ngẫm lại: Thằng Chí Phèo chết rồi, nhưng còn thằng con của nó với Thị Nở…
- Chí Bựa… Chí Bựa… À tao nhớ ra rồi! Thằng đó bỏ làng đi biệt tăm từ lâu rồi. Cứ tưởng nó chết bờ, chết bụi ở xỏ xỉnh nào… Mà có đúng bác Cả Thự bảo ngày mai nó về đây không? – Lão Du lấy tay vỗ vỗ vào trán lục lại trí nhớ nói.
- Vâng! Bác Cả Thự bảo con thế mà. – Thằng Đực Choắt khẳng định.
- Mà cái thằng bố nó từ xưa cho đến nay đã có khi nào vượt qua được chữ “thằng” đâu, mà mày còn gọi “cụ” với “bác” ở đây!
Tiếng hai bố con đối đáp với nhau nghe choang choảng. Bà Du ở dưới bếp nghe chuyện không bỏ sót từ nào ra khỏi tai cả. Nhất khi thằng Đực Choắt nhắc con của Chí Phèo là thằng Chí Bựa sắp về làng. Cũng như ông, bà không tin vào tai mình nữa. Thoạt đầu một cảm giác là lạ gây sự tò mò đến với bà, làm bà suy nghĩ, liên tưởng liên kết lại những điều người đời nói về nhà Chí. Càng suy nghĩ nhiều bà lại thấy có điều gì bất an đâu đó sắp đến với dân làng Vũ Đại. Đến lúc này thì bà ý thức được, phải báo tin động trời cho cả làng biết càng sớm càng tốt, để chuyện gì xảy ra còn dễ bề xử lý
Tin Chí Bựa sắp về bay đến từng nhà nhanh như ánh chớp. Cả cái làng Vũ Đại bỗng chốc ồn ào hẳn lên. Dân chúng bất ngờ trước tin thằng con Chí Phèo ngày mai về làng như là chuyện lạ không tưởng. Nó kích thích mọi người háo hức, tò mò, hiếu kỳ muốn được tận mắt xem mặt mũi thằng con nhà Chí thế nào?
Ở làng Vũ Đại này chẳng có ai lại không biết, sau cái đận bà cô chết, hai mẹ con Thị Nở bỏ làng đi đâu mất dạng. Dân tình ở đây vui mừng ra mặt. Họ mừng là từ đây trở đi nhà Chí tiệt nọc. Cảnh rạch mặt ăn vạ trong làng sẽ không còn. Mà cụ Bá Kiến, Lý Cường cũng đã chết lâu rồi. Dân làng Vũ Đại chả có gì phải sợ mà lo lắng nữa. Nếu không thế thì làm sao có chuyện làng Vũ Đại bao đời nay vẫn bình yên.
Bây giờ con nó lại lù lù dẫn xác về. Mà nòi nào thì giống nấy. Ai mà chả biết. Nó về đây, tức là mang đến cho dân làng “ cái lành chưa hẳn đã có, còn cái họa… ”. Đang yên đang lành bỗng dưng lại nứt nòi thằng con nhà Chí ở đâu từ trên trời rạch xuống khiến cả làng xáo động lên.
Vậy là chả cần ai phải bảo ai, dân trong làng chẳng mấy chốc ùn ùn kéo nhau đến tụ tập chật cả sân nhà lão Du trưởng làng.
- Tin con Chí Phèo sắp tới về làng đúng không bác. – Dân làng tranh nhau hỏi lão Du.
Lão Du đang đi lại trên hè nhà với vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Bỗng chững lại và nói.:
- Tôi cũng vừa mới được tin từ bác Cả Thự ở trên Hà Nội nhắn về. Ngày mai Chí Bựa sẽ về làng! - Trầm ngâm một lúc ông lại nói tiếp: - Thú thực với bà con. Được tin bất ngờ này, tôi cũng ngớ người ra. Nhưng ngẫm nghĩ một lúc tôi lại thấy lo lo thế nào ấy. Chắc cả làng ta không ai quên lời cụ Bá Kiến dạy ngày nào: “Đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại. Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học từ phương xa…” Mẹ con thằng Chí Bựa đã bỏ làng Vũ Đại mình đi lâu quá rồi. Bây giờ dẫn xác về, có gì đảm bảo là nó để cho dân làng chúng ta yên.
Nghe lão Du trưởng làng nói, ai cũng thấy lo lo ra mặt. Nhất là con cháu nhà Bá Kiến. Kẻ thù không đội trời chung với nhà Chí kia. Mà nhà cụ Bá sao mà lắm tai họa thế. Sau cái ngày cụ Bá chết cùng với Chí Phèo, thì độ gần chục năm sau thằng con Lý Cường bị cách mạng bắn chết. Nhà cửa, ruộng vườn đều bị tịch thu tất tần tật để chia cho dân nghèo. Là thành phần địa chủ bóc lột thì con cháu của họ làm gì có quyền được đi học, làm gì có quyền xin được việc làm để mưu sinh. Đại gia đình nhà Bá Kiến bỗng dưng lâm vào cảnh khốn khổ khốn cùng. Đến đời cháu chắt mới khấm khá lên một chút lại bị thằng con nhà Chí về quấy rối. Thật đúng là “ … xuống chó”
Ngày mai Chí Bựa về lại đúng ngày giỗ cụ Bá, trùng hợp với ngày giỗ của Chí Phèo bố nó. Thế này thì đích thị nó về làng rồi? Thực hư có ai biết mặt mũi nó thế nào đâu? Rồi nó phá kiểu gì đây? Giá như gặp được nó một lần thì còn biết để mà chủ động đối phó. Nhưng đằng này… Khó nghĩ quá đi mất!
- Ôi dào! Các cụ khỏi phải lo lắng mà tổn hại đến tuổi thọ. Việc bình an của cái làng Vũ Đại này còn có chúng cháu đây! Một thằng Chí Bựa chứ đến cả trăm thằng Chí Bựa cũng thế thôi! Làm gì được làng ta nào? Chấp nó đấy! – Đám trẻ nhao nhao trấn an bà con.
Ôi! Đúng là bọn trẻ người non dạ. Chỉ được cái võ mồm là giỏi. Đấy! Mấy lần bọn đầu gấu vào cướp giật, rồi vác dao chém loạn xạ dân làng ta. Lúc nguy nan như vậy, đã có thằng nào nhảy vào bảo vệ đâu? Ai cũng biết cả đấy! Thế mà, hầu như tất cả đều giả mù, giả điếc rồi câm lặng lảng đi, bỏ mặc người bị nạn một mình nằm kêu cứu.
Mà ngay như ngày hôm qua thôi, đâu có lâu lắc gì mà bảo không nhớ. Cả làng phải một phen hốt hoảng bỏ chạy tán loạn khi gặp phải một thằng nghiện cầm xi lanh kim tiêm đỏ thẫm máu HIV giơ lên dọa. Lúc đó trong đám thanh niên làng, thử hỏi những thằng chứa đầy tinh thần tiết vịt này đã ra xông vào ngăn chặn thằng nghiện chưa?
Với nhà Chí, tụi thanh niên bây giờ đâu đã được chứng kiến độ lì lợm và liều lĩnh của cha con nhà nó. Đấy! Hãy hỏi những thằng đầu gấu thời nay, chém giết người không ghê tay, đã có thằng nào to gan tự lấy dao rạch vào mặt mình để máu chảy tung tóe như thằng Chí Phèo không?
Càng ngẫm nghĩ, lão Du càng thấy hoang mang tệ. Mang trong người dòng máu nhà “Chí”, thằng Bựa này không dễ gì bỏ qua mối thù truyền kiếp với nhà Bá Kiến. Thằng này tìm đường về đây để trả thù là cầm chắc. Chuyện này không tính toán cẩn thận lại phải tai bay vạ gió đến cái chức trưởng làng của lão. Phải thủ đoạn, mánh khóe và phải mất nhiều tiền lắm lão mới giành giật được cái ghế này. Chả dễ gì người ta để sẵn cho mình ngồi vào đấy đâu.
Ai cũng biết lão là người có tiếng khôn ngoan nhất làng này. Khôn róc người. Đó là sự lọc lõi thượng thặng của lão. Lắm kế đa mưu, biết vuốt trên nẹt dưới, biết nắn biết bóp, biết nhu cương với từng hạng người. Tất nhiên lão luôn luôn thuộc lòng bài của cụ Bá dạy: “ Người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế để đòi được năm đồng, nhưng được rồi thì vứt trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”.
Lý thuyết là vậy, nhưng lúc nào lão cũng cảm thấy bất an, vì lão quá hiểu: không một cao thủ nào có thể che kín được mãi sự khuất tất mà mình tạo ra. Không chóng thì chầy, bàn dân thiên hạ đều biết. Tuy vậy, cho đến tận bây giờ, lão vẫn biết né biết tránh… siêu hạng. Như những lần dân tình họp nhau “phê phán” lão. Nghi ngờ lão ăn bẩn tiền hỗ trợ dân nghèo, ăn đất và biến thủ tiền các loại thuế mà dân tình đóng cho Nhà nước, lão đều thoát hiểm một cách bất ngờ và ngoạn mục.
Đã bảo, lão quá thủ đoạn mà. Đối diện với những hoàn cảnh như thế, lão nhã nhẵn và nhún nhường với mọi người đến tệ. Nếu nhìn vào, có ai bảo lão là người hách dịch, mưu mô thâm hiểm ẩn chứa đầy toan tính? Lão lõi đời lắm. Lão bắt được cái thóp thương người, dễ dàng cả tin của dân chúng. Những lúc như thế này lão chỉ cần nói lăng nhăng mấy câu đổ tội tuồn tuột cho hoàn cảnh khách quan… rồi cuối cùng nói mấy câu xin lỗi, rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Nhưng không bao giờ quên nhắc khéo mấy câu đe nẹt vu vơ. Dân ngồi nghe ai mà không dịu lòng, ai mà không thương cảm rồi mềm lòng tha thứ. Để đến khi về nhà ngẫm lại, có một điều gì đấy sờ sợ lão đến gai cả người. Bởi vậy, dân có “phê phán” thế, chứ “phê phán” nữa cũng vậy thôi. Càng phê, lão càng lọc ra được địch thủ mà lên kế hoạch triệt tiêu dần. Định lật đổ lão ư? Đâu có dễ dàng như vậy. Lão thách đấy! Không tin thì cứ phê lão đi! Mỗi lần như thế độ tinh quái của lão càng được tôi luyện hơn.
Nhưng công bằng mà nói. Vào những lúc khó khăn nhất thì lão lại là người xoay xở giỏi nhất. Đấy! Ngay như chuyện thằng Chí Bựa sắp về làng. Lão thừa hiểu việc động trời như vậy, nhưng trong làng đã có được kế sách nào hay để đối phó với thằng Chí Bựa này đâu. Lão biết, cả làng này chả có mống nào vượt qua được cái đầu lắm mưu đa kế của lão được.
- Thằng Đực Choắt đâu rồi! Lại đây bố bảo. - Lão Du tự tin cao giọng gọi thằng con.
- Dạ con đây! - Thằng Đực Choắt đang đứng ở góc sân, vội vàng trả lời và chạy nhanh đến bên bố nó.
- Mày có số điện thoại nhà bác Cả Thự không? Bấm ngay điện thoại để tao nói chuyện với bác đấy! – Lão Du nói.
Cầm chiếc điện thoại trên tay bấm bấm một lúc, thằng Đực Choắt đưa điện thoại cho lão Du nghe.
Người ngoài theo dõi cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa hai người, ta thấy giọng lão Du đang cười nói oang oang. Bỗng dưng đột ngột mềm oặt hẳn. Tiếng ồn ào bàn tán xôn xao của dân làng Vũ Đại cũng chìm dần theo. Bây giờ chỉ còn lại tiếng vâng vâng, dạ dạ của lão Du, nghe cứ ấp a ấp úng. Mà hình như mặt lão đang biến sắc tái nhợt. Hay là lão đang sợ điều gì đấy. Nhưng không! Lão lại hềnh hệch cười, giọng nói nghe chắc nịch tự tin lắm!
Phải có một điều gì đấy rất vui thì lão Du mới phấn khích như vậy. Lão say mê nói chuyện với bác Cả Thự mà quên hết mọi người đang sốt ruột đợi chờ quyết sách của lão.
Lần này thì lão thực sự dừng cuộc nói chuyện. Chiếc điện thoại không còn áp sát vào tai lão nữa, mà lão giơ ra phía trước rồi lấy tay đập đập vào. Rồi lão lại đưa lên tai để nghe, lại còn a lô liên hồi nữa chứ. Nhưng chỉ được một lúc lão vội vàng gọi thằng Đực Choắt đến trợ giúp:
- Thằng Đực… Thằng Đực Choắt đâu rồi! Cái điện thoại của mày bị làm sao mà tắt ngẩm tiếng bác Thự đang nói. Tao a lô cho bác ấy không được.
Cầm chiệc điện thoại trên tay, thằng Đực Choắt vội giơ lên bấm bấm rồi dán mắt nhìn vào. Đột nhiên nó ngửng mặt lên nói với bố.
- Bố nấu cháo điện thoại kiểu gì mà nấu nhừ rục thế! Nói đến cháy cả điện thoại của con. Hết nhẵn tiền rồi mà vẫn không biết!
- Ai bảo mày tao cơm cháo gì lúc này? Lo mà sửa ngay cái điện thoại để tao còn nói chuyện tiếp với bác Cả Thự. Không nhanh lên tao cho mấy gậy bây giờ! – Lão Du bực tức nói.
- Thế… bố cho con tiền để đi ra phố huyện mua thẻ nạp vào tài khoản thì mới gọi được. Mà phải ít nhất là năm mươi ngàn đấy! – Đực Choắt nhanh nhẩu trả lời.
- Tao vừa gọi có một chút mà mất năm mươi ngàn. Thôi! Đang lúc hệ trọng này mày cầm tiền chạy nhanh ra phố mua rồi về ngay đấy! – Lão Du vừa nói vừa lấy tay móc túi đưa tiền cho Đực Choắt.
Lão Du e hèm mấy cái để lấy giọng rồi đĩnh đạc tuyên bố với bà con làng Vũ Đại:
- Thưa bà con. Báo cho bà con biết làng ta có tin vui lớn. Bác Chí Bựa làng ta là quan to của nước nhà đấy! Bác Cả Thự vừa chính thức cho tôi biết tin này!
Vừa dứt lời lão Du nói, dân làng Vũ Đại này đều tròn mắt ngơ ngác nhìn nhau, không ai tin vào tai mình cả. Tin thế nào được con của thằng chuyên rạch mặt ăn vạ đã bỏ làng đi mất dạng từ thủa nào, bây giờ lại làm quan lớn được. Nghe cứ như chuyện cổ tích. Hay đây là trò tung tin bông đùa của lão Du? Nhưng cứ xem cung cách và thái độ nghiêm túc của lão khi nói chuyện với bác Cả Thự qua điện thoại, thì không thể không tin việc bác Chí Bựa làm quan to là có thực.
Tin vui lớn đến với dân làng đột ngột như thế, thử hỏi, còn có ai kìm hãm giấu được cảm xúc lúc này. Tất cả bỗng vỡ òa ra trong tiếng reo hò của niềm sướng vui và hãnh diện, hòa trộn với tiếng vỗ tay rần rần của những người dân làng Vũ Đại.
Thiên hạ hãy nhìn lại làng Vũ Đại này đi. Làng đã sinh ra một vị quan to của nước nhà đấy. Ôi! bác Chí Bựa muôn năm! Bác vĩ đại quá! Làng Vũ Đại được nhờ danh của bác để rửa sạch nỗi oan nhục bao đời vì đã sinh ra thằng Chí Phèo nổi tiếng chuyên rạch mặt ăn vạ…
- Thưa bà con! Bác Chí Bựa là bác của cả làng ta, cái danh của bác ấy sẽ đem vị thế làng ta sang trang mới. Những gì mà bấy lâu nay ta nghĩ không đúng về nhà cụ Chí thì ta thống nhất với nhau là chưa nói gì. Bác Chí Bựa đáng kính là niềm tự hào và kiêu hãnh của làng ta, mà không dễ gì mấy làng có được. – Ngập ngừng một lúc lão Du nói tiếp:
- Nhân tiện đây tôi cũng nói luôn về tấm gương đạo đức, ý chí kiên trì phấn đấu suốt đời không mệt mỏi theo lý tưởng Đảng ở bác Chí Bựa để con cháu trong làng học tập. Theo như bác Cả Thự nói: sau cái đận bà Thị Nở và bác Chí Bựa bỏ quê (à quên, bập bập… rời quê) hai mẹ con theo người ta xuống tàu thủy vào Nam kiếm kế sinh nhai. Những năm tháng ở trong đó bác Chí Bựa được giác ngộ tham gia cách mạng rất sớm. Từ một người liên lạc của đơn vị vũ trang ở trong rừng, bác đã kiên trì phấn đấu đi lên không ngừng… Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước một thời gian, bác ấy chuyển ngành ra ngoài giữ chức vụ phó chủ tịch tỉnh. Bây giờ bà con biết không? Bác Chí Bựa là quan to của nước nhà đấy. – Lão trưởng Du thao thao nói.
- Bác nói thế nào chứ! Bác Chí Bựa suốt ngày lo đánh giặc ở trong rừng, còn đầu óc đâu mà học với hành. Không học thì làm sao lên được phó chủ tịch tỉnh. Như chúng cháu đây mười hai năm cặm cụi đèn sách, ngồi đến mòn cả ghế nhà trường, thế mà chỉ mới đạt được trình độ thoát nạn mù chữ vừa đủ cho cái nghề thợ xây đấy thôi. Bác ấy… siêu quá! – Một cậu thanh niên lốp bốp vặn lại lão.
- Cái thằng láo toét! Có ngậm miệng ngay không? Tao cho một cái tát tai bây giờ! Mày thì biết cái gì? Người lãnh đạo họ giỏi lắm! Họ chỉ học một đã biết cả trăm cả ngàn rồi. Có nhiều điều họ không học mà vẫn biết tinh tường đấy. Còn như cái đầu chúng mày thì… thì… làm được việc như vậy là phúc lắm rồi. – Lão trưởng Du đỏ mặt tía tai áp đảo cậu thanh niên. Ngập ngừng một lúc, lão lấy được bình tĩnh rồi hềnh hệch cười và hạ giọng nói:
-Tôi vừa chợt nghĩ: làng ta hiện nay có hai dự án đang thực hiện dở dang. Cái thứ nhất là dự án nước sạch. Cấp trên cho làng ta đã triển khai xây dựng đến chục năm có lẻ. Nhưng nó vừa mới thi công đã hết vốn, nhà thầu đành rút đi. Và, cho đến hôm nay dấu tích để lại là một bể xi măng vừa chìm vừa nổi, trơ đáy. Chỉ được cái tiện cho bà con làng ta xả rác vào.
- Còn dự án thứ hai là bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Với hình thức “Nhà nước cùng nhân dân làm”. Tiền dân thì bà con đã góp. Còn tiền của Nhà nước cấp tôi đã đi kêu mãi vẫn chưa mặt mũi nó đâu? Nhân tiện ngày mai bác Chí Bựa về, dân làng ta làm đơn đề nghị xin tiền luôn. Bác ấy là xếp lớn, ta lại xin tiền để làm công trình nâng cao đời sống cho dân quê hương bác ấy. Đây là công việc chung, có ai lại nỡ lòng từ chối. Biết đâu bác ấy lại cấp tiền thêm cho làng ta làm lại cái trạm xá đang dột nát và xây lại cái trường học bấy lâu nay đang xuống cấp nghiêm trọng.
Lão trưởng Du vừa dứt lời thì tiếng reo hò, vỗ tay ào ào hưởng ứng của bà con làng Vũ Đại kéo dài không nghỉ. Phải vất vả lắm lão mới ổn định được trật tự. Khi các loại âm thanh thật sự lắng xuống, lão trưởng Du mới thủng thẳng nói:
- Ngày mai lại là ngày giỗ cụ Chí Phèo. Làng ta phải tổ chức đón tiếp bác Chí Bựa thật chu đáo, làm giỗ cụ Chí Phèo thật trịnh trọng. Như vậy mới thể hiện được tấm lòng tôn kính của bà con làng Vũ Đại này đối với bác Chí Bựa sau bao năm xa cách… – Trưởng Du định nói tiếp thì có người cắt ngang.
- Khi nói đến làng Vũ Đại ta, thiên hạ ai cũng biết quê hương của cụ Chí rồi. Dễ tìm như thế mà sao sau thống nhất nước nhà bác Chí Bựa không về thăm quê cha đất tổ lấy một lần, mà để qua mấy chục năm rồi đến hôm nay mới tìm về?
Trưởng Du vội cắt ngang.
- Chúng ta phải thông cảm với bác ấy. Đừng có bắt bẻ quá! Cụ Chí Phèo… chắc là lý do tế nhị. Vấn đề cốt lõi là ngày mai bác Chí Bựa về đây rồi. Thời gian không còn nhiều, tôi đã quyết định như sau: Trích ra năm mươi triệu đồng trong tiền năm mươi lăm triệu đồng bà con đóng góp để bê tông hóa đường làng ngõ xóm, để đón bác Chí Bựa và làm giỗ cụ Chí Phèo. Theo sự phân công sau đây: các bà phụ nữ lo việc chợ búa, nấu nướng. Lớp thanh niên lo cờ quạt, trang trí hội trường. Còn các cụ phụ lão lo cho việc lễ nghi cúng tế cụ Chí. Riêng các cháu thiếu niên…
Trong khi lão trưởng Du đang say sưa phát biểu, thi một cụ ông cắt lời:
- Cụ Chí Phèo từ lúc chết cho đến bây giờ đã có ban thờ đâu mà cúng. Bây giờ bác bảo cúng thì cúng ở đâu?
- Ơ cái cụ này. Tôi đã nói hết đâu? Bác Chí Bựa là niềm vinh dự, tự hào của làng ta. Còn cụ Chí Phèo! Đương nhiên là “Cụ” của cả làng ta rồi. Bây giờ làng ta lập ban thờ cho cụ ấy chả có gì sai cả. Ta phải tìm nơi trang trọng nhất làng này để thờ cúng cụ. Theo tôi, vị trí này thích hợp nhất là nhà văn hóa làng của làng Vũ Đại này. – Lão trưởng Du giải thích.
Sau khi nghe lão trưởng Du diễn giải, dân làng Vũ Đại này ai nghe thấy cũng có tình, có lý. Trong tâm mọi người tự nhiên lại thấy có cái gì đấy mình phải có trách nhiệm hơn. Dường như không cần ai bảo ai, họ tự nguyện bắt tay ngay vào công việc.
Đứng nép ở một góc sân, lão trưởng Du chứng kiến hết tinh thần của dân làng Vũ Đại. Dưới con mắt của lão, dân làng này còn ngây thơ và khờ khạo lắm. Bởi từ xưa cho đến ngay cả bây giờ lão ăn công khai đấy mà có đứa nào biết gì đâu. Lão vừa tuyên bố trích ra năm mươi triệu cho cái vụ đón tiếp Chí Bựa, thì bèo lắm lão cũng đút túi được vài ba triệu đồng do nâng khống vào việc chi cái này cái kia rồi. Ai giỏi cứ kiện đi. Có mà kiến kiện củ khoai. Đòi hỏi phải trình hóa đơn ư? Lão đáp ứng ngay. Ôi dào! Chỉ cần bỏ ra dăm ba đồng bạc thì lão đây có cả tập.
Cái mũi lão ngửi hơi đồng tiền thính lắm. Lão chọc đâu lại không ra tiền. Ngay như dự án nước sạch của làng, lão cũng ẵm được cả trăm triệu đấy thôi. Tranh nhau ăn cho cạn kiệt vốn đến mức nhà thầu phải bỏ của chạy lấy người một đi không ngoảnh đầu lại.
Đấy là chưa kể đến chuyện đất đai. Lão ăn tất tần tật từ những đồng tiền lẻ cho đến các loại tiền chẵn. Nào là ký các loại giấy tờ cho dân xin quyền sở hữu đất, đến các việc móc ngoặc với bên ngoài khai khống diện tích, ăn chặn tiền đền bù đất đai. Đấy là chưa tính mấy cái chuyện xẻn xẻn tiền hỗ trợ các gia đình nghèo.
Dân kêu ca đấy! Làm đơn kiện đấy! Nhưng lão vẫn sống, vẫn làm trưởng làng đấy thôi. Mấy lần họp để kiểm điểm thì lão đã xin lỗi do điều kiện khách quan, do yếu về năng lực quản lý. Lão có chối cãi đâu mà bảo lão cứng đầu cứng cổ không nghe dân góp ý.
Cái số lão nó thế. Mỗi khi lão gặp khó lại ló ra một cái may cho lão. Đấy, đang lúc cần tiền để trảm vào cái khoản thất thoát ngân quỹ chung do lão quản lý, thì tự nhiên lại xuất hiện ngôi sao cứu mệnh là bác Chí Bựa về làng. Trong quả này, lão dùng thuật “mỡ nó rán nó”. Là lấy tiền công quỹ và sức dân ra chào đón, ve vãn bác Chí Bựa. Một khi đã chiếm được tình cảm của bác Chí rồi, thì việc xin tiền cho làng làm dự án là chuyện quá nhỏ. Với lão, có phải một mũi tên mà bắn trúng được nhiều đích không? Ở đây lão chả mất gì. Phải chăng chỉ mất một chút nước bọt. Còn lợi thì lão quá hiểu, “vừa được ăn, vừa được nói lại còn được gói…” Mà lại còn được tiếng hiếu khách ngoại giao giỏi. Tiếng thơm lưu lại mới đích thực là của lão rồi, còn ai vào đây tranh giành được.
Lão nhếc mép cười. Cái cười của sự ngạo mạn, kẻ cả, tự đắc thắng cuộc. Càng nghĩ lão càng sung sướng đến run cả người, quên hết mọi sự xung quanh. Bỗng nhiên lão giật bắn người khi thằng Đực Choắt vừa xuất hiện bên cạnh gọi.
- Điện thoại con đã nạp tiền. Con bấm số bác Thự rồi đấy! Bố gọi ngay cho bác ấy đi.
Lão Du hồ hởi cầm chiếc điện thoại ghé sát tai để nói chuyện với bác Cả Thự. Đấy, lão lại hềnh hệch cười, rồi lại nói oang oang như muốn thổi bay chiếc điện thoại đang cầm trên tay. Cũng may mà chiếc điện thoại làm bằng sắt quá vững chắc. Chứ làm bằng loại khác chắc nó đã vỡ vụn ra rồi. Thôi, thông cảm vậy. Âm lượng của lão phát ra đang trong đà phấn khích mà.
Khí thế hừng hực cầm chắc phần thắng trong tay của lão đang bốc lên ngùn ngụt, bỗng dưng bị chững lại sau câu đối đáp của lão: “Sao! Bác nói lại cho tôi được không?”. Mặt lão tự nhiên tím bầm lại, hai mắt long lên sòng sọc. Lão mím môi tay cầm chiếc điện thoại ném mạnh về phía thằng Đực và quát tháo om sòm:
- Dẹp! Dẹp! Dẹp hết! Mẹ kiếp! Thằng ấy về hưu rồi.
- Thằng ấy là thằng nào đấy bác trưởng Du? – Dân tình sững sờ ngơ ngác, nhao nhao hỏi lại.
- Là thằng Chí Bựa! Chứ còn thằng nào vào đây! Tiên sư họ nhà Chí!
Hà nội, tháng 12 năm 2012
Võ Minh