-
TRIỆU TẤM LÒNG TRI ÂN QUỐC TỔ
(12/04/2011 09:04:24)
-
...“Sự tử là để sự vinh, sự vong là để sự tồn”- Quan niệm truyền thống ấy của người Việt đã được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất, sâu đậm nhất trong việc duy trì, gìn giữ nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm của nhân dân Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Bởi thế, mỗi dịp tổ chức Lễ hội Đền Hùng, đồng bào ta dù sinh sống trên đất mẹ hay mưu sinh, lập nghiệp nơi đất khách quê người đều hướng về vị Quốc Tổ linh thiêng của mình với tình cảm sâu nặng nhất."...
QĐND - “Chim có tổ, người có tông, dẫu xa cách muôn trùng vẫn hướng về nguồn cội” từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa và đạo lý truyền thống của nhân dân ta. Bởi vậy, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, con Lạc cháu Hồng trên khắp mọi miền Tổ quốc và Việt kiều ở nước ngoài luôn hướng về Đền Hùng (Phú Thọ) - mảnh đất thiêng của dân tộc để tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị Quốc Tổ đã có công mở lối, xây nền và khai sáng cho giang sơn gấm vóc Việt Nam.
Người dân khắp mọi miền Tổ quốc nườm nượp trẩy hội Đền Hùng trong ngày 11-4-2011. Ảnh: THIỆN VĂN |
Sáng ngày 11-4 (tức mồng 9 tháng 3 năm Tân Mão), hòa vào hàng vạn người nườm nượp đổ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trong lòng tôi nhen lên niềm bâng khuâng, tự hào và xúc động. Đi trên con đường thân quen từ cổng Đền Hùng lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với 499 bậc đá được chia làm 18 cấp - tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương, đồng bào ta khắp miền ngược xuôi từ Bắc tới Nam như thấy mỗi bước đi của mình có tâm linh của các bậc tiền nhân nâng niu, dìu dắt.
Từ Đền Hạ lên Đền Trung, Đền Thượng, trong “biển người” đông đúc, nhưng tôi không thấy cảnh chen lấn, lộn xộn thường xảy ra ở một số lễ hội khác. Bởi, hình như ai cũng hiểu rằng, trước vong linh tiên tổ, chỉ một chút sơ ý khiếm nhã cũng khó tìm được sự thanh thản trong ngày Quốc giỗ. Thế nên, mọi người nối gót một cách nhẹ nhàng, trật tự vào thắp nén nhang thơm trong Điện Kính Thiên để thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ và thành kính trước các Đức Quốc Tổ Hùng Vương. Trong dòng người ấy, tôi để ý một người phụ nữ mang mặc sang trọng, hai tay chắp trước ngực đứng khá lâu trước bàn thờ Tổ lầm rầm cầu khấn rất thành kính. Qua trò chuyện, tôi được biết bà là Đinh Kim Nguyệt, một kiều bào Ca-na-đa. Khi được hỏi về cảm tưởng hành trình về nguồn của mình, bà Nguyệt chia sẻ:
- Tôi đã về nước nhiều lần, nhưng thường tham dự giỗ Tổ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên tôi ra tỉnh Phú Thọ tham quan và thắp hương tưởng niệm các vị Quốc Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng. Dù ở xa quê gần nửa vòng trái đất, nhưng chúng tôi luôn hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên vì dòng máu Lạc Hồng vẫn cháy bỏng, tươi thắm trong huyết quản và trái tim mỗi người. Sau chuyến đi thăm viếng này, tôi sẽ truyền đạt lại không khí thiêng liêng ở Lễ hội Đền Hùng cho bà con kiều bào tại Ca-na-đa để mọi người thêm tự hào và cố gắng nguyện xứng đáng là con cháu các vua Hùng.
Đánh trống đồng phục vụ du khách về tham quan đất Tổ. Ảnh: THIỆN VĂN |
Về dự lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ, con Lạc cháu Hồng và Việt kiều không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh là cầu mong “Phúc, lộc, thọ, khang, ninh” cho gia đình và ước nguyện cho quốc thái dân an, dân cường nước thịnh, mà còn được sống trong không gian thấm đẫm những huyền tích đầy chất nhân văn từ thời Hùng Vương và thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương đất Tổ. Trong những trang phục truyền thống mộc mạc, dân dã, các bô lão, các mục đồng, các chàng trai, cô gái miền sơn cước các xã vùng ven Đền Hùng đã tái hiện và trình diễn Lễ rước kiệu, đâm đuống, đánh trống đồng, hát xoan, gói và nấu bánh chưng, giã bánh giầy... như đưa du khách trở về những ngày tháng hội hè rộn ràng, tươi vui của cư dân nông nghiệp thuộc nền văn minh lúa nước sông Hồng. Được tận mắt chứng kiến những màn diễn xướng dân gian đó, em Đỗ Thị Xuân Lan, sinh viên năm thứ hai Khoa Tài chính ngân hàng (Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Hà Nội) tâm sự:
- Gần hai năm học tập và sinh sống ở Hà Nội, nhịp sống đô thị ồn ào, náo nhiệt và các phương tiện nghe nhìn hiện đại dễ làm đầu óc lớp trẻ chúng em căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng lên tham quan Đền Hùng trong dịp này, hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống của ông cha, chúng em đã lấp được phần nào “khoảng trống” về kiến thức văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc. Thật thú vị và bổ ích anh ạ!
Ngoài các nghi lễ truyền thống như các năm trước, Lễ hội Đền Hùng năm 2011 được tỉnh Phú Thọ “làm mới” thêm bằng các hoạt động: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân theo nghi thức tế cổ truyền; lễ dâng hương tưởng niệm Đức Quốc Mẫu Âu Cơ; phục dựng lại lễ hội truyền thống rước Vua Hùng về làng ăn Tết; tổ chức Liên hoan tiếng hát Làng Xoan. Bổ sung những hoạt động này, theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, là không ngoài mục đích bảo tồn, giữ gìn những giá trị cốt lõi của văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương của dân tộc ta, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các nội dung, nghi lễ trong dịp giỗ Tổ nhằm chuẩn bị tốt nhất hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” trình UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
“Sự tử là để sự vinh, sự vong là để sự tồn”- Quan niệm truyền thống ấy của người Việt đã được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất, sâu đậm nhất trong việc duy trì, gìn giữ nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm của nhân dân Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Bởi thế, mỗi dịp tổ chức Lễ hội Đền Hùng, đồng bào ta dù sinh sống trên đất mẹ hay mưu sinh, lập nghiệp nơi đất khách quê người đều hướng về vị Quốc Tổ linh thiêng của mình với tình cảm sâu nặng nhất. Vẻ đẹp hướng thiện ấy đã được kiểm nghiệm trong lịch sử, lắng đọng, bồi đắp qua thời gian và đang hiển hiện trong mỗi trái tim, suy nghĩ của muôn triệu con Lạc cháu Hồng trong ngày hội trở về nguồn cội. Và trong làn hương trầm tỏa ra thơm ngát trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, tâm trạng tôi càng thêm xao xuyến khi câu ca quen thuộc ngân vang ngọt ngào bên tai: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Khai hội từ ngày 8-4 (tức mồng 6 tháng 3 âm lịch), giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng 2011 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của 6 tỉnh đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam là: Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi và Đồng Tháp. Lễ hội trải dài từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc, thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh. Hôm nay 12-4 (tức mồng 10 tháng 3 năm Tân Mão), Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi thức truyền thống. |
Ghi nhanh của NGUYỄN VĂN HẢI