-
THĂM VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM
(18/02/2013 09:02:28)
-
Để chuẩn bị tư liệu cho phim " KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG NGÃ SÁU_BẰNG LĂNG", sau chuyến "HÀNH PHƯƠNG BẮC", tôi đã xách máy quay lang thang về Đồng Tháp, mong ghi lại một số hình ảnh về vùng đất và con người xứ Bưng Biền này. Xin giới thiệu đến các đồng chí và các bạn loạt hình ảnh tư liệu mà MB đã ghi nhận được.
PHẦN I: THĂM VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM (Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)
Vị trí địa lý
Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Tọa độ địa lý 10°40′ – 10°47′ vĩ bắc, 105°26′ - 105°36′ Đông với tổng diện tích 7.588 ha nằm trong địa giới của 5 xã (Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sinh) và Thị trấn Tràm Chim, với số dân trong vùng là 30.000 người.
Lược sử:
- Năm 1985, Tràm Chim được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thành lập với tên gọi là Công ty Nông Lâm Ngư trường Tràm Chim, với mục đích là trồng tràm và khai thác thủy sản, và vừa giữ lại được một phần hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa.
- Năm 1986, loài sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi), được tái phát hiện ở Tràm Chim.
- Năm 1991, Tràm Chim trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim cấp tỉnh, nhằm bảo tồn loài sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii).
- Năm 1994, nơi đây trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim, cấp quốc gia, theo Quyết định số 47/TTg ngày 2 tháng 2 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo thông tư số 4991/KGVX, với diện tích 7.500 ha. Tháng 9 năm 1998, dự án đầu tư của khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim được Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng II Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh sửa theo đó diện tích khu bảo tồn là 7.588 ha.
- Năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim theo Quyết định số 253/1998/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Địa hình
Nói chung là thấp trũng, nơi cao nhất là 2,3 m, nơi thấp nhất là 0,4 m (so với mực nước biển Tây Nam Bộ).
- Những vùng đất trũng chiếm 152 ha
- Những vùng gò cao chiếm 194 ha
- Vùng phẳng chiếm 5858 ha
-
Hệ sinh thái động vật
Vườn quốc gia Tràm Chim, có diện tích 7.588 ha, thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đặc biệt là một loài chim hạc còn gọi là sếu đầu đỏ (Grus antigone) hay sếu cổ trụi.
Hệ sinh thái thực vật
Với các yếu tố tự nhiên: trầm tích, địa mạo, và đặc tính đất khá đa dạng, từ đất xám, phát triển trên nền trầm tích cổ Pleistocen, đến những nhóm đất phù sa mới và đất phèn phát triển trên trầm tích trẻ Holocen đã góp phần làm đa dạng các quần xã thực vật tự nhiên. Kết quả khảo sát từ 2005–2006 ghi nhận được 130 loài thực vật, phân bố đơn thuần cũng như xen kẻ với nhau tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng.
Hệ sinh thái rừng tràm
Rừng tràm (Melaleuca cajuputi) là thảm thực vật thân gỗ có diện tích lớn nhất, diện tích khoảng 2968 ha. Do tác động con người, hầu hết những cánh rừng tràm nguyên sinh đã biến mất và hiện nay chỉ còn lại là những cánh rừng tràm trồng, thuộc loài Melaleuca cajuputi (họ Myrtaceae), nhưng do được bảo tồn nhiều năm nên có những cụm tràm phân bố theo kiểu tự nhiên. Hai kiểu phân bố được ghi nhận: tập trung (khoảng 1.826 ha) và tràm phân tán. Tràm phân tán có sự hiện diện thảm cỏ xen kẽ gồm các loài năng ống (Eleocharis dulcis), cỏ mồm (Ischaemum rugosum và I. indicum), hoàng đầu Ấn (Xyris indica), nhĩ cán vàng (Utricularia aurea), cỏ ống (Panicum repens), súng (Nymphaea lotus), cú muỗi (Caprimulgusmaeruru), chèo bẻo (Dicrurus macrocercus), hút mật (Aethopiga siparaja), vành khuyên (Zosterops palpebrosa), chim sẻ (Carpodacus erythrinus), én (Apus affinis), rẻ quạt (Rhipidura albicollis), chích chòe (Lucustella lanceolata)
Những loài chim thường gặp: cò trắng (Egretta garzetta), cò bợ (Ardeola bacclus), cò lửa (Ixobrychus sinensis), cò lép, vạc (Nycticorax nycticorax), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), điêng điểng (Anhinga melanogaster), cồng cộc (Pharacrocoraxniger), tu hú, cú ngói (Streptopelia tranquebarica), cú cườm (Caprimulgusmaerurus), cú (Tyto capensis),
Đồng ngập nước theo mùa
Đồng cỏ ngập nước theo mùa là một trong những hệ sinh thái khá phổ biến trong khu vực VQG Tràm Chim. Những loài thực vật phát triển với mật độ cao đã thành những đồng cỏ đơn thuần, trong khi đó có những loài cùng phát triển chung với các loài thực vật khác đã tạo nên những quần xã hoặc hội đoàn thực vật tiêu biểu của vùng đất ngập nước.
Đồng cỏ năng
Đồng cỏ năng (Eleocharis sp.) chiếm diện tích khoảng 2.968 ha, tạo thành một trong những thảm cỏ rộng lớn; bao gồm đồng cỏ năng kim (Eleocharis atropurpurea) - đây là bãi ăn của loài chim sếu (Grus antigone), khoảng 235 ha, năng ống (Eleocharis dulcis), 1.277 ha, và hợp với các loài khác tạo thành các quần xã thực vật: năng kim – năng ống (E. atropurpurea – E. dulcis), vài nơi xuất hiện của hoàng đầu Ấn (Xyris indica); năng kim - cỏ ống (E. atropurpurea – P. repens); năng ống - cỏ ống (E. dulcis – P. repens), khoảng 937 ha; năng ống - cỏ ống – lúa ma (E. dulcis - P. repens – O.rufipogon), 443 ha; năng ống - cỏ ống - cỏ chỉ (E. dulcis - P. repens – C. dactylon), khoảng 72 ha. Những nơi có địa hình thấp và ngập nước quanh năm thì xen lẫn trong quần xã năng là những loài thực vật thủy sinh như nhĩ cán vàng (Utricularia aurea), súng ma (Nymphaea indicum), rong đuôi chồn (Ceratophyllum demersum).
Những loài chim thường gặp: sếu (Grus antigone), cò trắng (Egretta garzetta), cò bợ (Ardeola bacclus), trích cồ, trích đất, vịt trời (Anas poecilorhyncha), le khoang cổ (Nettapus coromandelianus), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), cò lửa (Ixobrychus sinensis), cò lép.
Đồng cỏ mồm
Đồng cỏ mồm (Ischaemum spp.); chiếm diện tích khá nhỏ so với các cộng đồng thực vật khác, khoảng 41,8 ha. Bao gồm mồm đơn thuần và quần xã mồm - cỏ ống (Ischaemum spp.- Panicum repens). Phân bố hiện diện chủ yếu trên những dải liếp, bờ đất có địa hình cao cục bộ trong một vùng địa hình thấp.
Những loài chim thường gặp: cồng cộc (Pharacrocoraxniger), chiền chiện (Prinia flaviventris), cò bợ (Ardeola bacclus), cò lửa (Ixobrychus sinensis), cút nhỏ (Turnix syluatica), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), cú (Tyto capensis), giang sen (Mycteria leucocephala), già đãy (Leptoptilos dubius).
Đồng cỏ ống
Đồng cỏ ống (Panicum repens); cỏ ống phân bố trên một diện rộng, chiếm diện tích khoảng 958,4 ha, ở dạng đơn thuần với mật độ lên đến 98% hoặc cùng xuất hiện với các loài thực vật thân thảo khác: cỏ ống - cỏ sả (Panicum repens - Cymbopogon citratus), khoảng 23 ha, chủ yếu trên đất giồng cổ; cỏ ống – lúa ma (Panicum repens – Oryza rufipogon), khoảng 268 ha; cỏ ống - cỏ chỉ (Panicum repens – Cynodon dactylon), khoảng 50 ha; cỏ ống – mai dương (Panicum repens – Mimosa pigra), khoảng 86 ha, đây là khu quần xã cỏ ống bị mai dương (Mimosa pigra) xâm hại.
Những loài chim thường gặp: công đất (Houbaropsis bengalensis), chiền chiện (Prinia flaviventris), sơn ca (Alauda gulgula), sẻ bụi (Saxicola caprata), trảu đầu hung (Merops superciliosus), cú (Tyto capensis), trích, cò (Ardeola bacclus), giang sen (Mycteria leucocephala), già đãy (Leptoptilos dubius), chích đầm lầy (Locustella certhiola)
Đồng lúa ma
Đồng lúa ma (Oryza rufipogon); phân bố khá rộng, chiếm diện tích khoảng 824 ha. Tuy nhiên, cánh đồng lúa ma (Oryza rufipogon) đơn thuần có diện tích khá nhỏ, khoảng 33 ha, diện tích còn lại có sự hiện diện của lúa ma là sự kết hợp với những loài thực vật khác tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng cho vùng đất ngập nước: lúa ma - cỏ ống (O. rufipogon – Panicum repens), khoảng 544 ha; lúa ma - cỏ bắc (Oryza rufipogon - Leersia hexandra), khoảng 160 ha; lúa ma - cỏ ống - cỏ chỉ ( O. rufipogon – P. repens – C. dactylon), khoảng 83 ha.
Hầu như tất cả các loài chim trong Tràm Chim đều thích với đồng lúa ma, kể cả sếu đầu đỏ (Grus antigone), sinh cảnh này đa dạng sinh học rất cao.
Lác nước
Lác nước (Cyperus malaccensis); phân bố rải rác dọc theo kinh đào và dọc theo đường rạch cũ, diện tích tập trung chỉ khoảng 2 ha.
Hệ sinh thái đầm lầy
Nghễ (Polygonum tomentosum) phân bố ở những nơi địa hình trũng thấp, khoảng 159 ha. Trong đó, nghễ đơn thuần chiếm khoảng 138 ha, phần còn lại hiện diện chung với loài thực vật khác như lúa ma (O. rufipogon), rau dừa (Jussiaea repens), nhĩ cán vàng (Utricularia aurea).
Những loài thường gặp: cò lửa (Ixobrychus sinensis), cò lép (Egretta garzetta), cò ốc (Anastomus oscitans), cò bợ (Ardeola bacclus)
Hội đoàn sen – súng (Nelumbium nelumbo – Nymphaea spp.) chủ yếu trên các vùng đầm lầy ngập nước quanh năm, dọc theo khu trũng thấp của dòng sông cổ, chiếm diện tích khoảng 158 ha.
Những loài chim thường gặp: le hôi (Tachybaptus raficollis), le khoang cổ (Nettapus coromandelianus), vịt trời (Anas poecilorhyncha), trích cổ, trích ré, gà lôi nước (Hydrophasianus chirurgus), gà nước vằn (Rallus striatus), cuốc ngực nâu (Porzana fusca), mòng két (Anas crecca), bói cá (Ceryle rudis).
Tiềm năng du lịch
Đến Tràm Chim, du khách sẽ bắt gặp ẩn hiện trước cảnh bao la của đất trời Đồng Tháp mênh mông đầy nước. Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 dương lịch, đây là nơi cư trú của khoảng 60% quần thể sếu đầu đỏ, là loài chim cao nhất trong các loại chim bay trên thế giới.
(Theo Wikipedia Tiếng Việt)
Đoạn phim do Mạnh Bình thực hiện Tháng 12 năm 2012